Những người khiếm khuyết một phần cơ thể khi tìm thấy nhau để xây dựng hôn nhân thì ai cũng vui mừng chúc phúc cho họ, vì để có được đời sống bình thường như mọi người, họ luôn phải nỗ lực rất nhiều.
Câu chuyện đẹp trên Thanh Niên ngày 21 Tháng Ba 2023 kể về một gia đình nhỏ có bốn người, cư ngụ trong phòng trọ 15m2 (161 square feet) tại đường Bùi Đình Túy, quận Bình Thạnh (Sài Gòn). Điều đặc biệt là đôi vợ chồng đều mù, còn hai đứa con nhỏ (Ngọc Như lớp 4 và Trọng Nhân lớp 5) có khuôn mặt sáng và vui tươi.
Đó là vợ chồng ông Nguyễn Trí Nghĩa (42 tuổi) và bà Nguyễn Thị Tố Quyên (36 tuổi). Người chồng kiếm tiền bằng cách kéo loa vừa hát vừa bán bàn chải, móc khóa (cách mưu sinh phổ biến của người mù hiện nay ở Sài Gòn), còn người vợ đi bán vé số. Thế nhưng, dù cả hai kiếm đồng tiền rất vất vả vì phải đi qua nhiều con đường mỗi ngày trong tình trạng mù lòa, họ vẫn chăm sóc con tốt và quyết nuôi nấng hai đứa nhỏ ăn học.
Ông Nghĩa vĩnh viễn không thấy đường sau cơn sốt phát ban làm hệ thần kinh thị giác của ông bị tê liệt năm 2 tuổi. Từng theo học trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (quận 10), trường dành cho học sinh bị mù, nhưng ông đành nghỉ học năm lớp 12 vì gia đình quá nghèo. Không được làm giáo viên dạy người mù như mơ ước, ông học nghề massage (cũng là nghề mưu sinh phổ biến của người mù ở Sài Gòn). Khi làm việc trong một cơ sở ở Bình Dương, ông gặp bà Quyên cũng làm nhân viên massage ở đó, cả hai nên duyên vợ chồng.
Quê miền Tây, bà Quyên mù hai mắt từ năm 4 tuổi, chỉ được người cha dạy học số và tính toán tại nhà. Năm 22 tuổi đến Bình Dương làm nghề massage, bà Quyên gặp một nửa đời mình ở đó. Ngày bà sanh con đầu lòng, mẹ bà ở quê phải lên Sài Gòn phụ chăm cháu một thời gian. Đứa con thứ hai, bà ngoại già yếu không giúp được, bà Quyên phải thuê người chăm sóc bé tháng đầu tiên.
Một người mù làm mẹ như thế nào? Bà Quyên kể: Từ nhỏ vốn từng chăm em nên chăm con không khó đối với bà. Tuy nhiên, khác với người bình thường, bà phải “nhìn” con bằng cách tiếp xúc khi ẵm bồng hoặc lắng nghe hơi thở để biết con khỏe hay bệnh; dùng tay sờ để biết con sạch hay dơ, cần phải làm gì. Còn khi nấu ăn thì bà nghe tiếng… để đoán đồ ăn đủ chín chưa.
Đối với vợ chồng bà, hai đứa con chính là ánh sáng của đời họ. Không nhìn thấy các con, hai vợ chồng rất vui khi nghe ai đó tả hai đứa nhỏ cho họ nghe, các bé có khuôn mặt thế nào, giống ai, dáng dấp ra sao.
Thương cha mẹ mù, hai bé luôn chủ động giúp cha mẹ việc trong nhà và còn hứa lớn lên sẽ đi làm nuôi cha mẹ. Trao đổi với Thanh Niên, bà Quyên nói: “Mong mỏi của vợ chồng tôi là cố gắng lo cho chúng ăn học, mình không có gì thì cho con học lấy kiến thức để sau này nó tự làm nuôi bản thân”.
Hàng ngày, sau bữa cơm sáng tại nhà, hai vợ chồng chia tay nhau đi kiếm tiền. Ông thuê xe đưa mình và thùng hàng đến gần các chợ để bán hàng, khoảng 3-4 giờ chiều mới về nhà ăn bữa trưa. Còn bà Quyên thì lần dò đi bộ quanh khu vực nhà trọ để bán vé số, đến trưa về lo cơm cho các con ăn, sau đó đi bán tiếp.
Ông Nghĩa kể: Tôi kéo xe đi bán gặp nhiều người tốt lắm, họ sẵn sàng dừng xe dắt tôi qua đường, mua tặng ly nước, cái nón hoặc kéo tôi vào chỗ núp khi bất chợt mưa. Vậy mà thỉnh thoảng cũng mất một số đồ, thậm chí mất cả cây gậy dò đường. Về cũng buồn trong lòng mà nghe hai đứa nhỏ cười là lại quên hết.
Nhờ hai đứa con, động lực sống của ông bà Nghĩa – Quyên mạnh mẽ hơn.
Và hạnh phúc không chỉ đến với đôi vợ chồng mù ở Bình Thạnh (Sài Gòn) mà còn đến với đôi vợ chồng “lính chì” Đoàn Ngọc Bảo (30 tuổi) và Nguyễn Thị Lệ Thu (29 tuổi) đang sống ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Tại sao gọi họ là “lính chì”? Vì Bảo đã mất chân trái, còn Thu đã mất chân phải. Họ giống như hai mảnh ghép của số phận, tương tự như “Chú lính chì dũng cảm” trong câu chuyện cổ tích của nhà văn Đan Mạch Hans Christian Andersen. Đó là câu chuyện kể về một chú lính chì đồ chơi bị gãy mất một chân với những cuộc phiêu lưu gian khổ nhưng cuối cùng trong tinh thần lạc quan, chú cũng trở về nhà và sống hạnh phúc.
Thanh Niên ngày 14 Tháng Hai 2023 kể câu chuyện tình của họ với những bức hình thật đẹp.
Quen nhau ba tháng, gặp nhau trực tiếp ba lần, Bảo và Thu quyết định lấy nhau hồi Tháng Ba năm 2020 và sau ba năm xây tổ ấm, họ có một cậu con trai khỏe mạnh, đó là những dấu mốc đặc biệt của gia đình họ.
Trao đổi với Thanh Niên, bà Thu kể năm 10 tuổi bị cắt mất chân phải sau một tai nạn. Còn ông Bảo bị cắt chân trái vì di chứng từ căn bệnh phù chân voi.
Họ quen nhau nhờ một bức ảnh trên mạng xã hội. Đó là ảnh ông Bảo trượt patin bằng một chân. Bà Thu đã chủ động gửi lời mời kết bạn và được Bảo đồng ý. Họ vẫn là “bạn Facebook” cho đến ngày Bảo viết dòng trạng thái: “Có ai muốn học trượt patin không?”. Thu đã nài nỉ: “Dạy mình với”. Câu chuyện của họ bắt đầu từ đây. Và giống như cơn lốc, chỉ qua ba lần gặp nhau trong một tuần, cả hai quyết định tiến tới hôn nhân.
Vì lấy nhau quá nhanh, mãi đến ngày 14 Tháng Hai 2023, sau ba năm chung sống, Bảo mới mua hoa và nhẫn để tỏ tình với vợ, lời tỏ tình đầu tiên. Bảo nói: “Tuy khuyết tật nhưng anh không muốn em thua thiệt. Anh hay nói vui gia đình mình là gia đình 4 chân: 1 chân của anh, 1 chân của em và 2 chân của con… Anh muốn được bên em mãi, cùng em trải hết qua những buồn vui, sóng gió cuộc đời. Anh không phải người đàn ông giàu có gì nhưng người phụ nữ của anh nhất định phải thật hạnh phúc”.
Trong ba năm qua, họ vừa phải xây dựng cuộc sống gia đình, vừa phải “tìm hiểu đối phương” nhưng đôi vợ chồng “lính chì” cho biết họ rất hạnh phúc.
Hiện tại, hai vợ chồng Bảo – Thu sống trong phòng trọ 25m2 (269 square feet) ở quận Cầu Giấy (Hà Nội). Bà Thu vừa làm kế toán vừa bán thêm hàng đặc sản từ quê Bắc Giang nhà bà gửi lên. Mỗi ngày, Bảo sẽ chở con trai Minh Trí đến trường, sau đó đưa vợ đến chỗ làm rồi về nhà dựng video cho khách.
Thu nhập của họ hiện chỉ đủ sống, nhưng đôi vợ chồng “lính chì” cũng dũng cảm như chú lính chì trong truyện cổ tích của Andersen. Khi ghép lại thành “gia đình 4 chân” và ở bên nhau, họ luôn lạc quan khi nhìn về tương lai.