Tờ CamboJA, một tờ báo đấu tranh cho nhân quyền và xã hội ở Campuchia vừa loan tin vụ ông Huỳnh Trọng Hiếu, một nhà tranh đấu cho nhân quyền ở Việt Nam khi đến sân bay quốc tế Phnom Penh để đi Mỹ, đã bị an ninh Campuchia bắt giữ với lý do kỳ quặc là ông Hiếu mang hộ chiếu giả. Nhiều tờ báo của Campuchia cũng đưa lại tin tức này.
CamboJA tường thuật là Hiếu, một nhà hoạt động và blogger nổi tiếng người Việt đã bị giam giữ tại một cơ sở di trú gần Sân bay quốc tế Phnom Penh kể từ ngày 3 Tháng Hai, với cáo buộc sử dụng hộ chiếu giả khi quá cảnh đến Hoa Kỳ, chị gái của ông Hiếu cho biết. Tin tức này cũng được một quan chức hàng không dân dụng Campuchia đã xác nhận việc giam giữ.
Đây là lần thứ hai ông Hiếu gặp trắc trở khi đi du lịch tới Campuchia – nhưng là lần đầu tiên bị chính quyền Campuchia cấm. Lần trước đó, là do an ninh CSVN ngăn cản, khi nghi ngờ ông Hiếu tham dự một cuộc hội họp về nhân quyền ở Việt Nam.
Ông Huỳnh Trọng Hiếu, một nhà hoạt động dân chủ xuất thân từ một gia đình bất đồng chính kiến, đã bị giam giữ hơn một tuần tại một trung tâm di trú ở Phnom Penh, sau khi vượt biên giới đất liền Mộc Bài mà không xuất trình giấy tờ, kiểu qua lại biên giới rất phổ biến của dân Việt Nam và Campuchia ở biên giới. Một ngày sau đó, khi đến sân bay để đi Mỹ, Hiếu đã bị công an Camphuchia bắt giữ, chị gái của ông là Huỳnh Thục Vy cho biết.
Sao Wathana, giám đốc cơ quan hàng không dân dụng nhà nước, đã xác nhận vụ bắt giữ tại sân bay của cảnh sát di trú và chuyển các câu hỏi của giới phóng viên cho giám đốc di trú tại chỗ. Nhưng Tổng giám đốc Tổng cục Di trú Sok Veasna và người phát ngôn của ông, Sok Sumnea, đều không đưa ra bình luận nào.

Bà Vy, người đã liên lạc được với ông Hiếu, cho biết hộ chiếu của ông được chính quyền Việt Nam cấp vào Tháng Bảy năm 2024 và được Hoa Kỳ cấp visa hợp lệ vào Mỹ. Được biết ông Hiếu định đến Hoa Kỳ để thăm bạn bè, trước khi đến Canada để gặp con trai.
CamboJA News hiện không thể xác minh liệu Hiếu có bị trục xuất về Việt Nam hay không và khi nào.
Năm 2012, hộ chiếu và quyền rời khỏi Việt Nam của Hiếu đã bị thu hồi khi ông định đến Hoa Kỳ để nhận giải thưởng nhân quyền thay mặt cho bà Vy – cũng là một nhà hoạt động – và cha của họ, một tiểu thuyết gia nổi tiếng bị kết án 10 năm tù vì tội “tuyên truyền chống nhà nước”. Ông Hiếu chỉ được cấp lại hộ chiếu vào năm ngoái.
Cả gia đình đã lần lượt đi tù, sau khi được thả, gia đình họ Huỳnh phải đối mặt với sự giám sát và quấy rối liên tục của chính quyền địa phương, vì coi là do hoạt động của họ là hình thái chống chính quyền.
“Vào năm 2012, cả ba chúng tôi – bố tôi, em trai tôi và tôi – đã bị phạt tổng cộng 270 triệu đồng (khoảng 10.550 đô la) và bị khám xét nhà, chính quyền đã tịch thu các thiết bị liên lạc như máy tính, máy in và máy ảnh”, bà Vy cho biết.
“Về phần tôi, hộ chiếu của tôi đã bị tịch thu vào năm 2015 và tôi vẫn chưa nhận được hộ chiếu mới”, bà Vy nói thêm, đồng thời đề cập đến việc bà bị phạt tù 33 tháng vào năm 2021 vì “xúc phạm quốc kỳ” sau khi bị cáo buộc phun sơn lên lá cờ cộng sản, và đăng ảnh lá cờ bị bôi bẩn lên mạng xã hội.
Tuy nhiên, việc bắt giữ ông Hiếu cho thấy công an CSVN đang tỏa rộng gọng kìm của của mình sang các quốc gia khác. Các báo cáo gần đây từ các nhóm nhân quyền cũng nêu bật sự đàn áp xuyên quốc gia gia tăng trong khu vực, bằng việc đi đêm của Hà Nội với các quốc gia Đông Nam Á.

“Tôi không biết vì sao chính quyền Campuchia lại bắt giữ Hiếu. Tuy vậy, tôi biết rằng cảnh sát Campuchia và Việt Nam có mối quan hệ rất chặt chẽ và hợp tác trong việc bắt giữ những người trốn khỏi Việt Nam sang Campuchia vì lý do chính trị”, bà Vy khẳng định.
Phó giám đốc khu vực Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Bryony Lau cho biết bà rất lo ngại về vụ bắt giữ Hiếu, đồng thời nhấn mạnh rằng anh đang đi du lịch bằng hộ chiếu và thị thực hợp lệ.
“Chính quyền Việt Nam đã quấy rối gia đình họ Huỳnh về mặt pháp lý kể từ năm 1992, những người này đã phải chịu đựng các cuộc đột kích của cảnh sát, tịch thu tài sản, lệnh cấm đi lại và bắt giữ”, bà nói. “Chính quyền Campuchia không nên cưỡng ép Huỳnh Trọng Hiếu trở về Việt Nam, nơi anh ấy có thể gặp nguy hiểm”.
Eng Ra, giám đốc Sân bay quốc tế Phnom Penh, từ chối bình luận về vụ bắt giữ Hiếu, chỉ nói rằng ông đang họp. Còn người phát ngôn của Cảnh sát Quốc gia Chhay Khim Khoeun chuyển câu hỏi tới cảnh sát di trú. Đại sứ quán Việt Nam tại Phnom Penh cũng không trả lời ngay lập tức các câu hỏi về trường hợp của Hiếu. Hiện chưa biết, ông Hiếu sẽ phải ra tòa ở Campuchia vì cáo buộc sử dụng giấy tờ giả, hay sẽ bị im lặng tống xuất về Việt Nam cho công an CSVN.