Từ vụ mua danh hiệu hoa hậu: “Nhan sắc” của chế độ

Đêm chung kết cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu 2022 (Thanh Niên)

Ngày 9 Tháng Sáu, tờ Pháp Luật TP. HCM nhận được đơn tố cáo của Á hậu 3 trong cuộc thi Hoa hậu quý bà Việt Nam toàn cầu 2022. Bà này tố cáo Ban tổ chức cuộc thi mua bán giải. Theo báo Pháp Luật TP.HCM, Á hậu 3 có tên là Đ.T.H. Báo chí đang muốn giấu tên người tố cáo. Thực ra tên thật người tố cáo là Đặng Thị Hương. Bà Hương tố cáo rằng, bà đã chi đến 800 triệu (khoảng $34,509) để có “chức” Á hậu 3. Theo bà Hương: “Có thí sinh phải nộp lên đến nhiều tỷ đồng theo cơ cấu danh hiệu và bảy thí sinh không nộp tiền đã không có giải, tuy có năng lực…”

Ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu 2022 (Pháp Luật TP.HCM)

Cuộc thi Hoa hậu Quý bà Việt Nam toàn cầu 2022 được tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 20 Tháng Tư 2022 đến 27 Tháng Tư 2022. Trả lời tờ Pháp Luật TP.HCM, bà Hương nói: “Đi chơi tôi cũng muốn có niềm vui nho nhỏ mang về, bạn tư vấn hồ sơ ban đầu có tư vấn giải phụ truyền thông giá 300 triệu. Hôm sau, phía BTC nói giải Á hậu 3 là 800 triệu, nghĩa là tôi chỉ cần thêm 500 triệu nữa, vừa được giải Á hậu 3 vừa được cho luôn giải phụ kia…Tổng số tiền tôi phải nộp là 800 triệu đồng theo nhiều lần, đều do người thụ hưởng là ông H.T.M.T – Phó trưởng BTC cuộc thi theo số tài khoản 5555…”.

Cũng theo báo Pháp Luật TP.HCM, số tiền 800 triệu bà Hương chuyển cho phó ban tổ chức được chia thành nhiều lần. Lần cuối cùng bà chuyển khoản là vào ngày 25 Tháng Tư. Tổng số tiền 800 triệu đều được chuyển khoản trước đêm chung kết diễn ra vào ngày 27 Tháng Tư tại Đà Nẵng. Dĩ nhiên Ban tổ chức cuộc thi phủ nhận thông tin mua bán giải của bà Hương; và họ cho rằng đó là một “hợp đồng miệng” trị giá 1,1 tỷ đồng chứ không phải 800 triệu; bao gồm các dịch vụ: quần áo, trang điểm, truyền thông…, rằng “sử dụng dịch vụ cao cấp hơn, ăn ngon hơn, muốn hình ảnh mình xuất hiện trực tiếp nhiều hơn… phải chi cho dịch vụ riêng”.

Từ vụ tố cáo này, mới lộ ra một thực tế được mà lâu nay ai cũng biết, đấy là những cuộc mua bán danh hiệu nấp dưới dạng các cuộc thi. Mục đích là gì thì đã quá rõ: Kiếm tiền. Thông thường những danh hiệu càng thu hút sự chú ý của xã hội thì càng đắt giá. Danh hiệu Hoa hậu quý bà là danh hiệu mà xã hội không mấy mặn mà, đa phần không ai nhớ tên những người đẹp, vậy mà giá của danh hiệu thấp nhất (hạng 3 là thấp nhất) đã là 800 triệu thì những danh hiệu lớn được mua bán với giá khủng khiếp cỡ nào.

Có nhan sắc nên muốn xã hội thừa nhận là nhu cầu chính đáng của quý bà. Tuy nhiên việc chi tiền để có danh hiệu lại là chuyện khác. Vì nhu cầu quá cháy bỏng và một phần cũng ham danh mà quý bà đã làm giàu cho bọn quan chức tham lam. Từ nhiều năm nay, gần như chưa ai dám can đảm phanh phui sự trá hình của trò tổ chức thi hoa hậu. Bà Đặng Thị Hương có thể được xem là người đầu tiên lên tiếng.

Có thể nói, tình trạng thi hoa hậu bát nháo của Việt Nam đã làm cho người dân ngao ngán. Năm 2020, báo Lao Động có bài viết “Tỉnh, thành nào cũng tổ chức thi hoa hậu là không khả thi” để ca cẩm về tình trạng loạn thi hoa hậu. Trong khi đó, Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch cho soạn Dự thảo nghị định, đặt vấn đề là sẽ “nới lỏng” việc tổ chức các cuộc thi hoa hậu để đẩy số lượng cuộc thi lên nhiều hơn. Bà Phạm Kim Dung – Phó Trưởng ban Tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam kiêm Tổng Giám đốc Công ty Sen Vàng bày tỏ quan điểm: Nới lỏng tổ chức thi sắc đẹp chỉ tạo ra thêm nhiều bát nháo nhố nhăng.

Bà Dung đưa ra quan niệm như thế là bà đang đứng ở góc nhìn làm sao cho cuộc thi hoa hậu có chất lượng. Ý bà là phải ít, phải chọn lựa kỹ thì danh hiệu mới có chất lượng. Tuy nhiên về phía Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch thì có góc nhìn khác. Với họ chất lượng cuộc thi không bằng tiền. Họ “làm chính sách” theo quan điểm kiếm tiền, để những sân sau của họ trong ngành này lao nhao buôn bán danh hiệu thì họ mới có thể hốt bạc. Mỗi danh hiệu là một núi tiền thì càng nhiều danh hiệu, vẽ ra nhiều cuộc thi thì các sân sau của họ mới có cơ hội kiếm chác nhiều.

Có cơ quan ban ngành nào trong hệ thống Việt Nam mà không thi nhau kiếm chác! Bộ Y tế cũng làm chính sách để trục lợi mà điển hình là vụ Công ty Việt Á; Bộ Giao thông Vận tải cũng làm chính sách để trục lợi, mà điển hình là BOT bẩn; Bộ Giáo dục Đào tạo cũng làm chính sách để trục lợi, mà cụ thể là vụ nâng giá sách giáo khoa, nâng giá học phí; Bộ Thông tin và Truyền thông cũng làm chính sách để trục lợi, mà cụ thể là vụ Mobifone mua AVG v.v… và còn nhiều nhiều nữa. Như vậy Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch tham gia vào trò chơi chung này cũng không có gì lạ! Từ một vụ tố tiêu cực, hình ảnh cả một bộ đang tham nhũng chính sách lại hiện lên. Và thậm chí hiện lên luôn cả một bộ máy nhà nước này, cho thấy họ đang phục vụ ai, hoạt động vì mục đích gì.

Lợi ích nhóm, tham nhũng chính sách là những từ ngữ đã trở thành quá quen thuộc với người Việt trong nước. Thậm chí hiện nay báo chí nhà nước Cộng sản không ngần ngại đề cập những vấn đề này. Đây vốn là chủ đề nhạy cảm đối với chính quyền Cộng sản, nhưng vì nó ngày càng trở thành những khối ung nhọt lộ liễu nên báo chí cũng bứt rào, không còn kiêng cữ hai từ “lợi ích nhóm” và “tham nhũng chính sách” nữa làm gì.

Lợi ích nhóm và tham nhũng chính sách là phần cốt lõi tạo nên quyền lợi cho quan chức và cho Đảng cầm quyền. Không quan chức nào sống bằng lương được mà họ cần phải có “bổng” có “lộc” do quyền lực mang lại. Tham nhũng chính sách là một loại bổng lộc trá hình mà Đảng Cộng sản ban tặng cho đảng viên của họ. Nhà nước Cộng sản sẽ không thể nào triệt được tệ nạn này, bởi triệt đến nơi đến chốn thì Đảng lấy gì nuôi sống và vỗ béo đảng viên? Thời đại kim tiền lên ngôi, không có lý tưởng cao đẹp nào sất, chỉ có đồng tiền là “muôn năm”. “Nhan sắc” của chế độ do đó mà ngày càng hiển hiện rõ mồn một trước mắt người dân.

__________

Vụ tham nhũng Việt Á – kẻ nào là “trùm cuối”?

Lò ông Trọng bao giờ hết củi?

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: