Việt Nam: Khi các chùa… báo cáo doanh thu

Người dân phía Bắc có thói quen bày tiền công đức lên bàn thờ, đĩa trái cây hoặc dán luôn vào tượng – Ảnh: Tuổi Trẻ chụp ở chùa Bái Đính, Ninh Bình

“Chùa Yên Tử có số thu tiền công đức thấp, có thể thấp hơn nhiều số thực thu, còn chùa Ba Vàng và hơn 50 chùa khác ở Quảng Ninh chưa có báo cáo về tiền công đức”.

Đó là nội dung báo cáo về việc thu chi tiền công đức tại các di tích, đình chùa trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2022 và bốn tháng đầu năm 2023 của Bộ Tài chính Việt Nam, gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 21 Tháng Bảy 2023.

Để thực thi việc kiểm tra tiền công đức ở các đền chùa, di tích trên toàn quốc, Bộ Tài chính Việt Nam đã thí điểm kiểm tra trước tỉnh Quảng Ninh.

Kết quả, tổng số thu năm 2022 của các đền chùa, di tích ở tỉnh Quảng Ninh (trừ chùa Ba Vàng và 50 chùa chưa có báo cáo) là 70.8 tỷ đồng, tương đương $2,992,008 (chưa bao gồm các khoản tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), bằng khoảng 40 – 60% số thu công đức, tài trợ năm 2019, thời điểm trước đại dịch COVID-19. Còn tổng số chi là 54.4 tỷ đồng ($2,298,944).

Bốn tháng đầu năm 2023 tổng số thu 61 tỷ đồng, tương đương $2,577,860 (không bao gồm các khoản tài trợ bằng hiện vật, công trình xây dựng), gần bằng số thu cả năm 2022. Tổng số chi là 29.4 tỷ đồng ($1,242,444).

Trong số đó, một số di tích có số thu trong bốn tháng đầu năm 2023 trên 1 tỷ đồng, gồm di tích đền Cửa Ông – Cặp Tiên 19.8 tỷ đồng; khu di tích và chùa Yên Tử gần 7.2 tỷ đồng (riêng tại chùa Đồng 4.3 tỷ đồng); đền Thánh Mẫu ở Trà Cổ, Móng Cái 5.3 tỷ đồng; khu di tích lịch sử Bạch Đằng, Hạ Long 3.2 tỷ đồng; chùa Hưng Học ở Nam Hòa, Quảng Yên 2.7 tỷ đồng…

Số liệu nêu trên mới chỉ được tổng hợp từ báo cáo của 221/450 di tích lịch sử – văn hóa thuộc diện cần kiểm tra (chiếm 47%)!

Sau khi loại trừ số di tích không có công đức, Bộ Tài chính nhận thấy còn trên 50 đền chùa và di tích không có số liệu báo cáo, trong đó có chùa Ba Vàng ở Uông Bí thuộc di tích cấp tỉnh, được đánh giá có số thu công đức tốt!

Người dân bỏ tiền công đức, tiền giọt dầu trên bàn thờ ở chùa Bái Đính – Ảnh: Tuổi Trẻ

Theo tính toán của Bộ Tài chính, nếu có đầy đủ báo cáo các khoản công đức tại các di tích, tổng số thu tiền công đức, tài trợ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cả năm 2023 có thể đạt trên 180 tỷ đồng ($7,606,800).

Một nội dung khác trong báo cáo của Bộ Tài chính liên quan đến chùa Yên Tử. Theo Bộ Tài chính, trong năm khu di tích quốc gia đặc biệt trên địa bàn tỉnh, khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử là điểm du lịch sinh thái tâm linh nổi tiếng, mỗi năm đón trên 2 triệu lượt du khách, thế mà số thu tiền công đức năm 2022 chỉ được 3.7 tỷ đồng dường như không hợp lý!?

Bộ này so sánh: Số thu của Yên Tử chỉ tương đương số thu tại khu di tích lịch sử Bạch Đằng (3.3 tỷ đồng), còn thấp hơn so với số thu tại đền Thánh Mẫu – di tích cấp tỉnh ở phường Trà Cổ, Móng Cái (5.8 tỷ đồng) và chưa bằng 1/5 số thu tại đền Cửa Ông (20.1 tỷ đồng)!

Tuổi Trẻ ngày 22 Tháng Bảy 2023 dẫn báo cáo của Bộ Tài chính viết: “Nhìn số liệu so sánh nêu trên không tránh khỏi những băn khoăn về tính khách quan trong việc tiếp nhận, kiểm đếm tiền công đức tại khu di tích lịch sử và danh thắng cảnh Yên Tử”.

Báo cáo của Bộ Tài Chính về chùa Yên Tử cũng cho hay: Tại các di tích có nhà sư trụ trì, đa số di tích có báo cáo thu, chi nhưng chỉ là khoản tiền trong hòm công đức, trong khi có một số khoản công đức khác dưới hình thức đặt lễ, chuyển khoản trực tiếp cho sư thầy, không được phản ảnh trong báo cáo gửi cho đoàn kiểm tra!

Báo cáo này cũng thòng thêm câu: “Trong khi đó, theo đánh giá của du khách, các khoản này thường cao hơn so với bỏ trong hòm công đức”.

Báo cáo dẫn số liệu do Ban quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cung cấp, từ năm 2007 đến Tháng Tư 2023, tổng thu tiền trong hòm công đức 287 tỷ đồng, tổng chi khoảng 638 tỷ đồng?!

Như vậy, số thu tiền công đức thực tế của chùa Yên Tử phải cao hơn số thu nêu trong báo cáo gửi cho đoàn kiểm tra ít nhất khoảng 351 tỷ đồng, nếu tính số thu bằng số chi!

Mở hòm công đức để kiểm đếm tiền tại một đền, chùa ở Hà Nội – Ảnh: Tuổi Trẻ

Vui rồi đây, khi sư thầy phải tìm cách “đối phó” với việc kiểm tra sổ sách hòm công đức của Bộ Tài chính!

Sau khi kiểm tra thí điểm tiền công đức tại các đền chùa, di tích ở Quảng Ninh, Bộ Tài chính cũng “hứa hẹn” sẽ thực hiện kiểm tra việc thu chi tiền công đức trong cả nước, thời gian kiểm tra trong hai năm 2022-2023.

Vì thế, tất cả các tỉnh, thành (kể cả Quảng Ninh) phải gửi báo cáo kết quả kiểm tra về Bộ Tài chính trong Quý I/2024.

Đối tượng kiểm tra là các di tích lịch sử – văn hóa, đình chùa đã được nhà nước cấp bằng di tích, hoặc đưa vào danh mục kiểm kê di tích của địa phương, theo quy định của Luật Di sản văn hóa.

Ngày 23 Tháng Bảy, trả lời Tuổi Trẻ, ông sư quốc doanh Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng, khẳng định thông tin chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức là không đúng sự thật.

Ông sư này trả treo: “… không đoàn nào đến kiểm tra, không có yêu cầu nhà chùa nộp báo cáo thu chi tiền công đức thì cơ sở đâu mà cho rằng: Chùa Ba Vàng không báo cáo thu chi tiền công đức?”.

Về phản hồi của chùa Ba Vàng, nguồn tin riêng của Tuổi Trẻ cho biết báo cáo của Ủy ban TP.Uông Bí về việc kiểm tra quản lý tiền công đức tại các di tích lịch sử – văn hóa, đình, chùa cho thấy chùa Ba Vàng và một số di tích khác trên địa phận TP.Uông Bí không có văn bản báo cáo, dù trước đó nhà cầm quyền thành phố đã gửi công văn cho chùa Ba Vàng đề nghị gửi báo cáo thu chi trước ngày 15 Tháng Sáu 2023.

Thế nhưng, trụ trì chùa Ba Vàng vẫn khẳng định không nhận được công văn của Ủy ban (?)

Khách thập phương đến viếng chùa Yên Tử dịp đầu năm – Ảnh: Nụ Cười Mekong

Còn đại diện chùa Yên Tử nói sao về nghi ngờ của Bộ Tài chính?

Cũng theo Tuổi Trẻ, đại diện ban quản lý khu di tích Yên Tử cho biết không rõ con số hơn 2 triệu lượt khách tham quan mỗi năm mà Bộ Tài chính đưa ra dẫn theo nguồn nào? Vì theo ghi nhận của ban quản lý, khu di tích này chỉ có hơn 1 triệu khách đến viếng chùa mỗi năm.

Bên cạnh đó, số tiền ban quản lý có thể quản lý và báo cáo là tiền công đức do khách góp tại các bàn ghi công đức và hòm công đức. Còn tiền giọt dầu của Phật tử thường đặt trực tiếp trên các bàn thờ thì thuộc về nhà chùa, do nhà chùa quản chứ ban quản lý không được thu, không được ghi nhận vào báo cáo!

Bình luận về việc này, cựu nhà báo Nguyễn Ngọc Vinh của báo Tuổi Trẻ viết trên Facebook Bị Cạo Râu: “Sau khi kiểm tra thu chi tiền chùa, Bộ Tài chính cho biết, chùa Ba Vàng và 50 ngôi chùa khác ko lập báo cáo thu chi. Nhiều chùa báo cáo số thu thấp so với thực tế…(theo báo Tuổi Trẻ)

Lần đầu tiên ta thấy triều đình nhúng tay vào hầu bao tiền bạc của tôn giáo- cụ thể ở đây là các chùa.

Đương nhiên nhúng tay vào để nhắm đến việc quản lý nhưng chưa thấy triều đình nói sẽ quản lý như thế nào, có thu thuế tiền công đức hay ko, vân vân.

Việc nhúng tay này trước sau cũng gây ra mâu thuẫn giữa thế quyền và thần quyền. Rõ ràng thế quyền muốn kiểm soát tài chính của thần quyền và dĩ nhiên, dễ gì thần quyền chấp nhận mà ko phản ứng hay đối phó?

Dự là các chùa cũng sẽ hành xử như doanh nghiệp, thu chi một đằng báo cáo một nẻo, rồi dùng chiêu để lách thuế này nọ, có khi phải sử dụng cả biện pháp hối lộ để được việc chùa.

Thế là thần quyền sẽ biến chất như… thế quyền, hihi.

Thật ra, tôn giáo ở xứ ta- thể hiện qua các thầy chùa, chưa cần hối lộ thế quyền cũng đã b.iến c.hất lâu cmn gồi.

Tôi nghĩ, với các doanh nghiệp chùa như Tam Chúc, với doanh thu khổng lồ mà ko đóng thuế thì rất khó được công chúng chấp nhận, nói chi đến triều đình vốn đang cần tiền”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: