Việt Nam bị kiểm soát bởi Quân Đội và Công An, khối dân sự chết?

Không khí một xã hội dân sự ở Việt Nam đã hoàn toàn chết? (Hình: Facebook)

Dự kiến vào Tháng Mười, Quốc Hội sẽ bầu chủ tịch nước thay cho ông Tô Lâm. Một số nhà quan sát nhận định chủ tịch nước kế nhiệm sẽ có xuất thân từ quân đội và điều này nhằm cân bằng quyền lực của công an trong bức tranh chính trị hiện tại. Nhưng điều này lại càng dấy lên một thực trạng đáng lo ngại rằng, không gian chính trị dân sự ở chính quyền Việt Nam sẽ càng bị thu hẹp và rơi vào tay đàn áp của lực lượng vũ trang.

“Nhà nước của dân, do dân, vì dân” – khẩu hiệu đã trở thành kim chỉ nam cho lý tưởng xây dựng nhà nước của đảng CSVN ngay từ những ngày đầu thành lập nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Tư tưởng Hồ Chí Minh, nền tảng tư tưởng của đảng, cũng kiên định khẳng định rằng nhân dân là chủ thể tối cao của quyền lực, mọi quyền lực đều xuất phát từ nhân dân và phải được sử dụng vì lợi ích của nhân dân.

Tuy nhiên, thực tế chính trị Việt Nam đương đại lại đang cho thấy một nghịch lý: trong khi khẩu hiệu “của dân, do dân, vì dân” vẫn được trọng vọng nhắc đến, thì quyền lực thực sự lại đang tập trung vào tay lực lượng vũ trang, cụ thể là Quân Đội và Công An, tạo nên một sự khác biệt lớn giữa lý thuyết và thực tiễn. Sự chi phối của lực lượng vũ trang thể hiện rõ nét nhất trong cơ cấu quyền lực của Bộ Chính Trị – cơ quan quyền lực cao nhất của đất nước.

Công An và Quân Đội thống trị toàn bộ hệ thống chính trị Việt Nam

Trong số 15 ủy viên, lực lượng Công An chiếm ưu thế với 6 vị trí chủ chốt, bao gồm hai người chiếm ba vị trí trong tứ trụ là Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Tô Lâm; Thủ Tướng Phạm Minh Chính; Phó Thủ Tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình; Trưởng Ban Nội Chính Trung Ương Phan Đình Trạc; bí thư Thành Ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên; và bộ trưởng Công An Lương Tam Quang.

Bộ Quốc phòng cũng có 4 ủy viên trong Bộ Chính Trị bao gồm: Thường Trực Ban Bí Thư Lương Cường; Bộ Trưởng Quốc Phòng Phan Văn Giang; Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương Nguyễn Trọng Nghĩa; và Chủ Tịch Hội Đồng Lý Luận Trung Ương, Giám Đốc Học Viện Chính Trị Quốc Gia Hồ Chí Minh – Nguyễn Xuân Thắng.

Trong 5 ủy viên còn lại, cũng gần như vắng bóng các ủy viên thuộc khối dân sự khi chỉ có 2 ủy viên là Chủ Tịch Quốc Hội Trần Thanh Mẫn và Bí Thư Thành Ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài. Ba ủy viên còn lại thuộc khối Quản Lý và Dân Vận Tuyên Truyền Đảng là Trần Cẩm Tú – Chủ Nhiệm Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương, Lê Minh Hưng – Trưởng Ban Tổ Chức Trung Ương, Đỗ Văn Chiến – Chủ Tịch Ủy Ban Trung Ương Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam.

Mặc dù nắm giữ những vị trí quan trọng trong bộ máy quản lý nhà nước và về lý thuyết đại diện cho nhân dân, nhưng số lượng ít ỏi và sự thiếu vắng trong các vị trí then chốt nhất của Bộ Chính trị cho thấy khối dân sự đang có vai trò rất hạn chế trong việc hoạch định đường lối, chính sách của đất nước trong khi đáng ra phải nắm giữ đa số và tiếng nói quyết định trong một “nhà nước của dân.”

