Trung Quốc hạn chế nhập, tôm hùm chết ngộp, người nuôi ‘chết đứng’

Xe tải chờ xuất hàng sang Trung Quốc tại lối mở Km3+4 (phường Hải Yên, TP.Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) – Ảnh: Thanh Niên

Khoảng sáu tấn tôm hùm của doanh nghiệp Việt Nam chuẩn bị xuất qua Trung Quốc từ cửa khẩu Móng Cái đã chết ngộp do Trung Quốc bất ngờ hạn chế mặt hàng này.

Tình trạng này diễn ra ba ngày nay, từ 19 – 22 Tháng Chín 2023, VnExpress dẫn lời lãnh đạo Chi cục Hải quan TP.Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh) cho biết.

Vì thế, khoảng sáu tấn tôm hùm không kịp về các kho đông lạnh đã chết ngộp, được bán vội ra thị trường để thu hồi vốn, với giá mỗi ký từ 200,000 – 400,000 đồng, bằng một phần ba giá xuất cảng.

Tôm hùm, cua, cá sống… từ Việt Nam được xuất cảng sang Trung Quốc qua lối mở Km3+4 Hải Yên với khoảng 100 xe/ngày. Theo UBND TP.Móng Cái, từ đầu năm đến ngày 15 Tháng Chín, tại lối mở Km3+4 Hải Yên, đã có hơn 532,000 tấn hàng hóa xuất cảng, tăng 128% so với cùng kỳ 2022. Trong đó, 10% là tôm, cua, cá sống.

Lối mở Km3+4 Hải Yên, nơi xuất cảng tôm hùng sống sang Trung Quốc – Ảnh: Hải quan Móng Cái

Theo Người Lao Động, tính đến 15 giờ ngày 22 Tháng Chín, toàn bộ các mặt hàng thủy sản của doanh nghiệp, cư dân biên giới xuất cảng qua lối mở cầu phao tạm Km3+4 Hải Yên, Móng Cái đã được xuất sang Trung Quốc. Hiện không còn xe hàng nào tồn đọng tại khu vực cảng.

Trong ngày 22 đã có 65 xe hàng thủy sản tươi sống, thủy sản đông lạnh của các doanh nghiệp, cư dân biên giới xuất cảng sang Trung Quốc, trong đó có 45 xe tôm hùm, 20 xe cua, nghêu, ốc.

Cũng theo tờ báo này, khoảng ba ngày qua, phía Trung Quốc kiểm tra kỹ hơn các mặt hàng hải sản tươi sống khiến hàng tấn tôm hùm sống chết hàng loạt vì chờ đợi, doanh nghiệp Việt Nam chịu thiệt hại lớn.

Được biết, trong tám tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập cảng qua địa bàn TP.Móng Cái đạt hơn $1.78 tỷ, với hơn 760 doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập cảng tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái.

VietnamNet cùng ngày thông tin thêm, việc hạn chế nhập cảng tôm hùm của Trung Quốc khiến các doanh nghiệp Việt Nam thiệt hại hàng tỷ đồng.

Bình luận về việc này, nhiều độc giả bày tỏ sự bất bình vì tại sao doanh nghiệp Việt Nam cứ phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, để hết lần này đến lần khác dân Việt trong nước phải “giải cứu” hàng nông sản, trái cây không xuất được?

Với sự hiểu biết, độc giả Thanh Hà bình: “Không phụ thuộc vào Trung Quốc thì phụ thuộc vào ai, nên nhớ hàng sống thì chỉ có xuất sang Trung Quốc được thôi, xuất sang các nơi khác thì chỉ có xuất hàng đông lạnh.

Nếu muốn xuất hàng sống thì giá cực chát chứ không như sang Trung Quốc. Mà cứ xuất sang thị trường khác thế nào thì xuất sang thị trường Trung Quốc như vậy thì làm gì có chuyện bùng? Do xuất kiểu hàng chợ nên thích thì họ mua, không thích thì họ thôi”.

Cùng quan điểm, một số độc giả bày tỏ: “Doanh nghiệp không thể nỗ lực được vì nông dân nuôi trồng không đạt tiêu chuẩn” (Kul HD); “Mình có uy tín thì mình mới làm ăn được với thị trường uy tín” (Tu Le Hong); “Muốn vào được thị trường uy tín thì phải đủ tiêu chuẩn đã” (Kính Lúp)

Khi tôm hùm sống không xuất cảng được thì người Việt mới có ăn với giá “giải cứu” bằng một phần ba – Thanh Niên

Độc giả Chính Nghĩa có ý kiến khác: “Tôi cho rằng: tôm hùm ngon thì bán trong nước cũng rất tốt mà. Sao để chết phí vậy chứ? Đã nhiều lần Việt Nam phải chịu cảnh tương tự như thế này rồi. Nhà tôi đã và đang săn mua tôm hùm tươi loại to từ 2kg trở lên để ăn mà nhiều năm nay có ai bán đâu?”.

Đúng là tại các chợ, siêu thị không thấy bán tôm hùm nuôi tại Việt Nam. Muốn ăn phải vào nhà hàng sang với giá vài triệu đồng một ký, và có bao nhiêu gia đình có thể chi tiêu kiểu này?

Có lẽ vì thị phần bán tôm hùm trong nước quá nhỏ bé nên nông dân nuôi tôm hùm ngoài biển của Việt Nam phải tìm đường bán sang Trung Quốc, để rồi xuất không được lại rao bán… tôm chết ngộp.

Từ Tháng Hai 2020, VnExpress đã có bài viết “Tôm hùm Việt thăng trầm theo Trung Quốc”, trong đó tường thuật câu chuyện của những người nuôi tôm hùm ở tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

Một trong những nông dân có thâm niên nuôi tôm hùm 20 năm nay ở Khánh Hòa là ông Hùng kể: “Bao nhiêu năm nay chúng tôi chỉ phụ thuộc Trung Quốc vì dẫu sao, hiếm có thị trường nào tiêu thụ dễ tính như thế. Mỗi lần họ ngưng nhập là mình như ngồi trên đống lửa”.

Có những thời điểm, Trung Quốc mua gom tôm hùm sống với số lượng nhiều, giá lên tới cả triệu đồng một ký tôm hùm baby (gần $50) và 2.5 triệu đồng một ký tôm hùm bông ($100). Với mức giá ấy, ông Hùng cho biết có vụ người nuôi lời 500 triệu đến 1.5 tỷ đồng. Những năm 2007-2012, nhiều gia đình ở thủ phủ nuôi tôm hùm lời cả vài tỷ đồng một năm, cũng nhờ thị trường Trung Quốc.

Ông Thanh, một nông dân nuôi tôm hùm ở Phú Yên nhớ lại: “Giai đoạn đó, nuôi tôm sướng lắm, có năm gia đình tôi cầm chắc vài tỷ đồng. Chỉ cần tôm không bị bệnh, trọng lượng đạt theo yêu cầu là thương lái vào mua sạch mà không cần phải kiểm tra vi sinh hay chất lượng thịt như các doanh nghiệp thu mua xuất thủy sản sang châu Âu. Hỏi sao bao năm chúng tôi vẫn chuộng bán cho thương lái xuất đi Trung Quốc”.

90% tôm hùm nuôi ở Việt Nam xuất sống sang Trung Quốc, giá bấp bênh, do Việt Nam chưa có công ty chế biến sản phẩm từ tôm hùm – Ảnh: Thanh Niên

Theo tính toán của Chi cục thủy sản Phú Yên, Khánh Hòa, mỗi năm lượng hàng xuất đi Trung Quốc ổn định, giá cả không bấp bênh thì tổng giá trị kinh tế của ngành nuôi tôm hùm mang về cho Việt Nam lên tới gần 2,000 tỷ đồng ($82 triệu).

Tuy vậy, theo lãnh đạo Chi cục thủy sản của hai tỉnh này, điểm mấu chốt khiến giá cả tôm hùm luôn bấp bênh là do 90% lượng tôm sống và đông lạnh của Việt Nam xuất đi thị trường Trung Quốc, chỉ 10% tiêu thụ nội địa.

Đặc biệt, thay vì xuất chính ngạch thì doanh nghiệp hầu như đi đường tiểu ngạch. Kết quả là, đầu năm 2019, Trung Quốc bắt đầu siết chặt đường này, đến Tháng Chín 2019, tôm hùm Việt tồn kho nhiều, giá giảm sâu.

Trong khi đó, các gia đình nuôi tôm hùm tại hai tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa vẫn cứ tăng quy mô diện tích nuôi trồng, bất chấp thị trường ra sao.

Theo thống kê từ Chi cục thủy sản Khánh Hòa, số lồng nuôi tôm tại tỉnh này tăng 15-20% mỗi năm. Nếu hai năm 2018-2019, giá tôm hùm bông có lúc lên tới 2.5 triệu đồng một ký, tôm hùm xanh 900,000 đồng một ký thì đến 2020 chỉ còn 500,000 -1.4 triệu đồng.

Tôm hùm nuôi ở Phú Yên – Ảnh: VnExpress

Khi Trung Quốc “siết” phẩm chất hàng, cơ quan quản lý đã thông báo cho các địa phương và người nuôi. Để xuất sang được Trung Quốc, người dân phải đăng ký nuôi trồng với cơ quan quản lý theo đúng quy hoạch.

Tuy nhiên, trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Trọng Chánh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết tới nay số lượng đăng ký vẫn lẻ tẻ: “Người dân không chịu nghe theo hướng dẫn của cơ quan quản lý mà đua nhau nuôi tự phát nên hàng chưa đủ tiêu chuẩn để xuất cảng chính ngạch sang Trung Quốc và nhiều thị trường khó tính khác”.

Ông Chánh đề xuất các cơ quan ban ngành hỗ trợ đưa ra phương án khuyến khích doanh nghiệp tìm hướng đi mới bằng cách đẩy mạnh hơn thị trường nội địa, tìm ngách cho xuất cảng tôm hùm bằng cách tăng lượng hàng chế biến từ tôm hùm như tôm hùm đông lạnh, tôm hùm hấp (cook-lonsters) hay các loại thực phẩm có thêm tôm hùm.

Oái ăm thay, ở Việt Nam vẫn chưa có doanh nghiệp nào đứng ra chế biến tôm hùm xuất cảng!

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: