Đó là nghịch lý xảy ra trong nền giáo dục Việt Nam hiện tại.
Ngày 3 Tháng Ba 2023, Tuổi Trẻ đưa tin có trường đại học (ĐH) đạt 76% sinh viên tốt nghiệp loại giỏi và xuất sắc, 23% sinh viên tốt nghiệp loại khá, chỉ 1% sinh viên tốt nghiệp loại trung bình. Thật là một nền giáo dục hoàn hảo (!)
Cụ thể, đó là lần xét tốt nghiệp đợt 4/2022 và đợt 1/2023 của trường ĐH Kinh Tế Quốc Dân (Hà Nội). Các đợt xét tốt nghiệp trước đó của trường này cũng có tỷ lệ sinh viên đạt loại giỏi và xuất sắc gần 70%, khá trên 33%, còn trung bình chỉ có 2%.
Điều kỳ lạ là hầu như trường ĐH nào cũng có kết quả khả quan như thế, cộng chung tỷ lệ khá-giỏi-xuất sắc chiếm từ 95%- 100%.
Chẳng hạn trong đợt xét tốt nghiệp Tháng Mười Hai 2022, trường ĐH Ngân Hàng thành phố (Sài Gòn) có tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khá, giỏi, xuất sắc lên đến 98.75%; tỷ lệ này ở trường ĐH Sư Phạm Kỹ Thuật thành phố (Sài Gòn) là 98.85%; trường ĐH Luật thành phố (Sài Gòn) là 96.7%…
Theo giải thích của lãnh đạo các trường ĐH, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khá-giỏi-xuất sắc tăng lên là do cách đào tạo và đánh giá thay đổi so với trước đây. Tuổi Trẻ dẫn lời PGS.TS Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng quản lý đào tạo trường ĐH Kinh Tế Quốc Dân (Hà Nội), cho hay có 5 lý do:
Thứ nhất, trường tuyển được nhiều sinh viên đúng nguyện vọng, chất lượng đầu vào cao hơn;
Thứ hai, trường đổi mới phương pháp dạy và học nên chất lượng đào tạo nâng cao;
Thứ ba, trường thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ, ứng dụng công nghệ thông tin, đầu tư thư viện số;
Thứ tư, thế hệ sinh viên 9X và 2K rất giỏi ngoại ngữ và công nghệ thông tin nên việc tự học trong điều kiện công nghệ 4.0 có hiệu quả;
Thứ năm, việc chuyển hạng tốt nghiệp từ Tháng Mười sang Tháng Tư cũng làm cho tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp hạng xuất sắc và giỏi tăng lên.
Mặc cho những giải thích và bào chữa, trên thực tế, nguồn nhân lực Việt Nam đang ở đâu trong bảng xếp hạng của thế giới?
Vnexpress ngày 16 Tháng Mười Một 2019 cho biết “Chất lượng nhân lực là thách thức lớn của Việt Nam”, dẫn đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank, viết tắt WB). Theo WB, chất lượng nhân lực của Việt Nam chỉ đạt 3.79/10, xếp thứ 11/12 nước châu Á. Trong khi đó, Nam Hàn đạt 6.91 điểm, Ấn Độ 5.76 điểm, Malaysia 5.59 điểm.
Chỉ số cạnh tranh nguồn nhân lực Việt Nam cũng chỉ đạt 3.39/10. Một khảo sát của WB và Viện Nghiên cứu quản lý trung ương với sự tham gia của 350 công ty sản xuất và dịch vụ tại Hà Nội, Sài Gòn và các tỉnh lân cận, 66% công ty ngoại quốc và 36% công ty Việt Nam không hài lòng với chất lượng giáo dục và đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam, với lý do đội ngũ lao động của Việt Nam vừa yếu lại vừa thiếu, có nhiều hạn chế về trình độ ngoại ngữ, tin học, công nghệ. Nguyên nhân được các chuyên viên ngành tuyển dụng chỉ ra là Việt Nam đang có khoảng cách quá lớn giữa giáo dục nghề nghiệp với nhu cầu của thị trường.
Trang tuyển dụng TopCV trong bài viết “Thực trạng nguồn nhân lực Việt Nam 2022” cũng cho biết, với dân số hơn 98 triệu người, Việt Nam là quốc gia đông dân thứ 2 ở khu vực Đông Nam Á, trong số này, có hơn 50 triệu người đang ở độ tuổi lao động, chiếm tới 67.7% dân số, nhóm tuổi từ 25-29 là cao nhất. Tuy số lượng đông nhưng chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam đang ở mức thấp, không đủ lao động có chuyên môn, tay nghề cao. Số liệu năm 2021 cho biết tỷ lệ lao động có chuyên môn chỉ đạt 24.1% trên tổng số lao động.
Lao động đã qua đào tạo và có chứng chỉ sơ cấp nghề, trung cấp, cao đẳng đến đại học và sau đại học chiếm 20.92%, còn 76.9% người lao động chưa được đào tạo về chuyên môn.
Theo số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2019, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 7.6% năng suất của Singapore; bằng 19.5% của Malaysia; bằng 37.9% của Thái Lan; bằng 45.6% của Indonesia; bằng 56.9% của Philippines và bằng 68.9% của Brunei. So với Myanmar, năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 90% và bằng 88.7% của Lào. Tính trong khu vực Đông Nam Á, năng suất lao động của người Việt chỉ cao hơn Campuchia!
Đặc biệt, Việt Nam thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao theo yêu cầu của các công ty lớn. Tính đến Tháng Ba 2021, cả nước có 417,300 người có chuyên môn kỹ thuật bị thất nghiệp (chiếm 39.7%), trong số đó, người có trình độ ĐH trở lên có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (155,500 người).
Bình luận về nguồn nhân lực Việt Nam, bạn đọc Vnexpress Nguyen Binh viết: “Đại học kém thì sinh viên thiếu kỹ năng thôi”; bạn đọc Lâm Tùng: “Nhiều môn học không liên quan tý nào đến công việc, học rất nản, nên kết quả là vậy”; bạn đọc Hùng Nguyễn: “Tôi đang là sinh viên năm 4 và thấy học chẳng liên quan gì tới công việc sau này thông qua các tin tuyển dụng. Nếu muốn đáp ứng hết các tiêu chí tuyển dụng thì phải trau dồi nhiều kiến thức bên ngoài mà giảng đường không có”.
Đáng chú ý, bạn đọc Nguyễn Hà nhận định: Mấu chốt tiên quyết của chất lượng nguồn nhân lực là: Phải dạy kỹ năng phản biện cho người học. Thông qua phản biện, người học trình bày lý lẽ, bảo vệ quan điểm, biết tiếp thu ý kiến trái chiều, nhận thức và bản lĩnh mới được nâng cao theo năm tháng. Sau này lớn lên mới trở thành những người có khả năng đứng trước đám đông, lãnh đạo, chỉ huy, làm nên những việc lớn trong xã hội chứ không rụt rè, khép nép, thụ động. Không giải quyết được điều này thì không thể nào mong có chất lượng nguồn nhân lực tốt.
Nếu các trường ĐH Việt Nam cứ mãi tự hào với tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp khá-giỏi-xuất sắc cao thì đừng mong gì chất lượng nguồn nhân lực ở Việt Nam được cải thiện.