Nền kinh tế có cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” đang chứng kiến đợt suy trầm nghiêm trọng nhất trong nhiều năm qua, khi số doanh nghiệp phá sản, đóng cửa trong sáu tháng đầu năm vượt hơn 100,000 doanh nghiệp và tăng trưởng GDP thấp hơn bất cứ dự đoán tiêu cực nào (3.72%).
Thế nhưng, đối nghịch với bức tranh màu xám đó, người ta lại ghi nhận mức tăng trưởng kỳ lạ của hai “ngành” kinh tế: Xổ số và thương mại tâm linh. Hai “ngành” này mang lại lợi nhuận béo bở hơn bất cứ ngành nghề nào hiện tại. Có lẽ đó là “đặc thù” của một nền kinh tế trong một quốc gia còn thiếu bệnh viện, trường học nhưng đâu đâu cũng chùa to, tượng lớn. Dường như cuộc sống càng khó khăn thì người Việt lại càng cầu may rủi và trông đợi “ơn trên” được ban phát bởi những sư thầy dắt “thẻ ngành” trong túi đãi (loại túi thường đựng kinh sách, vật dụng của sư).
Thật khó tin khi biết doanh thu của “công nghiệp vé số” lớn hơn cả doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ và than đá cộng lại. Chỉ riêng Quí 1 năm 2023, doanh số của 21 công ty vé số miền Nam đã là 35,000 tỷ, tương đương $1.5 tỷ.
Hội đồng Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam cho biết mỗi năm người dân các tỉnh phía Nam và Nam Trung Bộ chi khoảng $6 tỷ để mua vé số. Tại Hội nghị Xổ số kiến thiết khu vực miền Nam ngày 24 Tháng Bảy 2023, ông Dương Minh Tú – Phó Chủ tịch Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam – cho biết:
Trong sáu tháng đầu năm, doanh thu đạt 68,843 tỉ đồng, tăng 16.41% với tỉ lệ tiêu thụ bình quân khu vực đạt 98.46%, trong đó có nhiều công ty xổ số kiến thiết đạt 100%. Lợi nhuận đạt 8,784 tỉ đồng, tăng 10.45% và nộp ngân sách hơn 22,000 tỉ đồng, tăng hơn 25% và đạt gần 61% kế hoạch năm 2023.
Với “đặc thù” là ngành siêu lợi nhuận, mức lương các sếp và nhân viên ngành này sánh ngang với các ngành đặc quyền đặc lợi như dầu khí, hải quan, tài nguyên môi trường, phòng cháy chữa cháy… Năm 2016, dư luận từng xôn xao khi biết mức lương giám đốc một công ty xổ số là 130 triệu/tháng, thậm chí lương bảo vệ công ty đó cũng gần 40 triệu/tháng. Hiện thời, mức lương các sếp những công ty xổ số trung bình là 200 triệu/tháng. Thật xót xa nếu so sánh với thu nhập bèo bọt không đủ sống của giáo viên và bác sĩ.
Về lý thuyết, nhà nước thu tiền từ công nghiệp vé số để xây dựng các công trình công ích xã hội. Có lẽ, người Pháp mang xổ số vào Việt Nam từ năm 1930. Khi đó, số lượng vé phát hành rất ít và cả năm cũng chỉ có một kỳ. Có một thời gian, xổ số kiến thiết bị ngừng phát hành. Tới thời đệ nhất VNCH, khi ngân sách cho xây dựng hạ tầng xã hội eo hẹp, Tổng thống Ngô Đình Diệm cho phép phát hành xổ số kiến thiết để lấy tiền xây dựng các công trình công ích. Tiền lời từ việc phát hành tám kỳ xổ số liên tiếp đủ để xây dựng Đại học Y khoa Huế. Thời đó, mỗi tháng chỉ có một kỳ phát hành với số lượng hạn chế. Giá mỗi tờ vé số theo qui định là 10 đồng.
Trong ký ức những người lớn tuổi miền Nam, người ta còn nhớ bài hát nổi tiếng “Xổ số kiến thiết Quốc gia” của nhạc sĩ Trần Văn Trạch phát vào chiều Thứ Ba hàng tuần trên Đài phát thanh Saigon.
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Xây đắp muôn người
Được nên cửa nhà
Tô điểm giang san
Qua bao lầm than
Ta thề kiến thiết
Trong giấc mộng vàng
Triệu phú đến nơi
Năm mười đồng thôi
Mua lấy xe nhà
Giàu sang mấy hồi
Kiến thiết quốc gia
Giúp đồng bào ta
Ấy là thiên chức
Của người Việt Nam
……
Sau 1975, ý nghĩa và mục đích của ngành xổ số kiến thiết dần bị “biến thái”. Không những số lượng công ty phát hành xổ số kiến thiết nhiều như “lá rụng mùa thu” mà mỗi tỉnh đều có công ty phát hành vé số riêng. Số kỳ và lượng vé phát hành có thể tăng gần như… vô hạn tùy theo mức độ “ăn nên làm ra” ở mỗi tỉnh thành. Mặc dù đem về doanh thu, lợi nhuận khủng nhưng nguồn lợi khổng lồ này được dùng chủ yếu để bù đắp cho thâm hụt ngân sách trung ương và chi cho hoạt động của bộ máy quan liêu địa phương, giống như một thứ “quĩ đen” mà hàng tháng người ta chia phần với nhau.
Xổ số cũng là một ngành sử dụng nguồn nhân lực lao động rất lớn mà không phải trả tiền lương, không phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người lao động. Công ty phát hành vé số chỉ phải trích phần chiết khấu cho đại lý cấp 1, cấp 2. Các đại lý đầu nậu này sẽ phân chia phần chiết khấu với hàng chục ngàn người bán vé số dạo.
Không có thống kê xã hội nghề nghiệp nào khảo sát cho biết bao nhiêu người bán vé số dạo ở các tỉnh miền Nam. Chắc chắn là một con số cực lớn. Đằng sau sự giàu có của những doanh nghiệp xổ số, những mức lương hàng trăm triệu của những kẻ lãnh đạo là cả một thế giới cơ cực, trần ai, những góc khuất u ám mà nhà cầm quyền Việt Nam không bao giờ muốn bị phơi bày, trong đó là hình ảnh phổ biến là những bà cụ còng lưng, những em bé ở độ tuổi lên 9 lên 10, và thậm chí những người tàn tật.
Một cách tổng quát, lực lượng chính của đội quân bán vé số dạo là người cao tuổi, trẻ mồ côi, người nhập cư thất nghiệp trôi dạt lên đất Sài Gòn từ các tỉnh khắp Nam-Trung-Bắc, người mất sức lao động, không có tay nghề, không nơi nương tựa… Tất cả đều là những người yếu thế trong xã hội, dễ bị tổn thương và dễ bị bóc lột nhất. Hãy nhớ lại những người bán vé số bỗng trở nên “thất nghiệp” và sống khổ sở bi thảm như thế nào hồi xảy ra đại dịch.
Đội quân hàng trăm ngàn người này làm việc bất kể thời gian, bất kể nắng mưa. Họ là những nhân viên bán hàng cho doanh nghiệp mà không được nhận bất cứ trợ cấp hoặc chế độ an sinh xã hội nào ngoài phần chiết khấu theo số lượng vé số bán được mỗi ngày mà đại lý trả cho họ. Nếu nhỡ ốm đau, bệnh tật, tai nạn, nghỉ ngày nào thì đói ngày đó.
Tôi không thể nào quên hình ảnh những đứa bé còi cọc, lấm lem vừa đi vừa khóc, cầm trên tay tập vé số tới sát giờ vẫn còn nguyên, cầu van nài nỉ mọi người mua ủng hộ. Tôi không thể nào quên đôi mắt ầng ậc nước và tiếng nói lạc giọng của bà cụ mời tôi mua vé chiều hôm qua…
Có hàng triệu kiếp người đọa đày như thế trên mảnh đất chữ S này. Họ đổi những vắt cơm bằng bát mồ hôi chan nước mắt. Họ làm gần như không công cho những doanh nghiệp Đỏ, làm giàu cho đám quan chức sống vương giả hàng ngày rao giảng tính ưu việt của chủ nghĩa xã hội. Có thể nói đây là mảnh đất kinh doanh tàn nhẫn nơi người ta có thể dễ dàng bóc lột người lao động mà không phải chịu bất cứ trách nhiệm và ràng buộc luật pháp nào.