Vụ tai nạn xảy ra vào khoảng 17g30 ngày 3 Tháng Sáu, tại điểm khai thác mỏ đá Pắc Luốc 1 thuộc thôn Nà Tèn, thị trấn Yên Minh, huyện Yên Minh, Hà Giang.
Anh Đặng Anh T. (sinh năm 1970, trú tại thôn Đồng Mông, xã An Bình, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình) và Giàng Dũng L. (sinh năm 1985, trú tại thôn Xín Chải, xã Lao và Chải, huyện Yên Minh), đang làm nhiệm vụ kiểm tra an toàn và cậy những khối đá rời sau nổ mìn thì bất ngờ đá lở. Người dân vội đưa anh Giàng Dũng L. ra khỏi hiện trường và chuyển đi cấp cứu, còn anh Đặng Anh T. ở vị trí cao hơn nên việc tìm kiếm rất khó khăn.
Đến khoảng 21 giờ, lực lượng cứu nạn mới tìm được anh T. và đưa nạn nhân ra khỏi vị trí vùi lấp.
Tuy nhiên, cả hai nạn nhân đều không qua khỏi.
Hầu như năm nào, Việt Nam cũng xảy ra những vụ tai nạn thương tâm như vậy, bởi việc khai thác đá núi dù nguy hiểm và cực nhọc vẫn là một nghề làm ăn phổ biến, được nhà nước cấp phép. Năm 2021, việc sập mỏ đá thuộc thuộc Công ty TNHH Havico khiến hai người tử vong và hai người bị thương tại xã Thanh Thủy (Thanh Liêm, Hà Nam).
Năm 2020, khi các công nhân mỏ đá của công ty Cổ phần khai thác chế biến khoáng sản Thông Đạt, tại thị trấn Kiện Khê, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, đang làm việc thì bất ngờ mỏ đá bị sập. Vụ tai nạn lao động làm hai công nhân tử vong.
Sau các tai nạn chết người như thế, báo chí chỉ thông tin vụ việc sẽ được công an điều tra, không hề có thông tin về việc doanh nghiệp thực hiện quy định bảo hộ an toàn lao động như thế nào, hoặc chi trả tiền bảo hiểm cho nạn nhân ra sao.