Không chỉ ở Bộ Chính Trị, sự mất cân bằng quyền lực này còn thể hiện rõ nét tại ban chấp hành Trung Ương Đảng và Quốc Hội. Với mô hình tập thể lãnh đạo nên trong nhiều vấn đề, bao gồm nhân sự, việc ban hành các nghị quyết, quy định thì cần phải có sự thông qua của ban chấp hành Trung Ương Đảng với 180 ủy viên (chưa tính 20 ủy viên dự khuyết). Điều này cho thấy ban chấp hành Trung Ương là cơ quan cực kỳ quyền lực của Đảng.

Tại Trung Ương Đảng các khóa 11, 12 và 13 gần đây, số lượng ủy viên đại diện cho Bộ Quốc phòng luôn đứng đầu, tiếp theo là Bộ Công an, áp đảo so với đại diện khối dân sự. Ví dụ, tại khóa 13, ban chấp hành Trung Ương Đảng có tới 32 ủy viên xuất thân từ quân đội và 15 ủy viên từ công an.

Thậm chí tại Quốc Hội Việt Nam, nơi đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, thì tiếng nói dân sự cũng khá ít ỏi khi chỉ có 14 đại biểu không thuộc đảng CS trong tổng số 499 đại biểu tại kỳ Quốc Hội khóa 15, chiếm chưa tới 3%. Nhưng số lượng đại biểu Quốc Hội có có xuất thân, nền tảng từ Bộ Quốc Phòng chiếm tới 50/499 (hơn 10%) còn phía công an là 31 đại biểu (chiếm 6,2%). Luật Tổ Chức Chính Phủ cũng phản ánh vị thế đặc biệt của hai lực lượng này khi Bộ Quốc phòng là bộ quan trọng nhất trong hệ thống hành pháp, rồi đến Bộ Công An, sau đó mới đến Bộ Ngoại Giao… Đây cũng là ba bộ được phép có tới sáu thứ trưởng trong khi các bộ còn lại thì không quá năm thứ trưởng

Sự mất cân bằng quyền lực này không chỉ là một nghịch lý trái ngược hoàn toàn với tôn chỉ “Nhà nước của dân, do dân, vì dân”của đảng CSVN khi tiếng nói thực sự của người dân hoàn toàn không có giá trị tác động mà hoàn toàn thuộc về một nhóm quyền lực vũ trang. Không những thế, điều còn tiềm ẩn những hệ lụy khó lường đối với tiến trình xây dựng “dân chủ, công bằng, văn minh” phát triển bền vững của đất nước.

Công an đàn áp một cuộc biểu tình ở Việt Nam (Hình: Facebook)

Hậu quả xã hội khi Lực lượng vũ trang nắm chính quyền

Sự tập trung quyền lực quá lớn vào tay lực lượng vũ trang đang đặt ra những thách thức nghiêm trọng đối với tiến trình dân chủ hóa và phát triển kinh tế – xã hội của Việt Nam. Hệ quả đầu tiên dễ nhận thấy đã dẫn đến việc ưu tiên ngân sách cho bộ máy an ninh, quốc phòng, trong khi các lĩnh vực thiết yếu cho phát triển kinh tế – xã hội lại bị thiệt thòi.

Nghị quyết về Dự toán ngân sách 2024, được Quốc Hội thông qua vào ngày 10 Tháng Mười Một 2023 và được công khai trên cổng thông tin Quốc Hội vào đầu Tháng Mười Hai 2023, cho thấy rõ sự mất cân bằng này. Trong hơn 852,000 tỷ VNĐ tổng ngân sách phân bổ năm 2024, Bộ Quốc Phòng được phân bổ nhiều tiền nhất với hơn 207,000 tỷ VNĐ, theo sau là Bộ Công An với hơn 113,000 tỷ VNĐ. Trong khi đó, số tiền phân bổ cho các mảng xã hội như giáo dục chỉ là 54,400 VNĐ, y tế là 3,700 tỷ VNĐ, và nông nghiệp cũng chỉ có 55,000 tỷ VNĐ.

Không chỉ nắm giữ quyền lực chính trị, lực lượng công an còn đang mở rộng tầm ảnh hưởng sang các lĩnh vực kinh tế, xã hội, gây ra sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và làm xói mòn nguyên tắc phân công, phân quyền trong quản lý nhà nước.

Quyết định số 613/QĐ-TTg, được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký vào ngày 10 Tháng Bảy 2024, “phân công” Bộ Trưởng Bộ Công An Lương Tam Quang thay mặt Chính phủ làm việc với các địa phương về một loạt các vấn đề thuộc thẩm quyền của nhiều bộ, ngành khác, như sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu, nhà ở xã hội, thị trường bất động sản, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Điều này khiến cho nguy cơ nền kinh tế của Việt Nam phát triển trở nên méo mó, thiếu công bằng, minh bạch mà chỉ phục vụ cho lợi ích Đảng và Lực lượng vũ trang.

Điển hình như chiến dịch “đốt lò” chống tham nhũng, dù được tuyên bố nhằm thanh lọc bộ máy, lại bị nhiều người nhìn nhận như một công cụ thanh trừng phe phái chính trị nội bộ, gây ra sự sợ hãi và bất ổn trong đội ngũ cán bộ, công chức. Nỗi bất an này càng gia tăng khi các quy định, chính sách kinh tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực như đấu thầu, hóa giá tài sản công, còn thiếu rõ ràng, minh bạch, khiến việc tuân thủ pháp luật trở nên khó khăn, thậm chí khiến các viên chức e ngại thúc đẩy thủ tục hành chính cho các dự án đầu tư vì có thể trở thành “củi nhóm lò” bất cứ lúc nào. Hệ quả là nhiều dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các nước phương Tây vốn đặt yêu cầu cao về tính minh bạch, đã quyết định rút lui khỏi Việt Nam.

Các dự án năng lượng tái tạo, vốn được kỳ vọng góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và bảo vệ môi trường, cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ sự thiếu minh bạch và thay đổi chính sách thường xuyên. Dù Việt Nam sở hữu tiềm năng rất lớn về năng lượng tái tạo, với nguồn gió mạnh ở các vùng nước nông gần các khu vực đông dân ven biển (theo Ngân hàng Thế giới), nhưng nhiều “ông lớn” trong ngành năng lượng tái tạo quốc tế đã tuyên bố rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Điển hình là Equinor (Na Uy) và Ørsted (Đan Mạch), với lý do không chắc chắn về khuôn khổ chính sách và lộ trình tiếp cận thị trường.

Sự rút lui của Ørsted đã giáng một đòn mạnh vào kỳ vọng phát triển năng lượng sạch của Việt Nam, khi tập đoàn năng lượng đến từ Đan Mạch này đã có những cam kết đầu tư mạnh mẽ. Theo Sebastian Hald Buhl, giám đốc quốc gia của Ørsted tại Việt Nam, công ty dự kiến tạo ra 2GW điện gió ngoài khơi đầu tiên tại Việt Nam trước năm 2030, đầu tư $5.5 tỷ và tạo ra 25,000 việc làm, hơn cả số việc làm của tập đoàn bất động sản hàng đầu Việt Nam là VinGroup tạo ra.

Một giám đốc điều hành của Ørsted, ông Mads Nipper, thì giải thích lý lo rút lui như sau:

“So với các cơ hội khác mà chúng tôi có, chúng tôi không tin rằng Việt Nam là một thị trường đủ hấp dẫn. Việt Nam vẫn là một thị trường rất quan trọng, nhưng về phát triển thị trường, chúng tôi đang rút lui để ưu tiên các khu vực khác có tiềm năng tạo ra giá trị cao hơn.”

Các dự án điện gió ngoài khơi triệu USD của AES Corp (Mỹ), Sumitomo Corp (Nhật Bản), Renova (Nhật Bản) cũng bị đình trệ, gây ra sự chậm trễ đáng kể trong việc khai thác tiềm năng năng lượng gió ngoài khơi và đẩy Việt Nam lùi xa hơn mục tiêu phát triển năng lượng sạch, bền vững. Cụ thể, kế hoạch trang trại gió tổng công suất 4GW trị giá $13 tỷ của AES Corp đã bị trì hoãn vô thời hạn. Dự án điện gió công suất 500MW đến 1GW vào năm 2030 của Sumitomo Corp và kế hoạch điện gió ngoài khơi công suất 2GW của tập đoàn Renova, đã ký biên bản ghi nhớ với PetroVietnam Group, cũng đang bế tắc trong giai đoạn thực hiện. Những dự án này, nếu được triển khai thành công, không chỉ đóng góp quan trọng vào việc đa dạng hóa nguồn cung năng lượng cho Việt Nam mà còn tạo ra hàng nghìn việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương ven biển.

Sự gia tăng quyền lực của lực lượng vũ trang, đặc biệt là lực lượng công an, cũng ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, nhất là khi đụng chạm đến dự án có dính líu đến quan chức cao cấp Việt Nam như cố Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng với Formosa, dự án nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 và sự phụ thuộc vào nhiệt điện than của Việt Nam với chủ trương phát triển của Thủ Tướng Phạm Minh Chính, là Trung Tướng Công An, nguyên thứ trưởng Bộ Công An.

Điển hình như các nhà hoạt động môi trường bị đàn áp là ông Đặng Đình Bách – người sáng lập Trung tâm Luật pháp và Phát triển Bền vững (LPSD), đã hỗ trợ nhiều cộng đồng yếu thế tìm hiểu và thực thi các quyền của họ trong bối cảnh tổn hại môi trường do các dự án công nghiệp và phát triển gây ra. Điều này có thể được thực hiện bằng cách tận dụng các luật lệ, các chính sách và thủ tục về môi trường tương đối chặt chẽ đã có của Việt Nam.

Tuy nhiên, việc lực lượng vũ trang ngày càng gia tăng quyền lực và tầm ảnh hưởng đã tạo ra nhiều khó khăn, thách thức đối với hoạt động của các nhà hoạt động môi trường như ông Bách. Ông và LPSD đã phải đối mặt với nhiều cản trở trong quá trình vận động bảo vệ quyền lợi của người dân bị ảnh hưởng bởi ô nhiễm môi trường, mặc dù họ đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc ngăn chặn các dự án gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, như dự án nhà máy nhiệt điện than Vĩnh Tân 3 ở Bình Thuận, dự án nhà máy bột giấy Lee & Man ở Hậu Giang, và nhiều dự án khu công nghiệp khác.

Họ cũng đã đồng hành cùng người dân trong các vụ việc liên quan đến ô nhiễm môi trường, như vụ Nicotex (chôn lấp thuốc trừ sâu hết hạn trái phép), và nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu. Ngay cả những dự án gây tranh cãi về môi trường như dự án nhà máy thép Formosa Hà Tĩnh hay Khu Công nghiệp Diệu Lô, tiếng nói của người dân và các tổ chức xã hội dân sự cũng không được lắng nghe đầy đủ.

Trong công tác liên quan đến biến đổi khí hậu, ông Bách và LPSD đóng vai trò lãnh đạo trong Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), đặc biệt là trong chiến dịch 17 ngày hoạt động vào năm 2021, khi Liên minh đặt câu hỏi về sự phụ thuộc quá nhiều vào than của Việt Nam và vận động cho sự chuyển dịch sang năng lượng tái tạo.

Chiến dịch này có vẻ đã đụng chạm đến lợi ích của một số nhóm thúc đẩy phát triển nhiệt điện than, trong đó có Thủ tướng Phạm Minh Chính, người đã từng tuyên bố Việt Nam không thiếu điện và chủ trương tăng cường xây dựng nhà máy nhiệt điện than sử dụng công nghệ và vốn đầu tư từ Trung Quốc để giải quyết vấn đề thiếu điện ở miền Bắc Việt Nam. Không lâu sau chiến dịch này, ông Bách bị bắt và kết tội trốn thuế, một cáo buộc được nhiều người cho là thiếu căn cứ và cơ sở kết luận, và được xem như một cách để ngăn chặn ông tiếp tục các hoạt động vận động chống nhập khẩu nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm của chính phủ.

Việc đàn áp các nhà hoạt động môi trường như ông Bách cũng phản ánh một xu hướng rộng lớn hơn: lực lượng vũ trang đang tăng cường đàn áp và thu hẹp không gian hoạt động của các tổ chức xã hội dân sự nói chung, trong đó có các tổ chức hoạt động vì quyền con người, quyền lao động, và dân chủ. Tiếng nói phản biện, đặc biệt là trên mạng xã hội, bị kiểm soát chặt chẽ và đàn áp mạnh tay. Các tổ chức xã hội dân sự độc lập gặp nhiều khó khăn trong việc đăng ký hoạt động và thường xuyên bị sách nhiễu, cản trở.

Xu hướng gia tăng đàn áp đối với những tiếng nói chỉ trích, bất đồng chính kiến, thông qua các biện pháp bắt bớ, giam giữ, sách nhiễu, đang gây ra những lo ngại sâu sắc về tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Theo báo cáo của các tổ chức nhân quyền quốc tế, số lượng blogger, nhà báo, nhà hoạt động xã hội bị bắt giữ, kết án vì các hoạt động ôn hòa đã tăng lên trong những năm gần đây. Các vụ án như vụ án blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (Mẹ Nấm), nhà báo Phạm Đoan Trang, luật sư Nguyễn Văn Đài, cho thấy xu hướng hình sự hóa các hoạt động bất đồng chính kiến ngày càng gia tăng.

Việc kiểm soát chặt chẽ thông tin, truyền thông và hạn chế các quyền tự do cơ bản như ngôn luận, báo chí, hội họp càng làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của bộ máy nhà nước. Báo chí Việt Nam hoạt động dưới sự kiểm soát chặt chẽ của Đảng và Nhà nước. Các cơ quan báo chí độc lập không được phép hoạt động. Quyền tự do hội họp, lập hội bị hạn chế nghiêm ngặt. Việc thiếu thông tin minh bạch, đa chiều khiến người dân khó có thể tham gia giám sát hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền.

Quyền lực tập trung vào lực lượng vũ trang, thiếu sự tham gia giám sát hiệu quả của người dân, tạo điều kiện cho tham nhũng, lợi ích nhóm phát triển, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư kinh doanh và niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị. Việt Nam đang đối mặt với những thách thức lớn trong cuộc chiến chống tham nhũng. Theo Bảng xếp hạng chỉ số nhận thức tham nhũng (CPI) của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, Việt Nam đang ở nhóm các nước có mức độ tham nhũng cao.

Việc lạm dụng quyền lực của lực lượng công an trong hệ thống tư pháp Việt Nam được thể hiện rõ qua trường hợp của Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình. Ông đồng thời là thiếu tướng Công an, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát và từng kiêm nhiệm chức Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm tham nhũng, Bộ Công an. Điều này cho thấy Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã can thiệp sâu rộng vào hệ thống tư pháp, cài cắm lực lượng Công an vào các vị trí chủ chốt nhằm kiểm soát và điều hành đất nước theo hướng có lợi cho Công An. Điển hình như vụ án Tịnh Thất Bồng Lai với cáo buộc loạn luân thiếu căn cứ và mơ hồ.

Hơn nữa, sự thống trị của lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị còn ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, gây khó khăn cho tiến trình hội nhập toàn cầu và thu hút đầu tư nước ngoài. Các báo cáo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam của các tổ chức quốc tế đã làm giảm uy tín của Việt Nam trên bình diện toàn cầu.

Quân đội phong tỏa Sài Gòn vì sợ bạo loạn vào đợt dịch COVID-19 (Hình: Facebook)

Nhà Nước bây giờ của ai?

Sự thống trị ngày càng tăng của lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị Việt Nam, thể hiện qua việc nắm giữ các vị trí quyền lực chủ chốt, can thiệp sâu rộng vào các lĩnh vực kinh tế – xã hội – tư pháp, và đàn áp các tiếng nói phản biện, đang tạo ra những hệ lụy nghiêm trọng. Mô hình “Nhà nước của dân, do dân, vì dân” mà đảng CSVN luôn tuyên bố theo đuổi đang đứng trước nguy cơ trở thành một lời hứa bị phản bội, khi quyền lực ngày càng tập trung vào tay một nhóm nhỏ, phục vụ cho lợi ích của chính nhóm này hơn là lợi ích của toàn dân.

Việc ưu tiên phân bổ ngân sách cho an ninh, quốc phòng trong khi các lĩnh vực xã hội thiết yếu như giáo dục, y tế bị thiệt thòi, cùng với sự thiếu minh bạch và thay đổi chính sách thường xuyên, đã ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường đầu tư, làm chậm lại tiến trình phát triển kinh tế – xã hội bền vững, ảnh hưởng đến đầu tư cho các lĩnh vực thiết yếu khác như giáo dục, y tế, làm suy giảm tiềm năng phát triển con người và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.

Rõ ràng, việc lực lượng vũ trang ngày càng củng cố quyền lực và tầm ảnh hưởng trong hệ thống chính trị Việt Nam đang tạo ra một nghịch lý đáng báo động: người dân, chủ thể được tuyên bố là tối cao trong khẩu hiệu “Nhà nước của dân, do dân, vì dân,” lại đang dần mất đi tiếng nói và khả năng bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước những sai phạm, tham nhũng, và khuất tất trong bộ máy nhà nước nắm quyền.

Sự tập trung quyền lực quá mức vào tay lực lượng vũ trang không chỉ gây ra mất cân bằng trong phân bổ nguồn lực quốc gia, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế – xã hội, mà còn dẫn đến việc đàn áp các tiếng nói phản biện, thu hẹp không gian dân sự, và xói mòn niềm tin của người dân vào chính quyền.

Con đường mà chính trị Việt Nam đang đi có nhiều nét tương đồng với con đường của các chế độ độc tài cộng sản khác trên thế giới, như Venezuela dưới thời Hugo Chavez và Nicolas Maduro, hay Trung Quốc dưới thời Tập Cận Bình. Lịch sử đã chứng minh rằng, không một chế độ nào có thể tồn tại lâu dài khi phản bội lời hứa với nhân dân và tước đoạt quyền làm chủ của họ, điển hình như sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản Liên Bang Soviet.

Những dấu hiệu suy thoái và bất ổn đang ngày càng hiển hiện trong xã hội Việt Nam. Khi mọi nỗ lực cải cách đều bị cản trở bởi lợi ích nhóm và sự bảo thủ của giới cầm quyền, khi tiếng nói của người dân bị bóp nghẹt, và khi những giá trị phổ quát về nhân quyền, dân chủ bị chà đạp, thì việc chế độ cộng sản ở Việt Nam đi đến hoàng hôn chỉ còn là vấn đề thời gian.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: