Một chủ doanh nghiệp tại Bình Dương gửi đơn tố giác sư Thích Minh Tuệ, nhờ công an điều tra xem sư Tuệ có phải là “phản động” và có liên kết với các thành phần phản động là Châu Ngọc Đời, Hoàng Duy Hùng hay không.
Thật sự vừa buồn cười, và cũng phải cho thêm một nụ cười buồn cho sự hỗn loạn của dân tình đất nước này.
Bà Nguyễn Thị Hoàng, 64 tuổi (không thể công bố thêm các chi tiết cụ thể vì lý do riêng tư) gửi thư cho đến cả Chủ Tịch Nước Lương Cường cùng nhiều cơ quan khác, trong đó nhờ công an Gia Lai điều tra việc ông Tuệ “chia rẽ tôn giáo, dân tộc” và “xúc phạm công an.” Chuyện gọi là xúc phạm, vì bà Hoàng nói trong một bức tâm thư, ông Tuệ diễn đạt rằng công an đã ngăn chặn không cho ông đi khất thực trong 108 ngày tại núi Sạn.
Trong lá thư dài ba trang giấy A4, nộp ngày 27 tháng Mười Một 2024, ký tên Nguyễn Thị Hoàng là chủ của công ty TNHH Hoàn Dương, còn nhiều hạng mục đòi hỏi phải điều tra và yêu cầu khác, chẳng hạn phải làm rõ sư Tuệ có quan hệ gì với sư Thích Minh Đạo. Bà này còn yêu cầu phá hủy cốc của sư Tuệ ở Gia Lai, cấm những người buôn bán và chạy xe ôm ở quán Cà Phê Nắng gần công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ… Điều quan trọng nhất là bà Hoàng đề nghị cấm xuất cảnh không cho ông Tuệ được đi lại, cũng như không được đi khất thực ở nơi khác cho đến khi điều tra xong.
Điều buồn cười là tất cả những yêu cầu này, qua đơn tố giác tội phạm cho thấy một giọng điệu căm ghét ngu xuẩn đối với một người tu hành chân phương, và cũng không có nhu cầu để đối đáp với bà ta. Hơn nữa, tất cả những thứ bà ta yêu cầu và định ra những nghi ngờ đều là những chuyện thao túng từ truyền thông bẩn, mà không cần đến công an, bất kỳ người dân bình thường lâu nay theo dõi câu chuyện sư Tuệ đều có thể trả lời đúng-sai ngay lập tức.
Còn chuyện phải cười buồn, là đất nước Việt Nam ngày càng hỗn loạn với loại công dân thích đứng về phía bóng tối để ném đá về những người đứng ngoài ánh sáng. Nhân danh tố cáo tội phạm, họ thể hiện sự hằn thù và ganh tị với những người mà họ không thể nào với tới được.
Lá thư này bỗng nhắc cho mọi người nhớ đến đơn tố cáo của ông Thích Nhật Từ dành cho Tịnh Thất Bồng Lai, mà nguyên cớ chỉ là sự ghét bỏ nằm trong vỏ bọc của kẻ mặc áo Phật.
Trên thực tế không có công an nào rảnh rỗi để đi làm những công việc mà bà Hoàng yêu cầu, và kể cả chuyện giải trình những điều này từ công ty Phát Tâm Thiên Định Tuệ, cho đến sư Thích Minh Tuệ, với cơ quan công an Gia Lai là quá dễ dàng. Một lời tố cáo ất ơ nào đó sẽ không thể ảnh hưởng đến một công dân bình thường, đặc biệt khi không có một chứng cứ phạm tội cụ thể, cũng như khi chưa có lệnh của Viện Kiểm Sát đưa xuống với những chứng cứ cần điều tra.
Bà Hoàng như vẫn sống trong một tâm tưởng của Việt Nam những ngày đầu sau năm 1975, lúc tất cả mọi thứ còn hoang mang và sự kiểm soát vẫn còn chưa đầy đủ, lúc đó đã có không ít người chỉ vì thù ghét nhau mà dán nhãn những tội trạng chính trị lên đó, trong việc trình báo. Nhưng vẫn đáng để suy luận, là phía sau bà Hoàng, chắc còn lởm khởm những bóng ma nào đó mang đậm tư duy “địch-ta” đang hà hơi tiếp sức.
Lá thư tố cáo đưa ra hơn chục yêu cầu đủ loại, mà mục đích chỉ có duy nhất là để hủy hoại danh tính của sư Tuệ cũng như là ngăn chặn hành trình của ông được tự do tu tập. Dĩ nhiên dù không thành công, thì lá thư này cũng làm cho bọn ma tăng, bọn con nhang của những loại thầy tu giả hiệu… vỗ tay, mở cờ trong bụng vì nghĩ cũng đã cào cấu được một ít nào đó, với kẻ mà họ tự dựng nên một sự căm thù. Còn đám đông không rành chuyện và mơ hồ trước những luồng thông tin không thể kiểm chứng được, thì cũng có thể hình thành một luồng xì xào cần thiết, có lợi cho những kẻ đổ đá hại người, ngăn cản bước đi.
Đọc qua lá đơn tố giác này, sao thấy nhớ thật nhiều đến chuyện trước đây, khi Thích Nhật Từ cùng bà Nguyễn Phương Hằng tung lời vu cáo rằng ông Lê Tùng Vân ở Tịnh Thất Bồng Lai là dâm loạn. Điều này đã khiến công an tỉnh Long An tiến hành điều tra trong nhiều tháng trời, bao gồm việc tổ chức bốn lần lấy mẫu ADN của các thành viên của Tịnh thất. Cuối cùng công an Long An vẫn không tìm ra được chứng cứ gì, và thời hiệu cuộc điều tra về tội danh này cũng đã kết thúc im lặng. Dĩ nhiên mục đích của những kẻ tố cáo không muốn gì khác hơn là làm nhục người mà họ muốn hãm hại. Bởi kết luận vô tội thì sẽ chậm, và không sớm lan đi nhanh như những tin đồn giật gân.
Với trường hợp sư Tuệ cũng vậy, lá đơn tố cáo đầy tính giật gân “phản động,” “chia rẽ tôn giáo, dân tộc,” “không phụng dưỡng cha mẹ”… cho thấy mục đích chính là để làm nhục sư Tuệ, chứ không hề để đòi hỏi một giá trị minh bạch nào. Lá đơn này chỉ là sự kết tinh của tất cả những điều thối nát từ trước đến giờ được góp lại từ những quần chúng ngu ngơ bị thao túng, từ miệng lưỡi của những tay ma tăng ganh tị đến mức ăn không ngon ngủ không yên trước sư Tuệ.
Điều mà ai cũng biết, chắc chắn lá đơn này chỉ là khởi đầu, đại diện cho những bóng tối đang ngày đêm, muôn mặt bao vây sư Tuệ, mà sự an nhiên và chân thành của ông, lạ thay lại có sức công phá bóng tối đến bất ngờ.
Sư Tuệ đã từng bị đánh, bị chặn lại trên đường đi, bị chất vấn, và bị coi là kẻ gây hại trong tương lai. Nhưng ông vẫn hoan hỉ. Rồi ông sẽ đi qua, sẽ bước qua những rác rưởi với đủ loại tên gọi của các hạng người trong xã hội hôm nay, mà những kẻ thù hằn, ganh ghét ông như gió bụi, sẽ không có một cơ may nào lưu lại được cái tên, hay gương mặt trong trí nhớ, trái tim của ông.