Tập Yoga để khỏe chứ không phải để… khoe!

Bài tập Chào Mặt Trời của nhóm yogi thuộc Trung tâm Sivananda Sài Gòn tại khu đô thị Sala (TP.Thủ Đức) – Ảnh: Facebook Sivananda

Liên Hiệp Quốc quy định ngày Quốc tế Yoga là 21 Tháng Sáu thường niên, kể từ năm 2015, nhằm tôn vinh lợi ích của yoga đối với sức khỏe của con người, khuyến khích tập luyện yoga trên toàn thế giới để phòng ngừa bệnh tật và gắn kết cộng đồng.

Yoga là môn rèn luyện thể chất, tinh thần và tâm linh, ra đời cách nay 5,000 năm ở Ấn Độ và hiện phổ biến khắp thế giới, vì vậy đề xuất của Liên Hiệp Quốc nhận được sự ủng hộ từ các nhà lãnh đạo 177 quốc gia, trong số 193 quốc gia thành viên.

Theo số liệu thống kê của Liên Hiệp quốc, trên thế giới hiện có hơn 2 tỷ người tập yoga; trên 300 triệu người tập yoga hàng ngày. Tại Việt Nam cũng có đến hàng ngàn câu lạc bộ yoga với hàng trăm ngàn người tập mỗi ngày.

Từ năm 2015 đến nay là chín lần các tỉnh thành lớn của Việt Nam tổ chức đồng diễn yoga ngoài trời nhân ngày này. Ngày hội yoga đầu tiên ở Sài Gòn diễn ra trên sân vận động Quân khu 7, dưới sự hướng dẫn của các thầy yoga Ấn Độ với khoảng 2,000 người tham gia đồng diễn.

Năm nay, với chủ đề “Một thế giới, một sức khỏe chung” (One World, One Health), ngày Quốc tế Yoga 2023 được Tòa Đại sứ Ấn Độ tại Hà Nội và Lãnh sự quán Ấn Độ tại Sài Gòn hợp tác với nhà cầm quyền địa phương ở 35 tỉnh/thành Việt Nam tổ chức vào nửa cuối Tháng Sáu, ước tính có 10,000 người tham dự.

Ngày Quốc tế Yoga lần thứ 9 mở màn vào Chủ Nhật 18 Tháng Sáu tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), có sự tham dự của Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Pranay Verma, với sự tham gia đồng diễn của hơn 1,000 người. Còn tại Sài Gòn, tổ chức sáng sớm 21 Tháng Sáu 2023 tại đường Lê Lợi, quận 1, có sự tham dự của Tổng lãnh sự Ấn Độ Madan Mohan Sethi, với sự tham gia đồng diễn của hơn 1,000 người.

Màn đồng diễn yoga ở Sài Gòn sáng 21 Tháng Sáu trông có vẻ trật tự và đúng bài hơn nhưng lại tổ chức trên phần đường dành cho xe hơi chạy ở Lê Lợi, quận 1 – Ảnh: Tuổi Trẻ

Yoga không phải môn biểu diễn

Nói chung, cả thủ đô lẫn đô thị lớn nhất nước đều sử dụng lòng đường để làm nơi biểu diễn yoga với rất đông người chen chúc là điều rất sai, vì yoga là bộ môn tịnh, thường tập trong nhà, còn nếu ra ngoài trời thì phải chọn chỗ có nhiều tán cây xanh và cũng phải là chốn yên tĩnh.

Phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm cấm xe lưu thông cuối tuần (từ 19 giờ tối thứ Sáu đến 24 giờ tối Chủ Nhật) thì việc cả ngàn người nằm trên lòng đường Đinh Tiên Hoàng (chạy dọc bờ hồ Hoàn Kiếm, thuộc phố đi bộ) tạm thời được an toàn, nhưng lòng đường Lê Lợi (quận 1, Sài Gòn) bình thường là phần đường của xe hơi thì việc chọn lòng đường này để tổ chức đồng diễn yoga là hoàn toàn sai.

Bên cạnh đó, nhìn về chi tiết, cách tổ chức ở Hà Nội thủ đô rất luộm thuộm.

Màn đồng diễn yoga trong tư thế Savasana thật phản cảm của Hà Nội – Ảnh trên báo Lao Động, không rõ tác giả

Thứ nhất, nhìn vào tấm hình hơn 1,000 người nằm ngửa (một trong ba tư thế nằm nghỉ của bộ môn yoga, có tên gọi là Savasana, hay còn gọi là tư thế xác chết) ở phố đi bộ Hoàn Kiếm hôm Chủ Nhật 18 Tháng Sáu, thấy cách thực hiện tư thế hoàn toàn sai. Không rõ ai chụp tấm hình phơi bày sự xấu xí của màn đồng diễn yoga ở Hà Nội và nó đã lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội.

Do ham hố số lượng người tham gia (căn bệnh “ham to, ham nhiều, ham kỷ lục” tại các lễ hội của Việt Nam), nên các tấm thảm tập được đặt sát sạt nhau, thay vì có khoảng cách ít nhất một mét giữa hai tấm thảm.

Vì thảm đặt quá sát, nên người tập không thể thoải mái buông thư toàn thân trong tư thế Savasana, họ nằm co rúm như thủ thế, đầu nằm của người dưới đụng chân người phía trên.

Phóng to tấm hình còn thấy có người vẫn ngồi, hoặc nằm mà co hai chân lên, nhìn tổng thể buổi tập rất lộn xộn.

Điều buồn cười nữa là giữa hai tấm thảm đã không có chỗ mà còn là nơi để giày và để túi đựng thảm của người đang tập. Đã vậy, trong khi người tập đang nằm giữa lòng đường, còn huấn luyện viên – hay người bảo vệ không chừng, đang đi lại chung quanh họ với đôi chân mang giày, quá sức dơ!

Ba lớp người khác nhau cùng tham gia đồng diễn yoga ở Hà Nội nên lộn xộn, luộm thuộm là phải – Ảnh: VietnamPlus

Nhìn tấm hình thứ hai, do VietnamPlus chụp tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm sáng 18 Tháng Sáu, có thể thấy ba lớp người khác nhau đang tham gia buổi đồng diễn: Lớp thứ nhất ở tiền cảnh, là những huấn luyện viên hướng dẫn, họ đều mặc áo đồng phục của hãng hàng không Vietjet, có lẽ là đơn vị tài trợ chính; lớp thứ hai ở giữa tấm ảnh có cách bố trí thảm tập hợp lý nhất, chắc là nhân viên thuộc Tòa đại sứ Ấn Độ; lớp thứ ba ở hậu cảnh thì toàn dân “cờ đỏ” chen chúc như cá mòi, không rõ là được huy động từ câu lạc bộ yoga nào hay chỉ là đoàn viên thanh niên tham gia cho “máu”!

Yoga không phải môn thể dục để biểu diễn như thể dục dụng cụ, càng không phải bộ môn giải trí như xiếc, hãy nhìn biểu cảm phân tâm của người thanh niên ôm eo cô gái – Ảnh: VietnamPlus

Thứ hai, yoga là môn rèn luyện thể chất, tinh thần lẫn tâm linh, giúp người tập (các yogi) khỏe về thể chất lẫn tinh thần, không phải là môn thể thao biểu diễn như thể dục dụng cụ, khiêu vũ trên băng hoặc là môn giải trí như… xiếc, thế nên việc biểu diễn các tư thế yoga trên sân khấu ở Hà Nội (hay Bạc Liêu ngày 18 Tháng Sáu 2023) như đang làm xiếc là hoàn toàn đi ngược với triết lý của bộ môn này.

Với những lợi ích rõ ràng về thể chất lẫn tinh thần, yoga là bộ môn rèn luyện ngày càng phổ biến ở Việt Nam, lợi ích của yoga không phải bàn cãi, thế nhưng cách tổ chức đồng diễn yoga như ở Hà Nội và Sài Gòn tại địa điểm không thích hợp với số lượng quá đông chỉ là hình thức, hoàn toàn phản tác dụng.

Dân yogi coi bộ môn này là một lối sống, sẽ không bao giờ có mặt trong những buổi biểu diễn hình thức thế này.

Một trong những trung tâm dạy yoga hay tổ chức các buổi tập chung cho các yogi ngoài trời tại công viên Tao Đàn (Sài Gòn) và khu đô thị Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức) là Sivananda (chi nhánh của Sivananda Yoga Farm, California, Hoa Kỳ). Buổi tập thường tổ chức với số lượng người hạn chế (phải đăng ký trước), xoay quanh các bài thở (thở bụng, thở luân phiên) và nhiều vòng “Chào Mặt Trời”.

Từ huấn luyện viên đến các yogi Sivananda đều chọn trang phục rộng khi tập yoga ngoài trời, áo thun T-shirt với quần kiểu jogger, giản dị và khỏe khoắn.

Yoga không chỉ là tư thế đẹp hay dẻo mà quan trọng là thở đúng và biết cách kết hợp hơi thở trong mỗi động tác – Ảnh: Facebook Sivananda

Tập yoga ở Việt Nam để khoe

Phục vụ thị hiếu của người trẻ, nhiều phòng tập và câu lạc bộ yoga ở Sài Gòn thường nhấn mạnh đến vẻ đẹp sexy của cơ thể sau khi tập yoga bằng cách bố trí các tấm gương chung quanh phòng tập và bày bán những bộ đồ tập ôm sát cơ thể, khoe bụng, lưng và mông.

Giáo viên đứng lớp bộ môn này buộc phải đẹp, dù nam hay nữ cũng phải có thân hình nóng bỏng thì mới hấp dẫn học viên đăng ký theo học, và hiện tượng nhiều cô gái bu nhau đăng ký tập yoga ở các phòng tập thuê được thầy giáo Ấn Độ đẹp trai và sexy là có thật, kiểu “đi học để ngắm thầy” và để được thầy “chạm vào người”.

Nếu phí học yoga ở các trung tâm thuần giáo viên Việt Nam từ 500,000 – 1 triệu đồng/tháng (ba – năm buổi/tuần, mỗi buổi một tiếng) thì với số tiền này chỉ học được một tiếng với thầy giáo Ấn Độ.

Thế giới có tám loại hình yoga phổ biến (Hatha yoga, Vinyasa yoga, Hot yoga hay Bikram yoga, Iyengar Yoga, Ashtanga yoga, Power yoga hay Boot camp yoga hay Cardio yoga, Kundalini yoga, Yin yoga) nhưng thường các trung tâm dạy yoga ở Việt Nam sẽ pha trộn các loại hình này với nhau, tùy theo lớp cơ bản, lớp nâng cao hay lớp trị liệu, lớp dành cho các mẹ bầu. Loại hình yoga đào tạo phổ biến ở Việt Nam là Hatha, Ashtanga, Power và Yin yoga.

Mới xuất hiện gần đây nhưng được giới trẻ Việt rất yêu thích là loại hình Inside Flow yoga – tập yoga với âm nhạc và Aerial yoga, Việt Nam gọi là yoga võng (hay yoga bay). Loại hình yoga bay với võng lụa đang là trào lưu hot của các cô gái trẻ, cũng chỉ vì “lên hình chụp thấy như đang bay bổng”, bỗng chựng lại sau cái chết vì bị dây võng siết chặt của một yogi nữ ở TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) ngày 7 Tháng Ba 2023.

Tập yoga để khoe cơ thể và uốn dẻo giống làm xiếc trong buổi đồng diễn yoga ở Bạc Liêu – Ảnh: VietnamPlus

Do giới trẻ có nhu cầu học yoga để khoe dáng, khoe cơ thể, các yogi trẻ ở Việt Nam thành lập nhiều hội nhóm trên Facebook để mua sắm đồ tập sexy, trao đổi kinh nghiệm lên các tư thế khó, uốn dẻo “không xương” hệt như đang làm xiếc.

Số khác lại chia sẻ hình ảnh tập yoga tại các con suối, giữa cảnh núi đồi trông rất cheo leo và nguy hiểm (vì không có tấm thảm tránh trơn trượt dưới chân) nhưng vẫn nhận được sự trầm trồ lẫn ganh tỵ của những cô gái khác.

Ở Việt Nam, nhiều người đang làm biến chất lợi ích của yoga, từ khỏe thành khoe. Họ lợi dụng bộ môn yoga để khoe cơ thể, khoe sự dẻo dai, “lên” được những tư thế khó như đang làm xiếc, thể hiện mình giỏi hơn người khác… mà quên mất rằng yoga là môn thể dục không so sánh hơn thua mà chỉ nhìn vào bên trong của chính mình, tập theo khả năng của mỗi người.

Mặt khác, yoga còn là lối sống tôn trọng thiên nhiên, ăn uống có chọn lọc theo hướng nghiêng về thực vật, luôn giữ tâm bình, hòa hiếu, biết phục vụ tha nhân và giúp đỡ người khác khi có dịp.

Nhìn vào cảnh đồng diễn yoga ở các tỉnh/thành Việt Nam nhân ngày Quốc tế Yoga, chợt buồn vì yoga cũng như Phật giáo tại Việt Nam, đang tìm cách xây những “đền thờ” nguy nga mà rỗng ruột.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: