Từ tư duy phản biện cho tới sự tôn trọng người khác

Tại sao nhiều người cả tin theo những câu chuyện “hư cấu” đẫm nước mắt?
Minh họa

Khoảng Tháng Tám 2021, có một câu chuyện “hư cấu” nhưng được lan truyền rộng rãi trên mạng, lấy được nước mắt của bao nhiêu người là câu chuyện về “Bác sĩ Khoa”, hay “Bác sĩ Trần Khoa”. Theo câu chuyện này, tại một bệnh viện điều trị các ca COVID-19 nặng, nhân vật “bác sĩ Khoa” khi thấy mẹ mình khó qua khỏi đã quyết định rút ống thở để chuyển sang cứu một sản phụ cần ống thở cũng đang được cấp cứu gần đó, sản phụ này sau đó sinh đôi thành công, còn ba mẹ “Bác sĩ Khoa” đều chết vì COVID-19.

Câu chuyện ngay lập tức được chia sẻ như một bài học về sự hy sinh của nhân viên y tế tuyến đầu, và càng được củng cố độ tin cậy, khi một số Facebooker có tên tuổi, có số lượng người đọc, người theo dõi cao là nhà báo Nguyễn Đức Hiển, Phó Tổng biên tập báo Pháp luật TP.HCM, nhà báo Hoàng Nguyên Vũ… viết bài ca ngợi việc làm của “Bác sĩ Khoa”. Vài nhân vật làm việc trong các dự án cộng đồng có tiếng tại Việt Nam còn cho biết là đã “gọi điện, hoặc tiếp xúc với “Bác sĩ Khoa”.

Nhưng rồi có nhiều người có chuyên môn trong ngành Y chỉ ra những chi tiết vô lý trong câu chuyện, cũng như vạch trần những bức ảnh được đăng tải là ảnh ghép từ vụ việc khác, sự tranh cãi bùng lên, cho đến khi bệnh viện Chợ Rẫy rồi Sở Y tế TP.HCM chính thức xác nhận không có nhân vật “Bác sĩ Khoa”; và toàn bộ câu chuyện là tin giả/fake news; tệ hại hơn nhằm kêu gọi từ thiện để trục lợi. Lúc đó câu chuyện mới hoàn toàn trắng đen rõ ràng. Thanh tra Sở TT-TT TP.HCM đã xử phạt hai nhà báo Nguyễn Đức Hiển và Hoàng Nguyên Vũ vì đã chia sẻ bài viết về “bác sĩ Trần Khoa”; đồng thời mời ba chủ tài khoản Facebook khác liên quan vụ việc gồm: “J.K”, “H.M.A.Đ” và “N.H.T” tới làm việc để làm rõ dấu hiệu trục lợi trong vụ việc.

Một tin giả khác cũng tạo được sự xúc động và được lan truyền trên mạng là “lá thư của bà Akie Abe”, vợ cố Thủ tướng Shinzo Abe viết về nỗi đau khổ tột cùng và tình yêu thương sâu sắc mà bà dành cho người chồng vừa bị ám sát. Người viết lá thư sến súa này là một tài khoản Facebook có tên Takenaga Hisashide. Lá thư được nhiều người Việt nhanh chóng chia sẻ với những bình luận thương tiếc, đồng cảm, ngưỡng mộ về người đã khuất cũng như tình yêu của vợ chồng Thủ tướng Nhật.

Khi có người chỉ trích, đòi “tác giả” bức thư đính chính, xin lỗi bà Akie Abe, xin lỗi người Nhật lẫn độc giả nói chung thì “tác giả” mới bào chữa rằng: “Với tấm lòng thương yêu vợ chồng ông bà Abe, tôi đã “nhập vai” bà để viết những giòng sau. Không phải là thư của bà Abe đâu. Xin nói lại cho rõ”. Sau đó, trước phản ứng dư luận, “lá tâm thư tưởng tượng” biến mất khỏi tài khoản Takenaga Hisashide.

Chúng ta thấy gì về tính cách của người Việt qua hai ví dụ này? Cả tin? Khao khát điều tốt đẹp, khao khát những câu chuyện đẹp? Hay chỉ đơn giản họ để cho cảm xúc dẫn dắt, thiếu tỉnh táo và lý trí để nhận ra sự không hợp lý trong các câu chuyện? Dù sao, đây chỉ mới chỉ là để cho những cảm xúc tích cực, bày tỏ sự đồng cảm và xúc động trước những “câu chuyện đẹp” của người khác. Có những sự việc còn tệ hơn…

Vụ Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng và Tịnh Thất Bồng Lai

Khoảng cuối Tháng Năm 2021, sau thời gian nghỉ lễ 30-4 và 1-5, ngày 23 Tháng Năm,  sự kiện bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND tại TP.HCM được tổ chức, cùng với đó là những ca nhiễm COVID-19 đầu tiên của đợt bùng dịch thứ tư lây lan nhanh chóng ở Sài Gòn. Nỗi sợ hãi cũng lan rộng khắp nơi. Giữa lúc đó, bỗng cái tên Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng tại Gò Vấp, Sài Gòn nổi lên trên khắp mặt báo, kèm với cụm từ “ổ dịch” khi Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng bị cho là nguồn lây lan dịch bệnh.

Thay vì tỉnh táo xác định nguyên nhân lây dịch có thể do sự chủ quan của nhà cầm quyền, khi trước đó ở Ấn Độ xảy ra cơn bùng phát dịch mới với chủng Delta, thì chính quyền túm được “con dê tế thần” là Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Vợ chồng mục sư Võ Xuân Loan, Phương Văn Tân và các tín hữu của Hội thánh bỗng trở thành tội đồ. Cuối Tháng Năm 2021, Công an quận Gò Vấp, nơi hội thánh này sinh hoạt, vội vã ra quyết định khởi tố hình sự Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng với cáo buộc “làm lây lan dịch bệnh” COVID-19, đồng thời rút giấy phép sinh hoạt của hội thánh tại Gò Vấp.

Truyền thông nhà nước đua nhau khép tội Hội thánh Truyền giáo Phục Hưng. Người dân tìm được chỗ để mà đổ lỗi và trút giận. Bao nhiêu “gạch đá”, mắng chửi, nguyền rủa, kết tội, kể cả dọa dẫm tới tấp trút lên đầu vợ chồng mục sư lúc đó vẫn còn nằm trên giường bệnh điều trị COVID-19, dù cuộc điều tra chỉ vừa bắt đầu, chưa có phiên tòa cũng chưa có bằng chứng dịch tễ nào được đưa ra.

Đến Tháng Một 2022, Cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp TP.HCM ra thông báo  “tạm đình chỉ điều tra vụ án vì “hết hạn thời hạn điều tra nhưng chưa xác định được bị can thực hiện hành vi phạm tội”. Cần lưu ý, “tạm đình chỉ” không có nghĩa là hoàn toàn trắng án, và đối với vợ chồng mục sư thì sự kiện vẫn là nỗi oan ức chưa được giải tỏa.

Một vụ việc khác – với một số nét tương đồng, khi chính quyền có thái độ và cách hành xử không công bằng đối với các tổ chức tôn giáo, trong khi báo chí định hướng dư luận; và dư luận thì thể hiện sự cực đoan, thiếu tỉnh táo – là vụ án Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ (gọi tắt là Thiền Am). Ngày 21 Tháng Bảy qua, hội đồng xét xử phiên sơ thẩm TAND huyện Đức Hòa, Long An tuyên phạt sáu người của Thiền Am, tức Tịnh thất Bồng Lai, tổng cộng 23 năm tù, trong đó người chịu mức án cao nhất là ông Lê Tùng Vân (90 tuổi) với năm năm tù.

Tất cả đều bị kết tội theo Điều 331 (“Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”). Chứng cứ cho “tội” “lợi dụng các quyền tự do dân chủ” này là năm đoạn video clip đăng ở hai tài khoản YouTube của nhóm “Tịnh thất Bồng Lai” bị cho là xúc phạm đến Công an huyện Đức Hòa, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Long An, và cá nhân ông Trần Ngọc Thảo (tức Thượng tọa Thích Nhật Từ).

Sự khôi hài của phiên tòa, lập luận bào chữa từ luật sư của Thích Nhật Từ, chẳng hạn câu hỏi “Nếu như bây giờ tôi nói Chúa ngu như bò thì các ông thấy sao?” (xuất phát từ “đơn tố cáo” của ông Trần Ngọc Thảo, nói rằng thành viên Tịnh Thất Bồng Lai đã nói “Thích Nhật Từ ngu như bò”) v.v. đã có nhiều người nói.

Suốt thời gian dài, báo chí nhà nước đã tung ra đủ thứ vu khống ông Lê Tùng Vân, nào tội loạn luân, lợi dụng tu hành để lừa đảo, trục lợi, các chú tiểu ở Thiền Am đều là con rơi của ông Vân; rồi một nhân vật với những video clip ầm ỹ một thời (bây giờ cũng đang ở trong trại giam) lớn tiếng đòi thử DNA ông Lê Tùng Vân và các chú tiểu. Thậm chí có cả đám người tới quậy phá Thiền Am… Bao nhiêu người bị báo chí dắt mũi cũng chửi mắng những người ở Thiền Am mà chưa cần có bất cứ bằng chứng gì.

Nếu Thượng tọa Thích Nhật Từ cảm thấy bị xúc phạm vì bị ví “ngu như bò” thì việc ông Lê Tùng Vân và những người khác bị đồn đãi tội loạn luân và lừa đảo còn nặng nề, nghiêm trọng hơn biết bao nhiêu lần? Cho đến nay, báo chí quốc doanh không hề đính chính, xin lỗi cho tử tế đã đành, nhưng những “nhà báo” từng viết bài giật tít câu view vu khống danh dự người khác có cảm thấy xấu hổ với bản thân? Và bao nhiêu người từng hùa theo chửi mắng ông Lê Tùng Vân và những người ở Thiền Am nữa. Có bao giờ họ nghĩ đến hậu quả của những lời vu khống đó, nhất là đối với các chú tiểu vẫn còn ở lứa tuổi trẻ thơ?

Trong vụ Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, khi trả lời Đài BBCLuật Khoa tạp chí, mục sư Võ Xuân Loan và con gái cho biết họ đã bị khủng hoảng và tuyệt vọng trước thái độ của báo chí và dư luận thời điểm đó. Vụ Thiền Am với tội danh “loạn luân” hẳn nhiên gây tác hại tinh thần còn kinh khủng hơn. Ông Lê Tùng Vân và những người lớn ở Thiền Am phải vào tù, không biết những chú tiểu được ông nuôi dưỡng sẽ sống ra sao?

Tư duy phản biện, cùng với sự khoan dung, tôn trọng người khác và tôn trọng pháp luật không phải tự nhiên mà có. Có thể nêu ra rất nhiều ví dụ cho thấy không ít người Việt sống bằng cảm xúc, thiếu suy xét, chạy theo dư luận. Họ cũng mau quên, thiếu sự thành tâm phục thiện, bày tỏ xin lỗi khi trước đó lỡ phán xét sai, khiến ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm người khác.

Có những nguyên nhân khách quan góp phần dẫn đến điều này.

Một: Bị “định hướng” bởi nhà nước, công an. Khi công an cho khởi tố điều tra vụ nào đó, người dân dễ bị mặc định những người đang bị khởi tố, điều tra là “có tội”.

Hai: Bị định hướng bởi báo chí nhà nước. Trong cả hai vụ trên, báo chí đã tích cực khép tội các “bị cáo” dù chưa có bằng chứng cụ thể, thậm chí loan truyền cả những tin đồn, tội danh không có thực.

Ba: Có những người dường như không được giáo dục ngay từ nhỏ và thường xuyên trong suốt cuộc đời để có tư duy phản biện, biết phân tích đúng sai, biết tôn trọng người khác, từ sự riêng tư nhân thân cho tới tín ngưỡng người khác.

Trong một xã hội dân chủ, không thể có những vụ như Hội Thánh Truyền giáo Phục Hưng hay vụ Thiền Am, trong đó xảy ra tình trạng vụ việc được khởi tố vội vàng, đưa tên tuổi nhân thân những người trong cuộc lên mặt báo để dư luận chĩa mũi dùi tấn công với những “tội danh” hoàn toàn không có bằng chứng; và càng không có cái tội mơ hồ gọi là “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Trong một xã hội dân chủ, vợ chồng mục sư Võ Xuân Loan-Phương Văn Tân hay những người trong Thiền Am hoàn toàn có quyền kiện lại báo chí; và chắc chắn họ thắng lớn. Sự tai hại của một thể chế độc tài là nó không chỉ tạo ra những kẻ cầm quyền vô minh, độc ác, mà còn tạo ra một xã hội trong đó nhan nhản những nhà báo vô minh, độc ác, và những kẻ khoác áo tu hành nhưng sân si, tâm địa ác độc. Hậu quả, nhiều người dân cũng bị kéo vào con đường tối để rồi trở nên vô minh độc ác mà không biết.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: