BIÊN BẢN PHIÊN TÒA SƠ THẨM VỤ ÁN TRỊNH BÁ PHƯƠNG VÀ NGUYỄN THỊ TÂM
(Ngày 15 Tháng Mười Hai 2021)
THỦ TỤC TRANH LUẬN
ĐẠI DIỆN VKS ĐỌC BẢN CÁO TRẠNG (từ 9h00 đến 09h28)
Sau khi đại diện VKS đọc xong bản Cáo trạng, HĐXX chuyển qua phần xét hỏi.
Hội đồng xét xử (HĐXX) hỏi bà Nguyễn Thị Tâm
HĐXX: Khi bị bắt giữ ngày 20 Tháng Sáu 2020 thì bị cáo bị thu giữ những gì?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Lúc bị bắt thì bị cáo bị giữ một túi trong cốp xe máy, số tiền khoảng gần ba triệu, không giữ xe máy. Và có hai điện thoại IP 6s, là những điện thoại đã qua sử dụng.
HĐXX: Trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra trích xuất các video và bài viết, thu giữ các tài liệu ở nhà bị cáo, có phải là của bị cáo không?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Các đồ thu ở gia đình – máy tính, giấy tờ, đầu thu thì của nhà bị cáo.
HĐXX: Trong hai điện thoại thì có sử dụng tài khoản mạng xã hội không?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Có, hai tài khoản Facebook Nguyễn Thị Tâm và Tâm Dương Nội.
HĐXX: Còn kênh nào khác không?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Nông dân Tivi.
HĐXX: Có đúng là tài khoản Facebook của bị cáo không? Bị cáo đăng tải gì?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Để bày tỏ quan điểm cá nhân, mục đích chính đăng khiếu kiện của gia đình bị cáo… Cụ thể chính quyền Hà Đông đã vi phạm Điều 56 QĐ159 của UBND HN. Trong quá trình đi khiếu nại, bị cáo làm đúng các thủ tục.
(Bà Tâm bị HĐXX ngắt lời): Bị cáo dừng lại.
HĐXX: Tòa đang hỏi bị cáo truyền tải những nội dung gì?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Chắc thời gian không có nhiều nhưng cho bị cáo xin một vài phút. Bị cáo đi khiếu kiện đúng nhưng rất bức xúc vì thủ tướng đã chỉ đạo nhưng UBND Hà Đông không thực hiện (bà Tâm trình bày nhiều nội dung liên quan tới việc khiếu kiện đất đai của mình…).
HĐXX (ngắt lời): Bị cáo chú ý. HĐXX hỏi những ngày 8-9-10 Tháng Một 2020, bị cáo truyền tải trên Facebook những nội dung gì?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Vâng, xuất phát từ những bức xúc cá nhân, vì đi khiếu kiện đúng nhưng không được giải quyết, bị cáo mong muốn chính quyền thực hiện đúng quy định của pháp luật.
HĐXX: Quan điểm cá nhân đó là gì?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Trong ba ngày đó, khi thấy những hình ảnh, thông tin về vụ việc Đồng Tâm trên mạng xã hội, bị cáo đồng cảm, do bị cáo cũng trong hoàn cảnh như vậy nên bị cáo có những bài viết và chia sẻ. Và khi bị cáo làm những vấn đề đó, bị cáo lấy thông tin từ nhiều nguồn… chỉ nhằm mục đích cho cơ quan chức năng sớm vào cuộc, để giải quyết cho nhân dân Đồng Tâm. Chứ bị cáo không có mục đích gì khác.
HĐXX: Bị cáo lấy ở đâu?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Bị cáo nghĩ ra và lấy cả các nguồn trên mạng.
HĐXX: Mục đích làm gi?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Mong muốn cơ quan chức năng sớm vào cuộc để giải quyết cho người dân Đồng Tâm, để tránh tình trạng kéo dài như nhà bị cáo và hơn 20 hộ dân oan Dương Nội.
HĐXX: Bị cáo có quyền lợi gì với Đồng Tâm không?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Bị cáo không.
HĐXX: Có hiểu được sự việc diễn biến Đồng Tâm như thế nào không mà đăng lên? Ngay cả trước, trong và sau ngày 9 Tháng Một 2021?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Bị cáo không.
HĐXX: Có kiểm chứng khi chia sẻ không?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Không kiểm chứng, bị cáo chưa kịp kiểm chứng vì do bị cáo bức xúc dồn nén rất nhiều từ trước…
HĐXX: Toàn những nội dung mà gây kích động nhân dân, sỉ nhục, chống những người thi hành công vụ.
Bà Nguyễn Thị Tâm: Bị cáo đã trình bày rồi (bà Tâm tiếp tục nói về nguyên nhân tạo nên sự kích động tinh thần về sự việc ở Đồng Tâm xuất phát từ vụ việc của bản thân và sự thấu hiểu với những người cùng cảnh ngộ).
HĐXX ngắt lời, nói không xem xét quá trình bị cáo đi khiếu kiện.
HĐXX: Vậy có nhằm mục đích gì khác không?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Không, do đồng cảm, và bức xúc cá nhân.
HĐXX: Sau một thời gian dài, thấy được hậu quả của việc làm này là đúng hay sai?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Khi bình tĩnh và được các cơ quan giải thích, bị cáo thấy được đây là vi phạm hành chính. Nhưng bị cáo thấy mình bị đối xử bất bình đẳng. Bị cáo thấy được một số cá nhân, tổ chức của chính quyền, nhà nước mà đăng các thông tin sai sự thật, thì họ chỉ bị xử phạt hành chính, và bắt gỡ bài. Ví dụ báo Dân trí đăng sai, bị phạt 50 triệu. Bị cáo luôn mở Facebook chế động công khai, và chỉ nghĩ bị vi phạm hành chính.
(Chủ toạ ngắt lời: Bị cáo dừng lại).
HĐXX: Khi thực hiện thì có ai xúi giục hay hướng dẫn chỉ đạo, có ai tài trợ hay đưa điều kiện vật chất, tinh thần?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Hoàn toàn không có ai tài trợ cái gì. Chỉ có một số người khách hàng mua rau gửi đến viếng nhà ông Lê Đình Kình hơn hai triệu đồng. Đã chuyển số tiền đó cho gia đình cụ Kình.
HĐXX: Số tiền bị thu giữ có nguồn gốc từ đâu?
Bà Nguyễn Thị Tâm: Tiền đó bán rau hàng ngày mà có.
HĐXX chuyển qua hỏi ông Trịnh Bá Phương
H (Hỏi): Có sử dụng tài khoản mạng xã hội không?
Đ (đáp): Trước khi trả lời, tôi đề nghị HĐXX cung cấp cho tôi giấy bút để tôi thực hiện quyền tự bào chữa của mình, tôi có thể ghi chép nội dung tại phiên tòa.
HĐXX đề nghị cán bộ hỗ trợ cung cấp giấy bút cho bị cáo Phương (nhưng không ai thực hiện). HĐXX tiếp tục thúc hối bị cáo trả lời: Bị cáo trả lời đi.
Đ: Tôi có câu trả lời sau – việc lập tài khoản và đăng tải bài viết, những việc làm của tôi là đúng với Công ước LHQ về nhân quyền…
Chủ tọa ngắt lời: Bị cáo dừng lại.
H: Bị cáo có sử dụng FB?
Đ: Tôi lập tài khoản FB là tôi thực hiện quyền tự do dân chủ, nên cáo buộc tôi là không có cơ sở.
H: Tài khoản Facebook tên gì?
Đ: Trịnh Bá Phương.
H: Có đăng video, livestream và chia sẻ những bài viết như kết luận điều tra và cáo trạng?
Đ: Trước tiên tôi nêu vấn đề, trong quá trình điều tra, tôi bị tra tấn đánh đập, ép cung. Có bốn người thay nhau đánh đập, đánh vào bộ phận sinh dục của tôi. Ngoài ra, họ có hành vi tra tấn, đe dọa và gây áp lực tinh thần đối với tôi: đó là vào các ngày 24 Tháng Sáu 2020; ngày 25 Tháng Tám 2020; ngày 9 Tháng Chín 2020; ngày 27 Tháng Mười 2020; ngày 10 Tháng Mười Một 2020. Và các điều tra viên liên tục thực hiện đe doạ tinh thần tôi sẽ đưa vào bệnh viện tâm thần: “Mày không khai báo thì mày sẽ phải ở với những thằng điên”… Ngày 25 Tháng Mười Hai 2020, bên an ninh điều tra đã dẫn một người đến, giới thiệu là cán bộ Bộ Công an. Họ đã liên tục đe dọa và áp lực tinh thần đối với tôi. Như vậy, suốt trong quá trình đó…
(Chủ tọa ngắt lời): Bị cáo dừng lại.
H: Có căn cứ gì không?
Đ: Những gì tôi nói là hoàn toàn đúng sự thật. Hôm tôi bị đưa xuống bệnh viện tâm thần, có ông Hoàng Hà là kiểm sát viên.
H: Vậy bây giờ bị cáo trả lời đúng vào câu hỏi.
Đ: Tôi có ý tiếp theo.
H: Bị cáo trả lời câu hỏi về tài khoản Facebook cá nhân?
Đ: Cáo buộc của Viện kiểm sát có nêu tôi xuyên tạc chính sách của Đảng. Tôi không xuyên tạc, và tôi nêu rõ bản chất của Đảng cộng sản là đi ngược lại quyền của lợi ích toàn dân.
Chủ tọa ngắt lời và nói: Đó là suy nghĩ của bị cáo, bị cáo dừng lại đã.
H: Cáo trạng có đúng như vậy không? Những nội dung thì trình bày sau.
Đ: Liên quan đến câu hỏi, việc đăng tải hay không. VKS cáo buộc là “hạ uy tín”. Nhưng những gì chính quyền, những nhân viên công lực làm mới tự hạ uy tín của mình. Vậy hạ uy tín là không phải do tôi. Bố mẹ tôi bị bắt giữ, bị tra tấn. Ngày 9 Tháng Một 2020, lực lượng công an tấn công Đồng Tâm. Họ đánh em trai tôi nhập viện khi bắt em trai tôi… Chính lực lượng công an đã tự hạ uy tín của mình.
H: Vậy có đăng tải lên Facebook?
Đ: Tất cả những việc tôi làm, tôi có những thông tin và mục đích của tôi, tôi đấu tranh để không muốn không còn tình trạng người Việt phải rời bỏ quê hương đi làm nơi xứ người qua những tổ chức buôn người với vỏ bọc xuất khẩu lao động, không để đất bờ xôi ruộng mật bị cướp…
Chủ tọa: Bị cáo dừng lại, đó là suy nghĩ của bị cáo.
Đ: Tôi đấu tranh với mong muốn đất nước tôi không còn tình trạng hàng trăm người bị đánh chết trong đồn công an.
Chủ tọa: Bị cáo dừng lại.
Đ: Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng Đảng cử rồi dân bầu…
Chủ tọa tiếp tục yêu cầu anh Trịnh Bá Phương dừng lại.
Luật sư Lê Văn Luân đứng dậy, đề nghị HĐXX cho luật sư mang giấy bút cho bị cáo và trao đổi thêm với bị cáo. HĐXX kết thúc việc xét hỏi.
Đại diện VKS hỏi các bị cáo.
VKS hỏi Nguyễn Thị Tâm
H: Mấy ngày đó (9, 10, 11 Tháng Một 2020) bị cáo có mặt ở Đồng Tâm không?
Đ: Bị cáo không.
H: Giải thích vì sao không có mặt nhưng vẫn đăng thông tin?
Đ: Thông tin lan tràn trên mạng rất nhiều vào những ngày đó.
H: Có kiểm chứng?
Đ: Không kiểm chứng/chưa kịp kiểm chứng, vì do bức xúc cá nhân lâu ngày đi kiện đúng mà không được giải quyết, không có cơ hội kiểm chứng.
H: Kênh đó có được ai cấp phép?
Đ: Không có quy định nào nói rằng tôi phải xin phép nên tôi tự tạo tài khoản.
H: Ngày 30 Tháng Sáu 2020, bị cáo được cơ quan điều tra trích xuất cùng Phương về trụ sở mở niêm phong đúng không?
Đ: Đúng.
H: Ngày 9 Tháng Chín 2020 được thực nghiệm điều tra?
Đ: Đúng.
H: Tại hai buổi đó, bị cáo có thấy Phương bị đánh đập không?
Đ: Tôi có được trích xuất cùng Phương, thì 30 Tháng Sáu 2020, tôi không thấy có lực lượng nào đánh đập. Tôi thấy Phương có luật sư đến đăng ký, còn tôi thì không có nên Phương được xuống bên dưới làm việc. Mở niêm phong của tôi trước. Ngày 9 Tháng Chín 2020, không thấy bị đánh, nhưng tôi đã nghe thấy họ nói với Phương: “Nếu mày không hợp tác thì đi bệnh viện tâm thần đấy”.
VKS chuyển qua hỏi Trịnh Bá Phương
H: Quá trình làm việc có khai không?
Đ: Vấn đề trong quá trình điều tra, tôi từ chối khai báo, cũng một nguyên nhân nữa do cơ quan điều tra có hành vi tra tấn và đe dọa đối với tôi. Im lặng là do tôi không được trợ giúp pháp lý, không có luật sư.
Chủ tọa cắt lời: Bị cáo nghe và trả lời đúng một câu hỏi.
VKS: Bị cáo có ở Đồng Tâm ngày 9 Tháng Một 2020 không?
Đ: Tôi có ý kiến – bây giờ là thời đại internet, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh thì tôi có thể biết được tội ác xảy ra tại Đồng Tâm, lực lượng cơ động đã nổ súng bắn chết ông Kình, các cơ quan quốc tế cũng theo dõi và biết được sự việc…
Đại diện VKS kết thúc phần hỏi.
CÁC LUẬT SƯ THAM GIA HỎI
Luật sư Phạm Lệ Quyên hỏi ông Trịnh Bá Phương
H: Gia đình ông đi khiếu kiện đất đai từ khi nào? Đã được giải quyết chưa?
Đ: Gia đình tôi đi khiếu kiện từ 2008, chưa được giải quyết.
H: Trong quá trình đi khiếu kiện đó, ông và gia đình có gặp những khó khăn, trở ngại gì không?
Đ: Chúng tôi thường xuyên đến các trụ sở cơ quan và thực hiện đúng các quy định nhưng rất nhiều lần bị lực lượng công an ngăn cản, nhiều lần bị bắt bớ, đánh đập.
H: Cụ thể ông đã làm việc với các cơ quan chức năng nào?
Đ: Trên 20 lần tôi bị bắt trái phép, lực lượng công an đánh đập. Ngày 9 t01 2020, tôi bị bắt, đánh đập, bắt đưa lên xe.
H: Ông thấy những vấn đề gì bất công nổi cộm trong xã hội?
Đ: Xuất phát từ chính gia đình tôi là nạn nhân về vấn đề đất đai, chúng tôi bị thu hồi đất nhưng không được đền bù thỏa đáng….
H: Mong muốn của ông về sự phát triển của đất nước như thế nào? Mong muốn quyền con người được thực hiện ra sao?
Đ: Xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp, cơ chế đa nguyên, người dân được bầu cử tự do.
H: Ông có đọc cuốn sách Cẩm Nang Nuôi Tù không?
Đ: Tôi chưa đọc.
Luật sư Phạm Lệ Quyên hỏi bà Nguyễn Thị Tâm
H: Gia đình bà bị thu hồi đất như nào?
Đ: Gia đình tôi bị chính quyền quận Hà Đông thu hồi đất trái pháp luật.
H: Hiện nay đi khiếu kiện ở những đâu?
Đ: Tôi và những hộ dân đi khiếu nại quyết định hành chính, đi rất nhiều lần mà không được đáp ứng.
H: Thời gian đi khiếu kiện bao lâu?
Đ: Gia đình tôi và nhóm dân oan chúng tôi đi khiếu kiện từ những năm 2008 đến nay, đã hơn 10 năm nhưng chưa được giải quyết.
H: Bà có thường xuyên giúp đỡ những người yếu thế hoặc những người đồng cảnh ngộ với bà?
Đ: Tôi đi khiếu kiện nhiều năm, và tôi nhìn thấy nhiều cảnh đời bất công ngang trái. Tôi làm nhiều việc và còn nhiều khó khăn, là một nông dân, nhưng tôi vẫn kêu gọi giúp đỡ hàng trăm người đi khiếu kiện đất đai ăn nằm vật vờ ở Ngô Thì Nhậm và trụ sở tiếp dân Trung ương ở Hà Đông. Mặc dù tôi vẫn nghèo khó, nhưng tôi còn giúp người khác không lấy một đồng, một nghìn nào, vì nhiều người còn bị cướp nhiều hơn tôi và khổ hơn tôi nhiều lần… (nói tới đây bà Tâm bật khóc nức nở và nghẹn ngào không nói tiếp được). Sau khi định thần và lấy lại sự bình tâm, bà Tâm nói tiếp – Họ bị cướp hết, cướp hết không còn chỗ ở, nên tôi rất đồng cảm với nỗi đau của bà con (bà Tâm vẫn khóc nghẹn ngào mà không trình bày được tiếp).
H: Theo Cáo trạng có nêu “bà nhận thấy hành vi đăng tải là sai, vi phạm pháp luật”, bà thấy nội dung Cáo trạng nêu như vậy có đúng không?
Đ: Tôi nghĩ tôi chỉ vi phạm hành chính, tôi muốn được xử phạt hành chính.
H: Vậy mục đích của bà khi đăng tải các video và chia sẻ những bài viết trên Facebook là gì?
Đ: Tôi là người nông dân ít học (giọng bà Tâm chùng xuống), khái niệm Nhà nước đối với tôi là hệ thống chính quyền các cấp… Tôi luôn muốn sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, để gia đình tôi không mất quyền lợi. Tôi không có mục đích chống phá và tôi thực hiện những hành vi đó trong lúc thần kinh bị xúc động mạnh (bà Tâm tiếp tục bật khóc).
Tôi đã gửi hơn 1,500 lá đơn đến Đại biểu Quốc hội, tôi mua hàng trăm cuốn Hiến pháp để tặng cho những người dân đi khiếu kiện… với mong muốn mọi người có được hiểu biết pháp luật. Bản thân tôi là công dân nên tôi hiểu. Còn những đơn thư gửi tới các cơ quan khác thì nhiều vô số kể. Tôi luôn làm theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng hỏi Trịnh Bá Phương
H: Facebook Trịnh Bá Phương của ai? Có ai là người quản lý?
Đ: Tôi. Và tôi nhiều lần bị kẻ xấu chiếm đoạt tài khoản.
H: Hai clip mà ông đăng tải ngày 9 Tháng Một 2020 thì ở đâu?
Đ: Từ nhà tôi.
H: Thông tin đăng lấy từ nguồn đâu?
Đ: Trong hai clip đó, thì nêu trường hợp Đồng Tâm, tôi cũng nhận định khi nổ súng đàn áp Đồng Tâm thì lực lượng chức năng có lệnh, đó là sự vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền.
H: Cáo trạng nói RFA và BBC lấy tin từ nguồn Facebook của ông mà phát tán, ông có cho họ, có cấp quyền cho họ không?
Đ: Tại Việt Nam không có tự do ngôn luận, không có tự do báo chí, các cơ quan không đưa tin hoặc cố tình xuyên tạc, nên các cơ quan báo chí quốc tế dựa vào các clip của chúng tôi. Khi các thông tin của cơ quan chính thống nó không là thông tin đáng tin cậy.
H: Cáo trạng dùng bài viết của ông khi các đài BBC lấy tin của ông, và cáo buộc ông tuyên truyền? Họ có tin những thông tin mà ông cung cấp không? Hay còn kiểm tra nhiều nguồn tin khác?
Đ: Họ kiểm tra chéo, tức là phải lấy từ nhiều nguồn tin khác.
H: Ông có chứng kiến các tài liệu này lấy từ Facebook của ông không?
H: Họ sao chụp, họ lấy các bài viết thì tôi hoàn toàn không biết.
H: Ông có được giao các Kết luận giám định hay không?
Đ: Tôi đã nhiều lần đề nghị được tiếp cận hồ sơ nhưng không được thực hiện
H: Cuốn sách Cẩm Nang Nuôi Tù, ông có cuốn sách này trong hoàn cảnh nào?
Đ: Có một người chạy Grab chuyển cho tôi, và tôi giữ lại.
H: Vậy ông sử dụng cuốn sách này với mục đích gì không?
Đ: Không gì cả, tôi để ở nhà, tôi chưa đọc.
H: Theo Kết luận giám định, tài liệu này chống Nhà nước, ông có biết không?
Đ: Tôi không biết.
Các Luật sư không có câu hỏi nào tiếp đối với hai bị cáo.
HĐXX tuyên bố kết thúc phần xét hỏi, chuyển qua phần tranh luận (10h32)
PHẦN TRANH LUẬN
Các bị cáo đứng dậy nghe Đại diện VKS đọc bản luận tội. Đại diện VKS phát biểu quan điểm, đề nghị HĐXX tuyên phạt các bị cáo như sau:
– Đối với ông Trịnh Bá Phương, đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo với mức án 8 đến 9 năm, áp dụng hình phạt bổ sung: quản chế 5 năm. Về xử lý vật chứng.
– Đối với Nguyễn Thị Tâm, đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo với mức án 6 đến 7 năm, áp dụng hình phạt bổ sung: quản chế 5 năm. Về xử lý vật chứng.
CÁC BỊ CÁO TỰ BÀO CHỮA
Bà NGUYỄN THỊ TÂM tự bào chữa
Tôi là người bị thu hồi đất trái pháp luật mười mấy năm qua, tin tưởng pháp luật, tin tưởng Nhà nước để quyền lợi gia đình bị cáo được đảm bảo, cũng như những nghiêm minh. Nhưng chính quyền quận Hà Đông đã coi thường những chỉ đạo của thủ tướng, để cố tình không thực hiện những Kết luận thanh tra của thủ tướng. Nên bị cáo bức xúc, mấy ngày xảy ra ở Đồng Tâm, bị cáo có những bài viết, những bài chia sẻ về vụ việc Đồng Tâm.
Ngày 20 Tháng Sáu 2020, bị cáo bị bắt, và có một điều bị cáo thắc mắc, là Facebook mở chế độ công khai nhưng không bị cơ quan chức năng tuýt còi, xử lý. Tại sao cơ quan chức năng lại không đưa ra phán xét gì trước khi bắt bị cáo, chưa bị nhắc nhở hay xử phạt hành chính về những bài đăng hay bài chia sẻ trên Facebook. Trong khi đó, những cá nhân khác lại được áp dụng như vậy, hơn nữa nhiều cơ quan chức năng Nhà nước, họ được ăn lương của Nhà nước, ăn bằng tiền thuế của nhân dân, đến khi họ vi phạm và vẫn được gỡ bài, chỉ bị xử phạt hành chính.
Theo như bị cáo nghĩ, sự việc những ngày đó, nếu cơ quan chức năng phát hiện sai phạm, tuýt còi… thì chắc chắn số lượng người xem và chia sẻ không lớn. Vì bị cáo sẽ gỡ bài. Đến ngày 20 Tháng Sáu 2021, khi bị bắt mà chưa bao giờ bị nhắc nhở. Bị cáo nghĩ mình không làm gì sai nên không cần giấu diếm gì, khi cơ quan chức năng giải thích thì bị cáo thấy mình chỉ bị vi phạm hành chính.
Bị cáo có những lời lẽ xúc phạm danh dự của cá nhân, cơ quan chức năng. Đó là bị cáo lên án và phê phán chứ không xúc phạm. Xuất phát từ một lần bị cáo đọc được bài của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chính phủ là người làm thuê cho nhân dân, nếu làm sai hoặc gây hại cho dân thì dân có quyền đuổi chính phủ… tức những cán bộ bị bị cáo lên án, đều là những cơ quan trực thuộc chính phủ, và thực hiện đúng như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh… nên chỉ là phê phán những cá nhân đã vi phạm.
HĐXX ngắt lời: Bị cáo nói ngắn gọn thôi.
Bà Tâm tiếp tục: Cũng trong cuốn sách này, Hồ Chí Minh nhắc cơ quan an ninh phòng chống an ninh quốc gia và chống tội phạm, phải đặt phương pháp phòng ngừa và ngăn chặn lên trước. Nếu được như vậy, thì video của bị cáo không bị phát tán… và mong HĐXX xem xét những nguyên nhân, xin HĐXX hãy xem xét thấu tình đạt lý để đưa ra phán quyết đúng hành vi đã làm, để tránh gây oan sai cho bị cáo. Cảm ơn HĐXX.
Ông TRỊNH BÁ PHƯƠNG tự bào chữa
Kiểm sát viên cho rằng tôi không bị ép cung, tôi xin nói như sau:
Ngày 24 Tháng Sáu 2020, an ninh đạp cửa, đánh đập tôi và bắt tôi đi. Tháng Mười mới đưa tôi bản photo quyết định khởi tố, quyết định bắt người.
(HĐXX ngắt lời: ngắn gọn thôi)
Phương tiếp tục: Từ việc ép cung, đánh đập, vi phạm tố tụng hình sự, điều đó dẫn đến Kết luận điều tra sai, nên cáo trạng là không có cơ sở. VKS nêu tôi không có mặt, tôi không chứng kiến ở Đồng Tâm, tôi cũng nêu rồi, chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là có thể biết hết các thông tin. Đảng cộng sản Việt Nam phải chịu trách nhiệm về những tội ác của mình. Tôi không kêu gọi kích động, mà chính Đảng cộng sản gây ra tội ác. Kết luận giám định của Sở Thông tin truyền thông, mặt nội dung này tôi có quan điểm, tôi có đưa tin và để câu “có khả năng”… Ngay sau khi nhận được thông tin đính chính là tôi cũng đã công bố nên VKS cáo buộc là hoàn toàn sai sự thật.
Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và việc tôi làm là hợp pháp và hợp hiến. Về quyền im lặng, tôi đang thực hiện quyền đúng luật tố tụng hình sự. Quyền im lặng, họ gây áp lực dùng Bệnh viện tâm thần, gây tác động tinh thần của tôi rất nhiều, giám định 30 ngày, tôi bị nhốt trong một buồng rất nhỏ, 24/24, mỗi một cốc nước tôi uống cũng rất khó khăn, phải thò tay ra cửa. Tôi liên tục đề nghị được thực hiện quyền có luật sư của tôi. Việc không có luật sư nên không đảm bảo được các quyền được bào chữa.
Nội dung liên quan Nguyễn Văn B: Ngày 9 Tháng Một 2020, trong quá trình bắt tôi đã đánh đập tôi và sử dụng lời nói vô văn hóa. Nguyễn Văn B có hình hài một con người nhưng lương tâm là một loài cầm thú. Có một viên công an mời tôi ăn bánh mỳ, sau đó tôi ăn một miếng, và người này cũng đã nói không đồng ý với cách hành xử của Nguyễn Văn B và B đã chửi rủa tôi tiếp. Vì vậy, VKS nói tôi xúc phạm cá nhân là không đúng sự thật.
Cáo buộc có nêu “nhiều lần xử phạt hành chính…”, nội dung này tôi có quan điểm như sau: Tôi thực hiện đúng Điều 25 Hiến Pháp, công ước quốc tế về quyền con người, việc tùy nghi bắt giữ của công an mới là vi phạm nhân quyền. Cáo buộc có nêu “tham gia biểu tình trái pháp luật” – vậy tôi làm những vấn đề này theo luật pháp quốc tế, Việt Nam chưa có luật biểu tình là vấn đề của chính phủ, nên cáo buộc tôi là không có sơ sở.
Cáo buộc nêu “xuyên tạc nội dung đường lối chính sách” – những gì tôi nói là sự thật, Đảng cộng sản dựa vào Điều 4 Hiến Pháp xâm phạm quyền của nhân dân. Trong thời gian qua, Đảng cộng sản gây ra nhiều vấn đề đáng báo động, rất nhiều người dân bị giết hại, ba miền Bắc Trung Nam… quân cướp cộng sản… là hoàn toàn đúng sự thật, không có quy định nào cấm người dân nói sự thật.
Tôi lên tiếng vì Đồng Tâm là vì lương tâm tôi hối thúc. Tôi cũng muốn nêu những vấn đề sử dụng quyền lực mềm, chứ không cần thiết áp dụng quyền lực cứng như vụ Đồng Tâm. Mối quan hệ với Đồng Tâm là tình kết nghĩa và là mối quan hệ gia đình, nên cáo buộc nói tôi không có liên quan gì là không đúng. Và chúng tôi đều là những người nông dân cướp mất đất.
Việc cáo buộc nhận tiền của các thế lực thù địch: ở Việt Nam việc trao tặng, nhận quà là truyền thống tốt đẹp của người dân…
Cáo buộc nêu “xâm phạn an ninh văn hóa” – với văn hóa, theo nghĩa rộng là sự phát triển cả về thể chất và tinh thần; văn hóa theo nghĩa hẹp và khoa học nghệ thuật, thì đó là thói quen của một cộng đồng, nên có văn hóa phi vật thể và vật thể… Xét về định nghĩa văn hóa như vậy thì tôi không hề vi phạm.
CÁC LUẬT SƯ BÀO CHỮA
Luật sư Đặng Đình Mạnh
Kính thưa HĐXX, thưa đại diện VKS, thưa các luật sư đồng nghiệp. Cảm ơn đại diện VKS chuyển từ khoản 2 sang khoản 1 Điều 117 Bộ Luật Hình Sự. Tôi trình bày về phương diện thủ tục:
Thứ nhất: Về triệu tập những người tham gia tố tụng. HĐXX không triệu tập giám định viên và nói là không cần thiết, cần thiết hay không là do các luật sư. Những văn bản được thẩm tra tại Tòa, thì đó là cơ sở… Thực ra họ giúp các cơ quan tiến hành tố tụng, để có cơ sở pháp lý cho rằng các cáo buộc là có cơ sở. Chúng tôi đưa ra là để đảm bảo việc xét xử công bằng.
Thứ hai, đối với vấn đề các thân chủ được tiếp cận hồ sơ. Vấn đề này được quy định theo Điều 60. Văn bản giám định là văn bản chứng cứ kết tội mình, ông Phương không được xem…
Khách thể bị xâm phạm trong vụ án:
Điều 117, khoản a, điểm 1. Khái niệm “chính quyền nhân dân” là một khái niệm lơ lửng, chưa có một hướng dẫn của cơ quan nào, hoặc liên ngành để định nghĩa… Chúng tôi có thể khẳng định những thuật ngữ được dùng trong điều luật này là chưa được xác định. Bản cáo trạng căn cứ theo Kết luận giám định: Có những lời lẽ gây hoang mang trong nhân dân, xúc phạm uy tín của tổ chức. Vậy với khách thể bị xâm phạm thì tổ chức, cá nhân nào đó là bị hại. Nhưng chúng tôi chưa thấy cá nhân hay tổ chức nào có văn bản tố giác ông Phương đã xâm phạm, xúc phạm họ… điều đó không có. Vậy chủ thể trong vụ án này là ai?
Vấn đề xung đột pháp luật:
Điều 117, điều luật không nên có trong BLHS. Nó phủ nhận Điều 25 Hiến pháp, và đi ngược lại Điều 19 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị. Không có một quốc gia nào có điều luật tương tự. Việc kết tội tư tưởng là không đúng, mà các quốc gia sẽ thường sử dụng cơ chế kiện dân sự để giải quyết nếu cá nhân lãnh đạo cho rằng mình bị xúc phạm. Và tôi có ở đây bản án một số quốc gia như Singapore, Đức… về việc quan chức kiện công dân bồi thường vì bị xúc phạm tới quyền của mình… Họ đang là những nông dân mất đất nên những phát ngôn của họ về Đồng Tâm là có thể hiểu được như sự đồng cảm. Kiến nghị HĐXX xem xét những vấn đề giải tỏa, đên bù cho người dân về Luật Đất đai.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng
Bản giám định về nội dung, đã từ chối giám định hai đĩa CD, chỉ giám định nội dung bằng giấy, tôi cho rằng Sở đã không giám định trực tiếp trên các tài liệu nên vi phạm Điều 3 Luật Giám định tư pháp. Về tài khoản của ông Trịnh Bá Phương, có nhiều thời điểm ông mất kiểm soát nên các tài liệu in từ Facebook dùng để cáo buộc là không khách quan. Tại sao ông Phương giữ quyền im lặng, ông nói rằng bị nhục hình, để buộc ông mở miệng thì đưa ông đi giám định tâm thần. Đây là một hình thức dùng nhục hình để tra tấn. Theo công ước Quốc tế cam kết không tra tấn.
Về sách Cẩm Nang Nuôi Tù, tác giả Phạm Đoan Trang. Bị cáo Phương không có hành vi viết, tác giả không bị xử lý, bị cáo là người không đọc nhưng lại bị xử lý. Dùng để kết tội ông nên tôi cho rằng là không đúng. Hành vi của bị cáo Phương và bị cáo Tâm là tương quan của đồng bào Việt Nam ta, như dân gian đã có câu “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng”. Hơn nữa, giữa Đồng Tâm và Dương Nội họ đều nằm trong cảnh mất đất. Tôi cho rằng, sử dụng luật pháp thì nên giúp đỡ họ, ngược lại trong trường hợp này, họ lại bị bắt và bị truy tố Điều 117. Đề nghị xem xét để tuyên hai bị cáo không phạm tội.
Luật sư Lê Văn Luân
Kính thưa HĐXX, thưa VKS và luật sư đồng nghiệp. Tôi bào chữa cho hai bị cáo, có phần chung thì tôi sẽ bào chữa một cách tổng quát, phần riêng tôi sẽ tách ra từng người một cho từng vấn đề cụ thể, nếu có. Tôi tập trung vào các vấn đề cụ thể như sau:
Sự chuyển từ khoản 2 xuống khoản 1, trong khi trước đó, kết luận điều tra và cáo trạng đều không nêu căn cứ nhưng đã dẫn chiếu áp dụng khoản 2, sau đó lại tiếp tục không nêu căn cứ cho việc thay đổi này, theo tôi, rõ ràng là một sự tùy nghi áp dụng pháp luật. Cáo trạng không giải thích và không diễn giải căn cứ để áp dụng Khoản 2 của Điều 117, trong khi yêu cầu phải là trường hợp đặc biệt nghiêm trọng mới áp dụng khoản 2 này. Tại phiên tòa hôm nay, đại diện VKS lại quyết định đưa về khoản 1, song không đưa ra căn cứ nào làm cơ sở và do đó, cho thấy đó là áp dụng pháp luật tùy nghi.
Về mặt nội dung:
Hiện tại, đối với Điều luật 117 Bộ Luật Hình Sự, không có văn bản nào giải thích rõ khái niệm về các chủ thể. Đây là tội tuyên truyền chống Nhà nước XHCN Việt Nam. Nhưng Hiến pháp không nói tới khái niệm “chính quyền nhân dân”, mà chỉ nói tới Nhà nước CHXNCNVN. Trong toàn bộ hệ thống văn bản pháp luật theo Luật Ban hành VBQPPL đã tuyệt nhiên không có khái niệm nào để phân định ra các chủ thể như trong Cáo trạng cũng như ngay tại Điều 117 đã nêu ra. Bởi vậy, khi đối chiếu với các điều luật, những khái niệm đã không đồng nhất hoặc không thể xác định cụ thể các chủ thể, thì đương nhiên, hành vi của bị cáo sẽ không cấu thành tội phạm.
Chính Điều 4 Hiến pháp 2013 phân định ra ba chủ thể – Nhà nước CHXHCNVN, Đảng cộng sản Việt Nam và Xã hội. Như vậy, Đảng cộng sản Việt Nam và Nhà nước là hai chủ thể hoàn toàn độc lập, có tư cách khác biệt nhau. Những câu từ mà ông Phương sử dụng được kết luận giám định, thể hiện bằng các từ/cụm từ: chế độ cộng sản, chính quyền cộng sản, cộng sản… phải được đưa vào đối chiếu và dựa trên văn bản nào làm căn cứ. Đối chiếu toàn bộ hệ thống văn bản đang có hiệu lực thì hiện tại không có một khái niệm nào liên quan những từ ngữ ông Phương sử dụng để được coi là Nhà nước XHCN Việt Nam.
Đại diện VKS có đưa ra quan điểm, đại ý: Các bị cáo không có liên quan đến Đồng Tâm. Xin thưa rằng: Công dân có quyền tham gia tổ chức nhà nước và xã hội; nhà nước phải chịu sự giám sát và chịu sự quản lý của người dân; mọi người dân đều có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật của mọi cá nhân, tổ chức; mọi công dân đều có nghĩa vụ với cộng đồng; mọi công dân có quyền và nghĩa vụ với đất nước, trung thành với tổ quốc… Chính vì vậy, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Công cuộc chống tham nhũng là công cuộc của toàn dân, cũng bởi, dựa trên tinh thần tất cả quyền lực thuộc về nhân dân, nhà nước đảm bảo việc thực hiện đó… Hai người ngồi ở đây là người nông dân. Người dân Đồng Tâm cũng là nông dân, vậy họ có cùng giai cấp, như Hiến pháp đã quy định.
Chủ tọa: Đề nghị luật sư nói ngắn gọn (chủ tọa ngắt lời luật sư).
Luật sư Luân: Tôi đã hết sức nói ngắn gọn. Phải làm rõ nguyên nhân của sự việc và chúng ta còn phải giải quyết các vấn đề hệ quả để cải thiện, thay đổi. Qua những lần xét hỏi, phải xem nguyên nhân, họ đã khiếu kiện hơn 10 năm trời và vẫn tiếp tục cuộc hành trình đó, nhưng hoàn toàn cố gắng bám sát theo luật pháp. Và điều đó được thể hiện rõ qua việc, bà Tâm mua và phát hàng trăm cuốn Hiến pháp cho người dân oan đi khiếu kiện, để họ cố gắng hiểu cũng như tuân thủ pháp luật để không vi phạm, để không phạm tội. Đồng thời chấp nhận bà Tâm nói đúng, đó là bức xúc cá nhân. Trong hàng nhiều năm trời, họ thực hiện việc khiếu nại, tố cáo… Bà Tâm đã thực hiện Hiến pháp rất tuyệt đối.
Luật sư Luân tiếp tục bào chữa: Những ngày bà Tâm phát video, phù hợp bối cảnh, và trong một tình thế mà Đồng Tâm ở vào một tình trạng hết sức ngặt nghèo: cắt điện 4h sáng, bị cô lập, xung đột căng thẳng rất lớn, sau đó có bốn người chết, ba người bị thương nặng. Truyền thông, báo chí sau này có đăng một số bài báo, thừa nhận rằng chính quyền địa phương có một phần thiếu sót trong sự việc Đồng Tâm.
Chủ tọa: Đề nghị luật sư đi vào vấn đề, không đi ra ngoài phạm vi vụ án. HĐXX không có thời gian nghe những vấn đề ngoài lề.
Luật sư Luân: Cơ sở của hành động xuất phát từ chính sự việc của cá nhân, tiếp đó là từ sự đồng cảm chia sẻ. Những vấn đề bà Tâm nói thì chính quyền cũng đã nói có sai sót. Và từ mệnh đề này, những thiếu sót từ việc đưa tin của bà Tâm là có thể chấp nhận được ở tình thế này.
Về mặt chứng cứ để chứng minh:
Để kết tội được các bị cáo, VKS phải sử dụng kết luận giám định tư pháp.
Về kết luận giám định:
– Không có thẩm quyền: Bộ TTTT hay Sở TTTT không có chức năng giám định an ninh thông tin (NĐ17/2017/NĐ-CP; Điều 3 khoản 23 và khoản 24 NĐ72/2013/NĐ-CP; TTLT06/2016; QĐ42/2016/QĐ-UBND). Theo Điều 39 NĐ132/2012/NĐ-CP, an ninh thông tin thuộc trách nhiệm của Bộ Công an.
– “Địa phương hóa” và “cá thể hóa” chức năng kết tội. Dựa vào kết luận giám định của Sở TTTT Hà Nội, tôi vừa cung cấp kết luận giám định của Sở TTTT tỉnh Hòa Bình trong vụ bà Cấn Thị Thêu để làm bằng chứng đối chiếu cho sự sai khác về cùng một nội dung giám định. Vì trong các kết luận giám định này, với cùng một ấn phẩm là cuốn sách Cẩm Nang Nuôi Tù được kết luận giám định, tuy nhiên các kết luận gần như là khác biệt hoàn toàn. Có nghĩa rằng, việc này cho chúng ta thấy, hai cơ quan chuyên môn về cùng một nội dung đã có kết quả khác nhau, và cũng cho thấy các giám định viên đã dựa trên ý chí chủ quan của chính mình làm cơ sở. Khi có sự khác biệt lớn, nảy sinh vấn đề, thủ tục tố tụng đã trao quyền cho một cơ quan chuyên môn thuộc một cơ quan hành chính địa phương có thể đưa ra các kết luận về tội trạng của các bị cáo. Một tập thể chỉ có năm người, cấp tỉnh, đã kết tội dựa vào việc khẳng định cấu thành hay không cấu thành tội phạm đối với hành vi khách quan của các bị cáo.
– Không dựa trên bất kỳ căn cứ nào: Nếu có giám định tư pháp thì phải dựa trên các quy chuẩn, tiêu chuẩn (TT24/2013/TT-BTP)… nhưng các kết luận giám định chỉ dựa trên các phương pháp: Tổng hợp, so sánh, phân tích. Khi không có quy chuẩn, lại không đưa ra bất kỳ kỳ cơ sở nào, rõ ràng các kết luận giám định đã hoàn toàn mang sự chủ quan thuần tuý của các giám định viên.
– Sai lầm nghiêm trọng về khoa học pháp lý: Kết luận giám định, kết luận mặt cấu thành của tội phạm, tức là kết luận hành vi này có vi phạm hay không vi phạm. Do đã nhầm lần về chức năng giám định – thay vì giám định làm định mức, thì các GĐV lại giám định vấn đề cấu thành dựa trên mặt khách quan của tội phạm – các giám định viên đã trích rút ra các điểm (a), (b) và (c) của Điều 88 BLHS để từ đó đi đến khẳng định sự phạm tội hay không phạm tội với các bị cáo. Các kết luận giám định đều trích ra các hành vi khách quan của điều luật, lấy làm tiêu chí giám định.
Về cuốn sách Cẩm nang nuôi tù: Mặc dù là tài liệu mà ông Phương chưa đọc, chưa sử dụng (vì không có bất cứ bằng chứng nào khác chứng minh điều ngược lại), nên tài liệu này phải bị gạt ra, không được dùng làm chứng cứ buộc tội.
Trên cơ sở đó, tôi cho rằng, dựa trên những căn cứ tôi đã phân tích, đề nghị HĐXX tuyên bị cáo không phạm tội và trả tự do cho bị cáo, chuyển sang một cách thức xử lý khác phù hợp hơn với nguyên nhân, hành vi và cả hệ quả xã hội đối với cả hai bị cáo.
ĐẠI DIỆN VKS ĐỐI ĐÁP LẠI (12h00)
Nổi lên bảy vấn đề, tôi sẽ tranh tụng trong từng nhóm vấn đề, không tranh tụng riêng với bất kỳ luật sư nào.
– Luật sư hạn chế quyền bào chữa: Đây là một tội thuộc chương về An ninh Quốc gia, nên căn cứ Đ74 BLTTHS, đây là quy định của pháp luật, việc thực hiện phê chuẩn của VKS để luật sư tham gia từ khi kết thúc điều tra là hoàn toàn hợp pháp.
– Chưa nhận được thông tin nào của bị can về tiếp cận hồ sơ, nên không thể cho rằng bị cáo không được tiếp cận, đọc hồ sơ vụ án.
Vấn đề triệu tập:…
HĐXX ngắt lời (đề nghị không nhắc lại)
VKS tiếp tục:
Luận tội của VKS theo luật, căn cứ vào tài liệu chứng cứ do HĐXX hoặc các tài liệu khác thẩm tra tại phiên tòa là có căn cứ.
Về vấn đề giám định:
Điều 20 Luật giám định quy định, các giám định viên… tài liệu đã có được ở văn bản… về việc công bố các giám định viên, công khai trên mạng. Nên các giám định viên tham gia giám định là đúng thẩm quyền. Nội dung của giám định, các giám định viên có trình độ pháp lý. Nên việc giám định là hoàn toàn khách quan. VKS căn cứ tài liệu giám định, căn cứ vào nhiều tài liệu, như lời khai tài liệu, bị cáo Tâm và Phương đã khai nhận… với rất nhiều tài liệu nên đủ chứng cứ để kết luận. Nội dung sách Cẩm nang nuôi tù chưa đọc: Chưa đọc, nhưng tội này là cấu thành hình thức. Luật sư cho rằng mỗi lời khai của bị cáo chưa đọc, là không có căn cứ.
Một vấn đề nữa: Cho rằng bị cáo Phương bị bức cung. Hai lần cơ quan điều tra trích xuất có bị cáo Tâm, VKS tham gia. VKS không nhận được tài liệu nào về việc bị cáo bị bức cung. Do đó các lời khai bị đánh đập, bức cung là không có cơ sở. Từ những căn cứ trên, đủ cơ sở kết luận hành vi của bị cáo Tâm và Phương phạm tội.
Luật sư Đặng Đình Mạnh đối đáp:
Hai vấn đề: Giám định tư pháp, khoa học hình sự trên thế giới chưa có, các giám định viên hơn các điều tra viên, thẩm phán, kiểm sát viên về chuyên môn… đó là kiến thức chuyên môn của họ. Họ có thể được hỗ trợ bởi các trang thiết bị/máy móc. Giám định viên nhưng vụ án này là về nhận thức, quan điểm, tư tưởng. Các phương pháp giám định họ thực hiện: phân tích, tổng hợp, so sánh.
Luật sư Lê Văn Luân nêu:
Kết luận giám định cuốn sách Cẩm nang nuôi tù ở hai cơ quan giám định lại khác nhau. Trong đây có nói đến xúc phạm tổ chức, gây hoang mang, vậy xúc phạm tổ chức nào. Nhưng kết luận của họ không thể sử dụng được vì nó quá phi lý. Ông Phương khai bị đánh đập và không có gì để chứng minh. Tại buổi thấm vấn này hôm nay, bà Tâm có khai là nghe được ông Phương bị đe dọa phải đi bệnh viện tâm thần.
Luật sư Nguyễn Văn Miếng:
VKS dẫn chiếu Điều 74, tuy nhiên tại Điều 76. Luật sư đã có điều luật quy định phải đảm bảo thông tin. Điều 74 nó mâu thuẫn Điều 76 nên trong phiên tòa ngày hôm nay tôi đề nghị HĐXX xem xét. Chứng cứ: hồ sơ giám định tâm thần là dùng nhục hình.
Luật sư Lê Văn Luân:
VKS chỉ mới đối đáp một phần của tôi là về vấn đề thẩm quyền. Theo Điều 19, Điều 18, Điều 20 Luật Giám định tư pháp… Đây là quy định chung về mặt cơ sở, còn những vấn đề thuộc về tính chuyên ngành, những chuyên viên này có được giám định về mặt an ninh hay không, tôi đã đưa ra các văn bản cụ thể để tham chiếu, theo đó, không có chức năng giám định tư pháp đối với Sở Thông tin Truyền thông, kể cả Bộ Thông tin Truyền thông.
VKS không đối đáp. HĐXX kết thúc phần tranh luận.
CÁC BỊ CÁO NÓI LỜI SAU CÙNG (12h22)
Bị cáo NGUYỄN THỊ TÂM nói lời sau cùng:
Thưa Hội đồng xét xử, thưa đại diện VKS, thưa các luật sư và toàn thể những người có mặt trong phiên tòa ngày hôm nay. Tôi là bị cáo tại phiên tòa hôm nay và lời nói sau cùng, tôi thực sự rất buồn khi tất cả những gì đang diễn ra với tôi là không đúng với những gì Đảng tuyên truyền: Mọi công dân bình đẳng… Mà tại sao, tôi là một người nông dân, đang muốn sống theo Hiến pháp và pháp luật, mà những người ăn bằng tiền thuế của nhân dân lại không chấp hành pháp luật của Nhà nước. Điều đó dẫn đến hậu quả lớn, gia đình tôi bị cướp đất.
(HĐXX cắt ngang: Bị cáo nói ngắn gọn thôi)
Vâng (bà Tâm tiếp tục nói). Những điều đó là nguyên nhân do quan chức nói mà không làm, đẩy người nông dân chúng tôi vào vòng lao lý. Mười tám tháng giam, tôi không biết tin tức gia đình, ngoài một, hai lần luật sư vào làm việc. Tôi khẳng định, tôi là một công dân tốt, tôi chưa có hành vi vi phạm pháp luật nào với chính quyền địa phương, các con tôi ăn học đàng hoàng, tôi chịu thương chịu khó nuôi ba người con ăn học tử tế. Tôi phải bớt thời gian đi đòi quyền lợi của mình, tôi chứng kiến những cảnh đời khốn nạn hơn cảnh đời của tôi. Nên Tháng Một năm 2020, sự việc ở Đồng Tâm xảy ra như vậy, mặc dù tôi chưa đến Đồng Tâm nhưng theo kinh nghiệm và cảm tính của cá nhân tôi: Đại đa số cơ quan vi phạm Luật khiếu nại, tố cáo, có những đoàn như chúng tôi (bị ngắt lời).
(Tiếp tục) Chính như vậy, tôi có những chia sẻ về vụ việc Đồng Tâm, thật đáng buồn và bức xúc khi các cơ quan không tuýt còi, và sáu tháng sau bắt tôi và kết tội tôi. Tôi xuất thân là một người nông dân, tôi có đủ khả năng để chống lại nhà nước này hay không? Nếu tôi chống lại, tôi có đi mua hàng nghìn cuốn Hiến pháp để tặng cho những người dân oan đi khiếu kiện như tôi hay không? Vậy đó chính là điều tôi muốn nhấn mạnh hôm nay, tôi có đủ căn cứ chứng minh quận Hà Đông sai phạm như sau:
Tại phiên tòa này, tôi cảm ơn quý tòa cho tôi được nói, để tôi có thể nói được những bức xúc hơn 10 năm nay, cho tôi được nhận mức xử lý là vi phạm hành chính. Tôi sẽ không phạm sai lầm lần nữa. Đồng thời, tôi có một kiến nghị, HĐXX nghiên cứu hồ sơ của bà Dương Thị Khuê và hơn 20 hộ dân, và để sau đó có những kiến nghị tới cơ quan chức năng, để xử lý nghiêm Chủ tịch UBND quận Hà Đông, kiến nghị xử lý nghiêm Chủ tịch Hà Nội đã ký các giải quyết khiếu nại… đẩy những người dân như tôi và đoàn bà Dương Thị Khuê hơn mười năm trời, và để tôi phải đứng tại đây quả là quá buồn và đau xót…
(HĐXX ngắt lời)
(Bà Tâm tiếp tục nói) Họ đã gây ra oan sai cho hàng ngàn, hàng triệu người dân Việt Nam. Tôi mong muốn không còn phải nhìn thấy hàng vạn, hàng ngàn dân oan. Đó là tâm tư chính đáng của tôi. Tôi tin rằng HĐXX là những con người công tâm và đưa ra những phán xét hợp tình hợp lý. Cảm ơn tất cả mọi người.
Bị cáo TRỊNH BÁ PHƯƠNG nói lời sau cùng:
Tôi đấu tranh với mong muốn đất nước tôi không còn tình trạng hàng trăm người bị đánh chết trong đồn công an. Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng người Việt phải rời bỏ quê hương đi làm thuê ở xứ người qua những tổ chức buôn người với vỏ bọc xuất khẩu lao động. Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng ruộng đất với bờ xôi ruộng mật là sinh kế của người nông dân bị Đảng Cộng Sản cướp đoạt.
Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng Đảng cử, dân bầu và người dân phải được bầu cử tự do và tôi đấu tranh để người dân chúng tôi không còn bị cai trị bởi Đảng Cộng Sản Việt Nam, một tổ chức hèn với giặc, ác với dân. Tôi đấu tranh với mong muốn không còn tình trạng áp bức bóc lột và tôi chống Đảng Cộng Sản Việt Nam là việc làm chính nghĩa. Tôi không có tội với dân với nước. Chính Đảng Cộng Sản Việt Nam mới là tổ chức phản bội, bán nước, hại dân. Nhân dân và lịch sử sẽ phán xét tội ác của Đảng Cộng Sản đã gây ra với dân tộc Việt Nam.
12h50 HĐXX Tuyên án:
Anh Trịnh Bá Phương: 10 năm tù giam, quản chế 5 năm.
Bà Nguyễn Thị Tâm: 6 năm tù giam, quản chế 3 năm.
Kết thúc 13h11.
(Tựa của SGN)