Tiền cúng dường phải ghi chép đầy đủ từ Tháng Ba 2023

An Vui chụp ở chùa Ngọc Hoàng quận 1, Sài Gòn Tháng Hai 2022 – Với người trẻ này thì tiền cúng dường chỉ là mức tượng trưng để tu bổ nơi thờ cúng

Theo Thông tư số 04/2023/TT-BTC của Bộ Tài chính Việt Nam, các đền chùa tiếp nhận tiền cúng dường phải mở tài khoản ở ngân hàng hoặc ghi chép đầy đủ.

Thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền cúng dường, tiền tài trợ và hoạt động lễ hội được Bộ Tài chính ban hành ngày 19 Tháng Giêng 2023, có hiệu lực từ 19 Tháng Ba 2023.

Với tiền được chuyển khoản hoặc thanh toán điện tử, người tiếp nhận phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để tiếp nhận, quản lý và sử dụng.

Với tiền mặt, người tiếp nhận phải mở sổ ghi chép đầy đủ, tiền trong hòm cúng dường phải kiểm đếm hằng ngày hoặc hằng tuần. Các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định tại đền, chùa cũng phải kiểm đếm. Các khoản cúng dường bằng giấy tờ nhà/đất hoặc kim loại đá quý cũng phải ghi chép.

Ngoài ra, thông tin này còn quy định tiền cúng dường chưa sử dụng phải gửi vào tài khoản tại Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng thương mại để an toàn, minh bạch. Người tiếp nhận khoản cúng dường bằng giấy tờ có giá hoặc kim khí quý, đá quý cũng phải mở sổ ghi chép. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng đền/chùa phải chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng những tài sản này. Việc thu chi tại các đền/chùa phải minh bạch, rõ ràng, có quyết toán vào cuối năm (nhưng ai sẽ giám sát việc này thì không nói). 

Thông tư cũng khẳng định tất cả các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, dù nằm trong phạm vi địa bàn di tích được xếp hạng, được kiểm kê hay không, nhà nước cũng không quản lý tiền công đức, mà người đại diện cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo tự quyết, tự chịu trách nhiệm.

Câu chuyện quản lý tiền công đức được bàn nhiều năm nay nhưng sau vài năm dự thảo, Bộ Tài chính mới ban hành thông tư này. 

Tuy nhiên, hồi Tháng Tư 2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi văn bản cho rằng tiền cúng dường (bao gồm tiền tài trợ, tiền phí vào cổng các đền, chùa…) không phải là loại tài sản phải đăng ký theo Luật Dân sự năm 2015 nên không có nghĩa vụ công khai. Họ khẳng định tiền cúng dường là tài sản hợp pháp, thuộc sở hữu riêng của tổ chức tôn giáo, không nên quy định quản lý và không cần công khai.

Thùng cúng dường với ghi chú lưu ý người đi chùa nên bỏ tiền đúng chỗ – Ảnh: An Vui

Dẫn Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016, Giáo hội Phật giáo cho rằng, Nhà nước chỉ yêu cầu tổ chức tôn giáo tự quản lý, sử dụng tài sản đúng mục đích, phù hợp quy định chứ không quản lý, sử dụng tài sản của tổ chức tôn giáo.

Giáo hội Phật giáo cũng không tán thành đề xuất tổ chức tôn giáo “phải mở sổ ghi chép đầy đủ các khoản thu, chi cho công tác tổ chức lễ hội”; khi lễ hội kết thúc “phải tổng kết việc thu, chi”. “Nhà nước chỉ nên khuyến khích chứ không bắt buộc tổ chức tôn giáo mở sổ ghi chép các khoản thu, chi cho lễ hội”, văn bản nêu rõ.

Nếu được thông qua, đây là văn bản pháp luật đầu tiên về vấn đề quản lý thu, chi tiền cúng dường tại các đền/chùa của nhà cầm quyền Việt Nam, do từng có nhiều tai tiếng liên quan đến dòng tiền cúng dường “không được kiểm toán” tại các đền/chùa của Phật giáo. 

Lâu nay nguồn thu mang tên gọi “tiền cúng dường” ở các đền/chùa Việt Nam là một bí mật, chỉ có các vị trụ trì biết số tiền mình nhận được và cách họ sử dụng nguồn tiền đó thế nào cũng là một bí mật. Hồi Tháng Năm 2022, Dân Trí cho hay mỗi năm miếu Bà chúa xứ Núi Sam thu được từ 120 – 150 tỷ đồng tiền cúng dường ($5,117,808 – $6,397,260).

Sự chi tiêu hào phóng của dân Việt cho các đền/chùa khiến việc xây dựng đền/chùa diễn ra hàng loạt ở các tỉnh phía Bắc, với mục đích chính là thu tiền cúng dường, vì những sư trụ trì là đảng viên được giao nhiệm vụ. 

Có thể thấy ở miền Bắc, dân đi chùa có thói quen rải tiền mặt lên các tượng, còn dân trong Nam thường bỏ tiền vào thùng đặt trong chánh điện. Do có nhiều vụ lùm xùm chung quanh hòm tiền cúng dường (ăn trộm đột nhập các đền/chùa hoặc chính sư sãi trong chùa ôm thùng cúng dường bỏ trốn) mà hầu hết các chùa lớn ở Sài Gòn đều trang bị két sắt có khóa số để đựng tiền, thậm chí có chùa còn ràng két sắt vào cột ở chánh điện bằng sợi xích sắt trông hết sức kỳ dị. 

Một lần đi gửi tiền cúng giỗ cho thân nhân người bạn ở một ngôi chùa thuộc quận Thủ Đức, tôi thấy người nhận chỉ ơ hờ ném tiền vào giỏ hay hộp (đã ngập tiền), không hề ghi chép và cũng không có biên lai đưa lại. 

Để xem, khi thông tư này có hiệu lực thi hành thì những vụ tai tiếng xung quanh tiền cúng dường của Giáo hội Phật giáo Việt Nam có chấm dứt hay không.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: