Sao Bộ Trưởng ‘Thánh nổ’ Nguyễn Mạnh Hùng chưa từ chức vậy ta!

Bộ Trưởng Nguyễn Mạnh Hùng và lời tuyên bố hùng hồn. (Hình: 首相官邸ホームページ-Wikipedia.org-Unsplash)

Bộ trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông (bộ 4T) Nguyễn Mạnh Hùng từng hai lần hứa sẽ từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ, vậy mà bây giờ lại tráo trở và đổ lỗi cho những người đứng đầu là các ông Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính và Tô Lâm.

Ông Hùng là bộ trưởng nổi tiếng với nhiều tuyên bố chấn động dư luận, và được mệnh danh là “thánh nổ” của CSVN.

Ví dụ như năm 2019, trong lễ ra mắt mạng xã hội Lotus của VCCorp (tập đoàn công nghệ truyền thông Việt Nam), ông Hùng “nổ” bung trời: “Đây chính là sức mạnh Việt Nam, sức mạnh của tất cả chúng ta. Tôi có một niềm tin rằng người Việt Nam sẽ làm ra những thứ mà thế giới chưa từng làm!”

Tới giờ này thì chẳng thấy ai xài cái mạng vĩ đại mà thế giới chưa từng làm này. Thậm chí người ta cũng không biết mạng Lotus là mạng gì.

Năm 2020, ông Hùng tuyên bố Việt Nam sẽ sản xuất những chiếc smartphone với giá $20 (khoảng 500,000 VNĐ) để 100% người dân có thể sử dụng điện thoại thông minh. Đến nay là gần hết năm 2024, nhưng cái “smartphone 20 đôla” của ông Hùng vẫn chưa thấy đâu.

Trước khi làm bộ trưởng bộ 4T, ông Hùng mang hàm thiếu tướng quân đội, từng là chủ tịch kiêm tổng giám đốc Viettel (một công ty sân sau của quân đội cộng sản). Từ năm 2016 tới nay, ông cũng kiêm nhiệm chức phó Ban Tuyên Giáo Trung Ương. Có lẽ vừa là tướng, vừa làm kinh tế lại vừa làm tuyên giáo nên cái bệnh vĩ cuồng của ông bộ trưởng 4T càng ngày càng “thăng hoa.”

Ông Nguyễn Mạnh Hùng (thứ hai từ phải). (Hình: 首相官邸ホームページ-Wikipedia.org)

Ông Hùng cũng “nổ” hăng tới mức, từng hai lần tuyên bố sẽ từ chức nếu không làm được việc. Những tuyên bố hùng hồn chắc có lẽ chỉ để nhận được những tràng pháo tay từ hội trường, chứ thật ra vẫn như lời cố tổng thống Nguyễn Văn Thiệu từng nói “đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn những gì cộng sản làm.”

“Thánh nổ” có hai lần nói từ chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ 

Lần đầu tiên ông hứa từ chức là tại Diễn đàn quốc gia về Phát Triển Doanh Nghiệp Công Nghệ Số, ngày 11 Mười Hai 2021, có sự chứng kiến của Thủ Tướng Phạm Minh Chính. Bộ trưởng 4T hứa là sau một năm, chuyển đổi số sẽ mang lại kết quả “giúp cho người dân hạnh phúc, đất nước phát triển.”

Ông Hùng cam kết với ông Chính rằng: “Nếu ngày này năm sau thủ tướng đến diễn đàn, mà không nhìn thấy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ số, các sản phẩm do những doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm ra, giúp cho người dân hạnh phúc, đất nước phát triển, tôi xin phép từ chức!”

Kết quả là một năm sau ông Hùng chẳng làm gì cho dân cho nước, nhưng vẫn không từ chức mà lại tiếp tục hứa.

Ngày 18 Tháng Mười Hai 2022, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, cũng trước sự chứng kiến của ông Chính, ông Hùng tiếp tục tuyên bố: “Năm 2022 cũng là lần đầu tiên mà cán bộ, nhân viên nhận nhiệm vụ mới ở bộ đã hứa, sau một năm nếu không hoàn thành nhiệm vụ thì chủ động xin từ chức, ‘nhường chỗ’ cho người khác trong năm tới.”

Dĩ nhiên, tới năm 2023 thì ông Hùng cũng không thể thực hiện những lời hứa hùng hồn của mình. Và rồi bộ trưởng 4T lại hứa tiếp, hứa rất… hùng hổ, rằng “năm 2023 là năm nâng cao chất lượng làm thể chế. Năm 2023 là năm chất lượng, bền vững của hạ tầng số. Năm 2023 cũng là năm xử lý triệt để sim rác. Năm 2023 là năm dữ liệu quốc gia. Năm 2023 là năm thực thi các chiến lược đã ký. Năm 2023 là năm sử dụng trí tuệ nhân tạo để tạo ra trợ lý ảo, đạt mức chuyên gia, cho các lĩnh vực, các doanh nghiệp, các tổ chức. Năm 2023 là năm vận hành các hệ thống giám sát online. Năm 2023 là năm dùng công nghệ cao, công nghệ mới để giải bài toán nhỏ Việt Nam nhưng tạo ra giá trị lớn.”

Chưa hết, “năm 2023 là năm đưa doanh nghiệp công nghệ số đi ra nước ngoài, chinh phục thế giới, đóng góp cho sự phát triển của nhân loại và làm thịnh vượng Việt Nam. Năm 2023 là năm đưa báo chí, xuất bản lên các nền tảng số. Năm 2023 là năm thay đổi nhận thức của các cấp chính quyền về truyền thông. Năm 2023 là năm tập trung lành mạnh hóa báo chí. Năm 2023 cũng là năm quản lý các nền tảng xuyên biên giới vào đúng qui định của pháp luật Việt Nam. Năm 2023 cũng là năm nhấn mạnh lại nội hàm của khẩu hiệu hành động Làm gương – Kỷ cương – Trọng tâm – Bứt phá”.

Nổ riết thì quá đà, rồi chẳng làm nên việc gì ra hồn. Để rồi sau “cơn bão từ chức” của các lãnh đạo cộng sản gần đây, có lẽ áp lực từ chức của ông Hùng cũng lớn dần theo sự nghiệp nổ của ông ta.

Đổ lỗi cho ‘người đứng đầu’

Nhưng thay vì từ chức để bảo vệ danh dự, ông Hùng lại tráo trở đổ lỗi cho cấp trên. Cuối Tháng Bảy vừa qua, trong một hội nghị của bộ 4T, ông nhấn mạnh về vai trò mang tính quyết định của người đứng đầu.

Bộ trưởng 4T nói: “Chuyển đổi số là cuộc cách mạng về thay đổi hơn là cuộc cách mạng về công nghệ. Chuyển đổi số 70% là thay đổi, 30% là công nghệ. Chuyển đổi số muốn thành công quyết định ở việc người đứng đầu muốn thay đổi.”

Theo ông Hùng, bộ 4T đã cơ bản hoàn thành nhiệm vụ và sẵn sàng chuyển đổi. Nhưng “yếu tố quyết định sự thành công của công cuộc chuyển đổi số quốc gia bây giờ đang nằm trong tay những người đứng đầu các cấp. Nếu người đứng đầu không trực tiếp vào cuộc, không trực tiếp chỉ đạo, không trực tiếp làm, không trực tiếp dùng, không trực tiếp tự mình chuyển đổi thì sẽ không thành công,” ông Hùng nói.

Như vậy, có thể thấy ông Hùng đã phủi bỏ trách nhiệm của mình và đổ lỗi cho những người đứng đầu. Cụ thể là Thủ Tướng Phạm Minh Chính, cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, và bây giờ là ông Tô Lâm. Với việc đổ lỗi này, có lẽ ông Hùng muốn gửi đi thông điệp rằng thủ tướng và tổng bí thư phải từ chức để chịu trách nhiệm của người đứng đầu.  Nếu ông Tô Lâm mà hiểu được thông điệp này thì thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khó có thể hạ cánh an toàn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: