Như báo chí đã đưa tin, từ 15 giờ chiều Thứ Sáu tuần trước, giá xăng dầu ở Việt Nam đã đồng loạt tăng thêm gần 3,000 đồng mỗi lít; giá xăng RON 95 – loại xăng mà hầu hết xe hơi và xe gắn máy sử dụng – lên 29,820 đồng mỗi lít, tương đương $1.31/lít (theo tỷ giá 22,700 đồng ăn 1 đô la của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam); các loại xăng dầu khác cũng có mức tăng tương ứng.
Tăng giá xăng dầu là “chuyện thường ngày” ở Việt Nam, mỗi khi thị trường xăng dầu thế giới biến động hoặc kho bạc nhà nước bị cạn tiền thì nhà cầm quyền Hà Nội lại bày ra trò tăng giá xăng dầu. Xăng dầu là mặt hàng “nhu yếu” không có không được, cho nên mỗi lần xăng tăng giá, người dân lại chửi đổng trong các quán cà phê quán nhậu, lại cằn nhằn nhưng rồi phải bấm bụng, móc ví ra đổ xăng, không có cách nào khác.
Và mỗi lần tăng giá xăng, các quan chức lãnh đạo cao cấp của chính quyền Hà Nội lại lên truyền hình trấn an người dân và doanh giới rằng, tăng giá là “bất khả kháng do giá dầu thế giới tăng”, rằng sau khi tăng, “giá xăng dầu của Việt Nam vẫn thấp hơn giá của thị trường thế giới và khu vực”, v.v…
Thực ra lập luận đó không đúng. Với mức giá mới, xăng dầu ở Việt Nam hiện cao nhất nhì các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN); cao hơn Cambodia ($1.157, tương đương 26,600 đồng/lít); Malaysia ($0.491 tức 11,300 đồng); Indonesia ($0,895, tức 20,560 đồng) và Philippines ($1,261, tương đương 28,978 đồng). Nên để ý thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ cao hơn một chút so với Cambodia và thấp hơn rất nhiều so với các nước kia. Ví dụ, người dân Malaysia (Mã Lai) có mức thu nhập bình quân hàng năm $11,378, gấp ba lần người Việt Nam ($3,756) nhưng được mua xăng dầu với giá chỉ hơn một phần ba giá xăng của Việt Nam.
Sở dĩ giá xăng ở Việt Nam cao như vậy là do mỗi lít xăng phải gánh chịu nhiều khoản thuế và phí, như thuế nhập cảng 10% tính theo giá nhập cảng, thuế tiêu thụ đặc biệt 10% (tính theo giá đã chịu thuế nhập cảng), thuế giá trị gia tăng 10% (tính sau thuế tiêu thụ đặc biệt); ngoài ra còn phải chịu những thứ phí “quái đản” như phí bảo vệ môi trường 4,000 đồng/lít xăng; định mức lợi nhuận của doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu (để doanh nghiệp không bao giờ bị lỗ), phí đóng vào quỹ bình ổn giá 300 đồng/lít v.v… Những thứ thuế và phí như vậy chiếm từ 42% đến gần một nửa giá bán một lít xăng và là nguồn thu quan trọng của kho bạc nhà nước.
Đợt tăng giá xăng dầu cuối tuần qua là lần tăng giá thứ bảy tính từ giữa Tháng Mười Hai năm ngoái đến nay; từ 22,800 đồng lên gần 30,000 đồng/lít, tức là tăng 7,020 đồng hay 31%. Đáng chú ý là vào cuối năm 2019, tức là trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu, giá xăng ở Việt Nam chỉ 11,000 đồng/lít.
Sau hai năm đại dịch thất điên bát đảo, giá xăng đã tăng thêm 170%. Cũng nên để ý rằng Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tài nguyên dầu khí; các mỏ dầu ở Biển Đông hiện cho phép khai thác 245,000 thùng dầu mỗi ngày, đem về cho kho bạc nhà nước Hà Nội một khoản thu không nhỏ, nhất là khi giá dầu thế giới tăng như trong vài tháng qua, nhưng người dân hầu như không được hưởng lợi từ nguồn tài nguyên này.
Xăng dầu là mạch máu của nền kinh tế; xăng tăng giá kéo theo giá cả tất cả các loại hàng hóa và dịch vụ khác, nhất là giá lương thực thực phẩm vì mỗi con cá cọng rau từ vườn ruộng của nông dân ra đến chợ đều cần có xăng dầu. Vì thế, báo chí trong nước vài hôm nay đăng khá nhiều lời than phiền của các chủ công ty, từ các nhà vận tải hành khách, hàng hóa đến các chủ bếp ăn và công ty sản xuất công nghiệp.
Chịu ảnh hưởng nặng nhất có lẽ là các công ty vận tải, hãng taxi và hàng triệu người chạy “xe ôm công nghệ” đưa đón khách đi lại, giao nhận thức ăn và đủ thứ hàng hóa linh tinh khác. Trước đà tăng phi mã của giá xăng dầu mà giá cước vận chuyển chưa được điều chỉnh thích hợp, hàng ngàn người lái xe của các “hãng xe công nghệ” như Grab, GoViet… đã quyết định “tắt app”, tức thà chịu ngồi không mất việc còn hơn là bị lỗ vốn, lỗ công sức, báo Tuổi Trẻ đưa tin.
Như đã nói trên, kinh tế Việt Nam đã thất điên bát đảo trong hai năm đại dịch, nhất là năm ngoái 2021 do những biện pháp chống dịch cực đoan, ngu xuẩn và tai hại của nhà cầm quyền Hà Nội. Đến nay, dịch COVID-19 đã căn bản trở thành bệnh thông thường – số ca nhiễm vẫn rất cao nhưng tỷ lệ người bệnh nặng phải điều trị ở bệnh viện, số tử vong đã giảm mạnh; đa số người dân đã được tiêm vaccine và có thể tự điều trị ở nhà nếu chẳng may bị nhiễm virus.
Đây là lúc Việt Nam phải nhanh chóng mở cửa lại các ngành kinh tế, thúc đẩy sản xuất, tiêu dùng và lưu thông hàng hóa nhằm tạo công việc làm cho người dân và tăng trưởng. Tất cả các doanh nghiệp đều mong mỏi được tạo điều kiện thuận lợi để khôi phục hoạt động, lưu thông thuận lợi để cung cấp hàng hóa với giá rẻ hơn cho thị trường mà sức mua đã kiệt quệ sau thời gian dài phong tỏa chống dịch.
Vụ tăng mạnh giá xăng dầu đã tạt gáo nước lạnh vào kỳ vọng của người dân và doanh nghiệp, và nó chứng tỏ cung cách điều hành kinh tế hết sức tài tử của nhà cầm quyền Hà Nội, chỉ phục vụ lợi ích của các nhóm thân hữu trong ngành xăng dầu mà bất chấp những thiệt hại khổng lồ của nền kinh tế và cuộc sống của hàng triệu người dân.
***
Sau khi công luận và doanh giới phản ứng, Hà Nội cho biết sẽ có biện pháp giảm 50% khoản phí môi trường trong giá bán xăng dầu; mỗi lít xăng sẽ chỉ gánh thêm 2,000 đồng phí môi trường thay vì 4,000 đồng như hiện nay. Được biết vào ngày Thứ Hai 14 Tháng Ba, Bộ Tài chính sẽ thay mặt chính phủ trình đề nghị giảm phí môi trường để Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội (bù nhìn) họp xem xét và thông qua, và chỉ có thể được thực thi sớm nhất là từ ngày 1 Tháng Tư tới.
Chưa biết đề nghị giảm phí môi trường có được thông qua không nhưng một quan chức cao cấp của Bộ Tài Chính nói rằng, giảm như vậy sẽ làm cho ngân sách của chính phủ Hà Nội bị giảm mất 29,035 tỷ đồng trong năm nay. Cân nhắc giữa việc giảm thu ngân sách và kích thích kinh tế, chưa chắc đảng Cộng sản Việt Nam đã cho phép Quốc Hội chấp nhận đề nghị của chính phủ.
Cho dù phí môi trường được giảm 50% như thông tin nói trên thì với nhiều người, như thế vẫn chưa đủ; nhiều doanh nghiệp, chuyên gia cho rằng mức giảm phải đủ mạnh mới có ý nghĩa thiết thực hỗ trợ người dân và nền kinh tế… Một số người đề nghị bãi bỏ hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng để kéo giá xăng dầu xuống. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu nhưng phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% giống như rượu bia hoặc thuốc lá là điều hết sức phi lý vẫn cứ tồn tại dai dẳng chỉ nhằm tăng số thu cho nhà nước.
Trong lúc người dân và doanh nghiệp than vãn với giá xăng dầu cao gây khó khăn cho sản xuất và đời sống thì các công ty phân phối xăng dầu thuộc Bộ Công Thương cũng than phiền họ đang phải chịu lỗ từ 500 đến 700 đồng mỗi lít xăng dầu bán ra. Đó là dấu hiệu cho thấy, giá xăng dầu thời gian tới có thể chẳng những sẽ không giảm mà còn tăng do thế lực của đám kền kền này rất mạnh và người dân sẽ tiếp tục khốn khó với giá xăng dầu!