Vì không có người lái tàu, một chiếc tàu cứu thương trị giá 700 triệu đồng ($28,686) bị nằm mãi trên bờ, phải đem trả cho nhà tài trợ.
Hơn một năm qua, chiếc tàu cứu thương có chiều dài 5.4m, công suất động cơ tối đa 80HP với sức chứa bốn người… mà Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tài trợ cho huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, không hề được sử dụng.
Đây là tàu cứu thương đầu tiên tại tỉnh Hậu Giang, nhằm giúp cơ sở y tế cấp cứu kịp thời, nhất là người bệnh sống gần sông rạch, không có đường cho xe cứu thương chạy vào.
Tuổi Trẻ ngày 19 Tháng Chín 2023 cho biết… chiếc tàu này phải nằm bờ vì huyện Phụng Hiệp không có người biết lái tàu!
Ngày 19 Tháng Chín, trả lời Tuổi Trẻ, ông Đồng Hoàng Thọ, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, cho biết đã trả lại tàu cứu thương cho nhà tài trợ theo yêu cầu của UBND huyện, dù đã chuẩn bị cử người đi học lái tàu.
Trước đó, hồi Tháng Tám 2022, Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam đã bàn giao tàu cứu thương trị giá 700 triệu đồng cho UBND huyện Phụng Hiệp. Tuy nhiên theo ông Thọ, do chưa có người biết lái tàu, nên lâu nay tàu này vẫn nằm bờ.
Còn ông Trần Không Dận, phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, tiếc nuối: “Huyện có đề xuất nhà tài trợ chuyển tàu cho huyện khác của tỉnh nhưng họ không đồng ý mà sẽ giao cho địa phương có nhu cầu sử dụng hiệu quả hơn”.
Tiền mua tàu đâu phải bằng vỏ sò mà huyện Phụng Hiệp để nằm không hơn một năm nên Hiệp hội Doanh nghiệp Úc tại Việt Nam lấy lại tàu cứu thương đã cho vì thấy không sử dụng là đúng rồi, có điều không biết là họ sẽ cho địa phương nào?
Cũng Tuổi Trẻ ngày 25 Tháng Bảy 2023 hứa hẹn “Người dân Cần Giờ sắp có tàu cứu thương”.
Cái tàu cứu thương “sắp có” đó hổng biết đến chừng nào, vì bài báo nói UBND TP.HCM mới phê duyệt đề án phát triển hệ thống cấp cứu ngoại viện của Sở Y tế Sài Gòn, trong đó dự tính giai đoạn từ 2023-2025 sẽ trang bị một tàu cứu thương có đầy đủ trang thiết bị y tế chuyên dụng cấp cứu cho người dân ở huyện Cần Giờ và các vùng lân cận.
“Đây cũng chính là giấc mơ bao đời nay của người dân xã đảo Thạnh An và huyện Cần Giờ. Với người dân sông nước, mỗi lần cấp cứu là một lần thót tim và không ít người ra đi vì không kịp cấp cứu…”, Tuổi Trẻ viết.
Từ cuối năm 2022 đến nay, Tuổi Trẻ có ít nhất hai bài viết về vấn đề này. Bài thứ nhất “Nỗi lo cấp cứu ở xã đảo duy nhất của TP.HCM” đề cập đến nỗi khổ của người dân xã đảo Thạnh An khi phát bệnh bất ngờ, vì xã đảo này trơ trọi trên biển Cần Giờ (Sài Gòn).
Nhiều năm, người dân ở đây sợ nhất là bị đổ bệnh phải cấp cứu, vì mỗi ca cấp cứu với họ là một lần thót tim, khi chỉ có một chiếc ca-nô ở trạm Y Tế xã làm phương tiện duy nhất.
Còn trong bài viết thứ hai ngày 30 Tháng Tư 2023, Tuổi Trẻ một lần nữa lặp lại “giấc mơ có con tàu cứu thương” của dân xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, Sài Gòn).
Tờ báo này mô tả bác sĩ Luân Thanh Trường, Trưởng trạm Y Tế xã Thạnh An, phải hối hả đưa một bệnh nhân cần cấp cứu ra bến tàu lên ca nô vượt biển Cần Giờ để đến được bệnh viện huyện Cần Giờ trong đất liền.
Bác sĩ Trường đau xót kể: “Bây giờ trạm xá có máy móc, thiết bị; ngoài bến có tàu gỗ, có ca nô cấp cứu; vào bờ đường đi thông thoáng, có xe cấp cứu chờ sẵn… là tạm chấp nhận được, chứ chưa thể đủ.
Thạnh An không chỉ có những người sống trên rìa con đường độc đạo này, mà còn mấy trăm hộ dân bên ấp Thiềng Liềng cách mấy mươi phút đi ghe, còn những ngư dân trên tàu gỗ ngoài khơi Vũng Tàu, còn du khách đến chơi rải rác…
Tàu gỗ, ca nô không chạy được khi sóng lớn, mưa to, có trên hai ca cấp cứu cùng lúc là nhân sự y tế không đủ, tài công chạy tàu cũng không đủ. Thật sự đã có những ca bệnh phải tử vong vì không tận dụng được “giờ vàng” trong điều trị”.
Thạnh An là xã đảo duy nhất của Sài Gòn, diện tích rừng biển rộng nhưng đất lại hẹp, dân số chỉ hơn 5,000 người, vậy nhưng khoảng cách 1.2km qua phà ngang sông, 70km đường bộ, thêm 5 hải lý đường biển đi bằng tàu gỗ đã khiến dặm đường phát triển của Thạnh An mấy mươi năm qua trở nên… thăm thẳm!
Thạnh An sắp có tàu cứu thương, được Sở Y tế Sài Gòn mô tả là “trong tàu được trang bị hai băng ca đặc thù, hệ thống oxy, monitor theo dõi; các loại máy thở di động, hút đàm, sốc điện, ép tim tự động và các túi dùng dụng cụ, thuốc cấp cứu chống nước phù hợp với môi trường công tác.
Đặc biệt tàu được trang bị phương tiện thông tin liên lạc để phối hợp với các lực lượng cứu nạn cứu hộ trong cấp cứu và vận chuyển cấp cứu bằng đường thủy”.
Chỉ có điều, không biết chừng nào cái tàu cứu thương hiện đại này cập bến xã đảo Thạnh An!