Tại Việt Nam, trứng kiến được không ít người săn tìm với quan niệm cho rằng đó là món ăn bổ dưỡng và an toàn, nhưng thực tế đây là loại thực phẩm rất dễ gây dị ứng, thậm chí gây ngộ độc cho người dùng.
Dù chưa có thống kê về số người tử vong sau khi ăn trứng kiến, nhưng người vào bệnh viện cấp cứu vì ăn trứng kiến thì có nhiều.
Anh T.T.H. (20 tuổi, ngụ ở Quảng Ninh) là nạn nhân mới nhất của trứng kiến. Ngày 10 Tháng Mười, sau khi H. ăn bánh trứng kiến khoảng một tiếng đồng hồ thì toàn thân anh bắt đầu bị nổi mẩn đỏ, càng gãi, càng ngứa. Sau đó, anh cảm thấy khó thở và nôn ra hết những gì trong dạ dày.
Anh được người nhà chở đến Bệnh viện Việt Nam – Thụy Điển Uông Bí cấp cứu. Sau khi sơ khám, các bác sĩ ở đấy chẩn đoán ngay H. bị sốc phản vệ độ 2. Ngay lập tức, các bác sĩ tiến hành cấp cứu sốc phản vệ theo phác đồ, người bệnh được tiêm Ardenalin, truyền dịch…
May mắn là H. không ăn nhiều, và được đưa đến bệnh viện sớm, nếu không e cũng nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh viện này đã ghi nhận rất nhiều trường hợp người bệnh nhập viện trong tình trạng dị ứng, sốc phản vệ sau khi ăn trứng kiến.
Người dân đã biết món trứng kiến nguy hiểm thế sao lại cứ ăn? Đã vậy, còn tôn món này lên hàng “đặc sản”!?
Anh Muôn, cư dân ở Hà Nội cho rằng dân Việt Nam thích “ăn theo lời đồn”. Một đồn mười, mười đồn trăm là trứng kiến có giá trị dinh dưỡng tốt lắm, nên cứ nhắm mắt ăn theo. Thêm nữa, khi đi du lịch Tuyên Quang, được người Tày mời miếng bánh trứng kiến đen, ăn thấy beo béo, bùi bùi, là khen lấy khen để. Đến khi về xuôi có dịp là nhào vào ăn trứng kiến mà không biết, người Tày chỉ dùng trứng kiến đen để chế biến món ăn vì không phải trứng kiến nào cũng ăn được.
Khoảng năm 2015, trứng kiến đen còn được đồn đại công dụng chữa bách bệnh, duy trì “bản lĩnh đàn ông”, nhằm nâng mức giá trứng kiến đen lên đến hàng triệu đồng/kg. Thế mà vẫn có người tin “sái cổ”, mua về ăn với hy vọng “không bổ ngang cũng bổ dọc”, hay ngâm rượu với mong muốn “ông uống bà khen”.
Chẳng biết kết quả như thế nào, nhưng cũng chỉ một thời gian ngắn, giá trứng kiến hạ nhiệt, và chẳng ai nhắc đến nó nữa. Đám con buôn hồi đó hốt một mớ dậm.
Theo GS Bùi Công Hiển, Hội Côn trùng học Việt Nam, đối với quan niệm coi trứng kiến là đặc sản, thực tế khoa học chưa chứng minh thành phần của loại thực phẩm này. Hơn nữa trứng lại có những thành phần lạ, tuy là protein tốt nhưng người dùng có thể bị dị ứng như arginin, prolin, histidin…
Ngoài ra, kiến là loài côn trùng sống ở nhiều môi trường khác nhau, trong đó có ở nơi ẩm thấp, rừng núi, nên có thể chứa rất nhiều ký sinh trùng, vi khuẩn có hại. Ăn loại trứng kiến này vào không bị ngộ độc mới lạ.
Vẫn theo ông Hiển, đành rằng côn trùng có cung cấp hàm lượng dinh dưỡng và protein cao so với thịt và cá. Tuy nhiên, đi kèm với nó lại là độc tố, nên sử dụng làm thực phẩm rất dễ gặp rủi ro ngộ độc. Dù là thực phẩm giàu dinh dưỡng, nhưng không phải loại côn trùng nào cũng ăn được, nên cần phải dùng những loại côn trùng theo khuyến cáo. Đặc biệt, không dùng côn trùng đã ôi, thiu vì không chỉ các chất trong cơ thể côn trùng đã biến tính, mà thường đã bị nhiễm nấm mốc rất độc hại.
Một điều đáng lưu ý mà GS Bùi Công Hiển cảnh báo là hiện nay, trào lưu uống rượu ngâm trứng kiến khá phổ biến. Đây cũng là nguy cơ tiềm ẩn gây ngộ độc cho người sử dụng. Lý do là trứng kiến đem ngâm rượu thường rất lâu mới đem ra dùng. Khoảng thời gian đó, trứng kiến thường bị biến đổi hóa chất, thành những chất có độc tố cho cơ thể. Hơn nữa cho đến nay, chưa có bất cứ nghiên cứu nào về thành phần sinh hóa trong rượu ngâm kiến để khẳng định tác dụng của nó.
Không chỉ là rượu trứng kiến, các loại rượu ngâm chung với rắn, bò cạp, hay các loại động vật, thực vật khác cũng chẳng ai biết chắc thành phần sinh hóa cũng như tác dụng của nó như thế nào. Chớ có uống vào để mang họa.