Thanh tra EVN: Làm ‘quyết liệt’ cho lắm thì ‘tắm cũng chung một phòng’

Tuổi Trẻ nhật báo ngày 6 Tháng Sáu phản ảnh về tình trạng thiếu điện nhiều nơi ở các tỉnh phía Bắc, đặc biệt một số doanh nghiệp trong khu công nghiệp ở Bắc Ninh vì bị cắt điện nên phải tạm ngưng sản xuất, cho công nhân nghỉ – Ảnh: Tuổi Trẻ

Đó là lời dư luận đàm tiếu khi được tin Thủ tướng Phạm Minh Chính ra quyết định cho Bộ Công thương lập đoàn thanh tra những khuất tất tại Tập đoàn Điện lục Việt Nam (EVN).

Chuyện EVN được độc quyền buôn bán điện nên đã có những khuất tất từ bao năm nay, ai cũng biết, ai cũng nói nhưng chẳng ai làm gì được. Thế nhưng trong thời gian gần đây, hình như sức chịu đựng của dân chúng đối với tập đoàn này đã lên đến đỉnh điểm khi vào Tháng Năm, họ vừa tăng điện lên 3% lại tiếp tục đề nghị tăng thêm nữa vào Tháng Chín sắp tới, vì… lỗ!

Như thế, tính từ năm 2010 đến  Tháng Năm năm 2023, EVN đã 8 lần điều chỉnh tăng giá điện. Giá bình quân từ 1.058 đồng/kWh lên 1.864,444 đồng/kWh (vào năm 2019); đến nay vẫn tiếp tục báo lỗ và đề nghị điều chỉnh tăng giá điện.

Điều lạ là khi công ty mẹ (EVN) báo lỗ, thì các công ty con vẫn công bố thu lợi nhuận cao. Nghịch lý này khiến người dân không hiểu tại sao EVN lại lỗ?

Trước sự chuyên quyền và lộng hành về giá điện, nhiều đại biểu quốc hội đã lên tiếng cần phải mau chóng xã hội hóa ngành điện, và tổng thanh tra EVN thì đầu Tháng Sáu, EVN đã bất ngờ cắt điện nhiều khu vực, kể cả Hà Nội, mà không báo trước.

Hành động tự ý cắt điện đã vi phạm hợp đồng cung cấp điện của EVN với khách hàng, đã làm dấy lên làn sóng phản đối mạnh mẽ tại thủ đô và có nguy cơ lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác. Cả nước trở thành “con tin” của EVN. EVN trở thành “thượng đế toàn năng” khi muốn “ban phát ân huệ” cho ai, cho ngành nào thì nơi đó được hưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên (giữa) chủ trì buổi làm việc với đoàn thanh tra chuyên ngành về cung ứng điện. Người ta không tin ông Diên có thể công tâm trong việc thanh tra EVN – Ảnh: BCT

Trước sức ép của dư luận, ông Chính buộc lòng phải ra quyết định thanh tra EVN. Tuy nhiên việc để cho Bộ Công thương thanh tra EVN lại vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dân chúng. Nhiều người cho rằng, việc để Bộ Công thương thanh tra EVN cũng giống như để “thằng cha” xem “thằng con” có làm gì sai không, rồi báo lại với “thằng ông nội”.

Có nguồn tin trên mạng xã hội cho rằng ông Chính hiện đang bị “sức ép từ chức” vì để EVN thao túng nếu không xử lý vụ này “ra ngô ra khoai”. Và để điều đó không xảy ra, ông Chính vừa phải làm “mát lòng” dư luận, vừa phải giải tỏa áp lực từ phía đại biểu quốc hội, lại vừa không làm “mất lòng đồng chí”.

Và cũng để làm “mát lòng” dư luận, ngay khi nhận nhiệm vụ thanh tra EVN, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên ngay lập tức thành lập đoàn thanh tra liên ngành gồm lãnh đạo các đơn vị Cục Điều tiết điện lực, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Vụ Pháp chế, Thanh tra bộ, Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Dầu khí và than.

Ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công thương được phân công trực tiếp chỉ đạo cuộc thanh tra.

Ông Diên nói ông đã “chỉ đạo” đoàn thanh tra phải “làm việc công tâm, khách quan dựa trên quy định của pháp luật và quy định, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, cơ quan chức năng; tình hình và kết quả thực hiện của EVN”.

Ngày 5 Tháng Sáu, một công ty ở Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh) cho công nhân nghỉ làm vì bị cắt điện, nhóm công nhân về khu nhà trọ cũng bị mất điện nên “giải nhiệt” bên hành lang xóm trọ (ảnh lớn). Công ty Hi Viet Food đóng cửa vì mất điện (ảnh nhỏ trên) và công nhân một công ty bê tông ra về vì mất điện (ảnh nhỏ dưới) – Ảnh: Tuổi Trẻ

Nghe hơi sáo rỗng, nhưng nếu để ý, người ta có cơ sở để nghi ngờ kết quả cuộc thanh tra này sẽ không đáng tin cậy.

Thứ nhất, như dư luận đã lên tiếng, chằng có “thằng cha” nào lên tiếng tố cáo “thằng con” mình cho bàn dân thiên hạ biết. Thiên hạ sẽ chửi “cha không biết dạy con”, hay “cha nào con nấy”!

Thứ hai, trong sự “chỉ đạo” của ông Diên, người ta rất hoang mang khi ông “lệnh” cho đoàn thanh tra ngoài chuyện phải “làm theo quy định của pháp luật” còn phải làm việc theo “chỉ đạo của cấp có thẩm quyền”. Câu “lệnh” này làm cho người ta suy diễn rằng nếu đoàn thanh tra có phát hiện ra điều gì sai trái của EVN thì phải báo cáo với ông Diên trước. Nếu ông cho phép mới được công bố ra ngoài.

Chưa hết. ông Diên còn giao cho chánh Thanh tra bộ, cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, vụ trưởng Vụ Pháp chế trực tiếp giám sát đoàn thanh tra. Điều này làm cho dư luận không thể không nghi hoặc cách làm việc của ông Bộ trưởng Bộ Công thương.

Dư luận hiện đang bàn tới một “âm mưu” như thế này: Dù đoàn thanh tra do ông Diên thành lập, nhưng hình như ông không tin đoàn thanh tra liên ngành sẽ ra những quyết định “hợp lòng” ông. Thế nên ông lại tiếp tục thành lập thêm một đoàn thanh tra nữa, có trách nhiệm thanh tra đoàn thanh tra EVN, để “uốn nắn” những kết luận của đoàn thanh tra EVN nếu nó khác với “ý chỉ” của lãnh đạo.

Thế nên dư luận lại “cười mếu” nói rằng, bọn chúng đánh nhau tranh giành quyền lực rồi cũng tự thỏa thuận để cùng tồn tại mà thôi. Kết quả cuộc thanh tra EVN đã được dự báo trước, đó là một kết quả làm hai lòng mọi phe phái, và EVN vẫn sẽ “một mình một chợ”, người dân tiếp tục là “con tin” của tập đoàn này, để họ “làm giá” với chính phủ.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: