Sài Gòn: Hai ngôi chợ dành cho thú chơi ‘cá chậu, chim lồng’

Họp từ lúc 3 giờ – 6 giờ sáng nên chợ cá kiểng còn được gọi là chợ “âm phủ” – Ảnh cắt từ video của Tiền Phong

Những người mê chơi cá kiểng, chim và gà chọi ở Sài Gòn đều biết hai ngôi chợ này.

Chợ sỉ bán cá kiểng ở Sài Gòn chỉ họp trong ba tiếng đồng hồ mỗi ngày, từ 3 giờ sáng – 6 giờ sáng, trên lề đường Lưu Xuân Tín (quận 5, Sài Gòn), thường được gọi là chợ “âm phủ” vì chợ họp trong cảnh tranh tối tranh sáng (chỉ có ánh sáng của đèn đường và ánh sáng từ đèn pin của chủ lẫn khách), tồn tại trên 20 năm.

Đủ thứ loại cá kiểng được tập hợp bày bán ở chợ này, từ loại bình dân vài trăm đồng một con đến loại quý hiếm vài triệu đến vài chục triệu đồng một con. Một tiểu thương bán ở chợ này gần 20 năm kể trên video của Tiền Phong ngày 20 Tháng Tám 2023.

Cá được đựng trong bao nylon căng tròn có nước và oxy đặt trên vỉa hè – Ảnh cắt từ video của Tiền Phong

Các loại cá đều đựng trong bọc nylon to căng phồng có chứa sẵn nước và oxy bên trong, bày la liệt trên vỉa hè. Một bọc khoảng chừng 50-60 con cá, giá trung bình 150,000 – 200,000 đồng, rẻ hơn mua lẻ ở tiệm cá kiểng khoảng 20%.

Muốn mua cá, khách (người mua để chơi tại nhà hoặc mua về để bán lẻ) quỳ mọp trên vỉa hè, soi từng bọc hoặc cầm lên săm soi tìm giống cá mà mình ưa thích.

Không chỉ có dân Sài Gòn, nhiều người mê cá kiểng từ các huyện Củ Chi, Hóc Môn, quận 8 (Sài Gòn), thậm chí Long An, Bình Dương… cũng đến đây tìm mua cá kiểng.

Bên cạnh cá kiểng, ngôi chợ độc đáo này còn bán một ít rùa, baba, ốc cảnh… dành cho người thích nuôi những con vật này.

Đến khoảng 6 giờ sáng là toàn bộ tiểu thương thu dọn hàng, ngôi chợ “biến mất” như chưa từng tồn tại.

Săm soi từng bọc cá kiểng khi trời vừa tảng sáng – Ảnh cắt từ video của Tiền Phong

Ngoài chợ cá kiểng, Sài Gòn còn có chợ bán sâu bọ, côn trùng… dành cho những người đam mê nuôi chim.

VnExpress, Dân Trí hồi Tháng Mười Hai 2016 có tường thuật về ngôi chợ này. Mới nhất là bài viết của VietnamNet hồi Tháng Hai 2021.

Ngôi chợ sâu bọ này không có tên, có khoảng 10 người bán, họp trong khoảng 30m2 ở đầu đường Thuận Kiều, quận 5, bên hông tòa cao ốc Thuận Kiều Plaza (mặt chính đường Hồng Bàng, quận 5), thấm thoát cũng vài chục năm.

Cô Lành (54 tuổi) kể với VnExpress đã bán tại chợ gần 20 năm. Theo cô từ trước Tháng Tư 1975, ở đây chuyên bán chim, gà chọi… Sau đó, một số người mới đem sâu tới bán cho người ta mua về nuôi chim. Thấy bán được, nên nhiều người bắt sâu, dế, cào cào, châu chấu… đem ra đây giao mối, nên hình thành ra chợ.

Người mua hàng ở chợ sâu bọ toàn là đàn ông có thú chơi chim và gà chọi – Ảnh: VnExpress

Ngôi chợ này họp từ 5 giờ sáng đến 18 giờ hằng ngày, bán đủ loại côn trùng, sâu bọ, từ dế, cào cào, châu chấu, sâu gạo, sâu quy, tắc kè, thằn lằn… đến những loại hiếm như ve đầu mùa, bọ cạp, rết, trứng kiến.

Tiểu thương của chợ là người vùng ngoại ô Hóc Môn, Củ Chi, xa hơn đến từ tỉnh Long An, Bình Dương hoặc Tây Ninh. Họ chạy xe máy đến đây mỗi ngày và bày thau chậu, thùng xốp ra vỉa hè để “họp chợ”. Hàng hóa của họ là côn trùng, sâu bọ tươi (còn nhảy, còn bò, còn gáy) và cũng có cả côn trùng khô. Dù người bán đến từ đâu thì giá các loại côn trùng, sâu bọ cùng loại của chợ này đều như nhau, khách mua không cần trả giá.

Những vị khách của ngôi chợ này toàn là đàn ông. Có khi họ chở theo lồng chim, mua sâu bọ, côn trùng cho chim ăn tại chỗ.

Trứng kiến là mặt hàng có giá cao nhất ở chợ sâu bọ – Ảnh: VnExpress

Mặt hàng bán chạy nhất chợ là châu chấu, cào cào, được người bán đựng sẵn trong bịch. Loại hàng này phải đi săn trên đồng, nhưng dế thì có chủ nuôi ở Củ Chi, Tây Ninh.

Những loài sâu quy, sâu gạo… thức ăn của cả chim và gà chọi, được bán theo lon. Có sâu còn sống và có cả sâu khô.

Món hàng có giá đắt nhất ở chợ sâu bọ là trứng kiến, món ăn ưa thích của các loài chim họa mi, chào mào, chòe lửa…

Có hàng bán sâu bọ còn bày thêm cả lồng, thức ăn, dụng cụ nuôi chim…

Ngày xưa, chợ sâu bọ là điểm tụ tập của dân chơi và mua bán chim, gà chọi… Họ đến mua sâu bọ cho chim ăn, khoe nhau những chú chim và gà chọi, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm của nhau.  Từ sau khi Thuận Kiều Plaza xây dựng xong (khoảng năm 2000) thì chợ không còn nhộn nhịp như trước.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: