Ai cũng nói, năm nay chợ hoa ế ẩm đến mức không tin nổi vào mắt mình. Từ mùng 23 Tháng Chạp, hoa đổ về chợ Bình Đông, các ngã đường ở quận 5, quận 10, quận 3… nhưng không ai dám nói thách giá cao, mà để giá vừa phải chỉ mong bán được hàng. Ấy vậy mà lượng mua cũng rất thấp. Hoa lặng lẽ chưng bày, người xem qua lại thì nhiều mà người hỏi mua thì chỉ lưa thưa.
Đến 30 Tết, theo thường lệ của vài năm nay, người đi mua mới rảo đi hỏi hoa để mua với giá rẻ giờ chót. Vậy mà vào trưa 30 Tết, các chợ chưng bày hoa cũng không có vẻ gì khá hơn. Phần đông người mua hoa chỉ để bày cúng, lượng người mua hàng để chưng, chơi hoa ở nhà mấy ngày Tết gần như mất hẳn.
“Điệu này, năm sau tui phải tính lại, chứ liên tiếp mấy năm liền gãy vốn hết”, anh Điệp, một chủ vườn ở Bến Tre lắc đầu. Giá chuyên chở, mướn bãi… giờ không sao bù đắp được. Chuyến đi Tết này, anh và gia đình dự trù lỗ vốn khoảng 120 triệu đồng. Nhưng so với những nhà buôn lớn thì số tiền đó vẫn còn là chuyện nhỏ.
Nhiều nơi bán hoa Tết ở Sài Gòn, nằm ngoài bến Bình Đông, mặt mày những người chủ đều buồn bã. Hàng ngàn chậu hoa Tết vẫn còn nằm ê hề. Đào, quất… nếu không bán được thì vào khoảng từ 3g chiều ngày 30 Tết sẽ xuất hiện tình cảnh chặt, đổ… vì mang về thì cũng tốn tiền chuyên chở thêm một lượt nữa. Lỗ chồng lỗ nên thà bỏ lại còn hơn.
Nhiều người chứng kiến, chỉ biết tặc lưỡi, xót cho đời nhà nông. Nhiều nơi bày bán quít với trái xum xuê, đã vào chậu sẵn mà chỉ có 100.000 đồng / chậu nhưng đến ngày 29 Tết, nhiều nơi đã vội vã bán với giá 25.000 hay 30.000 ngàn đồng, chứ không dám neo thêm.
Chị Cúc ở Mỹ Tho bán trên trên vỉa hè, kế bên bệnh viện Thống Nhất, Quận 11 nói chị mang lên từ 15 Âm lịch tháng Chạp chỉ 500 chậu bông cúc, mà đến sáng 30, chỉ bán được có gần 100 chậu. “Thôi, ăn cho hết chớ biết sao”, chị cười nhưng không buồn lắm vì tự thấy mình vốn nhỏ, “mình ráng chút không sao, chứ thấy mấy chỗ khác thấy tội quá, lỗ ai nấy mấy trăm triệu không hà”.
Chị Phượng, có chỗ bán hoa Tết tại công viên 23/9, quận 1, Sài Gòn, cho biết năm nay chi phí để chăm sóc, vận chuyển hoa từ miền Tây lên rất lớn nhưng đến nay hoa chỉ bán được rất ít. “Mai là phải dọn trả mặt bằng rồi, nếu không bán được hết hoa thì đành bỏ thôi chứ không biết làm sao. Mười mấy năm bán hoa Tết chưa năm nào ế như năm nay”, chị Phượng nói trên truyền thông nhà nước.
Nếu để tâm quan sát những nét mặt của giới bán buôn hoa Tết năm nay, mới thấy ai cũng mang sự mệt mỏi và đăm chiêu trên giương mặt. Mua hoa Tết để chưng và thưởng lãm đã là thú vui tao nhã của người miền Nam từ nhiều thập niên. Đến thập niên 2000 thì xuất hiện thêm tình trạng của người nhập cư vào Nam sống, cứ ép giá người bán cho đến ngày chót, mua với giá tận cùng. Thậm chí vào giờ dọn dẹp, bỏ hàng, lại có thêm chuyện hôi của, hay mua “mão” (tức trả giả rẻ mua hết)… Thú tiêu khiển đẹp và truyền thống của người miền Nam ngày nào đã trở nên nát nhàu, tiêu điều với nhiều vấn nạn.
Chị Lâm, người ở quận 3 nói ngày xưa mẹ chị hay dẫn ra chợ hoa Nguyễn Huệ ngày Tết, vừa chụp hình, mua hoa rồi ăn kem… Ký ức nhẹ nhàng được chia đều cho rất nhiều người Sài Gòn lúc đó. “Giờ thì người ta mua hoa như mua thịt, mua cá”, chị Lâm cười nói, “cái nét đẹp rất độc đáo của Sài Gòn giờ mất rồi”.
Nhưng không chỉ ở Sài Gòn, mà tất cả những nơi khác như Hà Nội, Đà Nẵng, Huế… người bán hoa Tết cũng đều chịu chung một nỗi niềm đìu hiu như vậy. Hoa Tết, đào, mai, quất… kén khách mua nên giờ đây xuất hiện thêm tình trạng thuê trưng trong mấy ngày Tết. Từ ngày 29, đã có những chủ hàng không đủ kiên nhẫn, dọn hàng đi về lặng lẽ.
Tết Quý Mão không chỉ là chuyện buồn của người buôn hàng hoa, mà còn cả nhiều thành phần thị dân khác, vốn phải đang thắt lưng buộc bụng. Tính đến hết tháng Mười Hai 2022, Việt Nam có hơn nửa triệu người bị giảm giờ làm, mất việc. Còn Liên đoàn lao động thì cho biết con số thất nghiệp lên đến 1,3 triệu người. Riêng giới doanh nhân hoạt động trong nước, có đến 143.000 công ty phá sản hay đóng cửa trong năm 2022. Nếu so với những con số như vậy, nhiều chủ hàng hoa Tết chắc họ cũng tự an ủi, vì thất bát mùa hoa năm nay cũng chưa phải là tệ nhất.