Công cuộc “đốt lò” chống tham nhũng do cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng đã đi qua một chặng đường dài, dư luận ngày càng đặt ra nhiều câu hỏi về đích đến và hiệu quả thực chất của chiến dịch này.
Những đại án “kinh thiên động địa” như Việt Á và chuyến bay Giải cứu, dù đã làm rung chuyển bộ máy, nhưng kết quả cuối cùng vẫn khiến nhiều người hoài nghi: liệu đây có phải là cuộc chiến “đả hổ diệt ruồi” toàn diện, hay chỉ là những đòn “đánh tép riu bỏ trùm cuối?”
Nhìn lại các vụ án lớn, không thể phủ nhận rằng nhiều quan chức cấp cao đã bị “hạ bệ,” thậm chí phải trả giá bằng tự do. Tuy nhiên, một thực tế nhức nhối vẫn tồn tại: những “trùm cuối” thuộc hàng “Tứ trụ” – những người nắm giữ quyền lực tối cao, dường như vẫn đứng ngoài vòng pháp luật. Điển hình là trường hợp ông Nguyễn Xuân Phúc. Mặc dù bị cho là có liên đới trách nhiệm trong các vụ bê bối lớn, ông chỉ “mất ghế” chủ tịch nước mà không phải đối mặt với bất kỳ hình thức truy cứu trách nhiệm hình sự nào tương xứng. Trong khi đó, hàng loạt cấp dưới của ông, từ phó thủ tướng đến bộ trưởng thì… rụng như sung. Thậm chí, những bí ẩn cốt lõi như việc ai thực sự nắm 80% cổ phần Công ty Việt Á đến nay vẫn chưa được công khai làm rõ.
Chính ông Phúc đã phải từng thanh minh trước báo giới: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng liên quan đến Việt Á, chưa bao giờ gặp Giám đốc Việt Á. Điều này đã được ủy ban kiểm tra Trung Ương kết luận rõ ràng.” Lời thanh minh này, thay vì xoa dịu dư luận, lại càng làm lộ rõ hơn bức tranh “chống tham nhũng” dưới thời Tổng Trọng: bề ngoài hô hào “đả hổ,” bên trong thực chất là những cuộc “ngã giá chính trị” để tranh giành quyền lực. Với cách chống tham nhũng như vậy, không khó hiểu vì sao nhiều người đánh giá đây chỉ là công việc “giã tràng se cát” không mang lại hiệu quả thực chất.
Trong số những vụ án đang được phơi bày, vụ án Công ty Cổ phần Tập đoàn Phúc Sơn đang đặc biệt gây chú ý, không chỉ bởi số tiền hối lộ khổng lồ lên tới hơn 132 tỷ đồng cho lãnh đạo 5 tỉnh, mà còn bởi những góc khuất quyền lực đằng sau. Vụ án này phơi bày một thực trạng tham nhũng nghiêm trọng, mất kiểm soát, và sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích đối với giới lãnh đạo cấp cao ở các địa phương. Hậu quả không chỉ là thiệt hại lớn cho ngân sách nhà nước, mà còn là sự xói mòn niềm tin của dân chúng vào Đảng CSVN.
Điều đáng nói, những sai phạm này diễn ra trong một thời gian dài, tại nhiều địa phương, và công khai “giữa ban ngày ban mặt.” Người dân địa phương đều biết, nhưng hệ thống thanh tra, kiểm soát của bộ máy Đảng và hệ thống tư pháp dường như bị tê liệt. Nguyên nhân sâu xa được cho là do “tiền trảm hậu tấu”, tất cả các lãnh đạo chủ chốt trong tỉnh, từ bí thư, chủ tịch đến trưởng các ban ngành liên quan, đều đã bị “Hậu pháo” – biệt danh của Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn Nguyễn Văn Hậu – dùng tiền hối lộ “bịt miệng.’
trường hợp cựu Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, Theo cơ quan điều tra, bà Lan gọi Hậu “pháo” đến cơ quan và thẳng thừng yêu cầu: “Chị có việc, chuẩn bị ngay cho chị 1 triệu Mỹ”, vừa nói, bà Lan vừa giơ ngón trỏ ra hiệu. Và ngay trong ngày hôm đó, Hậu “pháo” đã mang đủ $1 triệu đến nhà hối lộ cho bà Lan. Được bà Lan “bảo kê,” Tập đoàn Phúc Sơn của Hậu “pháo” – người được cho là con nuôi của ông Trịnh Đình Dũng – liên tục trúng thầu hàng chục dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách, với tổng giá trị hàng chục ngàn tỷ đồng tại Vĩnh Phúc.
Vậy ai thực sự đứng sau Hoàng Thị Thúy Lan? Dù có thông tin cho rằng bà Lan được nâng đỡ bởi ông Trịnh Đình Dũng – cựu Bộ trưởng Bộ Xây Dựng, người từng là bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phúc – nhưng liệu một ủy viên Trung Ương Đảng có đủ sức “một tay che trời” bảo kê cho những sai phạm quy mô lớn như vậy trong suốt một thời gian dài? Liệu còn có thế lực nào lớn hơn đứng sau Hoàng Thị Thúy Lan và Tập đoàn Phúc Sơn?
Theo giới thạo tin, Hoàng Thị Thúy Lan có xuất thân “trâm anh thế phiệt.” Bà là con gái của ông Hoàng Quy, cựu Bộ trưởng Tài chính, Ủy viên Trung ương Đảng các khóa 5 và 6. Bản thân bà Lan, xuất phát điểm chỉ là giáo viên cấp 2 khi tốt nghiệp Cao Đẳng Sư Phạm, sau đó chuyển sang công tác Đoàn, rồi nhanh chóng thăng tiến trong bộ máy chính trị tỉnh Vĩnh Phúc. Dư luận địa phương xầm xì về việc bà Lan được ông Trịnh Đình Dũng nâng đỡ “không trong sáng.”
Trong giai đoạn ông Dũng còn ở Vĩnh Phúc, sự nghiệp của bà Lan “lên như diều gặp gió”. Năm 2005, khi ông Dũng rời Vĩnh Phúc về Hà Nội làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, bà Lan đang là Bí thư Tỉnh Đoàn. Đến năm 2015, bà Lan “nhảy” lên ghế Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, rồi liên tục trúng cử Ủy viên Trung ương Đảng khóa 12 và 13, ngồi ghế Bí thư Tỉnh ủy suốt hai nhiệm kỳ. Đáng chú ý, dù dính nhiều bê bối, bà Lan vẫn “bình an vô sự,” thậm chí còn được tín nhiệm cao trước khi bị bắt. Ngay cả khi ủy ban kiểm tra Trung Ương Khóa 12 chỉ ra nhiều vi phạm của Ban Thường Vụ tỉnh ủy Vĩnh Phúc liên quan đến trách nhiệm của bà Lan vào năm 2017, bà cũng chỉ bị “giơ cao đánh khẽ,” yêu cầu “kiểm điểm sâu sắc.” Liệu có một thế lực “khủng” đứng sau bảo kê cho bà Lan?
Giờ đây, khi ông Tô Lâm đã lên nắm quyền Tổng Bí thư, công cuộc chống tham nhũng bước sang một giai đoạn mới. Vụ án Tập đoàn Phúc Sơn, một vụ việc đang thu hút sự chú ý đặc biệt, có thể sẽ là “phép thử” cho quyết tâm và phương pháp chống tham nhũng của ông Tô Lâm. Ban đầu, vụ án này tưởng chừng chỉ giới hạn trong phạm vi một doanh nghiệp và một số quan chức địa phương. Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy cơ quan điều tra đang mở rộng phạm vi, “lật lại” các dự án đã triển khai từ lâu tại Quảng Ngãi, có những công trình từ năm 2012. Điều đáng chú ý là giai đoạn này trùng khớp với thời gian ông Võ Văn Thưởng làm bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi (2011-2014).
Theo cáo buộc, một số sai phạm của tập đoàn Phúc Sơn tại Quảng Ngãi diễn ra thời Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng làm bí thư tỉnh này từ năm 2011 tới năm 2014. Khi ông Võ Văn Thưởng từ chức vào tháng Ba 2024, đã có những đồn đoán về sự liên quan tới ông đối với những sai phạm tại Tập đoàn Phúc Sơn. Quảng Ngãi là nơi ông Thưởng từng làm bí thư tỉnh ủy. Huyện Mang Thít, tỉnh Vĩnh Long là quê hương của ông. Trong đó, tại tỉnh Vĩnh Phúc, cựu bí thư tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan từng là ủy viên Trung Ương Đoàn thời ông Thưởng công tác tại cơ quan này.
Một số trang tin của chính quyền cấp địa phương hồi cuối tháng 3/2024 cũng có đăng bài viết “Đừng thấy ‘sóng cả’ mà ngã niềm tin,” trong đó nêu: “Các báo cáo của Trung Ương và đơn của đồng chí Võ Văn Thưởng nêu rõ, thời gian đồng chí Thưởng làm bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi đã không kiểm soát chặt chẽ, đề cán bộ dưới quyền vi phạm pháp luật, để một doanh nghiệp mượn danh đảm nhận nhiều dự án, can thiệp công tác cán bộ, làm mất lòng tin trong nhân dân.” Bài viết này không nêu rõ “một doanh nghiệp” là Phúc Sơn hay doanh nghiệp nào.
Trong một bài viết trên trang Fulcrum xuất bản vào tháng 3/2024, nhà nghiên cứu, phân tích chính trị Lê Hồng Hiệp từ Viện ISEAS (Singapore) đã trích dẫn “các nguồn không chính thức nhưng đáng tin cậy” rằng một người thân ông Thưởng đã nhận 60 tỷ đồng từ Tập đoàn Phúc Sơn để xây nhà thờ tổ từ thời ông Thưởng còn làm bí thư Quảng Ngãi. Những công bố của cơ quan điều tra cho thấy có một quan chức cấp huyện ở tỉnh Vĩnh Long từng nhận số tiền lớn của Phúc Sơn.
Những dẫn chứng này cho thấy, mối liên hệ giữa ông Võ Văn Thưởng và Tập đoàn Phúc Sơn không còn là những đồn đoán vô căn cứ. Việc cơ quan điều tra tập trung vào giai đoạn ông Thưởng làm Bí thư Quảng Ngãi, cùng với những thông tin về các mối quan hệ và cáo buộc nhận hối lộ, đang đặt ra những câu hỏi lớn về vai trò và trách nhiệm của ông trong vụ án này.
Liệu ông Tô Lâm, trên cương vị Tổng Bí thư, có tiếp tục đi theo lối mòn của người tiền nhiệm Nguyễn Phú Trọng, chỉ đánh tép riu, bỏ qua những “trùm cuối” thực sự? Hay ông sẽ tạo ra một “kỷ nguyên vươn mình” mới, thực sự quyết tâm “đả hổ diệt ruồi” đến cùng, không né tránh bất kỳ vùng cấm nào? Nếu ông Tô Lâm vẫn “dọn cỏ mà chỉ cắt ngọn nhưng không đào tận gốc” thì tham nhũng sẽ không bao giờ bị đẩy lùi. Lương Bí thư tỉnh 20 triệu/tháng nhưng chỉ cần giơ một ngón tay kiếm 25 tỷ đồng thì dù có tinh giản bộ máy đến đâu, ngân sách vẫn bị đục khoét đến rỗng sạch.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc ông Tô Lâm đánh vào các sân sau của các đối thủ chính trị, như vụ Phúc Sơn, có thể mang mục đích kép “nhất tiễn hạ song điêu”: vừa loại bỏ đối thủ, vừa tạo ra “khoảng trống thị trường” cho các sân sau của mình. Nếu điều này là sự thật, thì “kỷ nguyên vươn mình” mà ông Tô Lâm hô hào thực chất chỉ là một “kỷ nguyên vươn vòi” – Tô Lâm “vươn vòi” quyền lực, còn Tô Dũng (nếu có) “vươn vòi” kinh tế với tập đoàn Xuân Cầu. Lợi ích quốc gia, một lần nữa, lại bị lợi dụng để che đậy cho những lợi ích nhóm nhem nhuốc. Nếu vẫn dung túng cho tham nhũng “gộc,” đất nước sẽ tiếp tục lụi bại, không thể “ngóc đầu” lên được. Kỷ nguyên “vươn mình” sẽ mãi mãi chỉ là một viễn cảnh xa vời.