300 người Việt Nam đã mất 200 tỷ đồng ($8,178,000) khi tham gia làm thành viên ứng dụng “Hẹn Hò” và “Kỹ Nữ”, trung bình một người mất hơn 660 triệu đồng ($26,987).
Thực tế cho thấy, có người mất nhiều tiền hơn.
Họ đã bị mất tiền như thế nào?
Ông H., ngụ tại TP. Ban Mê Thuột (tỉnh Đăk Lăk) quen với một thanh niên tên Sơn qua mạng xã hội. Sơn giới thiệu ông H. tham gia app “Hẹn Hò” và “Kỹ Nữ” để tìm bạn khác giới tâm sự.
Ông H. đã vào đường link Henho.bio, được một người xưng là nhân viên chăm sóc khách hàng hướng dẫn chuyển tiền vào tài khoản để được giới thiệu bạn gái. Nhân viên này hứa hẹn số tiền này sẽ được phía công ty trả lãi.
Tin lời, ông chuyển một triệu đồng, sau đó được chuyển trả số tiền này cùng một ít lãi. Dần dần ông đã bị dụ chuyển cho họ tổng cộng hơn một tỷ đồng để hưởng lãi cao hơn, song bị chiếm đoạt.
Tức mình, ông H. trình báo Công an tỉnh Đăk Lăk ngày 19 Tháng Hai 2023.
Công an đã tiến hành điều tra và đến chiều 3 Tháng Mười 2023, truyền thông trong nước biết cơ quan chức năng đã bắt giữ một thanh niên lập ứng dụng “Hẹn Hò” và “Kỹ Nữ” để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Người bị bắt là Vũ Duy Sơn (26 tuổi, ngụ phường Văn Quán, quận Hà Đông, TP.Hà Nội). Ứng dụng hẹn hò của Sơn đã lừa được tổng cộng 300 người, chiếm đoạt 200 tỷ đồng.
Bước đầu Sơn khai không phải chủ mưu mà chỉ đang làm việc cho hai người tên Hùng và Minh (không rõ nhân thân lai lịch) đang sinh sống ở thành phố Dubai (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất).
Khoảng Tháng Mười Hai 2022, Minh liên lạc với Sơn qua ứng dụng Telegram và giao nhiệm vụ cho Sơn đứng ra nhận tiền chuyển khoản của người khác chuyển đến. Minh trả tiền công cho Sơn 12 triệu đồng/tháng.
Nghe vậy, Sơn hỏi tiền đó là tiền gì, của ai, thì Minh nói đó là tiền của những người bị nhóm Minh lừa tham gia vào app “Hẹn Hò” và “Kỹ Nữ”.
Nhiệm vụ của Sơn là lừa con mồi vào hai ứng dụng này, dụ dỗ người chơi nâng cấp thành viên VIP, khi có tiền thì chuyển cho Minh và Hùng. Mọi liên lạc thông qua ứng dụng Telegram.
Để thực hiện hành vi, Minh giao cho Sơn sáu chiếc điện thoại di động và 31 tài khoản ngân hàng. Hằng ngày, thông qua app “Hẹn Hò” và “Kỹ Nữ”, nhóm Minh sẽ dụ dỗ người chơi tham gia.
Cụ thể, nhóm của Sơn sẽ tư vấn cho người chơi nạp thêm tiền để lên thành viên VIP. Nếu nạp số tiền càng lớn và đăng nhập thành công thì sẽ được phía công ty hoàn trả lại số tiền người chơi đã nộp và được hưởng một khoản tiền lãi.
Sau khi các đối tượng trong nhóm của Minh dụ dỗ được người chơi đóng tiền thì sẽ thông báo cho Sơn cung cấp số tài khoản để người chơi nạp tiền vào. Số tiền trên Sơn chuyển hết cho Minh.
Với thủ đoạn trên, từ Tháng Mười Hai 2022 đến nay, nhóm Sơn đã giúp cho Minh và Hùng lừa tiền của 300 người, chiếm đoạt trên 200 tỷ đồng, riêng Sơn được nhận 300 triệu đồng.
Độc giả của VnExpress bàn luận sôi nổi dưới tin này, đa số cho rằng những người tham gia hai ứng dụng hẹn hò trên vừa tham… tình vừa tham tiền nên bị lừa là đáng đời, đừng trách ai.
Tuy nhiên, cũng thật không hiểu sao những chiêu trò lừa đảo trên mạng thế này đã được thông tin rất nhiều mà vẫn có người bị lừa.
Độc giả Haivy Nguyen đặt câu hỏi: “Tôi hay xem tin trên báo. Cứ mỗi lần đọc bài báo viết vụ lừa này trăm tỷ, vụ lừa kia nghìn tỷ, vụ lừa nọ vài nghìn tỷ, mà tôi phải đọc hai ba lượt để xem mình đọc đúng nội dung không. Ai dè toàn là lừa trên online 100% chứ có gặp mặt đâu.
Vậy mà vẫn có hàng trăm hàng ngàn người bị lừa, tôi không hiểu nổi những người cầm điện thoại từ đắt tiền đến rẻ tiền họ có đủ kiến thức để tham gia một vài vụ làm ăn không. Hay chỉ là sử dụng điện thoại để Online theo kiểu chơi mà thôi?”.
Từ Tháng Ba 2022, Công an TP.HCM đã cảnh báo những chiêu lừa đảo thông qua ứng dụng hẹn hò trực tuyến và khuyến cáo mọi người tuyệt đối không nhẹ dạ, cả tin theo yêu cầu chuyển tiền của các đối tượng; đề cao cảnh giác khi tham gia các ứng dụng hẹn hò trực tuyến.
Bên cạnh đó, người dân không nên tham gia các hoạt động mang tính chất đồi truỵ trên không gian mạng (như chia sẻ hình ảnh, cuộc gọi khỏa thân…) để tránh sụp bẫy.
Ngày 5 Tháng Bảy 2023, CAND cho biết, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an Hà Nội nhận được đơn trình báo của ông T. (50 tuổi) về việc bị lừa đảo hơn 600 triệu đồng.
Theo đơn trình báo, ông T. được mời tham gia nhóm “Tình một đêm”. Sau khi cung cấp khu vực sinh sống, ông T được đối tượng gửi danh sách các “em”, bảng giá của Câu lạc bộ và yêu cầu mở Thẻ hẹn hò để các “em” đến phục vụ.
Sau khi đăng ký tài khoản xong, ông T. được yêu cầu xác thực để hoàn thành nhiệm vụ, nhận “hoa hồng” bằng cách truy cập vào đường link và nộp tiền theo hướng dẫn của hệ thống.
Ông T. lựa chọn gói dịch vụ, nộp tiền, thực hiện các nhiệm vụ và nhận “hoa hồng” thành công. Hệ thống tiếp tục “dẫn dắt” ông thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo để nhận “hoa hồng”.
Khi thực hiện nhiệm vụ và nạp số tiền lớn vào hệ thống thì hệ thống thông báo “sai dữ liệu, tài khoản bị khóa”, thành viên phải nộp thêm tiền để phục hồi dữ liệu, mở khóa tài khoản, được cấp thẻ thành viên hẹn hò.
Tuy nhiên, sau khi chuyển thêm tiền, các đối tượng vẫn thông báo lỗi và đưa ra nhiều lý do để dụ ông nộp tiền thêm nhiều lần với giá trị ngày càng cao để chiếm đoạt. Chỉ trong vòng hai ngày, ông T. đã chuyển hơn 600 triệu đồng vào tài khoản của các đối tượng.
Bị lừa tương tự là bà H.H (Cần Thơ) đã mất hơn 200 triệu đồng sau khi tin lời một người quen qua ứng dụng hẹn hò.
Đầu tiên đối tượng này gửi quà cáp cho bà, khi đã lấy được lòng tin, người này sẽ giới thiệu đang làm nhân viên công nghệ thông tin (IT) cho một sàn giao dịch ngoại hối (forex) và đã phát hiện ra lỗ hổng có thể kiếm lời trên sàn này.
Tiếp đó, người này sẽ gửi đường dẫn tới sàn giao dịch này và nhờ nạn nhân đặt lệnh mua bán trên chính tài khoản của họ. Những lệnh mua bán theo hướng dẫn của người lừa đảo để thu về lợi nhuận giao động 20-30% mỗi giao dịch.
Sau nhiều giao dịch sinh lời, người này sẽ khuyên nạn nhân tạo một tài khoản để có thể kiếm tiền dựa trên lỗi của sàn. Trong lần giao dịch đầu tiên, số tiền nạn nhân nộp vào và lợi nhuận hứa hẹn thường không quá cao để tạo lòng tin. Kẻ lừa đảo cũng cho phép nạn nhân nhập các lệnh rút tiền về tài khoản ngân hàng thực.
Khi đã có được sự tin tưởng, những kẻ lừa đảo sẽ “nạp” vào tài khoản của họ số tiền lớn lên tới hàng trăm triệu đồng cũng như khuyến khích nạn nhân tự nạp thêm lượng tiền lớn để có lợi nhuận tốt hơn. Tuy nhiên số dư tăng thêm là ảo, có thể dễ dàng thay đổi, thực chất chúng không hề thực hiện nạp tiền thật cho nạn nhân.
Sau vài giao dịch, thường là tới giao dịch thứ 3, họ sẽ khuyên nạn nhân “gửi lãi qua đêm” để sinh lời thay vì rút tiền về tài khoản ngân hàng. Nếu nạn nhân để tiền trong tài khoản và tiếp tục giao dịch sẽ bị người này hối thúc nạp nhiều tiền hơn. Còn nếu nạn nhân muốn rút tiền về sẽ phải cọc thêm 50-100% số tiền có sẵn trong tài khoản và 22% “tiền thuế”.
Để gia tăng sức ép với nạn nhân, những người này sẽ cảnh báo về việc nếu không tiếp tục cọc tiền xác minh và đóng thuế, tài khoản sẽ bị khóa và mất toàn bộ tiền đã nạp. Lúc này, dù nạn nhân đóng đủ số tiền xác minh cũng sẽ mất tiền, mà không đóng cũng sẽ mất tiền.
Dựa vào những ví dụ trên, ngành công an khuyến cáo người dân cảnh giác với các ứng dụng lạ, đặc biệt là chiêu trò “nạp tiền để được nhận ưu đãi, hoa hồng”: Không đăng nhập các đường link lạ; không cung cấp hoặc nhập tên đăng nhập, mật khẩu truy cập, mã PIN Internet banking, mã OTP, số tài khoản của mình vào trang web hoặc đường link lạ…