Suýt chết vì bị kiến xoan ‘tấn công’

Hình dạng con kiến xoan, kiến trên cây xoan ở Tuyên Quang, Phú Thọ và Lào Cai – Ảnh: Pháp Luật Việt Nam

Khi đang làm việc ngoài trời, bà T.T.T. (46 tuổi, ngụ phường Minh Xuân, TP.Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) bị con kiến xoan cắn vào sườn phải, khiến bà bị vã mồ hôi, tím tái, sau đó ngất lịm.

Bà T. được người nhà đưa đến bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang trong tình trạng nguy kịch, hôn mê, tím tái toàn thân, sùi bọt mép, tiết nhiều đờm dãi, mạch không bắt được, huyết áp không đo được, vã mồ hôi, chân tay lạnh toát, thở ngáp.

Bác sĩ Chẩu Thị Nguyệt, làm việc tại khoa Hồi sức tích cực – chống độc, bệnh viện tỉnh Tuyên Quang, nhận định bệnh nhân bị sốc phản vệ mức độ nguy kịch, phải điều trị bằng nhiều biện pháp hồi sức tích cực, thải độc và chăm sóc đặc biệt.

Sau 10 phút nỗ lực chạy đua với tử thần, huyết áp bệnh nhân dần ổn định, bệnh nhân dần tỉnh, thở theo máy.

Bốn ngày được điều trị tích cực, sức khỏe bệnh nhân ổn định, tự thở và tỉnh táo hoàn toàn. Bệnh nhân đã được xuất viện vào chiều 7 Tháng Mười Một 2023.

Bị kiến xoan cắn, người phụ nữ ở Tuyên Quang hôn mê suýt chết – Ảnh: Bệnh viện Tuyên Quang

Theo bác sĩ Nguyệt, sau khi tiếp xúc với dị nguyên, có thể là yếu tố lạ, gây dị ứng cho cơ thể, bao gồm: Thuốc, côn trùng, hóa mỹ phẩm, thức ăn, thức uống… thì sốc phản vệ có thể xuất hiện ngay lập tức, từ vài giây, vài phút đến vài giờ.

Nếu không được cấp cứu kịp thời, bệnh nhân sẽ bị co thắt phế quản, gây suy hô hấp, phù phổi cấp, giãn toàn bộ hệ thống mao mạch gây trụy mạch, có thể thiệt mạng.

Bác sĩ Nguyệt khuyên khi lao động tại môi trường có nhiều côn trùng thì người dân cần mặc áo dầy, dài tay, đeo găng tay…

Bà T. không phải trường hợp đầu tiên bị kiến xoan đốt. Đời Sống Pháp Luật ngày 27 Tháng Tám 2020 đưa tin bệnh viện đa khoa Hùng Vương (tỉnh Phú Thọ) đã cứu sống một người đàn ông bị sốc phản vệ nguy kịch sau khi bị kiến xoan cắn.

Người đàn ông ở Phú Thọ cũng suýt mất mạng vì bị kiến xoan cắn – Ảnh: Bệnh viện Hùng Vương

Trước đó hai ngày, người đàn ông này đang làm vườn thì bị kiến xoan trên cây xoan rơi vào người và bị kiến cắn vào gáy và ngực, khiến ông lập tức khó thở, tức ngực, nổi mẩn đỏ ngứa toàn thân, huyết áp tụt, phù nề mặt và môi… phải nhập viện cấp cứu.

May mắn là sau một ngày, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch.

Hồi Tháng Sáu 2019, một bé gái ba tuổi ở huyện Yên Sơn, tỉnh Lào Cai cũng bị sốc phản vệ do bị kiến xoan cắn khi đang chơi dưới gốc cây xoan gần nhà. Nơi cấp cứu bé là bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang đã kịp thời cứu sống bé, khi điều trị cho bé theo “Sơ đồ chẩn đoán và cấp cứu phản vệ”.

VietnamNet dẫn lời các bác sĩ cảnh báo, sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đó là phản ứng quá mẫn cảm của cơ thể khi tiếp xúc với các dị nguyên như ong đốt, kiến cắn, chích thuốc, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm, hít các mùi hương…

Bệnh xuất hiện rất nhanh, ngay lập tức hoặc trong vòng 30 phút kể từ khi tiếp xúc dị nguyên. Triệu chứng xuất hiện càng sớm, bệnh càng nặng, tỷ lệ tử vong càng cao.

Bé gái ba tuổi ở Lào Cai được bệnh viện Tuyên Quang cứu sống khi bị kiến xoan cắn – Ảnh: Bệnh viện Tuyên Quang

Kiến xoan (sống trên cây xoan, hay còn gọi là sầu đông, một loại cây thường mọc ở miền Bắc) không nằm trong danh sách bảy loại kiến độc nhất Việt Nam, có thể khiến con người thiệt mạng như kiến ba khoang (gần đây xuất hiện nhiều ở Sài Gòn), kiến lửa đỏ, kiến đầu to, kiến nhện, kiến vàng Oecophylla, kiến sư tử, kiến càng…

Tuy nhiên, nhìn hình dạng con kiến trên Pháp Luật Việt Nam có thể thấy tương tự như kiến vàng Oecophylla, một loại kiến mà người nông dân Việt thường “nuôi” trong các vườn cây ăn trái vì khả năng diệt các loài sâu hại trên cây.

Nếu sốc phản vệ do kiến đốt có thể khiến người suýt chết thì sốc phản vệ do ăn (uống) lại có thể làm người thiệt mạng. Ngày 14 Tháng Tám 2023 vừa qua, một cô gái 28 tuổi ở xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An, tên N.T.N. đã thiệt mạng sau khi ăn một con châu chấu xào với lá chanh.

Những người bạn khác cùng ăn chung đĩa châu chấu xào với N. lại không bị sao.

Cùng ăn chung một đĩa châu chấu xào lá chanh với bạn, chỉ mình cô gái 28 tuổi bị chết – Ảnh; Tuổi Trẻ

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 19 Tháng Tám, bác sĩ Trần Thiên Tài, trưởng đơn vị dị ứng, miễn dịch lâm sàng, bệnh viện ĐH Y Dược thành phố cho biết những loại côn trùng phổ biến hiện nay là nhộng, dế, ve sầu, châu chấu… được người dân rất ưa chuộng và thường lựa chọn làm món ăn, bất chấp có một số người khi ăn côn trùng đã phải nhập viện vì sốc phản vệ.

Sốc phản vệ hay dị ứng là phản ứng của hệ miễn dịch cơ thể, nhằm sản xuất ra các kháng thể để chống lại với các dị nguyên có trong các loài côn trùng.

Một số loài côn trùng có các protein mà các protein này được xem là yếu tố lạ đối với cơ thể, đặc biệt là với những người có cơ địa dị ứng. Như trong loài nhộng, người ta đã nghiên cứu và nhận thấy có một loại protein là Bomb m1 đóng vai trò là dị nguyên chính gây ra dị ứng.

Con đuông dừa sống được bày bán trong lễ hội món ăn Việt ở Dinh Độc Lập cuối Tháng Mười vừa qua – Ảnh: An Vui

Triệu chứng lâm sàng của dị ứng diễn ra nhanh chóng từ vài phút đến vài giờ sau khi ăn, với biểu hiện từ mức độ nhẹ như ngứa da, nổi mề đay, đau bụng, buồn nôn, nôn, tiêu chảy. Tuy nhiên nếu đến mức độ nặng là sốc phản vệ sẽ bao gồm tụt huyết áp, trụy mạch, rối loạn ý thức, hôn mê mà nếu không cấp cứu kịp thời sẽ thiệt mạng.

Bác sĩ Tài nhấn mạnh đối với những người đã có tiền sử dị ứng với thức ăn và thuốc, thì nguy cơ dị ứng khi ăn những món chế biến từ côn trùng sẽ cao hơn người bình thường.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: