Trong tiếng Việt chữ “thôi” có nghĩa là dừng lại nhưng lại nhẹ hơn chữ “ngưng” cùng có nghĩa là dừng nhưng chữ “ngưng” có tính cách tiêu cực hơn. Chữ thôi “hiền lành” thậm chí “âu yếm” nữa. Cha mẹ bảo con “thôi nghen con” có ý vừa khuyên bảo nhưng trong đó chứa đầy tình thương gia đình, nhưng khi cha mẹ bảo con “ngưng đi, hãy ngưng ngay đi” thì ý nghĩa của chữ ấy có tính giận dữ, bực mình và không còn âu yếm nữa.
Trong công việc giữa người với người thì chữ “thôi” cũng không ngoài hàm ý ấy. Một nhân viên bị sa thải, đuổi việc không ai dùng chữ thôi cả mà nói toạc ra sa thải hay bị đuổi. Chữ thôi không có cửa cho việc “Lay off” trong thế giới phương Tây. Nếu muốn giữ thể diện cho một viên chức trong nội các thì họ dùng từ “resign” dịch ra là từ chức, mang tính tự nguyện và được cấp trên chấp nhận do sai phạm không bị hành vi phạm pháp không chế.
Nhưng Việt Nam thì khác. Mới đây, hai phó thủ tướng cùng lúc nhận được quyết định “thôi việc” từ Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhấn mạnh “thôi giữ chức vụ”. Lạ một điều, toàn văn bản không thấy hai ông này vi phạm bất cứ điều gì, trong khi ai cũng biết ông Phạm Bình Minh dính vào vụ “Chuyến bay giải cứu” còn ông Vũ Đức Đam thì liên can tới vụ “Kit test” khi trợ lý ông này là Nguyễn Văn Trịnh bị Bộ Công an bắt vào cuối Tháng Mười Một do đã lợi dụng vị trí công tác can thiệp, tác động các đơn vị, cá nhân có trách nhiệm tại Bộ Y tế để Công ty Việt Á được cấp số đăng ký lưu hành Kit xét nghiệm Covid-19.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trực tiếp liên can là điều quá rõ ràng không cần bàn cãi. Riêng ông Phạm Bình Minh thì hơi khác, khi vụ “Chuyến bay giải cứu” nổ ra ông không chịu trách nhiệm gì về Bộ Ngoại giao, nơi số can phạm bị bắt gần như “toàn bộ” cấp cao nhất có dính líu tới đại sứ quán tại nước ngoài. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn chỉ bị khiển trách vì sai phạm của cấp dưới.
Hai ngày trước khi nhận quyết định thôi giữ chức vụ, trang web Chính phủ đưa tin trong tư cách Phó Thủ tướng Thường trực ông Minh đã ký hàng loạt quyết định thi hành kỷ luật đối với ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo. Ông Phạm Đình Nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, ông Trần Lê Đoài, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, ông Ngô Gia Tự, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định.
Trước đó ông Phạm Bình Minh cũng ký các quyết định tương tự cho các ông Đỗ Minh Tuấn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ông Nguyễn Đình Xứng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Đăng Quyền, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Nhìn chung tất cả những ông này đều dính tới Việt Á và mọi thứ như đã định với những bàn tay nhơ nhuốc này.
Nếu hầu như hơn 60 tỉnh thành có tội phạm Việt Á bị bắt thì các phạm nhân bên Bộ Ngoại giao mức độ lan tỏa chỉ trong phạm vi của các sứ quán không thấy một chút gì dính tới ông Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh. Không ít người nghi ngờ về sự cào bằng có liên quan tới “nước lạ” do tính cách chống Trung Quốc của cha ông là Nguyễn Cơ Thạch đã di hại tới sinh mệnh chính trị của ông nhất là trong suốt thời kỳ làm Ngoại trưởng ông Minh đã không ít lần được “khoác cho chiếc áo” thân Mỹ, đến nỗi ông Nguyễn Kiến Thành, con của TBT Lê Duẩn đã nhận xét rằng ông Minh bị “cuốn theo chiều gió” vì nước lạ yêu cầu!
Thuyết âm mưu này không đứng vững vì ông Minh có đủ khả năng lên tiếng nếu bị o ép. Hệ thống biết rõ kênh ngoại giao đủ khả năng tung tin ra thế giới nếu Ban Bí thư cố tình ép ông vào chỗ chết. Cha ông không sợ thì lý gì ông sợ, cho dù phe thân Trung Quốc đang làm mưa làm gió trong Bộ Chính trị như từ xưa tới nay. Vậy thì lý do gì ban hành một quyết định thôi giữ chức lại không có lý do, kể cả một lý do đơn giản nhất là “sức khỏe”?
Thật ra, “thôi” ở đây không hề mang tính cách nhẹ tay hay âu yếm, nó điển hình cho thói ngạo mạn cộng sản đã nảy nòi cho biện pháp mang tính kỷ luật mà không công khai này. Nó bảo vệ bộ mặt son phấn của chế độ, dù tuồng có diễn xong thì son phấn cũng không được tẩy xóa. Tội của hai ông này rất điển hình cho quyền lực vô hạn của cấp cao nhất mà chế độ dung dưỡng. Nếu bắt kỷ luật hay tống giam thì không khác gì tự bôi mặt mình và vì vậy “thôi giữ chức” là thứ uyển ngữ phù hợp nhất cho hai ông này.
Rồi đây sẽ có hai ông khác lên thay thế, có nghĩa là vai trò phó thủ tướng không hề khuyết đi, nó chỉ lấp vào lỗ hổng chính trị đang ngày một toác hoác trước dư luận quần chúng.
Có một điều lạ, đáng lẽ quần chúng phải nô nức, hân hoan trước tin này mới phải nhưng hầu như mọi người đã biết, đã quen thuộc cách giải quyết này nên họ không còn bận tâm như trước đây nữa. Họ đã “thôi” kỳ vọng vào sự thay đổi, thôi tin tưởng vào cái lò của ông Trọng và nhất là thôi không tin vào “bồ tát” hay “trí thức” của hai ông phó này nữa.