Tấu hài trong xã hội Việt Nam

Người đẹp Trương Hồ Phương Nga khi bị tòa xét xử vì tội lừa đảo một đại gia “ăn bánh mà không chịu trả tiền” đã có nhiều câu nói xác thực về hiện trạng xã hội Việt Nam – Ảnh: Sao Star

So với các nước phương Tây chỉ có loại hình nghệ thuật stand up comedy (hài độc thoại), thì Việt Nam có lẽ là quốc gia duy nhất có loại hình nghệ thuật tấu hài liên quan đến nhiều vai diễn trong một vở tuồng. Điều bi hài là các màn tấu hài không chỉ diễn ra ở sân khấu mà còn diễn ra trong toàn xã hội Việt Nam.

Tấu hài trong xã hội Việt Nam dàn trải từ các phiên tòa hình sự, xử các cán bộ, quan chức nhận hối lộ trong “Chuyến bay giải cứu” cho đến các phiên tòa dân sự xét xử thường dân. 

Tấu hài trong phiên tòa hình sự “Chuyến bay giải cứu”

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19, những bản tin thời sự về “chuyến bay giải cứu” đưa công dân Việt Nam về nước bằng các chuyến bay thuê trọn gói (charter flight) đã xuất hiện trên các báo điện tử và mạng xã hội ở Việt Nam từ Tháng Chín 2020.

Khi đó báo Tuổi Trẻ đưa tin hãng hàng không Vietnam Airlines cho biết chi phí để thực hiện một chuyến bay giải cứu người Việt về nước lên đến 10 tỷ đồng/chuyến, tương đương $431,000 ở thời điểm đó. Cũng theo Tuổi Trẻ, chi phí này cao hơn nhiều so với chuyến bay thương mại thông thường.

Rõ ràng động từ “giải cứu” ở đây có kèm theo điều kiện là nạn nhân phải trả một khoản tiền từ 25 triệu đồng đến 30 triệu đồng cho một “tấm vé thoát nạn” chứ không hề được miễn phí theo đúng nghĩa “giải cứu”.

Tần suất cụm chữ “chuyến bay giải cứu” càng ngày càng dày đặc trên báo đài và mạng xã hội khi nhà nước cộng sản khám phá ra những “chuyến bay giải cứu” có liên quan đến các hành vi đưa – nhận –  môi giới  hối lộ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ của 54 quan chức của nhiều bộ ngành, với tang vật gồm 146 lượng vàng, $670,000 và 1 tỷ đồng tiền Việt.

Phiên tòa hình sự xét xử 54 bị cáo ăn hối lộ để thực hiện “chuyến bay giải cứu” là điển hình của case study tấu hài của cán bộ, quan chức – Ảnh: CAND

Sáng ngày 17 Tháng Bảy 2023 là ngày đầu tiên của phiên tòa xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” dự định kéo dài một tháng, kể cả ngày nghỉ. Tuy nhiên, vụ án đã khép lại sớm hồi cuối Tháng Bảy năm 2023 với bốn mức án cao nhất là tù chung thân, 23 án tù dưới 5 năm, 12 án tù dưới 10 năm, 5 án tù từ 10 đến 20 năm và 10 án tù treo.

Trong đó bốn bị cáo nhận án tù chung thân là Phạm Trung Kiên – cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế nhận hối lộ hơn 42 tỷ đồng, Vũ Anh Tuấn – cựu phó phòng Tham mưu, Cục Quản lý xuất nhập cảnh Bộ Công an – nhận hối lộ hơn 27 tỷ đồng, Nguyễn Thị Hương Lan – cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ ngoại giao – nhận hối lộ hơn 25 tỷ đồng, Hoàng Văn Hưng – cựu điều tra viên Bộ Công an – lừa đảo chiếm đoạt tài sản hơn 18.8 tỷ đồng.

Điều mà tôi mong đợi từ việc xét xử vụ án đó là các nạn nhân trong vụ án “chuyến bay giải cứu” được hoàn trả lại số tiền dôi ra từ giá trị thực tế của một “tấm vé thoát nạn”.

Tuy nhiên, cho đến ngày 29 Tháng Chín 2023, tôi vẫn chưa thấy báo đài nào đưa tin về việc đã trả lại tiền cho các nạn nhân, mà chỉ thấy những bản tin về việc các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả như Tuổi Trẻ đưa tin: “Theo thống kê, 54 bị cáo trong vụ án đến nay đã nộp tiền khắc phục hậu quả khoảng 120 tỉ và 1,5 triệu USD”.

Một câu hỏi lớn của người dân hiện nay là “Nhà cầm quyền Việt Nam đã làm gì với số tiền khắc phục hậu quả?”. Nếu nhà cầm quyền tiếp tục im lặng về số tiền nhận lại từ 54 bị cáo trong vụ án chuyến bay giải cứu thì e rằng chẳng khác gì “lấy tiền của con rồi đem trả lại cho cha”!

Trong các phiên xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” không thấy sự hiện diện của các bên bị hại và không hề đề cập đến việc bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân, cũng chưa minh bạch số tiền thu nhận lại từ 54 bị cáo sẽ dùng để làm gì.

Đó quả thật là một vụ án rất khôi hài kể từ trước đến nay trên trần gian. Sự khôi hài thể hiện qua các lời khai thiếu dũng khí, ngớ ngẩn, đạo đức giả của các bị cáo. Tôi xin nhắc lại vài ví dụ điển hình trong lời khai của các bị cáo – những quan chức cấp cao mà có những lời khai như thể chẳng hiểu gì về pháp luật.

Cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế lẽ dĩ nhiên không thể một mình tự tiện nhận hối lộ, thế nên Phạm Trung Kiên luôn miệng kêu oan và nói “bị ám ảnh về án tử hình” – Ảnh: CAND

Phạm Trung Kiên vừa khai vừa khócBị cáo bị ám ảnh về cái mức án tử hình nên là bị cáo cũng rất là nên là bị cáo có cái triệu chứng chỉ là muốn chỉ muốn chết để mình bị thoát khỏi cái áp lực đó thì do vậy mà bị cáo có thời gian điều trị tâm thần trong bệnh viện tâm thần” (nguyên văn lời khai)

Hoàng Văn Hưng ngọng nghịu  khai “Bị cáo khẳng định một điều rằng không chỉ buộc tội oan cho bị cáo mà kết nuận (luận) điều tra và cáo trạng đã bỏ lọt hành vi phạm tội không chỉ một hành vi và nhiều hành vi không chỉ có một người và nhiều người. Bị cáo chỉ mong muốn rằng hội đồng xét xử xem xét mối quan hệ cái mối niên (liên) hệ giữa cái việc mà mà buộc tội cho bị cáo với cái việc bỏ nọt (lọt) hành vi phạm tội có mối niên (liên) hệ gì hay không” (nguyên văn lời khai)

Báo mạng Dân Trí đã dẫn lời khai đạo đức giả của Nguyễn Thị Hương Lan “Tôi luôn coi công dân bị mắc kẹt và gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân”. Nếu đây không phải là lời khai đạo đức giả thì có lẽ bị cáo này cũng đã từng đối xử tệ bạc với người thân như vậy!

Qua những lời khai trên của các bị cáo cho thấy rằng tư duy của quan chức cấp cao còn thua tư duy của hoa hậu Trương Hồ Phương Nga (từng đạt danh hiệu Hoa hậu người Việt tại Nga).

Trong các phiên tòa xét xử hoa hậu Phương Nga hồi năm 2017, những lời khai của hoa hậu này đã khiến người dân phải ngạc nhiên vì lập luận sắc sảo và lý lẽ vững chắc, cho đến bây giờ cộng đồng mạng vẫn lan truyền những câu nói ấy với vẻ tán thưởng.

Nguyễn Thị Hương Lan – cựu cục trưởng Cục Lãnh sự Bộ ngoại giao, nhận án tù chung thân khai luôn coi người Việt bị mắc kẹt, gặp khó khăn ở nước ngoài như người thân – Ảnh: CAND

Tấu hài trong phiên tòa dân sự xét xử Trang Nemo và Nguyễn Phương Hằng

Người ta nói “thượng bất chính, hạ tắc loạn” không sai. Tư duy trong lời khai “què cụt” của các quan chức không chỉ dừng lại tại các phiên tòa hình sự xét xử vụ án “chuyến bay giải cứu” mà tư duy khuyết tật ấy đã lan truyền xuống đến phiên tòa dân sự xét xử thường dân.

Trong phiên tòa xét xử Trang Nemo vào Tháng Chín 2023 về tội gây rối trật tự công cộng, bị cáo này tự bào chữa một cách hùng hồn:“Bây giờ cho tôi đi tù giải quyết được gì? Nếu như tôi đi tù thì tất cả các người, các nhân viên của tôi nếu như không tìm được việc làm, ăn trộm, ăn cắp, giựt đồ thì có phải là gây ra các hệ lụy rất lớn cho xã hội hay không?”.

Hội đồng xét xử hoàn toàn im lặng trước câu hỏi ấy.

Trang Nemo ra tòa với sự thản nhiên và chất vấn quan tòa về án 9 tháng tù của mình: “Quý vị có thấy xử như vậy là quá khắt khe không?” – Ảnh: Thanh Niên

Còn tại phiên tòa xét xử bà Nguyễn Phương Hằng thì sao? Thật khó hiểu với hành vi dễ dãi của hội đồng xét xử.

Căn cứ theo Điều 7 Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử của Thẩm phán ban hành kèm theo Quyết định 87/QĐ-HĐTC năm 2018 về sự đúng mực thì Trong mọi hoạt động của mình, Thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, thận trọng; duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình tố tụng; luôn thể hiện sự kiên nhẫn, nhân ái đối với các bị cáo, đương sự, người tham gia tố tụng khác”.

Tuy nhiên, trong phiên tòa xét xử sơ thẩm bà Nguyễn Phương Hằng – tổng giám đốc công ty cổ phần Đại Nam,  có hành vi chủ mưu tổ chức 57 buổi livestream xúc phạm hàng loạt người vào ngày 21 Tháng Chín 2023, những pha tấu hài trong phiên tòa vẫn diễn ra, thay vì thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải có trách nhiệm duy trì trật tự và sự tôn nghiêm trong quá trình xét xử.

Đối với câu hỏi ngớ ngẩn của luật sư “Tại sao sau đó bị cáo lại tiếp tục livestream?” thì bà Hằng trả lời “Tại sao thì đứng đây rồi, còn hỏi tại sao, về học thêm đi”. Có nhiều tiếng cười vang lên trong phòng xét xử, nhưng không thấy vị chủ tọa phiên tòa lên tiếng yêu cầu mọi người giữ trật tự.

Và ngay cả cán bộ công an cũng đã cười khi bà Đặng Thị Hàn Ni (45 tuổi, nhà báo) – một trong 10 người được Tòa án TP.HCM triệu tập đến phiên xét xử với tư cách là người có quyền và nghĩa vụ liên quan, chất vấn: “Mà tui còn e rằng không biết ở đây có truy tố đúng bà Hằng hay không bởi vì cái bà Hằng mà chửi tui trên mạng đó, bả rất là đẹp không có giống bà Hằng này”.

Bị cáo Nguyễn Phương Hằng luôn bình tĩnh trước mọi chất vấn của luật sư các bị hại nhưng lại bật khóc trước phán quyết sai của quan tòa là phải xin lỗi bị hại – Ảnh: VnExpress

Chính phóng viên bình luận trong video clip của Thanh Niên ở mốc thời gian [0: 33 – 0:40] cũng đã phát ngôn “Liên tục nêu quan điểm trước tòa trong phần xét hỏi, bà Đặng Thị Hàn Ni đã nhiều lần khiến cho cả phiên tòa, trong đó có bị cáo Nguyễn Phương Hằng phải bật cười”.

Thiển nghĩ, phiên tòa xử bà Nguyễn Phương Hằng không những không tuân theo quy tắc về trật tự và tôn nghiêm mà còn áp dụng sai chế tài. Chế tài yêu cầu công khai xin lỗi chỉ áp dụng trong các vụ xử phạt vi phạm hành chánh, còn đàng này bà Hằng đã là bị cáo trong vụ án dân sự chứ không còn dừng ở mức độ xử phạt vi phạm hành chánh, thế mà chủ tọa phiên tòa lại phán quyết bà Hằng phải xin lỗi ca sĩ họ Đàm và ca sĩ Vy Oanh.

Lời phán quyết của chủ tọa phiên tòa thể theo yêu cầu của hai ca sĩ này, là sai.

Phán quyết trớ trêu của quan tòa đã khiến cho bà Hằng phải bật khóc. Lúc này màn tấu hài đã twist (chuyển tình huống) từ tiếng cười sang tiếng khóc, vì phán quyết của quan tòa đã khiến bà Hằng phải bật khóc một cách ấm ức.

Đúng là một xã hội đảo điên: khi các quan tấu hài thì dân vừa cười vừa đẫm nước mắt vì đau khổ; còn khi dân tấu hài thì các quan lại thản nhiên “mặc kệ bọn bây” hoặc ra phán quyết sai, bất chấp nỗi khổ của dân.

Đàng nào thì dân cũng… chết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: