Trung tâm triển lãm 800 tỷ đồng chưa xây xong đã thành phế tích

Toàn cảnh Dự án Trung tâm triển lãm quy hoạch TP.HCM sau 10 năm thi công – Ảnh: Quang Sung/Dân Việt

Mười năm trước (2013) Trung tâm triển lãm quy hoạch TP HCM là một dự án lớn của UBND TP.HCM, được bắt đầu xây dựng tại khu vực quảng trường trung tâm Khu đô thị Thủ Thiêm. Nó được xem như một biểu tượng của khu đô thị mới khi hoàn tất, thế nhưng từ năm 2019 đến nay, nó nằm trơ trọi, im lìm, mặc cho thời gian phủ rêu lên những bức tường thô ráp.

Công trình có diện tích hơn 18.000 m2 với vốn đầu tư hơn 800 tỷ đồng, được hứa hẹn triển lãm quy hoạch, kiến trúc thành phố, đồng thời là nơi gặp gỡ của giới chuyên môn, các nhà đầu tư và cả khách du lịch (dù chẳng biết họ đến đấy làm gì).

Theo thiết kế, toà nhà gồm 5 tầng, được bố trí như sau:

– Tầng trệt là khu vực giới thiệu lịch sử hình thành, các di tích kiến trúc và những đồ án quy hoạch thành phố qua từng thời kỳ.

– Tầng 2 giới thiệu quy hoạch các ngành kinh tế xã hội, giao thông, tài nguyên môi trường, dịch vụ…

– Tầng 3 giới thiệu quy hoạch các khu đô thị, công nghiệp, các dự án bất động sản.

– Tầng 4 và 5 dành cho các hạng mục khác như hội trường, văn phòng làm việc, thư viện…

Một mặt của dự án là bê tông, hiện đã xuống cấp, rêu bám đen tường – Ảnh: Quang Sung/Dân Việt

Một số người đánh giá rằng, khi quy hoạch của thành phố đang trong tình trạng bát nháo cùng cực, thì trung tâm triển lãm quy hoạch chẳng có gì đáng để mang ra khoe với thiên hạ cả. “Thế nên, việc đầu tư tới 800 tỷ đồng váo đó là một sự phí phạm ghê gớm!”

Tuy nhiên, nó không lãng phí bằng khi các tầng mới xong phần thô, đã bị bỏ không suốt thời gian dài, khiến các bề mặt bên ngoài công trình trở nên cũ kỹ, hoang phế.

Trước đây, công trình này được giao cho Ban Quản lý xây dựng Trung tâm Triển lãm Quy hoạch Thành phố (đơn vị trực thuộc Sở Quy hoạch Kiến trúc) làm chủ đầu tư. Đến Tháng Mười năm 2022, UBND TP.HCM quyết định chuyển đổi chủ đầu tư sang cho Ban Dân dụng và Công nghiệp TP HCM.

Không thấy cán bộ nào bị kỷ luật vì để công trình “phơi sương” từ cuối năm 2017 đến nay. Lý do ngưng thi công cũng rất khó hiểu, đó là “vướng mắc liên quan đến gói thầu XL06 “sản xuất và lắp dựng vách kính, mặt dựng, khung đỡ, vách ngăn, lan can, trần và tấm trang trí kim loại”.

Khu tầng hầm ngập đầy nước, ứ đọng rác, nhất là các tháng mùa mưa – Ảnh: VNExpress

Gói thầu này có trị giá 107 tỷ đồng, và nhà thầu nhận gói thầu XL06 đã nhận tạm ứng 42,8 tỷ đồng tử chủ đầu tư cũ. Đây là hạng mục bao che bên ngoài nên khi dừng thi công dẫn đến các gói khác không thể triển khai. Bế tắc bắt đầu từ đây.

Việc dừng thi công không chỉ làm cho công trình như một phế tích, với những mảng tường bên ngoài bị rêu phủ mốc meo, đen xịt, mà còn làm tăng chi phí lên đến hơn 60 tỷ đồng, và sẽ còn tăng nữa trong thời gian tới.

Bên trong công trình chưa thi công, chỉ có bảo vệ trông coi, thành nơi nghỉ ngơi của công nhân gần đó. Hiện mỗi tầng mới xong hệ thống đường ống trên trần. Tường và cột chưa được sơn trát, dưới sàn đọng nước – Ảnh: VNExpress

Mặt khác, dự án bị dừng thi công nhiều năm nên phát sinh chi phí như: trượt giá, hư hỏng thiết bị, chi phí bảo vệ công trường với tổng kinh phí hơn 60 tỷ đồng.

Trong buổi làm việc với Ban Dân dụng và Công nghiệp TP HCM, ông Dương Anh Đức, Phó chủ tịch UBND. TP.HCM yêu cầu chủ đầu tư phải giải quyết những vướng mắc đối với nhà thầu thực hiện gói thầu XL06 để công trình được thi công lại vào Tháng Bảy.

Nhiều vật liệu xây dựng, ống thông gió… bên trong tòa nhà ngổn ngang mấy năm nay, cạnh đó là hệ thống thang máy chưa được hoàn thiện – Ảnh: VNExpress

Cho đến nay, vẫn chưa rõ lý do nhà thầu này “không hợp tác với chủ đầu tư” như lời nhận định của ông Nguyễn Văn Trường, Phó giám đốc Ban Dân dụng và Công nghiệp.

Dư luận thành phố không đồng tình với cách “giải quyết êm đẹp” của lãnh đạo UBND TP.HCM. Nhiều ý kiến đề nghị phải có người chịu trách nhiệm về việc thi công chậm trễ, hao tốn ngân sách, lãng phí thời gian.

Bên ngoài dự án, nhiều cây cỏ mọc um tùm – Ảnh: Quang Sung/Dân Việt

Nhưng có lẽ, sẽ không có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm cả. Trách nhiệm đó thuộc về tập thể, mà đã là tập thể thì chỉ chịu trách nhiệm chung chung, chứ không cụ thể. Cái gì cũng thế, “để lâu sẽ hóa… bùn!”

Có một người đề nghị thay đổi công năng công trình này, nhưng bị lãnh đạo thành phố bác bỏ. Điều này có vẻ hợp lý nhưng không thể, vì làm như thế không khác gì lãnh đạo “muối mặt” tự nhận “khôg có tầm nhìn, làm ẩu để rồi phải bỏ”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Tự sửa máy may
Máy may là một vật dụng vô cùng hữu ích, nhưng thường bị bỏ xó trong tủ vì ít sử dụng nhiều hoặc có phần nào của máy bị hư.…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: