‘Đường về nhà’

Trần ai có thấu, vạn nẻo đường quy cố hương
Hàng ngàn người dân “tháo chạy” khỏi Sài Gòn bằng xe máy. (Ảnh: Facebook Lam Hong Nguyen)

“Sáu giờ tối ngày 25 Tháng Bảy, em chạy xe máy từ Gò Vấp về Quảng Trị. Lúc đó tri đang mưa. Qua những chốt, trạm kiểm soát đu có công an đứng chặn hỏi thì em đưa tờ giấy xét nghiệm (Covid-19) ra và họ cho đi. Trưc khi đi em chuẩn bịớc uống, bánh kẹo, chứ trên đường không có bán đ ăn thức uống gì cả. Mình cũng không dám tấp vào đâu hết. Họ sợ mà mình cũng sợ.”

Khuya Chủ Nhật, 1 Tháng Tám, từ khu cách ly ở Cam Lộ, Quảng Trị, cô gái 32 tuổi Phan Thị Cẩm Nhung, kể lại hành trình từ miền Nam về tận miền Trung nắng gió bằng xe gắn máy để “tránh dịch”. Cô là một trong hàng trăm ngàn người dân tứ xứ vừa thực hiện chuyến “di tản thứ ba” của lịch sử Việt Nam: bỏ chạy khỏi Sài Gòn “đất lành chim đậu”. Trước khi đi, Nhung đã xét nghiệm Covid-19. Đó là tờ giấy thông hành duy nhất của cô ở mỗi trạm kiểm soát.

Một gia đình “di tản” khỏi Sài Gòn bằng xe máy nghỉ lại ven đường trong đêm. (Ảnh: Phan Thị Cẩm Nhung)

Không muốn ảnh hưởng đến giấc ngủ của những người đang cùng phòng cách ly, Nhung bước ra ngoài để nói chuyện với tôi. Hôm nay là ngày cách ly thứ tư của cô ở Cam Lồ, sau hơn hai ngày hai đêm chạy xe máy, ròng rã.

“Em và một chị bạn chạy suốt đêm, lúc nào mệt thì tấp lại ven đường, nằm ngủ chút rồi chạy tiếp. Người ta đâu có cho mình nghỉ lại nhà nghỉ. Từ Sài Gòn về đến đây em mang theo 1.700.000 đồng. Tiền xăng, tiền mua đồ ăn mang đi đường và đóng tiền cách ly cho 14 ngày (80.000 đồng/ngày), giờ em chỉ còn 100 ngàn đồng trong túi, Nhung nói với tôi qua điện thoại.

Tôi hỏi cô vì sao phải quyết định di tản giữa lúc mọi chuyện ngổn ngang như thế? Chắc gì quê nhà (Quảng Trị) yên ổn hơn hoặc tốt hơn? Thân gái “dặm trường” biết bao là nguy hiểm? Nhung trả lời ngay: “Em vào Sài Gòn phụ người chị bán hàng. Từ khi dịch xảy ra, tiệm đóng cửa, không có việc, nhà trọ thì không giảm tiền thuê nhà nên em phải chọn cách về lại quê thôi”.

Cùng một tuyến đường, nghĩa là từ Sài Gòn về Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị…Nhung gặp rất nhiều bạn “đồng hành.” Họ đều là những người “di tản” bằng xe máy. Trước đây, họ là những người phải rời quê hương để tìm đường mưu sinh cho mình và cho gia đình đỡ vất vả hơn. Rồi giờ đây, cũng chính họ đang phải tháo chạy khỏi vùng đất ấy. Nơi không còn là “đất lành” của những người lao động tứ xứ như Nhung nữa.

Vì không có hàng quán nào mở cửa trên suốt đoạn đường, nên bữa ăn của Nhung, và những người “di tản” khác chủ yếu là thức ăn đã chuẩn bị sẵn để mang theo. “Ngoài ra thì tụi em nhận được những phần cơm, nước uống từ bà con bên đường giúp đỡ”, Nhung kể.

Bữa ăn trên đường quy cố hương. (Ảnh: Phan Thị Cẩm Nhung)

Từ Sài Gòn chạy về Quảng Trị hai ngày hai đêm bằng xe máy, là trường hợp của Nhung và hàng ngàn người khác. Phi thường hơn, là trường hợp hai vợ chồng “chạy nạn” bằng cách đi xe đạp từ Lâm Đồng về Thanh Hoá, trong ba tuần lễ. Người dân Phú Yên ghi lại được cảnh vợ chồng ấy đang nhận nước uống từ nhóm thiện nguyện tại Quốc lộ 1A, xã An Chấn, Tuy An, Phú Yên.

Hình ảnh trong video cho thấy người chồng luôn miệng cảm ơn khi nhận chai nước suối và hộp cơm từ người dân ven đường. Phía sau yên xe của người vợ là chiếc chiếu cói. Có lẽ đó là “giường ngủ” của hai vợ chồng dọc đường. Chiếc xe đạp cao quá so với người phụ nữ. Bà phải nhấp vài vòng quay mới leo lên được yên xe. Hành trình “di tản” của hai vợ chồng tiếp tục quay đều theo vòng xe nhọc nhằn suốt ba tuần lễ.

Hai vợ chồng đạp xe ba tuần lễ từ Lâm Đồng về Thanh Hoá. Ảnh cắt từ video Dân Phú Yên

Mạng xã hội những ngày qua tràn ngập hình ảnh đoàn người dắt díu nhau chạy dịch. Họ là những người cha, người mẹ vào Sài Gòn mưu sinh để nuôi gia đình. Họ là những người trưởng thành, chọn Sài Gòn là nơi kiếm sống. Họ là những đứa trẻ được sinh ra ngay Sài Gòn hoa lệ, nhưng giờ đây, như câu nói của Nhung: “Hoa cho người giàu, lệ cho người nghèo.” Họ là đứa bé chỉ mới vừa được sinh ra chín ngày tuổi, ánh mắt chưa kịp quen với ánh sáng cuộc đời. Họ là những người nằm mệt lả ngay giữa đèo Hải Vân, trên đoạn đường về nhà xa thẳm. Đó là anh thợ hồ, chị lao công, cô bán quán, cậu “shipper”… Đó là những người làm nên một phần giá trị và bản sắc Sài Gòn.

 “Người đi càng đêm càng đông dần.” (*) Dòng người tháo chạy khỏi Sài Gòn càng ngày càng nhiều hơn. Cho đến khi họ không thể “chạy” được nữa vì những chỉ thị đưa ra nghiêm ngặt hơn: người dân không được tự ý rời khỏi địa phương, nơi cư trú. Lúc này, các doanh nghiệp tư nhân như xe khách Phương Trang, hoặc các hội đồng hương bắt đầu vào cuộc để giúp người dân về quê. Các chốt, trạm tiếp tế của người dân và nhóm thiện nguyện lập ra trên Quốc lộ 1A cũng ngày càng nhiều. Những đoàn người từ Sài Gòn đi xe máy về Quảng Trị đêm 31 Tháng Bảy được cả Cảnh Sát Giao Thông đón, dẫn đường, với thông điệp “để đảm bảo an toàn.” Tại mỗi chốt kiểm soát, dòng người được tiếp tế thức ăn, nước uống và xăng.

Dù rằng, hình ảnh thật “hùng tráng” với xe cảnh sát hú còi, quay đèn chạy trước, theo sau là đoàn xe gắn máy trật tự, ngay hàng thẳng lối, tạo ra một bối cảnh ánh sáng thật đẹp cho những bức ảnh. Nhưng, những ánh sáng của đèn xe lấp loá đó vẫn không “làm mờ” được ánh mắt hoang mang, mệt mỏi của người đàn ông trong đêm, giữa đoàn xe máy, đứa con nhỏ có lẽ chỉ mới vài tháng tuổi đang ngủ ngon trên tay.

Ảnh cắt từ video Dân Phú Yên.

Giữa lúc chính phủ Việt Nam loan tin đón nhận thêm những lô vaccine viện trợ từ nước ngoài, hàng ngàn người dân nghèo vẫn tiếp tục “tháo chạy.” Trong dòng người quy cố hương ấy, có những đứa bé, sau này, sẽ là nhân chứng kể lại cho thế hệ sau biết về một lần quy cố hương. 

Và bài hát “Đường về nhà” chưa bao giờ nghe buồn đến thế, trong những ngày này.

“Trở về nhà bên mẹ cha có con sông chảy bên hiên nhà

Có cánh diều đàn em bé thơ thả bay la đà

Những buổi chiều xanh khói bếp, có khoai ngon mẹ ấp lửa vàng

Có em cười ngây ngô sáng vang lên cả khúc sông…” (‘Đường về nhà’ – Ái Phương)

(*)“Người đi càng đêm càng đông dần”: Lời trong ca khúc Kinh Khổ của cố nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Động lực
Về cơ bản, có hai điểm định nghĩa động lực là một quá trình quan trọng và phức tạp nhằm đạt được các mục tiêu, kích thích mong muốn trong…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: