Ông Tô Lâm, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Việt Nam, vừa làm dậy sóng với bài viết: “Đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng – yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” được báo chí của đảng đồng loạt đăng tải hôm Thứ Hai, 16 tháng Chín.
Mới tháng trước, ngay sau khi ngồi vào chiếc ghế tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam (CSVN) mà ông Nguyễn Phú Trọng để lại, ông Tô Lâm đã yêu cầu “cải cách thể chế nhằm đưa đất nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh…” Bài mới của ông Tô Lâm được coi là một “tín hiệu” về cải cách chính trị mà Việt Nam sẽ thực hiện.
Đổi mới như cũ?
Tuy vậy, trong bài báo dài gần 2,800 chữ, ông Lâm không hề đề cập đến thay đổi thể chế như kỳ vọng mà chỉ đưa ra yêu cầu “đổi mới phương thức lãnh đạo” của đảng; thay đổi cách mà đảng CSVN cai trị đất nước sao cho phù hợp với “kỷ nguyên mới.”
Theo ông Tô Lâm, trong 94 năm qua, đảng CSVN không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo; yêu cầu “đổi mới’ mà ông đưa ra hôm nay chỉ tiếp nối truyền thống đó. Ông đặt ra “bốn nhiệm vụ trọng tâm”: “Thứ nhất, thống nhất nhận thức và thực hiện cho nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của đảng, tuyệt đối không để xảy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của đảng.” “Thứ hai, tập trung tinh gọn bộ máy, tổ chức các cơ quan của đảng, thực sự là hạt nhân trí tuệ, là ‘bộ tổng tham mưu,’ đội tiên phong lãnh đạo cơ quan nhà nước.” “Thứ ba, đổi mới mạnh mẽ việc ban hành và quán triệt, thực hiện nghị quyết của đảng; xây dựng các tổ chức cơ sở đảng, đảng viên thật sự là các ‘tế bào’ của đảng.” Và cuối cùng, “Thứ tư, tiếp tục đổi mới công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của đảng.” Chỉ có nhiệm vụ thứ nhất là đáng chú ý; ba nhiệm vụ còn lại chỉ là râu ria trong nội bộ của đảng CSVN.
Chung quy, ông Tô Lâm tiếp tục khẳng định vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng CSVN đối với đất nước và dân tộc Việt Nam, coi đó là điều hiển nhiên, không thể thay đổi. Ông chỉ yêu cầu “đổi mới” mối quan hệ và lề lối làm việc giữa đảng với nhà nước và các đoàn thể nhân dân, thực hiện nghiêm chỉnh cơ chế “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” (!) đã được ghi trong bản Hiến Pháp năm 2013. Quan trọng nhất, theo ông Tô Lâm là đảng lãnh đạo chứ không làm thay nhà nước; đảng “lãnh đạo” nhà nước và xã hội thông qua hệ thống chính trị, thông qua pháp luật được thể chế hóa từ chủ trương đường lối của đảng, qua sự tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên (!). “Đảng cầm quyền lãnh đạo nhà nước; quyền lực của đảng cầm quyền là quyền lực về chính trị, đề ra chủ trương, đường lối, còn quyền lực nhà nước là quyền lực quản lý xã hội trên cơ sở pháp luật,” ông Tô Lâm viết.
Trong chương trình hội luận dài hơn hai tiếng đồng hồ của đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) vào sáng Thứ Ba, 17 Tháng Chín, các nhà phân tích thời sự trong nước và hải ngoại hết sức thất vọng khi thấy bài kêu gọi “đổi mới” của ông Tô Lâm chẳng có gì mới cả mà quay lại với những quan điểm từ thời ông V.I. Lênin (1922), Hồ Chí Minh, Lê Duẩn và những nghị quyết của đảng CSVN nhiều năm về trước. Bài báo của ông Tô Lâm đầy những khẩu hiệu mòn vẹt đã được nhai đi nhai lại nhiều lần trong các diễn văn của các nhà lãnh đạo đảng CSVN.
Đoạn tuyệt với di sản Nguyễn Phú Trọng?
Tại sao ông Tô Lâm yêu cầu “đổi mới phương thức lãnh đạo của đảng CSVN” vào lúc này, khi ông vừa lên thay nhà lý luận giáo điều Nguyễn Phú Trọng? Tuy yêu cầu “đổi mới” đó không dẫn tới sự thay đổi thể chế, không thực hành dân chủ, như kỳ vọng của giới trí thức và những người quan tâm đến tương lai đất nước, nhưng liệu nó báo hiệu điều gì mới mẻ cho không khí chính trị ở Việt Nam?
Chúng tôi nghĩ rằng, bằng yêu cầu “tách” đảng khỏi nhà nước, tách quyền “lãnh đạo” của đảng CSVN với quyền “quản lý” của nhà nước, ông Tô Lâm muốn đoạn tuyệt với di sản về quản trị quốc gia của ông Nguyễn Phú Trọng và quay trở lại thời kỳ “kỹ trị” (technocracy) của ông Nguyễn Tấn Dũng. Thời ông Dũng làm thủ tướng chính phủ (2006-2011), và trước đó dưới thời các ông “thủ tướng người miền Nam” Phan Văn Khải (1997-2006), Võ Văn Kiệt (1991-1997), quyền lực của “phe chính phủ” có phần lấn át “phe đảng” của các ông Lê Khả Phiêu (1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001-1011). Nhiệm kỳ tổng bí thư của ông Phiêu và ông Mạnh hết sức mờ nhạt, bảo thủ và nhiều tai tiếng cả về đối nội lẫn đối ngoại với Trung Quốc
Thời “kỹ trị” là lúc Việt Nam thoát ra khỏi tình thế bị cô lập, bắt đầu hội nhập với thế giới, phát triển kinh tế trong nước và thu hút được đầu tư nước ngoài. Tuy vẫn là một quốc gia độc tài đảng trị nhưng chính phủ Việt Nam khi ấy đã bắt đầu hướng tới nhà nước pháp quyền, tôn trọng pháp luật, đề cao “chuyên” hơn “hồng,” sử dụng người tài thay cho những kẻ giáo điều và bắt đầu sửa đổi hàng trăm điều luật cho phù hợp dần với các định chế quốc tế mà Việt Nam mới tham gia (ASEAN, WTO, TPP…). Nhưng tăng trưởng kinh tế trong khuôn khổ “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” dưới một thể chế độc tài về chính trị đã dẫn tới tệ nạn tham nhũng khủng khiếp. Chỉ riêng cuộc “cổ phần hóa” doanh nghiệp nhà nước và thành lập các “quả đấm thép” (là những tập đoàn quốc doanh, tổng công ty 90, 91) theo chỉ đạo của ông Nguyễn Tấn Dũng đã khiến đất nước phải trả giá vô cùng đắt, di hại đến tận bây giờ.
Năm 2011, ông Trọng lên nắm quyền lãnh đạo đảng đã quyết định cứu đảng, củng cố quyền cai trị tuyệt đối của đảng trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội. Đi theo bài của ông Tập Cận Bình bên Trung Quốc (cầm quyền từ 2013), ông Trọng cho tái lập các ban đảng đã bị giải tán trước đó như Ban Nội Chính Trung Ương, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương để “đốt lò,” chống tham nhũng và kiểm soát hoạt động của các bộ ngành trong chính phủ. Thời ông Trọng, đảng CSVN thò tay vào mọi ngóc ngách, quyết định tất cả mọi việc từ lớn đến nhỏ; các vụ án tham nhũng chẳng hạn sẽ không tiến hành điều tra được khi chưa được tổ chức đảng bật đèn xanh. Chính phủ trở thành một thứ “bù nhìn” vì đã được đảng làm thay, đến mức khi lò ông Trọng cháy rừng rực thì guồng máy chính quyền gần như tê liệt, không ai dám làm gì vì sợ sẽ bị biến thành củi. Công an, tòa án hoạt động theo chỉ thị của đảng; pháp luật chỉ là ý muốn của ông Trọng và bộ sậu của ông trong Bộ Chính Trị.
Có điều, “đốt lò” không làm cho tham nhũng giảm đi mà trở thành đòn phép để các phe cánh triệt hạ nhau và lột trần trước mắt dân chúng bản chất của một chế độ tham tàn “ăn của dân không từ thứ gì,” một đảng cầm quyền chỉ là “một bầy sâu lúc nhúc.” Kinh tế có tăng trưởng dưới thời ông Trọng nhưng lại biến thành nền kinh tế làm thuê cho tư bản ngoại quốc cộng với sự trục lợi từ đất đai, tài nguyên quốc gia. Xã hội tan nát, từ y tế giáo dục đến tôn giáo đạo đức đều xuống cấp thảm hại.
Là người thực dụng, ông Tô Lâm không muốn tiếp tục sự nghiệp của ông giáo sư xây dựng đảng Nguyễn Phú Trọng; có vẻ như ông Tô Lâm muốn quay lại với con đường kỹ trị để mong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phục hồi phần nào tính chính danh cầm quyền cho đảng CSVN. Đổi mới phương thức “lãnh đạo” của đảng, đảng không bao biện làm thay chính phủ như lời ông Lâm có thể là dấu hiệu cho thấy ông sẽ “trả lại” quyền quản lý kinh tế-xã hội của nhà nước mà các chính phủ thời ông Kiệt, ông Khải, ông Dũng có được. Việc ông “Ba X” Nguyễn Tấn Dũng “tái xuất” bên cạnh ông Tô Lâm trong các sự kiện gần đây có thể không ngẫu nhiên. Ông Tô Lâm đang muốn tạo dấu ấn của riêng mình chứ không muốn là bản sao, là sự nối dài của triều đại ông Trọng.
Dập tắt khát vọng dân chủ
Tuy vậy, trong bài báo thượng dẫn, ông Tô Lâm nhiều lần nhấn mạnh quan điểm “đảng cầm quyền,” cương quyết chống lại thái độ “buông lỏng sự lãnh đạo của đảng.” Đây có thể là phản ứng của ông – nhà lãnh đạo cao nhất của đảng CSVN – trước trào lưu yêu cầu cải cách chính trị, dân chủ hóa xã hội, yêu cầu đảng CSVN chấp nhận đối thoại, chấp nhận sự khác biệt, sự đa nguyên về tư tưởng, dung nạp xã hội dân sự. Yêu cầu đó đã có từ lâu và là khát vọng cháy bỏng trong hàng ngũ trí thức, kể cả trong các đảng viên đảng CSVN, nhiều người đã và đang trả giá cho khát vọng của mình bằng những án tù dài đằng đẵng.
Mới đây nhất, ông Nguyễn Đình Bin, 80 tuổi đời, 60 tuổi đảng, cựu ủy viên Trung Ương Đảng CSVN, cựu thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao, đã gửi tâm thư tới ông Tô Lâm và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo đảng và toàn thể đồng bào trong và ngoài nước để đề nghị đổi mới chính trị. Ông Bin cho rằng “hệ thống chính trị, chế độ xã hội chủ nghĩa mà đảng đang ra sức xây dựng và kiên trì bảo vệ đã rơi vào khủng hoảng trầm trọng,” và ông tha thiết đề nghị đảng CSVN “phải thực hiện đổi mới chính trị thực sự toàn diện và triệt để, hội nhập toàn diện và thực sự vào dòng chảy chủ lưu tự do, dân chủ, văn minh của thế giới hiện nay.”
Đề nghị của ông Bin không được chấp nhận, những lá thư của ông trên mạng xã hội đã bị xóa sạch, nhưng nó cho thấy nỗi thất vọng về hiện tình đất nước, nỗi bức bối trong hàng ngũ cán bộ đảng viên của đảng CSVN. Nó không có hiệu quả thực tế như mong muốn của tác giả, nhưng có hiệu quả về mặt tiếng vang, đánh thức tâm tư nhiều người.
Bài báo lần này của ông Tô Lâm có thể nhằm phản bác và triệt tiêu những tiếng nói “lạc lõng” như của ông Bin, đi kèm với những chiến dịch bắt bớ, xử tù tràn lan những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam hiện nay. Đừng tưởng “đổi mới” là mở cửa, đừng mơ tới ngày đảng CSVN chấp nhận sự khác biệt hay chia sẻ quyền lãnh đạo với các tổ chức chính trị xã hội khác, ông Tô Lâm có ngụ ý như vậy. Có thể vì ông và đảng của ông đang lo sợ “đổi mới chính trị thật sự” sẽ dẫn tới bất ổn, thậm chí sẽ triệt tiêu vai trò thống trị cực quyền của đảng CSVN như diễn biến ở Liên Xô và Đông Âu ngày trước.
Đồng bào sẽ sung sướng?
Sự “đổi mới” nửa vời như vậy của ông Tô Lâm sẽ mang lại điều gì cho đất nước, xã hội Việt Nam? Chúng tôi đoán, chính phủ Việt Nam dưới sự điều hành của ông Tô Lâm sẽ có không gian hoạt động rộng rãi hơn và giới doanh thương sẽ được tạo điều kiện tốt hơn để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Họ sẽ ít bị “vòng kim cô nội chính” của các ban đảng CSVN chụp xuống biến họ thành củi mà không có điềm báo trước. Thêm nữa, tăng trưởng kinh tế và phát triển doanh nghiệp cũng là cách để làm cho hầu bao, két sắt của các quan chức thêm đầy, củng cố lòng trung thành và sự ủng hộ của họ với đảng và chế độ.
Bài báo của ông Tô Lâm không đề cập nhiều đến nhân dân trong cái cơ chế quái đản: “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” (!) Ông lập luận một cách khó hiểu: “Sự lãnh đạo của đảng để đảm bảo quyền lực thực sự thuộc về nhân dân, nhà nước thực sự của dân, do dân và vì dân.” Ông nhắc lại những tuyên bố sáo rỗng vẫn thường được cơ quan tuyên giáo ra sức nhồi nhét vào đầu óc dân chúng: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của tổ quốc, thì đảng không có lợi ích gì khác,” “Đảng không phải là một tổ chức để làm quan phát tài. Nó phải làm tròn nhiệm vụ giải phóng dân tộc, làm cho tổ quốc giàu mạnh, đồng bào sung sướng” (!)
Đồng bào có sung sướng hơn không khi đảng CSVN thu mình vào vai trò “lãnh đạo” và trao “quyền quản lý” lại cho nhà nước? Không biết trước được. Có điều, kinh nghiệm lịch sử cho thấy, dù thời ông Trọng giáo điều hay thời ông Dũng kỹ trị thì người dân Việt Nam vẫn chưa ngẩng đầu lên được khi quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc vẫn chưa thuộc về mỗi người mà nằm trong tay những kẻ cực quyền, lúc nào cũng toan tính trục lợi trên mồ hôi nước mắt người dân mà miệng cứ huênh hoang: “Ngoài lợi ích của dân tộc, của tổ quốc, thì đảng không có lợi ích gì khác!”