Tôi – Nguyễn Thúy Hạnh

Chị Nguyễn Thúy Hạnh (ảnh: Facebook Huỳnh Ngọc Chênh)

Dưới đây là một bài viết của chị Nguyễn Thúy Hạnh trên trang cá nhân đăng ngày 16-9-2019, hai tháng sau khi chị cùng một số nhà hoạt động bị “côn đồ” tấn công dã man. Chị Nguyễn Thúy Hạnh vừa bị bắt ngày 7-4-2021 với những lý do không rõ ràng, bởi chế độ côn đồ cộng sản. Đọc lại bài viết của chị, nói về mình, để thấy rằng chị đã dấn thân như thế nào, bất chấp sự an toàn cá nhân và thậm chí cả tính mạng…

Bố tôi mất sớm lắm, từ khi tôi năm tuổi. Mẹ tôi, một người mẹ vô cùng hiền hậu, sau đó đã có gia đình riêng và những người con khác, bởi khi bố tôi mất, mẹ tôi mới 27 tuổi. Chị em tôi ở với ông bà nội. Ông nội tôi làm việc cho Tòa án Huyện, từng bị quy là địa chủ và học ở trường của Pháp, một người ông quá nghiêm khắc. Bởi luôn lo sợ hai cháu mồ côi không nên người vì không có cha mẹ ở bên nên ông rèn giũa chúng tôi từng li từng tí, từ lời nói, cách ăn uống, cách đi đứng, cách sống ngay thẳng, đặc biệt là phẩm chất công, dung, ngôn, hạnh của người phụ nữ Á Đông…

Nhưng chúng tôi còn quá nhỏ lại thiếu thốn cha mẹ nên nhiều lúc cảm giác cảnh sống đó ngột ngạt như nhà tù. Sau này lúc lâm chung ở tuổi 86, ông nội tôi trăng trối lại rằng trong cuộc đời ông điều ân hận day dứt nhất là làm mất đi tuổi thơ ấu của hai đứa cháu mồ côi. Bà nội tôi là y sĩ, quanh năm, suốt tháng, đêm ngày lăn lộn chữa bệnh và đỡ đẻ cho khắp vùng, lăn xả giúp người, cứu người một cách vô tư. Bà tôi trở thành ân nhân của biết bao gia đình quê tôi. Chị em tôi thừa hưởng phẩm chất này từ bà nội.

Tôi lớn lên như đứa trẻ tự kỷ, không muốn giao tiếp, cứ thu mình một góc, chỉ muốn một mình, rất ngại gặp người lạ. Triền miên trong tôi là nỗi buồn, tủi thân vì không có bố, đêm đêm khó ngủ vật vã nhớ mẹ. Tôi mặc nhiên không biết cười cho đến năm 16 tuổi. Chiều chiều khi mặt trời lặn, lúc con chim bay về tổ là khi tôi trở về trạng thái buồn bã cô đơn, hoang mang… Có lẽ chỉ những đứa trẻ mồ côi mới biết thế nào là nỗi cô đơn thơ dại. Sau này tôi mới biết đó là chứng trầm cảm mà tôi đã bị ngay từ thuở bé.

Vào cấp ba, tôi học rất giỏi văn, trước đó tôi chỉ thích môn toán. Bước ngoặc này bắt đầu từ bài thi vào cấp ba, đề bài là phát biểu cảm tưởng về mẹ. Như một mạch ngầm tuôn chảy dào dạt, tôi cắm đầu viết liền bốn trang giấy nỗi nhớ mẹ, yêu thương mẹ từ trong sâu thẳm trái tim tâm hồn tôi. Bài thi đó tôi được điểm tuyệt đối, thời đó điểm thi văn chỉ 6 đến 7 là cao rồi, thế mà tôi được 10 điểm. Thế là từ đó tôi được trường chú ý bồi dưỡng môn văn để tham gia các cuộc thi học sinh giỏi, khiến tôi thành học lệch, rất kém các môn tự nhiên.

Nỗi ám ảnh tuổi thơ đã đưa tôi đến quyết tâm đòi lại tuổi thơ của mình bù vào cho các con tôi. Nhưng số phận, lại là là số phận, đã không chiều lòng người. Tôi được chọn làm công việc PR (giám đốc đối ngoại) của một công ty lớn của nước ngoài tận miền Nam, công việc phù hợp với khả năng của tôi, và thu nhập có thể nuôi đủ các con tôi. Nhưng áp lực công việc cũng vô cùng lớn, trong khi tinh thần tôi yếu đuối, mà lại quyết tâm lăn lộn cứu công ty. Vậy là suốt tháng ngày tôi trôi dạt hết tỉnh này qua tỉnh khác, thành phố này qua thành phố khác, có những ngày ra sân bay hai lần để di chuyển đến tỉnh khác, chạy sô, cũng chỉ thui thủi một mình, làm việc không có đồng nghiệp.

Suốt những năm tháng đó tôi sống trong nỗi nhớ con, nhớ mẹ cháy bỏng, và nỗi cô đơn thăm thẳm, vẫn nỗi niềm thuở nào đeo đẳng tôi, trước kia là nỗi cô đơn của đứa con, thì nay nó là nỗi cô đơn của người mẹ.  Có lẽ Trời đã động lòng thương, cho tôi khả năng kiếm tiền và sự thành công, bù lại tổn thất tinh thần mà tôi phải chịu đựng (nhưng chắc chắn nếu được lựa chọn, tôi chọn tinh thần chứ không chọn vật chất). Tôi vừa cật lực cống hiến cho công ty phát triển lớn mạnh, vừa kinh doanh riêng và kiếm được khá tiền. Có tiền trong tay, tôi lại mơ ước cho các con đi du học, bởi nền giáo dục ở nước nhà quá tệ, môi trường chính trị, xã hội, thiên nhiên… ở Việt Nam đều quá tệ. Tôi muốn con tôi được học hành tốt hơn, có một cuộc sống tốt hơn. Vậy là lại tiễn con, dứt ruột xa con, xa hơn nữa.

Nỗi cô đơn trong tôi không chịu già đi theo tôi mà còn tiếp tục lớn lên, tôi càng già yếu đi thì chúng càng lớn mạnh. Tôi, bé xa cha mẹ, lớn xa con, già càng xa con hơn, suốt đời trơ trọi một mình. Trái tim tôi, tâm hồn tôi mong manh yếu đuối, dễ tổn thương, dễ vỡ, rất thương người và cả tin, đó có lẽ do những gì tôi thiếu thốn và khát khao suốt cuộc đời này mà không có được.

Các bạn lớp 10C của tôi rất đỗi lạ lùng về tôi bây giờ, rằng cái cô bé Hạnh nhỏ nhắn mơ mộng yếu đuối ủy mị ngày nào sao giờ có thể mạnh mẽ đứng dậy đối mặt với bạo quyền và hiểm nguy, bất chấp bị đánh đập, tù đày. Thực ra sự mạnh mẽ ấy xuất phát cũng từ TÌNH THƯƠNG YÊU. Nhưng các bạn không biết rằng, Thúy Hạnh yếu đuối ủy mị và mơ mộng ngày xưa vẫn còn nguyên trong tôi, ở trong tôi luôn có hai con người, MẠNH MẼ và YẾU ĐUỐI. Mấy hôm nay tinh thần tôi rất không ổn, tôi thực sự muốn thoát khỏi cuộc sống này để về với mẹ tôi ở thế giới bên kia, để được chăm sóc mẹ, và được mẹ dỗ dành, vỗ về, an ủi chở che… Nhưng mọi người khuyên tôi phải biết quý trọng cuộc sống, đặc biệt em Phạm Thanh Nghiên và một bác sĩ quyết tâm giúp tôi, bởi còn nhiều người cần đến tôi. Vậy tôi xin vài hôm không vào Facebook, sao nhãng trách nhiệm với mọi người, để tạm lo cho mình.

Có một điều không thể thay đổi, là suốt cuộc đời tôi không oán thù, tôi yêu thương trân quý tất cả mọi người, và luôn muốn giúp đỡ, muốn bù đắp cho bất cứ ai. Trong cuộc đời tôi ai giúp tôi chỉ bằng móng tay tôi cũng suốt đời mang ơn. Tôi luôn muốn sống có ích, và tôi yêu cháy bỏng TỔ QUỐC này, tự hào ngất ngây được làm người VIỆT NAM.

PS: Tôi chân thành tạ tội nếu trong cuộc đời tôi đã từng có lỗi với ai đó. Và xin đừng chê trách tôi yếu đuối. Ai cũng muốn vô tư và mạnh mẽ, nhưng trời sinh ra như vậy, đó là điều bất hạnh chứ không phải xấu xa thua kém.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: