Thảm cảnh công nhân Việt Nam bị doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

Công ty May mặc xuất khẩu VIT Garment (Hà Nội) nợ bảo hiểm xã hội lên đến hàng chục tỷ đồng – Ảnh: Lao Động

Một nữ công nhân ngành may tên Minh phản ảnh với Lao Động, sau khi sanh con được gần ba năm, doanh nghiệp nơi bà làm việc vẫn chưa trả hết tiền thai sản cho bà.

Điều 39 của Luật Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định: “Mức hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con mỗi tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của sáu tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản”.

Nghĩa là, nếu lao động nữ đóng bảo hiểm xã hội đầy đủ ít nhất là sáu tháng (giả dụ đóng trên mức lương 6 triệu đồng) trước khi nghỉ sanh con thì khi nghỉ ở nhà nuôi con trong sáu tháng, lao động nữ đó sẽ nhận 100% mức lương hằng tháng (6 triệu đồng x sáu tháng = 36 triệu đồng).

Chế độ thai sản này sẽ được bảo hiểm xã hội chi trả một lần. Thế nhưng, vì doanh nghiệp mà bà Minh làm việc – công ty May mặc xuất khẩu VIT Garment (VIT Garment, địa chỉ khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội), không đóng tiền bảo hiểm xã hội cho bà dù vẫn trừ tiền bảo hiểm xã hội hằng tháng, họ sẽ trực tiếp trả góp từ từ từng chút một cho bà!

Nay đứa con đã gần ba tuổi, được mẹ cho vào trường Mầm Non học, nhưng tiền thai sản của bà, công ty này vẫn chưa trả hết!

Người phụ trách nhân sự của VIT Garment hứa: Nếu em làm tốt thì được đóng luôn tiền bảo hiểm xã hội – Ảnh cắt từ video của Lao Động

Bà ngậm ngùi: “Các công ty khác đều thanh toán tiền thai sản cho công nhân một lần, để công nhân có tiền lo cho cuộc sống sau khi sinh con. Thế nhưng, VIT Garment không làm thế mà trả dần, trả góp theo từng tháng”.

Việc trả tiền thai sản nhỏ giọt khiến cuộc sống của gia đình bà lâm cảnh túng quẫn, vì trong sáu tháng bà không đi làm, không có thu nhập, nhưng phải chi rất nhiều thứ như tiền bệnh viện, tiền sữa và tã lót cho con, tiền sinh hoạt.

Bất bình với chính sách bất nhân của công ty, nay bà Minh đã nghỉ việc nhưng vẫn mong những công nhân còn lại ở VIT Garment không bị đối xử tệ hại như bà.

Để tìm hiểu nội tình, phóng viên đã giả vào xin việc và ghi nhận nhiều bất thường trong quá trình đóng bảo hiểm xã hội của công ty này.

Khi nhận phóng viên vào vị trí công nhân kiểm đếm sản phẩm, người phụ trách tuyển dụng đã hứa hẹn: “Làm ở đây được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đầy đủ. Sau ba tháng ký hợp đồng học việc, nếu đánh giá đủ năng lực làm việc thì công ty sẽ ký hợp đồng và được đóng bảo hiểm như các công nhân khác”.

Có bệnh đi khám hay nằm viện thì mang hóa đơn chứng từ của bệnh viện về, công ty sẽ xem xét trả lại, vì thẻ bảo hiểm y tế có cũng như không – Ảnh cắt từ video của Lao Động

Thế nhưng thực tế thì sao?

Trò chuyện với nữ công nhân Minh Thương (tên đã được thay đổi), cô này cho Lao Động biết mỗi tháng cô bị trừ 800,000 đồng tiền nộp bảo hiểm xã hội (công nhân đóng 10% tiền lương, công ty đóng 20%). Nhưng khi cô vào app bảo hiểm xã hội kiểm tra thì lộ ra thông tin, công ty chưa đóng, nghĩa là đang nợ quỹ bảo hiểm xã hội, không chỉ mình cô mà nợ tất cả mọi người.

Nên bi kịch là khi bị bệnh hay phải nằm viện, công nhân sẽ không sử dụng thẻ bảo hiểm y tế thanh toán tại bệnh viện mà mang hết hóa đơn lên công ty để họ thanh toán. Việc thanh toán diễn ra theo kiểu… trả góp từng tháng!

Minh Thương chia sẻ: “Ví dụ nằm viện mổ hết 9 triệu đồng, công nhân mang hóa đơn giấy tờ về công ty. Công ty sẽ xem xét thanh toán”.

Một công nhân nam khác tiết lộ đã làm ở VIT Garment bốn năm nhưng vẫn bị công ty nợ tiền bảo hiểm xã hội. Khi công nhân này thấy thẻ bảo hiểm y tế không dùng được, họ lên hỏi công ty nhưng công ty bảo đang khó khăn nên đành chịu, từ trước đến nay là thế rồi.

Bà Liên (tên đã được thay đổi), một công nhân khác thắc mắc: “Chúng tôi vẫn đi làm vất vả, tuy vẫn được trả lương và có trừ tiền đóng bảo hiểm xã hội, nhưng sao chúng tôi cảm thấy bất an thế? Nếu công ty nợ bảo hiểm xã hội thì liệu các chế độ bảo hiểm của chúng tôi có bị ảnh hưởng hay không?”.

Làm bốn năm, người công nhân này vẫn bị trừ tiền bảo hiểm xã hội hằng tháng nhưng công ty không đóng cho Bảo hiểm Xã hội Việt Nam theo quy định – Ảnh cắt từ video của Lao Động

Tất nhiên là ảnh hưởng. Khi doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm xã hội, ngoài chuyện bà Minh phải đi đòi tiền thai sản gần ba năm cũng chưa xong, các công nhân không sử dụng được thẻ bảo hiểm y tế như Minh Thương phản ảnh, thì còn các chính sách khác như tiền bồi hoàn tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tiền về hưu… công nhân của VIT Garment cũng sẽ không được hưởng.

Nếu chẳng may công nhân bị VIT Garment sa thải, mất việc làm, họ sẽ không thể làm thủ tục nhận bảo hiểm thất nghiệp và không thể rút bảo hiểm xã hội một lần!

Quả là thảm cảnh, mà VIT Garment chỉ là một ví dụ trong rất nhiều doanh nghiệp có ứng xử tương tự với người lao động.

VnExpress ngày 6 Tháng Sáu 2023 dẫn thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, cộng dồn đến hết năm 2022, Việt Nam có hơn 2,130,000 nhân công bị doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội từ một đến dưới ba tháng; 440,800 nhân công bị nợ đóng từ ba tháng trở lên và gần 213,400 nhân công bị “treo” sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, nợ bảo hiểm xã hội khó đòi.

Số nhân công đang bị nợ bảo hiểm xã hội chiếm 17.4% tổng số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

VnExpress phân tích: Việc công ty chậm đóng bảo hiểm xã hội cho nhân công diễn ra ở tất cả loại hình doanh nghiệp, với số tiền phải tính lãi hơn 13,150 tỷ đồng. So với năm 2021, tiền chậm đóng tính lãi tăng thêm hơn 660 tỷ đồng.

Riêng tiền nợ khó thu hồi tại doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động, chủ bỏ trốn hơn 4,000 tỷ đồng!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: