Thông tin cho truyền thông trong nước chiều 1 Tháng Sáu, ông Nguyễn Đức Thắng, phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao cho biết bà Hoàng Thị Minh Hồng đã bị bắt cùng chồng và hai nhân viên, với cáo buộc “trốn thuế”.
Ông Thắng không nói rõ thời điểm bắt vợ chồng bà Hồng và hai nhân viên, cũng như không nói rõ vợ chồng bà Hồng đã trốn thuế gì, trị giá bao nhiêu?
Bà Hoàng Thị Minh Hồng, người từng được báo chí trong nước vinh danh là “anh hùng khí hậu”, “người truyền cảm hứng”, là giám đốc, người sáng lập tổ chức xã hội dân sự CHANGE, một tổ chức phi chính phủ, với sứ mệnh giải quyết một số vấn đề môi trường nghiêm trọng tại Việt Nam, bao gồm biến đổi khí hậu, buôn bán động vật hoang dã và ô nhiễm. Bà Hồng cũng là nữ giới Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Nam Cực.
Năm 2019, tạp chí Forbes bình chọn bà là một trong 50 người phụ nữ ảnh hưởng nhất tại Việt Nam. Hồi Tháng Ba 2022, Ngân hàng Thế Giới (World Bank) đã phỏng vấn bà Hồng với tư cách là một trong những phụ nữ xuất sắc của khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, những người đang hành động thúc đẩy bình đẳng giới hôm nay để tạo ra một tương lai bền vững.
Trong những năm 2010-2011, bà Hồng từng xây dựng được một nhóm điều phối gồm các bạn trẻ năng động để chính thức khởi động phong trào 350 ở Sài Gòn và Hà Nội. Năm năm sau, nhiều dự án bảo vệ động vật hoang dã do CHANGE tổ chức, như chiến dịch “Chấm dứt sử dụng sừng tê”, “Cứu tê tê”, và “Nói không với ngà voi”, đã giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về những loài vật đang đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng bị tiêu thụ một cách trái phép tại Việt Nam.
Dự án sôi động nhất trong những năm gần đây của CHANGE là chiến dịch “iCHANGE – Tôi thay đổi”, kêu gọi mỗi cá nhân tự thay đổi các thói quen không thân thiện với môi trường, như dùng đồ nhựa một lần, lãng phí đồ ăn, điện, nước. CHANGE hướng tới tương lai “Việt Nam xanh sạch được bảo vệ bởi tất cả người dân”. Với những đóng góp của mình, bà Hồng được Climateheroes.org công nhận là Anh hùng Khí hậu (Climate Hero).
Việc nhà cầm quyền Việt Nam bắt vợ chồng bà Hồng cùng hai nhân viên với tội danh “trốn thuế” cũng tương tự như việc họ bắt bốn nhà hoạt động môi trường trước đó: ông Mai Văn Lợi, ông Bạch Hùng Dương, ông Đặng Đình Bách, bà Ngụy Thị Khanh.
Trong số bốn người trên, hiện chỉ có bà Ngụy Thị Khanh, giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh – GreenID, còn được gọi là anh hùng môi trường, từng được giải thưởng Goldman của Quỹ môi trường Goldman, bị tuyên án tù 2 năm, mới được trả tự do trước thời hạn do áp lực từ các nước phương Tây, trong đó mạnh nhất là Hoa Kỳ.
Các ông Mai Văn Lợi, Bạch Hùng Dương và Đặng Đình Bách vẫn bị ngồi tù, dù hồi Tháng Tư 2022 Văn Phòng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã kêu gọi nhà cầm quyền Việt Nam phải dừng ngay những biện pháp trừng phạt thường xuyên sử dụng đối với những nhà hoạt động cổ súy cho quyền con người và quyền môi trường.
Ông Mai Phan Lợi, bút danh Bút Lông, trước khi thành lập trung tâm Truyền thông Giáo dục Cộng đồng MEC và group Facebook “Góc nhìn Báo chí Công dân” từng là trưởng văn phòng đại diện báo Pháp Luật Sài Gòn tại Hà Nội, bị tuyên án tù 3 năm 9 tháng.
Ông Đặng Đình Bách, là luật sư, trước khi là giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Pháp luật và Chính sách Phát triển Bền vững, ông làm việc tại văn phòng kiểm toán nhà nước thuộc Bộ Nội vụ và báo Công Thương, bị tuyên án tù 5 năm. Còn ông Bạch Hùng Dương, là giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng – MEC, một luật sư chuyên về kinh tế, bị tuyên án tù 2 năm 6 tháng.
Bà Hồng cùng với bốn người này từng được cộng đồng mạng gọi là “Bộ ngũ môi trường Việt Nam”, là những người hoạt động không mệt mỏi để bảo vệ môi trường thiên nhiên đều đã bị bắt vì tội “trốn thuế”. Cáo buộc “trốn thuế” là cách nói che lấp một động cơ chính trị phía sau, nhằm giúp nhà cầm quyền cách ly họ ra khỏi xã hội.
Theo Đất Việt ngày 1 Tháng Sáu 2023, “Bộ ngũ môi trường Việt Nam” đã và đang đối diện với tội “trốn thuế” vì các tổ chức phi chính phủ của họ đang phải hoạt động trong “vùng xám” của pháp luật Việt Nam, tức là không có luật cụ thể để điều chỉnh các hoạt động kinh tế liên quan đến các tổ chức phi chính phủ.
Nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam, truy tố và bỏ tù họ về tội “trốn thuế” với mục đích duy nhất là để cách ly họ ra khỏi xã hội, chấm dứt các hoạt động vì môi trường của họ, vì đã dám làm ảnh hưởng đến các chính sách sẵn sàng đánh đổi môi trường để đổi lấy lợi ích kinh tế của nhà cầm quyền.