Sư trụ trì chùa Khmer bảo trợ sinh viên nghèo

Ngôi chùa phái Nam tông đẹp nhất đồng bằng sông Cửu Long ở Cần Thơ là Pitu Khôsa Răngsây – Ảnh: Pháp Luật Việt Nam

Nuôi hơn ngàn sinh viên nghèo thành tài, có người trở thành giám đốc công ty, có người đạt học vị thạc sĩ, tiến sĩ, đó là công lao của Thượng tọa Lý Hùng, sư trụ trì chùa Khmer đẹp nhất Cần Thơ.

Ngày 21 Tháng Mười, VietnamNet có bài viết về công đức của Thượng tọa Lý Hùng, sư trụ trì chùa Pitu Khôsa Răngsây, còn gọi là chùa Viễn Quang, tọa lạc tại số 27/18 đường Mạc Đĩnh Chi, phường An Cư, quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.

Ngôi chùa là địa điểm tín ngưỡng nổi tiếng của người dân sắc tộc Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, nằm giữa trung tâm TP.Cần Thơ, đồng thời cũng là nơi thầy Lý Hùng tạo điều kiện cho nhiều sinh viên nghèo sắc tộc Khmer ăn học miễn phí đến thành tài.

Từ năm 1996 đến nay, ông đã xây hai ký túc xá trong chùa để có chỗ ăn ở miễn phí cho sinh viên nghèo đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng ở TP.Cần Thơ.

Với sự giúp đỡ của Thượng tọa Lý Hùng, đã có hơn 1,000 sinh viên ra trường nên danh và lập nghiệp. Trong đó rất nhiều người trở thành giám đốc, hay học lên thạc sĩ, tiến sĩ, du học ở nước ngoài…

Theo Thượng tọa Lý Hùng, giáo dục là nền tảng nâng cao nhận thức nên ông chú trọng giúp đỡ tạo điều kiện cho những sinh viên nghèo ăn học thành tài – Ảnh: VietnamNet

Ông kể với VietnamNet: Lúc đầu còn nghèo, chùa chỉ trợ giúp vài em. Sau đó, chùa vận động được nguồn kinh phí nên cưu mang hàng chục em, có lúc lên đến 60 sinh viên. Các em sống trong chùa hoàn toàn miễn phí từ điện, nước, ăn uống, sinh hoạt…

Em nào khó khăn thì thông qua các dịp lễ hội, nhà chùa trao tặng học bổng hoặc tặng xe đạp cho các em đi học. Các em sinh sống như một thành viên trong chùa.

Tất nhiên, lúc vào ở trong chùa, cha mẹ các em sinh viên phải đồng thuận để cùng nhà chùa dạy dỗ các em, không chỉ về đức dục, mà còn khai mở cho các em về các lễ nghi, phong tục tập quán và văn hóa của sắc tộc Khmer, giống như một dịp xuất gia báo hiếu cha mẹ vậy.

Đa số các em sống trong chùa sau khi học xong đại học hay cao đẳng đều có công ăn việc làm ổn định. Cũng có em ở chùa, ngoài giờ học có đi bán bánh mì, bán vé số để có thêm tiền. Mỗi khi bánh mì bị ế thì các em lại mang về chùa, sư thầy mua hết.

Khi thành tài, một số em quay trở lại chùa trở thành Mạnh Thường Quân cùng phụ giúp các thầy lo cho đàn em học hành. Đó là điều mong mỏi nhất của thầy Lý Hùng.

Hai sinh viên Danh Trung Chánh và Lai Tấn Lực đang được Thượng tọa Lý Hùng cưu mang, lo chỗ ăn, ở miễn phí trong chùa – Ảnh: VietnamNet

Một sinh viên ngành Kỹ thuật Cơ điện tử – trường ĐH Cần Thơ, tên Danh Trung Chánh (18 tuổi, quê Kiên Giang), vừa vào chùa Pitu Khôsa Răngsây sống, thổ lộ:

“Cha mẹ em ở quê làm nông, kinh tế không ổn định. Bởi vậy, lúc hay tin em đậu đại học, cha mẹ cũng lo lắng chi phí sinh hoạt của em ở Cần Thơ. May mắn, em được giới thiệu đến chùa Pitu Khôsa Răngsây và được Thượng tọa Lý Hùng nhận cưu mang nên mọi chi phí từ chỗ ăn, ở đều được miễn phí. Sống trong chùa rất yên tĩnh nên phù hợp cho việc học tập. Ngoài ra em còn được các sư dạy nghi lễ, sinh hoạt của đồng bào mình”.

Một nam sinh viên khác tên Lai Tấn Lực, học năm nhất trường ĐH Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ, chia sẻ: “Ở trong chùa, em không tốn bất cứ phí nào. Em không phải lo chuyện ăn ở, chỉ tập trung vào việc học hành. Thời gian rảnh rỗi, em và các bạn dọn dẹp, vệ sinh trong khuôn viên chùa và cùng nhau nấu ăn. Em có cảm giác nơi đây như một đại gia đình của mình vậy”.

Sinh ra và lớn lên tại TP.Cần Thơ, Thượng tọa Lý Hùng có một tuổi thơ cơ cực. Lúc nhỏ, ông từng lượm ve chai, mò cua, bắt ốc… để có tiền mua sách vở đến trường. Năm 14 tuổi, ông xuất gia tại chùa Sanvor Pôthinhen (quận Ô Môn, Cần Thơ) và chuyên tâm vào việc tu học. Hiện ông là tiến sĩ Tôn giáo học và có thể giao tiếp bằng nhiều ngôn ngữ như: Khmer, Anh, Trung Quốc, Bali…

Thượng tọa Lý Hùng luôn tâm niệm “đạo” cũng là “đời”, “đời” cũng như “đạo”, có tính chất song hành. Người tu sĩ phải học đạo để tu đời, sống sao cho “tốt đời, đẹp đạo”, vì thế ông coi chuyện giúp đỡ sinh viên nghèo sắc tộc Khmer có điều kiện học hành là chuyện bình thường của người xuất gia.

Thượng tọa Lý Hùng có đam mê sưu tầm sách cổ – Ảnh: VietnamNet

Các tờ báo khác như Dân Trí, Pháp Luật Việt Nam, VOVTiền Phong đều đã có bài viết về Thượng tọa Lý Hùng nhiều năm trước.

Pháp Luật Việt Nam ngày 28 Tháng Chín 2019 cho biết khu ký túc xá hai tầng dành cho nam sinh viên nghèo trong chùa rộng khoảng 200m2, giống như một điểm tựa, nuôi dưỡng ước mơ đến trường cho những sinh viên nghèo hiếu học.

Trong không gian này, mỗi phòng có nhiều giường tầng, tập sách ngăn nắp; trên đầu giường có kệ sách, có đèn để học bài; đủ tiện nghi nhằm phục vụ cho các sinh viên đến lưu trú.

Em Lâm Văn Sari Mô, sắc tộc Khmer, sinh viên trường ĐH Cần Thơ, chia sẻ khi vào chùa được các nhà sư, anh em giúp đỡ, động viên, nên giờ em xem nơi này như ngôi nhà thứ hai.

Tuy ăn ở “chùa”, không tốn phí, nhưng các em sinh viên sống ở đây phải tuân thủ lịch của chùa như muốn ra khỏi chùa vào ban đêm phải xin phép các sư thầy.

Phần đỉnh ngôi chùa được xem là tàng kinh các, lưu giữ hơn 4,000 quyển sách – Ảnh: VietnamNet

Thượng tọa Lý Hùng chỉ có một tâm nguyện là sau khi các em học thành tài thì trở về quê nhà, phụng sự cho người dân còn nhiều khó khăn, cơ cực.

Được biết Pitu Khôsa Răngsây còn có nghĩa “Chùa Sau” hay “Chùa Xáng”, vì thời xưa trên trục đường chính đại lộ Colonel Dessert (nay là đại lộ Hòa Bình) đã có một chùa “Chùa Muni Răngsây” hay còn gọi “Chùa Trước”.

Chùa do Thượng tọa Sơn Tây, tục gọi Ta Tu (“Ta” tiếng Khmer có nghĩa là “ông”) xây dựng năm 1948, xuất phát từ nhu cầu tu học của nhiều Phật tử người Khmer ở Cần Thơ. Ban đầu, chùa chỉ cất bằng cột cây mái lá đơn sơ với kiến trúc khá độc đáo theo hệ phái Nam tông Khmer trên khu đất rộng 645m², do Phật tử Khmer cúng dường.

Năm 2008, chùa được đại trùng tu và đã hoàn thành sau bốn năm thi công, khánh thành vào hạ tuần Tháng Tư 2012. Hiện chùa Pitu Khôsa Răngsây được đánh giá là một trong những ngôi chùa đẹp nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long chứ không chỉ riêng Cần Thơ.

Chùa Pitu Khôsa Răngsây bao gồm nhiều bộ phận kiến trúc như chính điện, sa la, nhà tăng… Bên ngoài chùa có trang trí nhiều hoa văn như rồng Angkor cách điệu uốn lượn ở các bao lam mặt trước chánh điện, đầu rồng Ăngkor – tiên nữ Keynor – chim Thần Krud nâng đỡ các đà và mái, phù điêu thần Chằn Ha-nu-man, nữ thần Tép-pa- nom, Phanhi lửa (lửa tam muội) đẹp mắt.

Chùa còn là nơi lưu giữ văn hoá Khmer như đàn ngũ âm, các điệu múa Chja Dăm, múa dân gian Campuchia… và được trình diễn thông qua những ngày lễ quan trọng như Tết Oóc Ôm Bóc, lễ Choi Chơ Năm Thơ Mây, lễ Dolta, lễ Dâng Y, lễ Cúng Trăng…

Thượng tọa Lý Hùng, trong một buổi giảng dạy cho các em sinh viên đang lưu trú tại chùa – Ảnh: VOV

VOV ngày 19 Tháng Mười Một 2020 cho biết thêm trong “ngôi nhà chung” có hơn 60 sinh viên. Các nam sinh viên sống ở đây không chỉ được sư thầy Lý Hùng chỉ dạy tận tình về đạo lý, vốn sống, mà còn được trau dồi thêm tiếng nói, chữ viết của sắc tộc Khmer.

Trung bình mỗi năm nhà chùa tiếp nhận khoảng từ 40 đến 50 em sinh viên nghèo hiếu học. Tổng chi phí mỗi năm khoảng 900 triệu đồng, bao gồm tiền ăn ở và sinh hoạt cho các em.

Tiền Phong ngày 23 Tháng Mười 2021 gọi Pitu Khôsa Răngsây là ngôi chùa cử nhân và nhấn mạnh, trong các hoạt động từ thiện xã hội, Thượng tọa Lý Hùng đặc biệt chú ý đến việc giúp đỡ học sinh, sinh viên nghèo.

Bởi vì, ông nghĩ giáo dục là nền tảng để nâng cao nhận thức, khi nhận thức tốt thì làm việc tốt, sống có ích cho xã hội. Chính vì suy nghĩ này mà  Pitu Khôsa Răngsây là ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer duy nhất ở TP.Cần Thơ có ký túc xá dành riêng cho nam sinh viên sắc tộc Khmer.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: