Thịnh vượng thật sự cho người dân Việt, một mục tiêu xa vời!

Người lao động Việt lao động vất vả, thu nhập thấp. (Hình minh họa: báo Tuổi Trẻ)

Thủ Tướng Phạm Minh Chính vừa đưa ra quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP – Gross Domestic Product) ở mức 8% vào năm 2025.

Đây là chỉ tiêu đầy thách thức, đặc biệt khi so sánh với mục tiêu mà Quốc Hội đề ra trước đó, dao động từ 6.5% đến 7% cho cùng năm. Tuy nhiên, việc tập trung cao độ vào tăng trưởng GDP đặt ra một câu hỏi quan trọng: Liệu GDP, dù là một chỉ số kinh tế quan trọng, có phải là thước đo duy nhất và toàn diện để đánh giá sự thịnh vượng của một quốc gia? Phải chăng, khi GDP tăng trưởng mạnh mẽ, thì nghiễm nhiên mức sống và thu nhập bình quân của mỗi người dân Việt Nam cũng sẽ được cải thiện một cách tương ứng?

GDP là chỉ số kinh tế vĩ mô, được xem là “bảng phong thần” của nền kinh tế, là một công cụ chủ yếu để các nhà kinh tế và hoạch định chính sách đánh giá tốc độ tăng trưởng và sức khỏe tổng thể của nền kinh tế. Khi GDP tăng trưởng dương, được hiểu là nền kinh tế đang phát triển, sản xuất và tiêu dùng đều tăng lên, tạo ra nhiều của cải hơn cho xã hội. Ngược lại, khi GDP suy giảm hoặc tăng trưởng chậm lại, là dấu hiệu cảnh báo về những khó khăn kinh tế, thậm chí là nguy cơ suy thoái.

Việt Nam, một quốc gia đang phát triển, mức thu nhập bình quân và chất lượng cuộc sống của người dân Việt hiện nay vẫn còn ở mức tương đối thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế cao được kỳ vọng sẽ tạo ra nhiều cơ hội việc làm hơn, giúp người dân có thu nhập cao hơn, từ đó cải thiện đời sống vật chất và nâng cao chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, điều quan trọng cần nhấn mạnh là, dù GDP là một chỉ số vô cùng hữu ích và cần thiết, nhưng trong lĩnh vực thống kê kinh tế và đánh giá sự thịnh vượng, tăng trưởng GDP không phải là tất cả. Nó không phải là chỉ số duy nhất, càng không phải là thước đo hoàn hảo để phản ánh toàn diện sự thịnh vượng, hạnh phúc và mức độ hài lòng của người dân một quốc gia.

Một trong những hạn chế lớn nhất của GDP là không phản ánh sự phân phối thu nhập. Khái niệm GDP bình quân đầu người (GDP per capita) được tính bằng cách lấy tổng GDP của một quốc gia chia cho tổng dân số của quốc gia đó. GDP bình quân đầu người chỉ cho biết giá trị kinh tế được tạo ra trên mỗi người dân trong một quốc gia, chứ không phải là mức thu nhập thực tế mà mỗi người dân nhận được.

Theo số liệu từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF – International Monetary Fund), GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 ước tính đạt mức $4,650 một người một năm. Mức thu nhập sản xuất này chỉ tương đương khoảng gần 35% so với mức thu nhập bình quân của cư dân toàn cầu. Nghiên cứu của Trung Tâm Nghiên Cứu Kinh Tế và Kinh Doanh (CEBR – Centre for Economics and Business Research) cũng chỉ ra rằng Việt Nam đang xếp hạng khá thấp so với các nước trong khu vực Đông Nam Á về GDP bình quân đầu người, đứng thứ 6 vào năm 2024, sau Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan và Indonesia.

Để có cái nhìn chính xác hơn về mức thu nhập bình quân thực tế của người dân, cần xem xét các chỉ số khác, như mức lương trung bình (PCI – Per Capita Income) và Tổng thu nhập quốc dân bình quân đầu người (GNI – Gross National Income).

Theo Tổng Cục Thống Kê Việt Nam, mức lương trung bình của người lao động Việt Nam năm 2024 ước tính vào khoảng 7.7 triệu đồng một tháng, tương đương hơn $3,600/người/năm, tăng 8.6% so với năm 2023. Theo dữ liệu từ trang phân tích năng suất Time Champ vào tháng 5 năm 2023, mức lương trung bình của Việt Nam đứng thứ 7 ở Đông Nam Á, chỉ xếp trên các nước Lào, Campuchia, Myanmar và Timor Leste.

Về chỉ số GNI bình quân đầu người, hiện chưa có số liệu chính thức cho năm 2024. Tuy nhiên, trong năm 2023, theo Ngân Hàng Thế Giới (World Bank -WB), GNI bình quân đầu người của Việt Nam là $4,180. Con số này tăng lên so với $4,020 hồi năm 2022 và $3,590 năm 2021. Giả sử mức tăng trưởng GNI năm 2024 cũng khoảng 7% tương tự như mức tăng trưởng lương trung bình, thì GNI bình quân đầu người của Việt Nam năm 2024 có thể vào khoảng $4,472.

Theo WB, một quốc gia được xếp vào nhóm các nước có thu nhập trung bình cao (upper-middle-income) khi GNI bình quân đầu người nằm trong khoảng từ $4,516 đến $14,005. Như vậy, dù có sự tăng trưởng đáng kể trong những năm gần đây, tổng thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam vẫn có khả năng chỉ ở mức trung bình so với các tiêu chuẩn quốc tế.

Điều này cho thấy một thực tế quan trọng: GDP có thể tăng trưởng nhanh chóng, nhưng điều đó không tự động bảo đảm rằng tất cả mọi người dân đều được hưởng lợi một cách công bằng từ sự tăng trưởng đó. Sự chênh lệch giàu nghèo trong xã hội vẫn có thể tồn tại, thậm chí gia tăng, ngay cả khi GDP liên tục tăng trưởng. Một quốc gia có thể có tổng GDP rất lớn, nhưng nếu phần lớn của cải chỉ tập trung trong tay một nhóm nhỏ lợi ích, trong khi đa số người dân vẫn phải sống trong điều kiện kinh tế khó khăn khi phải tốn hơn 20 năm không ăn không mặc mới có thể mua được cái nhà, thì không thể nói rằng quốc gia đó thực sự thịnh vượng.

Thứ hai, một hạn chế căn bản khác là GDP bỏ qua các yếu tố phi kinh tế quan trọng. GDP chỉ đo lường các hoạt động kinh tế, tức là những giao dịch mua bán hàng hóa và dịch vụ trên thị trường. Nó không tính đến, hoặc đánh giá thấp, những yếu tố quan trọng khác có ảnh hưởng sâu sắc đến sự thịnh vượng và chất lượng cuộc sống của người dân, như sức khỏe cộng đồng, chất lượng giáo dục, tình trạng môi trường tự nhiên, mức độ tự do chính trị, công bằng xã hội, và hạnh phúc tinh thần của người dân.

Ví dụ, nếu một quốc gia tăng trưởng GDP bằng cách khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách bừa bãi, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, thì dù GDP có thể tăng lên trong ngắn hạn, nhưng về lâu dài, chất lượng môi trường suy giảm sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dân, làm giảm chất lượng cuộc sống và sự thịnh vượng bền vững. Tương tự, một quốc gia tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà không đầu tư đủ vào giáo dục và y tế, thì dù GDP có cao, nhưng trình độ dân trí thấp và hệ thống y tế kém chất lượng cũng sẽ kìm hãm sự phát triển toàn diện của con người và xã hội.

Thứ ba, GDP không tính đến kinh tế ngầm và các hoạt động kinh tế phi thị trường. Một phần đáng kể các hoạt động kinh tế, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, diễn ra trong khu vực kinh tế ngầm, tức là những hoạt động không chính thức, không được đăng ký và do đó không được thống kê vào GDP. Điều này không có nghĩa là tất cả các hoạt động kinh tế ngầm đều là bất hợp pháp. Ví dụ, công sức lao động của những người nội trợ trong gia đình, như chăm sóc con cái, dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, thường không được tính vào GDP, mặc dù những công việc này có giá trị to lớn và đóng góp không nhỏ vào phúc lợi gia đình và xã hội. Tương tự, các hoạt động tự cung tự cấp trong hộ gia đình, hoặc các hoạt động tình nguyện, từ thiện, cũng không được phản ánh trong GDP. Có nghĩa, GDP có thể bỏ sót một phần quan trọng của hoạt động kinh tế và giá trị xã hội, đặc biệt là ở những quốc gia mà khu vực kinh tế phi chính thức còn lớn.

Thứ tư, GDP không phản ánh sự bền vững của tăng trưởng. GDP tập trung vào đo lường sản lượng kinh tế ở thời điểm hiện tại, mà không xem xét đến những tác động dài hạn của hoạt động kinh tế đến tương lai. Ví dụ, việc tập trung khai thác tài nguyên thiên nhiên một cách cạn kiệt, ưu tiên các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường, hoặc phát triển kinh tế bằng mọi giá mà bỏ qua các yếu tố môi trường, có thể tạo ra sự tăng trưởng GDP ấn tượng trong ngắn hạn. Tuy nhiên, kiểu tăng trưởng này mang theo những hệ lụy khôn lường cho môi trường và làm suy yếu nền tảng phát triển bền vững trong tương lai. Đến khi tài nguyên cạn kiệt hoặc môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, thì những thành quả tăng trưởng GDP trước đó trở nên vô nghĩa, thậm chí còn gây ra gánh nặng cho các thế hệ sau.

Một minh chứng rõ ràng cho thấy sự tăng trưởng GDP không phải lúc nào cũng đồng nghĩa với sự thịnh vượng bền vững, đó là trường hợp của ngành xe điện đang phát triển nhanh chóng tại Việt Nam. Năm 2024, Việt Nam ghi nhận doanh số hơn 87,000 xe điện, chủ yếu tới từ VinFast.

Xe điện được xem là một giải pháp xanh, giảm phát thải từ giao thông. Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ, hơn một nửa lượng điện năng sản xuất tại Việt Nam hiện nay vẫn đến từ các nhà máy nhiệt điện than, vốn là nguồn gây ô nhiễm hàng đầu. Theo Reuters, sự phục hồi mạnh mẽ của tăng trưởng GDP Việt Nam trong năm 2024 có một phần đóng góp không nhỏ từ việc chính phủ tăng cường nhập khẩu than đá để đáp ứng nhu cầu phát điện, tránh tình trạng thiếu điện như các năm trước.

Số liệu thống kê cho thấy, lượng than nhập khẩu năm 2024 đã tăng vọt 24.8% so với năm trước, đạt mức 63.8 triệu tấn. Trong khi đó, sản lượng điện sản xuất trong năm cũng tăng 9.6%, lên 293.3 tỷ kilowatt giờ. Để dễ hình dung mức độ tác động, trung bình mỗi tấn than khi đốt sẽ thải ra khoảng 2 tấn khí CO2 tương đương. Như vậy, tổng lượng phát thải CO2 từ lượng than nhập khẩu khổng lồ này lên tới 127.6 triệu tấn. Con số này tương đương với lượng khí thải CO2 hàng năm của hơn 42.5 triệu xehơi – một lượng phát thải khổng lồ. Điều đáng nói là, một phần không nhỏ lượng điện sản xuất từ than đá này lại được dùng để sạc cho hơn 87,000 chiếc xe điện mới của VinFast bán ra trong năm 2024.

Như vậy, ví dụ về xe điện và nhiệt điện than cho thấy, dù xe điện là một bước tiến hướng tới giao thông xanh, nhưng nếu nguồn điện cung cấp cho chúng vẫn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch như than đá, thì lợi ích về môi trường sẽ bị hạn chế đáng kể. Trong trường hợp này, tăng trưởng GDP (một phần nhờ vào ngành xe điện và sản xuất điện) có thể tạo ra cảm giác về sự phát triển kinh tế, nhưng lại che giấu những thách thức môi trường tiềm ẩn và sự phụ thuộc vào năng lượng không bền vững. Ví dụ này minh họa rõ ràng rằng, chỉ số GDP, dù tăng trưởng, không thể phản ánh đầy đủ bức tranh về sự thịnh vượng thực sự và bền vững của một quốc gia, nếu không xem xét đến các yếu tố môi trường và chất lượng tăng trưởng.

Từ những phân tích trên, có thể thấy rõ rằng, dù GDP là một chỉ số kinh tế quan trọng và cần thiết, nhưng nó không phải là một thước đo hoàn hảo và duy nhất cho sự thịnh vượng của một quốc gia. Có rất nhiều yếu tố quan trọng khác, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của mỗi người dân, nhưng lại chưa được phản ánh đầy đủ, hoặc thậm chí bị bỏ qua, trong chỉ số GDP. Mục tiêu cuối cùng của mọi quốc gia, mọi thể chế chính trị, suy cho cùng, vẫn là hướng tới sự giàu có về vật chất và hạnh phúc về tinh thần cho người dân.

Vậy, để đánh giá một cách toàn diện và chính xác hơn về sự thịnh vượng của một quốc gia, cần phải xem xét một cách đồng bộ và đa chiều nhiều yếu tố khác nhau, bao gồm cả các chỉ số kinh tế và phi kinh tế. Bên cạnh GDP, có nhiều chỉ số khác đã được phát triển để bổ sung hoặc thay thế, nhằm cung cấp một bức tranh đầy đủ hơn về sự phát triển và thịnh vượng. Trong số đó, có thể kể đến Chỉ Số Phát Triển Con Người (HDI – Human Development Index), đo lường sự phát triển của một quốc gia trên ba khía cạnh chính: sức khỏe (tuổi thọ), giáo dục (trình độ học vấn) và thu nhập (GNI bình quân đầu người). Chỉ Số Hạnh Phúc Quốc Gia (GNH – Gross National Happiness), được khởi xướng bởi Bhutan, tập trung vào đo lường hạnh phúc và phúc lợi tinh thần của người dân, bên cạnh các yếu tố kinh tế. Chỉ Số Tiến Bộ Xã Hội (SPI – Social Progress Index) đánh giá mức độ đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người, nền tảng phúc lợi và cơ hội cho người dân trong một quốc gia. Và Chỉ Số Hành Tinh Hạnh Phúc (HPI – Happy Planet Index), kết hợp giữa hạnh phúc, tuổi thọ và dấu chân sinh thái, nhằm đánh giá hiệu quả sử dụng tài nguyên để đạt được hạnh phúc bền vững.

Chính phủ và các phương tiện truyền thông nhà nước tại Việt Nam thường xuyên sử dụng chỉ số GDP bình quân đầu người như một thước đo thu nhập bình quân của người dân, và qua đó, vẽ nên một bức tranh màu hồng về sự thịnh vượng được cho là dẫn dắt bởi các chính sách của chính phủ. Những con số GDP tăng trưởng ấn tượng liên tục được nhắc đến, tạo ra cảm giác về một Việt Nam đang ngày càng giàu mạnh. Tuy nhiên, thực tế phũ phàng là, tăng trưởng GDP, dù có đạt những kỷ lục mới, dường như không mang lại sự thịnh vượng và giàu có thực chất cho phần lớn người dân Việt Nam.

Thay vào đó, của cải gia tăng từ tăng trưởng kinh tế có vẻ như chỉ chảy vào túi của một nhóm nhỏ lợi ích, mà ở đó, chóp bu là những nhóm lợi ích tư bản đỏ cấu kết với quan chức tham nhũng, trục lợi từ tài sản công và các dự án nhà nước. Nếu chỉ chăm chăm vào chỉ số GDP, cố tình đánh đồng GDP bình quân đầu người với thu nhập bình quân thực tế, bị xem là một chiêu trò mị dân.

Nếu thực sự muốn đánh giá sự thịnh vượng của một quốc gia, cần phải nhìn vào một bức tranh toàn diện hơn, đa chiều hơn, bằng cách kết hợp GDP với các chỉ số phản ánh chất lượng sống thực chất. Đó là các yếu tố như tuổi thọ trung bình, trình độ học vấn của dân số, sự phân phối thu nhập công bằng, chất lượng môi trường sống, mức độ tự do chính trị và quyền công dân, và thậm chí cả cảm nhận chủ quan về hạnh phúc của người dân.

Dễ dàng nhận ra rằng, thịnh vượng thật sự, bền vững và toàn diện cho người dân Việt, vẫn còn là mục tiêu xa vời.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: