Tố cáo cấp trên, (cựu) đại úy công an Nguyễn Doãn Tú bị trù dập như thế nào?

Nguyễn Doãn Tú khi còn làm việc trong nhà tù Z30D – Trại giam Thủ Đức, Hàm Tâm, Bình Thuận (ảnh tác giả gửi)

Năm 2020, đại úy công an Lê Chí Thành, cán bộ trại giam Thủ Đức (Z30D), Bình Thuận trở thành một “hiện tượng” trên truyền thông xã hội sau khi công khai tố cáo sai phạm của đại tá, giám thị Lê Bá Thụy cũng như tình trạng tham nhũng và sai phạm hàng loạt trong ngành công an. “Đây là một hành động mạo hiểm, đầy rủi ro trong một chế độ mà quyền lực của ngành công an là “bất khả xâm phạm” – theo The Project 88.

Việc làm can đảm của Thành (đương nhiên) khiến anh phải trả giá. Anh bị bắt, bị tra tấn dã man và bị tuyên năm năm tù giam với hai bản án mà nhiều người cho rằng Thành bị oan: “Chống người thi hành công vụ” và “Lợi dụng quyền tự do dân chủ…”

Tám tháng sau khi Thành bị bắt, đồng nghiệp và là bạn thân của anh – đại úy Nguyễn Doãn Tú – cũng vào tù. Tháng Mười Một 2022, Tú bị tuyên hai năm tù giam với cáo buộc “dùng nhục hình” theo điều 373- BLHS.

Anh bị cho là đã có lời nói lăng mạ, xúc phạm và còn dùng cây, tay đánh đập nữ tù nhân gây thương tích chỉ vì người này “làm việc chậm”. Tú khẳng định mình bị oan, bị trả thù vì đã cùng hai đồng nghiệp là đại úy Lê Chí Thành và trung tá Nguyễn Đức Hưng viết đơn tố cáo và vạch trần những khuất tất, sai phạm của đại tá Lê Bá Thụy, giám thị Trại Z30D.

Ông Thụy bị tố có nhiều sai phạm như ăn chặn, bóc lột sức lao động của cán bộ lẫn phạm nhân, tổ chức khai thác tài nguyên rừng, đất cát, sỏi đá trái phép. Đặc biệt, cho thuê đất an ninh quốc phòng với diện tích lên đến 1.000 ha thời hạn 20 năm, cùng nhiều sai phạm khác.

Tú kể, sáng 22 Tháng Chín 2021, như thường lệ, anh đưa đội phạm nhân số 17, phân trại 5 ra hiện trường lao động. Buổi chiều, khi đang làm việc thì Tú được đội trưởng đội tham mưu mời lên văn phòng làm việc và cho biết đã sắp xếp cán bộ khác làm thay Tú. Nội dung buổi làm việc chỉ quanh quẩn mấy câu hỏi thăm sức khỏe, đời sống gia đình.

Hai ngày sau, ông Lê Bá Thụy gặp Tú, thông báo rằng có đơn tố cáo anh đánh đập phạm nhân. Xuất hiện cùng ông Thụy lúc ấy là người của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao (VKSNDTC). Họ đến để đưa nữ tù nhân đi giám định thương tích.

Điều bất thường là phạm nhân tố bị Tú đánh vào sáng ngày 22 Tháng Chín nhưng buổi chiều cùng ngày thì người này vẫn đi làm bình thường sau khi được xác nhận kết quả giám định thương tật 3% vĩnh viễn. Bốn ngày sau, kiểm sát viên vào làm việc với Tú. Người này hỏi:

-Có đánh phạm nhân không?

-Không. Tú trả lời dứt khoát.

-Mày ngoan cố quá. Mày thua rồi, nhận đi.

-Tôi không làm, sao nhận được.

Bị tố cáo dùng nhục hình với phạm nhân nhưng Nguyễn Doãn Tú không được xem nội dung đơn tố cáo hay bản kết luận giám định thương tích, không được gặp tù nhân để đối chất. Từ hôm ấy, đại úy Tú được “ngồi chơi xơi nước” cho đến ngày 13 Tháng Mười Hai 2021, anh nhận một lúc năm quyết định: Tước danh hiệu CAND, khai trừ đảng, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra. Tú bị đưa từ Trại giam Z30D – nhà tù lớn nhất Đông Nam Á, đến Trại Tạm giam K35 thuộc Quân Khu 7 (Sài Gòn) và bị giam cầm trong một buồng giam ẩm thấp, tăm tối.

Mười ngày đầu, Tú được phát mỗi bữa một bát cơm nhạt, không mắm, không muối.

-Em nhịn suốt mười ngày. Không hẳn vì cơm khó nuốt mà em quá uất ức, tuyệt vọng và chỉ nghĩ đến cái chết – Tú kể với tôi.

Lần đầu tiên Tú “đi cung”, điều tra viên chỉ hỏi về các kênh YouTube, Facebook của Lê Chí Thành. Tú trả lời anh không biết và nó không liên quan đến vụ án nên không có nghĩa vụ trả lời.

Điều tra viên đánh bài ngửa với Tú:

-Theo lộ trình thì kiểu gì mày cũng bị bắt trong năm nay thôi. Mày tố cáo “nó” thì mày phải đi thôi. Mà tội mày thế là nhẹ đấy. Mày mà thoát vụ này thì sẽ gặp vụ khác nặng hơn. Nên mày đừng trách các anh. Các anh chỉ làm theo lệnh thôi.

Suốt 13 tháng, Nguyễn Doãn Tú bị nhốt trong một buồng giam rộng hơn 10 mét vuông, có thời điểm lên đến bốn tù nhân chen chúc nhau. Trong buồng có một bể nước, một bệ xí. Trừ những lần đi cung hay gặp người thân thì được ra ngoài, còn lại quanh năm suốt tháng bị nhốt trong cái buồng kín như bưng, không quạt, không bóng đèn, không ánh sáng nào lọt qua. Chỉ có một ô cửa sổ nhỏ xíu, nhưng bị chắn ngang bởi một bức tường cách đó chừng hai thước. Thành ra, chẳng nhìn thấy gì, dù là một cành cây hay ngọn cỏ.

Sau khi có án, Tú được chuyển đến nhà tù Sông Cái (Ninh Thuận), nơi anh nhận xét là “Bọn cán bộ ở đây ác lắm. Chúng đánh phạm nhân vô tội vạ”. Làm chậm, bị đánh. Không đủ khoán, cũng đánh. Cán bộ vớ cái gì thì dùng cái đó đánh. Lúc thì dùng chân đang mang giày đá vào mặt, lúc thì cầm ghế phang vào đầu tù nhân. Có người cùng đội của Tú bị một cai tù cầm ghế phang vào đầu, máu me đầm đìa phải đi khâu vết thương.

Ngày Tú bị bắt, gia đình anh không ai biết. Mấy ngày sau, vợ con mới hay tin khi gọi điện hỏi thăm những người làm việc chung với Tú trong Trại giam.

Vợ chồng Tú có một bé gái 11 tuổi, đang học lớp sáu. Ngày bố đi tù, con bé mới lên chín tuổi. Nó mất bạn. Cả bạn chung xóm lẫn bạn chung trường, chung lớp. Người ta không muốn cho con cái mình giao du với đứa có bố đi tù. Không trách được, đến cha mẹ ruột và bà con họ hàng còn ghẻ lạnh, xa lánh Tú, thì làm sao mong người ngoài thông cảm cho.

Nguyễn Doãn Tú những ngày sống cuộc đời “hoàn lương” (ảnh tác giả gửi)

Nguyễn Doãn Tú ra tù ngày 1 Tháng Chín 2023, trước thời hạn ba tháng. Gần hai năm ở tù, Tú gầy đi 16 kg. Không bị tra tấn về thể xác, nhưng sự đày đọa vẫn thật khốc liệt.

Gần hai tháng nay, Tú vẫn chưa được cấp căn cước công dân. Công an địa phương trả lời: “Chúng tôi đã chuyển hồ sơ của anh lên huyện, đang chờ trả lời”.

Lạ, nhiều người chưa có nhu cầu làm căn cước công dân thì bị công an đến tận nhà lùa đi. Người cần, bị từ chối, viện đủ lý do để không cấp cho người ta. Không giấy tờ tùy thân, lại mang cái mác “thằng tù” thì dễ gì xin được việc làm. Nên bây giờ, ai thuê gì làm nấy, chủ yếu làm rẫy và những việc nặng nhọc.

Bữa nay không có ai thuê, nên Tú mới có thời gian nói chuyện với tôi. Anh cho biết, thỉnh thoảng vẫn nhận được những tin nhắn hoặc cuộc gọi nặc danh đe dọa sẽ bị bắt trở lại hoặc phải chịu những hậu quả không lường trước được nếu tiếp tục tố cáo tên đại tá ác ôn Lê Bá Thụy.

Tú tâm sự, anh nhận thức được phần nào bản chất của chế độ qua vụ án Đồng Tâm. Việc nhà cầm quyền huy động hơn ba ngàn quân để đối phó với một ông già ngoài 80 tuổi, với mấy người dân thường ngày lam lũ là một điều phi lý. Từ những hoài nghi ban đầu ấy, bức màn bí mật dần dần được vén lên, lồ lộ bao nhiêu sự thật cay đắng mà từ trước đến nay Tú không thể ngờ tới.

Tôi ấn tượng với hình ảnh Tú mặc sắc phục công an với nick Facebook là “Doãn Tú công an hoàn lương”. Tôi hỏi vì sao lại nhận mình là “công an hoàn lương”, Tú đáp: “Vì sau này em nhận ra sự thật, rằng công an thực chất chỉ là công cụ bạo lực của chế độ, một nghề ác ôn “hèn với giặc, ác với dân”. Em đã cởi bỏ chiếc áo công an, mặc áo của dân thì đấy là một cuộc hoàn lương. Đơn giản thế thôi. Nếu không có cái “biến cố” ấy, rất có thể một ngày nào đó em sẽ phải cầm súng bắn vào chính người đồng bào mình”.

Tôi tò mò:

-Theo Tú thì trong hàng ngũ công an có khoảng bao nhiêu phần trăm số người hiểu được bản chất của chế độ này?

Tú trả lời, không đắn đo:

-Rất hiếm, hiếm lắm chị ạ.

-Chả lẽ công an toàn người xấu hay sao?

-Không, có người tốt chứ chị. Nhiều người có lòng trắc ẩn, tốt bụng nhưng họ không được làm theo lương tâm mình, không được tự quyết định mà phải thi hành lệnh trên. Có những công an đánh dân, thậm chí bắn người ta xong, quay mặt đi gạt nước mắt.

Tôi im lặng. Tú cũng im lặng.

Tôi không biết những gì Tú nói, đúng được bao nhiêu phần trăm. Nhưng nếu cứ đánh dân, bắn dân xong rồi “gạt nước mắt” thì tội ác vẫn cứ là tội ác. Và đất nước này sẽ mãi bị cai trị bởi gông cùm, xiềng xích vì thứ “lương tâm” xộc xệch có cũng như không, chưa kịp hoài thai đã mau chết yểu.

-Alo, chị còn nghe không?

-Còn nghe đây, Tú nói tiếp đi.

Buông tiếng thở dài, giọng Tú như chùng xuống:

-Em không bao giờ ngờ có ngày em phải chạy ăn từng bữa thế này. Nhưng em thanh thản, ngẩng cao đầu nhìn đời, nhìn thiên hạ. Em không làm gì sai, nên không hổ thẹn. Có điều, không biết ngày mai sẽ ra sao.

Còn ra sao được nữa. Với một người từng sa chân vào hệ thống của cộng sản thì đòn thù phải nhận sẽ kinh khiếp hơn cả khi rời bỏ nó – một tổ chức xã hội đen đầy dãy tội ác. Con đường hoàn lương (vì thế) sẽ đầy chông gai và nhọc nhằn.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: