Từ vụ Huy Đức, làng báo Việt Nam tiếp tục bị chôn sống

Hình ảnh lúc công an giải nhà báo Huy Đức đi vào chiều ngày 1 Tháng Sáu. (Hình được chia sẻ trên mạng facebook)

Tự do ngôn luận ở Việt Nam tiếp tục bị chém chí tử. Báo chí trở thành những cái loa bị dán băng keo. Nó chỉ được gỡ khi người ta cho phép nó nói.

Tại sao tự do thông tin ngày càng bị “cưỡng bức” thô bạo? Bởi vì sự thật trong tự do thông tin (cần nhấn mạnh yếu tố “sự thật,” ở thời mà tự do thông tin bị hoen ố bởi làn sóng tin giả) là công cụ có thể giúp lật mặt được chủ nghĩa dân chủ giả hiệu đang bùng nổ và phát triển khắp nơi, dù nó được lập luận ngụy biện bởi những kẻ đang ôm giữ mọi thứ quyền hành và muốn kiểm soát tuyệt đối cả tự do tư duy lẫn tự do biểu đạt. Sự thật, tại nhiều nơi, đã bị nhốt vào lồng và thậm chí bị chôn.

Chẳng nơi nào có thể “minh họa” cho điều này bằng Trung Quốc, Nga và Việt Nam! Điều đáng nói nhất đối với làng báo Việt Nam là nó đã trở nên “khác biệt” so với hầu hết các nước chứng kiến tình trạng báo chí bị ngược đãi, bởi “đặc điểm” rằng: Không có nhà báo chính thức nào dám lên tiếng trước các vụ bắt bớ những người nói thay cho mình hoặc nói thay người dân về những vấn đề dân chủ và thậm chí những vấn đề liên quan trực tiếp đến tự do thông tin. Ký giả miền Nam trước 1975 từng “đi ăn mày” để phản đối sự kiểm soát báo chí. Giới báo chí ngày nay có những chọn lựa khác hơn “đi ăn mày,” dù họ biết thái độ đó mang lại kết cuộc như thế nào cho xã hội lẫn quốc gia.

Trên Washington Post ngày 21 Tháng Năm, 2018 (cố) ký giả Jamal Khashoggi từng viết:

“Liệu có cách nào khác cho chúng ta hay không? Liệu chúng ta có phải chọn giữa rạp chiếu bóng và quyền công dân để có thể cất tiếng nói, dù là ủng hộ hay chỉ trích những hành động của chính quyền? Chúng ta có nên chỉ ton hót những lời bóng bẩy trước các quyết định của lãnh đạo, cái nhìn của ông ấy về tương lai chúng ta, nhằm đổi lại quyền sống và sự đi lại tự do cho bản thân và gia đình mình?”

Tự do báo chí đôi khi không hẳn là “không gian” được phép thể hiện. Tự do báo chí có khi là “khoảng cách” giữa “rạp chiếu phim” và “quyền công dân” cùng với sự chọn lựa một trong hai này. Khó có thể có một nền báo chí tự do khi mà nhà báo luôn chọn “rạp chiếu phim”. Không thể đòi hỏi có một nền báo chí tự do khi mà nhà báo cúi đầu chấp nhận khước từ quyền tự do ngôn luận của chính mình. Báo chí sẽ chẳng bao giờ có được sự độc lập và trung thực thông tin, nếu nhà báo không dám “tự do” “đi ăn mày” nhưng sẵn sàng “tự do” “mài bút” xu nịnh vuốt ve “các cụ,” để được thụ hưởng lợi ích kinh tế hoặc được “bảo kê” trong các cuộc đấu đá phe nhóm chính trị.

Chẳng có cái gì gọi là báo chí được “cởi trói” trong làng báo Việt Nam, như cách nói nhai nhải của Ban Tuyên Giáo Trung Ương.

“Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được nhà nước bảo hộ.” Đây là quy định được nêu tại Điều 13 của Luật Báo Chí năm 2016. Chỉ riêng quy định này đã thấy báo chí bị trói như thế nào. Mỉa mai thay, Điều 25 Hiến Pháp năm 2013 ghi rõ: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định.”

Báo chí tiếp tục bị trói và thực hiện “các quyền” của nó khi được yêu cầu thực hiện “nhiệm vụ chính trị tuyên truyền” với nội dung bài vở được chỉ định. Lực lượng truyền thông luôn được xua ra để diễn một vở kịch chính trị tuyên truyền nhằm phục vụ chính trị đối ngoại lẫn đối nội. Chừng nào còn phụ thuộc vào tín hiệu đèn xanh thì báo chí vẫn còn sống dài dài với nỗi thấp thỏm bị siết cổ nửa đêm bằng tin nhắn hoặc cú gọi lạnh tóc gáy từ một “đồng chí” tuyên giáo. “Sáng đăng, chiều gỡ” đã trở thành “hoạt động báo chí” quen thuộc của làng báo trong nước nhiều năm qua.

Cá nhân ông trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương cũng là công cụ. Tuyên truyền phục vụ đường lối chính sách của đảng vẫn là “tôn chỉ” xuyên suốt của hoạt động báo chí Việt Nam. Thậm chí cách thức thể hiện cũng được chỉ định. Cơ quan truyền thông trung ương VTV chỉ được phép dùng từ “đối phương,” “lính bên kia biên giới”… chứ không được đề cập trực tiếp đến “Trung Quốc.”

Khi các trưởng phòng ban, thư ký tòa soạn hoặc ban biên tập nói chung phải chịu sự kiềm kẹp gần như hàng ngày bằng những tin nhắn trực tiếp vào điện thoại (rằng vấn đề nào được phép nói với liều lượng bao nhiêu và vấn đề nào cấm được đụng đến) thì báo chí còn lâu mới “trở thành lực lượng hùng hậu, thông tin nhanh nhạy, toàn diện về mọi diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế – xã hội trong nước và quốc tế, là diễn đàn thực sự tin cậy của nhân dân.”

Ý thức tự kiểm duyệt không chỉ xảy ra với ban biên tập mà với cả người viết. Những vụ án tham nhũng hoặc những bài báo “phản biện” không phải tự nhiên xuất hiện và được tùy ý ban biên tập quyết định. “Tự do thông tin” là khái niệm được hiểu là khoảng không gian giới hạn mà phóng viên phải mặc nhiên hiểu như một ý thức nghề nghiệp hình thành như một quán tính nhắc nhở thường trực chớ nên dại dột vượt qua.

Sự cạnh tranh giữa các báo gần như không tồn tại hoặc chỉ tồn tại ở mức tiểu xảo chạy theo những tin vô thưởng vô phạt chứ không phải đẳng cấp “điều tra thông tin.” Sự nghèo nàn thông tin càng khiến báo chí nhạt nhẽo. Làng báo “cách mạng Việt Nam” không có chỗ cho phóng viên điều tra độc lập; và báo chí “cách mạng Việt Nam” không có chỗ cho làm báo độc lập. Lịch sử báo chí “cách mạng Việt Nam” chưa từng có một Bob Woodward. Báo chí Việt Nam rất thích nói về những Seymour Hersh với những bài báo phanh phui làm xấu mặt chính quyền nhưng làng báo “cách mạng Việt Nam” không thể có một Seymour Hersh dám “làm xấu mặt chính quyền” hay một New York Times dám bung ra một hồ sơ tương tự “Hồ Sơ Ngũ Giác Đài.”

Những uyển ngữ kiểu “nhà báo là người xung kích trên mặt trận thông tin” chỉ là một khẩu hiệu thuần túy như một thứ hô hào rỗng tuếch. Cái khái niệm “nhà báo có tầm, có tâm” còn đáng buồn cười hơn nữa. Khi một phóng viên vượt rào và bị sa chân vào tù mà tổng biên tập không dám đứng lên bênh vực hoặc thậm chí còn không dám vào tù thăm hỏi thì “tâm- tầm” trở thành khái niệm cực kỳ vô nghĩa. Người ta có thể thấy rõ điều này trong vô số vụ nhà báo bị bắt, từ Phạm Chí Dũng năm 2021 đến Huy Đức 2024.

Việc kiểm soát báo chí nói riêng và truyền thông nói chung ngày càng gay gắt. Tại hội thảo văn hóa cách đây vài tháng, Thứ Trưởng Bộ Thông Tin và Truyền Thông Nguyễn Thanh Lâm dọa rằng, bộ sẽ chủ động ngăn chặn thông tin “xấu độc” từ bản “gốc,” trước khi thông tin tràn lan trên mạng xã hội, rằng từ ngày 1 Tháng Giêng 2024, nhà cầm quyền sẽ yêu cầu tất cả nền tảng cung cấp nội dung phim ảnh ngoại quốc vào Việt Nam phải tuân thủ đầy đủ mọi quy định, hệt như doanh nghiệp trong nước, nếu không sẽ bị chặn.

Theo The Diplomat ngày 9 Tháng Mười Một 2023, Việt Nam đã thắt chặt hạn chế đối với các nền tảng truyền thông xã hội, ra sắc lệnh yêu cầu họ gỡ bỏ thông tin “sai lệch” và “tin giả” trong vòng 24 tiếng đồng hồ, thay vì 48 tiếng đồng hồ như trước kia; đồng thời tăng mức phạt đối với người dân đăng và phổ biến thông tin “sai lệch”. Và trong bài báo ngày 19 Tháng Sáu, 2023 trên The Washington Post, tác giả Rebecca Tan, chánh văn phòng Đông Nam Á của The Washington Post, tiết lộ rằng Facebook thậm chí có một danh sách viên chức CSVN “bất khả xâm phạm,” tức bất kỳ thông tin gì liên quan họ đều bị Facebook kiểm duyệt!

Một cách tổng quát, toàn cảnh hoạt động báo chí là một bức tranh u ám và mỗi lúc một đen tối hơn. Tất cả đều nằm trong vòng kim cô. Truyền thông và báo chí Việt Nam vẫn tồn tại. Nhưng nó đang bị chôn sống.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: