Mũi biến dạng, chảy dịch, phù nề… sau khi một cô gái (Hà Nội) nâng mũi bằng cấy chỉ collagen tại cơ sở thẩm mỹ gần nhà.
Nâng mũi là loại hình phẫu thuật thẩm mỹ phổ biến nhất ở Việt Nam, được nhiều người (cả nữ lẫn nam) lựa chọn, bất kể họ còn độc thân hay đã lập gia đình. Tuy nhiên, không phải ai nâng mũi cũng đẹp và trông tự nhiên, đa phần chiếc mũi sau khi nâng đều rất thô cứng và luôn ửng đỏ. Ngoài ra, biến chứng do nâng mũi cũng kinh khủng.
Mới đây, bệnh viện đa khoa Đức Giang (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân N.T.V. sau vài ngày nâng mũi bằng cách cấy chỉ collagen đã bị đau tức, phù nề, viêm vùng tháp mũi, chảy dịch… Bệnh nhân này thổ lộ đã nâng mũi ở một cơ sở spa gần nhà, với lời quảng cáo đây là phương pháp mới, không đau, thực hiện nhanh chóng và không cần nghỉ dưỡng.
Bác sĩ Phạm Duy Linh, khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ thuộc bệnh viện Đức Giang cho Lao Động biết bệnh nhân bị tổn thương tháp mũi, có ổ áp-xe, bên trong có cấu trúc tăng âm dạng chỉ, phù nề và viêm nhiễm xung quanh. Các bác sĩ ở bệnh viện đã rút được bảy sợi chỉ trong mũi và hút dịch cho bệnh nhân, tuy nhiên, dự báo là hình dáng mũi của bệnh nhân khó phục hồi như cũ.
Ông Linh cho biết hiện tại phương pháp nâng mũi không phẫu thuật là cấy chỉ đã được cấp phép, tuy nhiên phương pháp này tiềm ẩn nhiều biến chứng gây nguy hiểm cho sức khoẻ nếu người thực hiện không có chuyên môn và kinh nghiệm.
Để thực hiện phương pháp này, các bác sĩ sẽ sử dụng những sợi chỉ sinh học có thể tự tan theo thời gian, sợi chỉ được đưa vào mũi bằng cách dùng kim tiêm đưa vào đầu mũi, sau đó sẽ nắn và tạo dáng mũi, những sợi chỉ này sẽ kích thích tạo collagen tự nhiên và chỉ sẽ tự tiêu theo thời gian, tuỳ cơ địa mỗi người, làm sống mũi đẹp một cách tự nhiên.
Ưu điểm của phương pháp cấy chỉ collagen là ngoài giá vừa phải, thời gian thực hiện nhanh, mất khoảng 20-30 phút, nhưng đây là thủ thuật có xâm lấn, gây chảy máu, nên cần được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn.
Ngoài tay nghề của bác sĩ, sợi chỉ sinh học sử dụng để nâng mũi bằng phương pháp này cần có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Bác sĩ Phạm Duy Linh còn cho biết thêm: “Mỗi người sẽ có hình thái và cấu trúc mũi khác nhau, không thể áp dụng cùng một phương pháp lên nhiều người. Những người có nhu cầu thẩm mỹ, nâng mũi nên đến các bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ để được thăm khám, tuỳ vào tình trạng, cấu trúc mũi, mặt của từng người mà bác sĩ sẽ có chỉ định loại chỉ phù hợp, không phải ai cũng có thể sử dụng cùng một loại chỉ”.
Việt Nam hiện ghi nhận nhiều ca biến chứng, nhập viện cấp cứu do nâng mũi bằng cách cấy chỉ collagen như biến dạng mũi vĩnh viễn, hoại tử, nhiễm trùng, cong sống mũi không thể phục hồi… Những biến chứng trên đa phần đến từ việc bệnh nhân thực hiện cấy chỉ, nâng mũi ở các trung tâm thẩm mỹ, spa… không có bác sĩ chuyên ngành thẩm mỹ và chưa có giấy phép của ngành y tế.
Hồi Tháng Bảy 2022, có ba người đã bị Công an quận Hoàng Mai, Hà Nội khởi tố hình sự vì đã nhận nâng mũi khiến một phụ nữ 21 tuổi (quê Long An, làm việc ở Hà Nội) bị tử vong. Đó là Nguyễn Sỹ Giang (27 tuổi, huyện Yên Thành, Nghệ An), Lê Ngọc Anh (32 tuổi, quận Long Biên, Hà Nội), Hoàng Minh Phong (28 tuổi, quận Ba Đình, Hà Nội), trong đó Lê Ngọc Anh là bác sĩ gây mê đang làm việc tại bệnh viện Ung Bướu Hà Nội; Nguyễn Sỹ Giang học nghề phẫu thuật thẩm mỹ từ Phong, được Phong rủ rê hợp tác.
Dù biết Phong không có giấy phép phẫu thuật thẩm mỹ, Giang vẫn lên mạng tìm khách rồi đem về cơ sở chỗ Phong thuê để làm.
Trước đó, ngày 16 Tháng Giêng 2022, ông P.T.Đ (43 tuổi, ở TP.Tân An, tỉnh Long An) đến Công an phường Tương Mai (quận Hoàng Mai, Hà Nội) trình báo sự việc: khoảng 18 giờ ngày 14 Tháng Giêng 2022, con gái ông là P.T.D.H (21 tuổi, tạm trú ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã bị hôn mê sau khi đi nâng mũi tại địa chỉ tổ 20, phường Tương Mai.
P.T.D.H. đã được cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trong tình trạng đã hôn mê, sau đó bệnh viện chuyển H. về bệnh viện đa khoa Long An. Ngày 16 Tháng Ba 2022, H. tử vong. Xác minh tại bệnh viện Bạch Mai, cơ quan điều tra cho truyền thông trong nước hay bệnh nhân H. được chẩn đoán hôn mê chưa rõ nguyên nhân sau phẫu thuật nâng mũi. Tại thời điểm bệnh nhân vào viện, trên mũi H. có đường may ở vách ngăn.
P.T.D.H. biết đến Giang do bạn giới thiệu, đã chuyển cho Giang tổng cộng 35 triệu đồng, trước khi đến cơ sở thẩm mỹ “chui” gặp Giang ở khu biệt thự trong hẻm 147A Tân Mai (phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội). Ca nâng mũi của người phụ nữ này không chỉ mất 35 triệu đồng ($1,489) mà còn mất đi chính tính mạng của mình, vì cả tin vào “bác sĩ” Giang!
Cũng theo gia đình nạn nhân, H. mới ly hôn, có con hơn một tuổi để lại quê nhà cho cha mẹ chăm sóc, ra Hà Nội mưu sinh để có tiền gửi về nuôi con.
Khi khám nghiệm lầu 6 – tại cơ sở mà Phong thuê để Giang và Anh phẫu thuật nâng mũi, lực lượng chức năng xác định hiện trường đã bị nhóm này làm xáo trộn, trong đó các đồ vật, dụng cụ làm phẫu thuật đã bị mang đi nơi khác cất giấu.
Phiên tòa xử Phong- Giang và Anh chưa diễn ra nên không biết ba người này sẽ bị tòa Hà Nội kết án thế nào, nhưng kết quả phiên tòa quận 1 (Sài Gòn) xử ba người về tội phẫu thuật thẩm mỹ trái phép cho một bệnh nhân khiến một phụ nữ tử vong… ngày 5 Tháng Chín 2022 cho thấy bản án không đủ sức răn đe để ngăn các chủ cơ sở thẩm mỹ bất chấp tất cả để làm giàu.
Theo Lao Động, ngày 5 Tháng Chín, tòa án quận 1 đã tuyên phạt bị cáo Lê Thị Huyền Trang (26 tuổi, quê Bình Thuận, tạm trú Sài Gòn) 2 năm 3 tháng tù; Phan Thanh Tùng (34 tuổi, ngụ quận 4, Sài Gòn) 1 năm 3 tháng tù; Nguyễn Ngọc Tú (29 tuổi, quê Lào Cai, tạm trú Sài Gòn) 1 năm 6 tháng tù và cho hưởng án treo, cùng về tội “vi phạm quy định khám bệnh, chữa bệnh”. Đồng thời, mỗi bị cáo phải nộp phạt bổ sung 10 triệu đồng ($425).
Cáo trạng cho biết Tháng Mười Một 2021, Lê Thị Huyền Trang (không có chứng chỉ hành nghề và không có giấy phép hoạt động) thuê mặt bằng ở quận 1 (Sài Gòn) để làm thẩm mỹ viện. Ngày 20 Tháng Mười Một cùng năm, Trang nhận H.T.N. làm học viên. Khi N. có nhu cầu nâng mũi và hút mỡ bụng, hai bên thoả thuận chi phí là 15 triệu đồng ($638).
Trang liên hệ với Nguyễn Ngọc Tú (cũng không có chứng chỉ hành nghề) thực hiện gây mê, giảm đau và nhờ Tùng (bạn trai của Trang, cũng không có chứng chỉ hành nghề) hỗ trợ phẫu thuật.
Trưa 5 Tháng Mười Hai 2021, nhóm của Trang phẫu thuật cho N. Hôm đó, Tú dùng ống nghe khám nhịp tim, phổi, hỏi thăm sức khoẻ, bệnh lý của N., gắn thiết bị đo nhịp tim, huyết áp… Sau đó, Tú chích thuốc mê cho bệnh nhân, thấy N. mê, Tú thông báo cho Trang và Tùng tiến hành phẫu thuật. Hai người này đã dùng dụng cụ hút mỡ bụng cho bệnh nhân, xong rồi quay qua phẫu thuật mũi.
Chiều cùng ngày, khi N. tỉnh lại, Lê Thị Huyền Trang đã gọi em ruột Trang đến đưa N. về nghỉ tại phòng trọ ở quận 8. Đến 22 giờ cùng ngày, thấy N. bị đau, khó thở nên Trang, Tú, Tùng đã đưa N. vào bệnh viện cấp cứu, sau đó nạn nhân đã tử vong.
Tòa quận 1 nhận định, cả ba bị cáo đều không có chứng chỉ hành nghề và chưa được cấp giấy phép hoạt động mà dám phẫu thuật thẩm mỹ trái phép nâng mũi và hút mỡ cho bà N. dẫn đến việc bà N. bị chết, tuy nhiên, các bị cáo “không có tình tiết tăng nặng, đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải và tự nguyện bồi thường” cho gia đình bị hại, nên mức án chỉ… như trên (!)