Sinh viên đón Tết trong nợ nần vì bị lừa kiếm tiền online

Giao diện website mà Thanh phải làm nhiệm vụ. Ảnh: VNExpress

Chiêu lừa tiền qua cách tuyển mộ bán hàng online tuy cũ nhưng vẫn rất còn hiệu nghiệm trong những ngày giáp Tết, khi nhiều sinh viên hối hả kiếm tiền trước khi về quê ăn Tết với gia đình.

Một trong nhiều nạn nhân là Cẩm Thanh, cô sinh viên năm thứ nhất tại Sài Gòn.

Thanh kể do trường cho nghỉ Tết sớm nên cô tận dụng thời gian trước khi về quê tìm việc làm kiếm thêm chút tiền phụ gia đình. Sau khi đăng thông tin tìm việc trên hàng loạt trang tuyển dụng, Thanh được một người liên lạc giới thiệu về công việc “tăng like video cho đối tác”.

Từ nhiệm vụ “like video” với thù lao “bèo bọt”, Thanh bị dụ dỗ vào nhóm “đặt đơn hàng” được trả thù lao hơn gấp ba cộng với tiền lãi lên đến 30% giá trị món hàng giao được, với điều kiện cô phải ứng trước số tiền từ 100.000 đến 700.000 đồng cho công ty để chuyển đổi thành tài khoản trên một website.

Thanh kể, “ngày đầu tiên tham gia đã lời gần một triệu đồng, trả thẳng về tài khoản. Đó là số tiền lớn đầu tiên tôi kiếm được”.

Niềm vui đó còn được “nhân đôi” khi ngày thứ hai, Thanh được trưởng nhóm trao cho “cơ hội” khác. Họ nói cô được phép “đầu tư” vài chục triệu đồng để kiếm tiền lời nhiều hơn. Thấy họ trả lời sòng phẳng, cô quyết định đập hết khoản lời hôm trước vào, bỏ thêm vài triệu tiền tiết kiệm và vay thêm bạn bè làm ăn, với quyết tâm “làm giàu thì phải có gan”.

Thề là Thanh dính bẫy, vì lúc này nhiệm vụ “đặt đơn hàng” trở nên phức tạp, yêu cầu nhiều thao tác hơn, trong khi thời gian rút ngắn. Nó y như một trò chơi online, càng vào sâu càng khó hoàn thành nhiệm vụ.

Minh họa: nationalnotary.org

Một lần, lấy lý do cô thao tác sai, hệ thống khóa tài khoản. Cô sau đó được trưởng nhóm hướng dẫn “làm bù”, bằng cách thực hiện nhiệm vụ với số tiền lớn hơn. Tiếc số tiền gốc và lãi sắp được nhận, Thanh chấp nhận chuyển tiền như yêu cầu, trong đó lần nhiều nhất là 28 triệu đồng.

Cho đến lúc Thanh chuyển vào hệ thống này gần 50 triệu thì cô mới biết mình bị lừa. Hệ thống tự động sập và cô không biết cách nào liên lạc với họ để hỏi số tiền của cô đi về đâu.

Thanh tự nhận là người luôn cẩn thận trong các khoản chi. Nhưng đến nay khi nhớ lại, Thanh cho biết khi được đưa vào đường dây, cô dường như bị “thao túng tâm lý”. Tác động từ việc liên tục bị thúc ép chọn nhiệm vụ trong thời gian ngắn, lo lắng mất số tiền đã nạp, đồng thời có một số “chim mồi” là các thành viên khác trong nhóm khoe làm nhiệm vụ thành công, cô bị tác động và làm theo yêu cầu. Thanh kể:

“Mỗi khi hoàn thành nhiệm vụ và tăng tiền, tôi luôn được yêu cầu vào nhóm nói cảm ơn. Có thể tôi cũng vô tình trở thành chim mồi để lừa người mới”.

Ông Ngô Minh Hiếu, nhà sáng lập dự án Chống lừa đảo, cho biết chỉ mới nửa tháng đầu năm 2023, dự án nhận được hàng chục báo cáo từ các nạn nhân là sinh viên bị lừa khi làm cộng tác viên online.

Theo ông Hiếu, mặc dù hình thức lừa đảo “làm cộng tác viên” không mới, chúng liên tục thay đổi về hình thức khiến nhiều người vẫn đồng ý tham gia. Trong số những người bị lừa, có cả sinh viên công nghệ thông tin, vốn tiếp xúc với môi trường mạng từ lâu.

Theo ông Hiếu, kịch bản chung của thủ đoạn là dụ dỗ người dùng vào cộng đồng bằng công việc đơn giản, mức thù lao hậu hĩnh. Thời gian đầu, kẻ gian sẽ thả mồi bằng cách trả đầy đủ gốc và lãi cho người dùng. Nhưng sau đó, mức tiền nạp vào ngày càng tăng cùng thủ đoạn dụ dỗ, dọa dẫm để nạn nhân làm theo. Cuối cùng, khi số tiền đủ lớn, hệ thống sẽ “sập”, hoặc lấy cớ nạn nhân vi phạm để không cho rút tiền, thậm chí yêu cầu nạp thêm nếu muốn lấy.

Giờ thì Thanh đã về quê, nhưng chắc cái Tết năm nay đối với cô chắc chẳng vui vẻ gì khi phải giấu kín nỗi buồn với gia đình. Cô chia sẻ:

“Tiếc tiền và khó chịu vì mình đã cực kỳ cảnh giác mà vẫn bị lừa. Tết này tôi sẽ quay lại thành phố sớm để vừa học vừa kiếm tiền trả nợ”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: