Vài ngày vừa qua, báo chí trong nước liên tục đưa tin về vụ Quyết “còi”, tức Trịnh Văn Quyết, từng là Chủ tịch tập đoàn FLC bị truy tố thêm về tội nâng khống vốn điều lệ FLC Faros từ 1.5 tỉ lên… 4,300 tỉ đồng! Sau khi nâng khống vốn điều lệ, Trịnh Văn Quyết đã bán toàn bộ số cổ phiếu ROS mang tên mình và năm người khác nhờ đứng tên, thu về hơn 6,400 tỉ đồng ($272,843,349)!

Luật sư Bùi Phan Anh thuộc Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng vụ án này có trách nhiệm thuộc về Trung tâm lưu ký Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước… Với nhận định như vậy người ta suy ra trách nhiệm của nhiều người, nhiều tổ chức và kể cả nhiều Ông Kễnh trong Bộ Chính Trị đã tiếp tay cho Quyết mới có thể biển thủ một số tiền lớn đến như thế trong nhiều năm mà không bị phát hiện. Rồi cũng từ đó câu hỏi đặt ra trùm cuối là ai và kết quả ai sẽ là con vật thế thân cho vụ án? Và câu trả lời ngắn như cái quần đùi: Không ai cả. Chính Quyết là thế thân khi phe cánh đấu đá nhau và tòa án sẽ theo văn bản miệng mà hành sự.

Khép nép bên cạnh Trịnh Văn Quyết là Phạm Đoan Trang, một người bất đồng chính kiến bị tòa xử chín năm tù về tội “tuyên truyền chống phá nhà nước”. Phiên tòa phúc thẩm ngày 25 Tháng Tám đã kết quả như mọi người đều biết trước: Y án. Tòa án Nhân dân Cấp cao TP Hà Nội chỉ làm công việc mà mọi tòa án khác ở Việt Nam phải làm: Không bận tâm các bị can của Tòa sơ thẩm, tòa dưới xử thế nào thì tòa trên cứ y như vậy, giảm án hay không phải có điều kiện, rằng đó là người không phải là tù nhân lương tâm, gia tộc cách mạng, trả lại một phần tiền tham ô, có giấy chứng nhận bệnh nan y, hay được anh Tư chú Sáu rỉ tai bảo nhỏ.

Trịnh Văn Quyết (ảnh: VNE)

Vụ án Quyết còi xem thì lớn nhưng hậu quả làm sao bằng những vụ án oan khốc khiến lòng dân ly tán uất hận tràn trề. Có những vụ án như nuốt đinh không tài nào nhổ ra được, như vụ Hồ Duy Hải, kéo dài từ năm 2008 tới nay vẫn không ngã ngũ. Hải bị kết án tử hình vì tội giết chết Nguyễn Thị Ánh Hồng và Nguyễn Thị Thu Vân với tang vật là dao và thớt được cơ quan điều tra mua ngoài chợ làm “chứng cứ” trước tòa.

Gia đình Hải kêu oan suốt nhiều năm, cho đến năm 2011, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình quyết định không kháng nghị vụ án. Năm 2012, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang bác đơn xin ân xá của Hồ Duy Hải. Sau đó, trước phản đối của dư luận trong nước và quốc tế cũng như Quốc hội Việt Nam, năm 2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang ra lệnh tạm dừng thi hành án tử hình đối với Hồ Duy Hải.

Theo những luật sư bảo vệ Hồ Duy Hải thì đây là một vụ án có những vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc điều tra, như: Tiêu hủy vật chứng, thay đổi vật chứng, bỏ sót các chứng cứ pháp y như vân tay, vết máu tại hiện trường; rút bỏ hồ sơ chứng cứ có lợi cho bị cáo, bỏ qua một số bản khai cung không nhận tội của bị cáo.

Tuy nhiên Tòa án nhân dân tối cao nhận định những vi phạm pháp luật này không làm thay đổi bản chất của vụ án nên không cần thiết phải hủy các bản án sơ thẩm, phúc thẩm. Rồi vụ án dừng lại ở đó không biết khi nào xử lại. Họ muốn chờ cho Hải chết trong tù thì các cơ quan tư pháp của Long An mới tuyên bố rằng họ không liên can?

Nói đến án, ai từng theo dõi những vụ từ Nam ra Bắc trong hai trường hợp: Tham nhũng và Bất đồng chính kiến đều thấy rõ có hai kịch bản điển hình. Đối với những người có hoạt động xã hội dân sự hay bảo vệ Nhân quyền, họ luôn bị kết án rất cao và không có bất cứ ngoại lệ nào. Tòa xử nhanh, không cần chứng cứ có đủ mạnh hay hợp lý, chống lại pháp luật hay không, bản án đã định sẵn tùy theo tên tuổi và sự nổi tiếng của đương sự mà phán xét. Phạm Đoan Trang chỉ là một trường hợp mới nhất còn hàng ngàn người vẫn đang ngồi tù vì những tòa án “cách mạng” như vậy.

Còn tham nhũng và lừa đảo có tổ chức như vụ Trịnh Văn Quyết thì không cần nghĩ ngợi chi xa cũng thấy rằng tiền tham nhũng lừa đảo càng cao thì xác suất ngồi tù của những kẻ liên can càng thấp. Nếu có thì chỉ là đám chạy hiệu, cò mồi, còn tai to mặt lớn đố dám mà đụng tới.

Tại sao cho đến giờ phút này mà tòa án Việt Nam vẫn kiên trì làm công việc của nha môn thời phong kiến? Tại sao tòa án luôn coi thường pháp luật để xét xử và tuyên án một cách tùy tiện theo cung cách quan lại bất kể sự chống đối của người dân trong nước cũng như quốc tế?

Vì tòa có súng. Và trên hết vì tòa lập ra không phải để duy trì và bảo vệ công lý mà để bảo vệ và duy trì quyền lực của Đảng cầm quyền.

Khi sự tức giận tràn đến cực điểm thì không có gì ngăn được sự bùng nổ của nạn nhân. Trong phiên phúc thẩm xử nhà hoạt động Nguyễn Văn Túc ngày 14 Tháng Chín 2018, tòa tuyên y án 13 năm tù giam đối với tội “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” của ông. Nói lời cuối cùng trước khi về lại trại giam ông Túc chỉ nói ba chữ gọn lỏn: “Địt mẹ tòa”!

Trên thế giới này hầu như chưa có nước nào ngoài hệ thống chủ nghĩa xã hội lại có người văng thẳng vào mặt tòa những câu như thế. Nạn nhân của tòa án Việt Nam không xem tòa là một định chế uy nghi, lấy pháp luật làm gốc, mà ở đó dung chứa những quan lại, những sai nha, những kẻ xứng đáng bị gọi bằng thằng – thằng tòa.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: