Hà Nội công bố sẽ tăng học phí từ mầm non đến trung học phổ thông trong niên khóa tới, dự đoán là mở màn cho những tỉnh/thành khác.
Đồng thời vào niên khóa tới, học phí đại học (ĐH) cũng được phép tăng, là những thông tin khiến phụ huynh Việt Nam đau đầu.
Học sinh mầm non, tiểu học và trung học ở Hà Nội phải đóng học phí tăng gấp 2- 4 lần
Theo dự thảo nghị quyết về học phí năm học 2023-2024 của Hà Nội công bố ngày 15 Tháng Năm 2023, các trường mầm non, phổ thông tại Hà Nội được chia thành ba khu vực: thành thị, nông thôn, dân tộc thiểu số. Học phí một tháng của học sinh vùng thành thị là 300,000 đồng; vùng nông thôn 100,000-200,000 đồng, vùng dân tộc thiểu số 50,000-100,000 đồng. So với mức thu 19,000-217,000 đồng của năm 2021, học phí mới sẽ tăng từ 2 – 4 lần.
Ở nội thành, học sinh mầm non và trung học cơ sở phải đóng học phí gần gấp đôi, từ 155,000 đồng lên 300,000 đồng/tháng. Ở xã miền núi, học sinh trung học phổ thông đóng 100,000 đồng một tháng, tăng hơn bốn lần so với mức cũ (24,000 đồng); bậc mầm non, trung học cơ sở đóng 50,000 – 100,000 đồng, tăng hơn 4 lần so mức cũ (từ 19,000-24,000 đồng). Bên cạnh đó, Hà Nội cũng công bố dự thảo về mức trần học phí với các trường công lập chất lượng cao, không thay đổi so với năm ngoái. Cụ thể, mức trần học phí của mầm non là 5,1 triệu đồng/tháng; tiểu học là 5,9 triệu đồng/tháng; trung học cơ sở là 5,3 triệu đồng/tháng; trung học phổ thông là 6,1 triệu đồng/tháng!
Dựa vào mức trần và điều kiện của trường, của địa phương, các trường tự xây dựng mức học phí cụ thể, nhưng không được tăng quá 7.5%/năm. Hiện, Hà Nội có khoảng 20 trường chất lượng cao từ mầm non tới phổ thông. Những trường này có quy định riêng về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, sĩ số lớp và phải tự bảo đảm tài chánh (tiền lương, phụ cấp, sửa chữa cơ sở vật chất…). Nếu học trực tuyến, các trường thu 75% học phí theo mức đã ban hành. Nếu học trực tiếp và trực tuyến trong cùng tháng, hình thức học nào trên 14 ngày thì thu học phí theo hình thức đó.
Hai dự thảo nghị quyết về học phí này được Hà Nội lấy ý kiến từ 15 Tháng Năm, dự định trình Hội đồng nhân dân TP. Hà Nội vào Tháng Bảy 2023, theo VnExpress ngày 16 Tháng Năm 2023.
Tiền Phong ngày 17 Tháng Năm cho biết, sau khi thành phố công bố dự thảo học phí năm học 2023-2024, Sở giáo dục Hà Nội ngày 16 Tháng Năm nêu rõ, mức thu học phí của Hà Nội được xây dựng theo Nghị định 81 năm 2021 của Chính phủ.
Theo Nghị định này, khung học phí từ năm học 2023-2024 trở đi được điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm và khả năng chi trả của người dân, nhưng không quá 7.5%/năm. Như vậy, các địa phương phải xây dựng mức học phí mới (Hà Nội là “phát pháo” mở màn). Mức thu này nằm trong khung quy định của Chính phủ, cụ thể ở từng cấp học. Chẳng hạn như ở thành thị, mức thu học phí của trẻ mầm non và học sinh tiểu học từ 300,000 – 540,000 đồng/trẻ/tháng; mức thu học phí của học sinh cấp trung học cơ sở và trung học phổ thông từ 300,000 – 650,000 đồng/học sinh/tháng….
Tiền Phong biện minh cho Hà Nội: mức học phí từ mầm non đến trung học phổ thông tăng từ 2- 4 lần so giá cũ là dựa trên khung giá của Nghị định 81 và các điều kiện kinh tế xã hội hiện nay của Hà Nội. Đó là thu nhập trung bình năm 2022 của người dân tăng so với năm 2021 là 7.01%; chỉ số giá tiêu dùng năm 2022 tăng 3.4% so với năm 2021 và trung bình 4 tháng đầu năm 2023 tăng 1.81% so cùng kỳ năm 2022. Bên cạnh đó, từ 1 Tháng Bảy 2023, mức lương cơ bản tăng từ 1,490,000 đồng/tháng lên 1,800,000 đồng/tháng, tăng 20% (?) Tiền Phong cũng biện minh tiếp cho Hà Nội là các đối tượng học sinh thuộc diện nhà nghèo, cận nghèo; mồ côi cả cha lẫn mẹ; khuyết tật và các đối tượng chính sách khác…sẽ được miễn giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Nghị định số 81.
Ước tính, tổng số trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí năm học 2023-2024 là 16,623 học sinh (con số quá nhỏ nhoi so với sĩ số gần 2,200,000 học sinh của Hà Nội – số liệu niên khóa 2022-2023 của VietnamPlus)
Tăng học phí đại học để bù vào việc nhà nước giảm ngân sách?
VnExpress ngày 11 Tháng Năm 2023 trong bài viết “Chính phủ đồng ý tăng học phí đại học” cho biết từ niên khóa 2023-2024, học phí các trường ĐH sẽ tăng theo mức trần của Nghị định 81. Theo Nghị định này, mức trần học phí đối với các trường ĐH công lập chưa tự chủ tài chánh (vẫn phụ thuộc ngân sách) là 1,410,000 – 2,760,000 đồng/tháng, tuỳ từng khối ngành. Mức thu cũ là 980,000 – 1,430,000 đồng, tăng từ 44% – 93%!
Những trường ĐH đã tự chủ tài chánh được thu mức tối đa bằng hai lần mức trên (2.8 triệu – 5.5 triệu đồng/tháng). Những trường tự chủ tài chánh và chi đầu tư được thu cao nhất, gấp 2.5 lần (3.5 triệu -6.9 triệu đồng/tháng). Tùy mô hình trường ĐH, tùy chương trình đào tạo, mức thu học phí sẽ khác nhau, vì một trường ĐH thường chia ra các kiểu đào tạo với mức đóng khác nhau như đại trà, chất lượng cao, liên kết….
Chẳng hạn, với ngành y khoa chương trình đại trà, những trường Y, Dược công lập chưa tự chủ tài chánh được thu tối đa 2,760,000 đồng/tháng; trong khi trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch, Y Dược thành phố (Sài Gòn) được thu tối đa 6,900,000 triệu đồng/tháng vì đã tự chủ tài chánh. Với chương trình tiên tiến, chất lượng cao, chương trình đã được kiểm định, mức thu còn cao hơn nữa. Chẳng hạn, trường ĐH Y Dược thành phố (Sài Gòn) thu học phí ngành Răng – Hàm – Mặt lên tới 7.7 triệu đồng/tháng hay trường ĐH Y Phạm Ngọc Thạch có chương trình Y Việt – Đức với mức thu 19 triệu đồng/tháng.
Nhìn chung, so với mức trần học phí năm 2022-2023, mức mới của niên khóa 2023-2024 sẽ tăng từ 43-93%. Trong đó, khối ngành Y Dược thu mức cao nhất và cũng tăng cao nhất.
Theo Tuổi Trẻ ngày 15 Tháng Năm 2023, khảo sát của nhóm chuyên gia ở một số trường ĐH công lập năm 2017 công bố tại hội thảo về tự chủ đại học (diễn ra tại Sài Gòn Tháng Tư 2023) cho thấy ngân sách nhà nước cấp phát chỉ chiếm 24% tổng doanh thu của các trường ĐH công lập, trong khi học phí đóng góp 57% và 19% còn lại đến từ các nguồn khác (như nghiên cứu và phát triển, chuyển giao công nghệ và các dịch vụ khác).
Đến năm 2021, phần đóng góp của phụ huynh đã tăng vọt lên 77% và nguồn ngân sách nhà nước giảm xuống chỉ còn tương đương 9%!
Tiền Phong ngày 17 Tháng Năm 2023 cho biết, việc tăng học phí ĐH là đẩy gánh nặng về cho phụ huynh và kể nỗi lòng vài sinh viên nghèo đang lo sốt vó vì không biết lấy tiền đâu để duy trì việc học. Tiền Phong cũng đặt vấn đề là khi tăng học phí phải tăng chất lượng đào tạo, nhưng trả lời của vài hiệu trưởng trường ĐH cho biết chất lượng đào tạo của các trường chắc chắn sẽ tăng, nhưng cần thời gian để thay đổi, không có chuyện tăng đột biến (!)
Theo Ngân hàng Thế giới, thực trạng nhà nước giảm ngân sách cho giáo dục ĐH gióng lên hồi chuông báo động về tính thiếu bền vững trong tài chánh giáo dục ĐH. Gánh nặng tài chánh đẩy về cho phụ huynh, khiến các gia đình nghèo không còn hy vọng cho con theo học ĐH.
Bàn về vấn đề này, bạn đọc Mai Anh của Tuổi Trẻ bình luận: “Hãy thẳng thắn mà đặt trách nhiệm với các trường ĐH sau khi sinh viên ra trường, chứ không phải chỉ để các trường ĐH chỉ biết “quan tâm” đến tiền và tiền, còn tiêu chuẩn giáo dục, trách nhiệm với các sinh viên sau khi ra trường thì không có, thì vô can!!!
Tôi muốn trách nhiệm của ông bộ trưởng Bộ giáo dục và trách nhiệm của chính phủ chứ không phải a lê hấp là cứ “phất cờ lệnh” cho các trường ĐH mặc sức thu tiền, năm sau thu tiền nhiều hơn năm trước. Một nghịch cảnh hỗn loạn cho bức tranh giáo dục đại học hiện nay mà người dân ai ai cũng ngán ngẩm!!!”.
Còn bạn đọc Sportsman Le của VnExpress thẳng thắn: “Trước khi tăng học phí, các trường nên bỏ bớt những môn học không cần thiết trước đã và chương trình giảng dạy theo thực tế chút, chứ các em ra trường không biết làm gì, lại học lại từ đầu”. Quá đúng, chẳng hạn như triết học Mác-Lê-nin và môn quân sự, đang được tính là những tín chỉ bắt buộc và phải đóng tiền học, trong khi hai môn này vô tích sự, phí thời gian!
Bạn đọc hongocanhkt1008 đặt vấn đề: “Học phí tăng nhưng chất lượng liệu có tăng không, hệ thống đào tạo đại học chưa bám sát thực tế, sinh viên ra trường đều phải đào tạo lại hoặc phải đi làm trái ngành mình học. Cùng với đó, các gói vay vốn cho sinh viên hiện nay rất khó tiếp cận, chỉ có nhà nghèo, gia đình chính sách…, dẫn đến những sinh viên sẽ phải bỏ học giữa chừng hoặc giấc mơ đại học sẽ còn dang dở”.
Trong khi bạn đọc phong945345 so sánh: “Học phí 1998-2002 chỉ 1.8 triệu đồng/năm, tương đương lương một tháng của sinh viên mới ra trường. Còn giờ sinh viên mới ra trường lãnh lương 8-10 triệu đồng/tháng, thấp hơn nhiều lần mức học phí của một học kỳ (trên dưới 20 triệu – trên 50 triệu đồng) thì đủ biết gánh nặng học phí ra sao rồi!” thì bạn đọc vantung2607 “chốt” luôn: “Nhà nghèo xác định học xong lớp 12, cho con đi xuất khẩu lao động luôn, chứ học phí đóng không nổi, mà học xong cũng lương ba cọc ba đồng, không đủ trả nợ học phí, càng áp lực cho cuộc sống về sau!”.