Liên quan về cái chết bất minh của nhà sư Humkar Dorje Rinpoche tại Sài Gòn, cáo buộc của chuyên gia kinh tế, cố vấn của Tổng Thống Donald Trump về tư cách của CSVN được lặp lại nhiều lần trong các cuộc họp báo và trên truyền thông. Lúc này có thể thấy rõ, Bắc Kinh đã đặt lửa vào tay Hà Nội, sau khi mang thi hài của ngài Humkar Dorje từ Trung Quốc sang đặt tại Sài Gòn.
Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (Human Rights Watch-HRW) ra thông cáo, yêu cầu chính quyền CSVN phải công bố điều tra về cái chết trong hoàn cảnh đáng ngờ của một lạt ma Tây Tạng cấp cao, Humkar Dorje Rinpoche (còn được viết là Tulku Hungkar Dorje), tại Sài Gòn vào ngày 29 Tháng Ba năm 2025.
Humkar Dorje, 56 tuổi, qua đời sau nhiều tháng cộng đồng Tây Tạng lo lắng tìm kiếm về nơi trú ẩn và sức khỏe của ông. Những người đi theo vị lạt ma ở Ấn Độ, nơi có nhiều người Tây Tạng sống lưu vong, cáo buộc rằng chính quyền Việt Nam và Trung Quốc đã phối hợp truy đuổi và bắt giữ ông ở Việt Nam, sau khi ông đào thoát khỏi sự theo dõi của an ninh mật ở Tây Tạng. Tu viện của ông, nơi được chính quyền giám sát và có những chức sắc tay sai đại diện, nhanh chóng tuyên bố rằng vị lạt ma này chết vì bệnh trong khi đang tĩnh tâm.
“Cái chết của Humkar Dorje Rinpoche tại Việt Nam đặc biệt đáng lo ngại, vì chính quyền Trung Quốc luôn có chính sách đàn áp người Tây Tạng nghiêm trọng, và có hồ sơ bắt cóc công dân của họ tại Việt Nam,” Maya Wang , phó giám đốc HRW về Trung Quốc cho biết. “Chính quyền Việt Nam nên điều tra một cách đáng tin cậy và công bằng những khiếu nại này, và có hành động thích hợp, bao gồm cả việc cung cấp kết quả khám nghiệm tử thi cho gia đình Humkar Dorje.”
Việt Nam có thể trình bày được sự vô can của mình, nếu minh bạch được hành trình của vị lạt ma Humkar Dorje đến Việt Nam vào năm 2024, cũng như đã chết khi được mang trở lại Việt Nam, mà Trung Quốc có hai mục đích thấy rõ: Tránh bùng nổ biểu tình phản đối ở đại lục và Tây Tạng, cũng như mập mờ về thời gian và việc qua đời bất thường của ngài Humkar Dorje, được cho là xảy ra ở Việt Nam.
Nếu Hà Nội chấp nhận cho Trung Quốc đặt lửa vào tay mình, điều này gián tiếp xác nhận chính quyền CSVN hoàn toàn là tay sai thuộc địa của Bắc Kinh, cũng như khẳng định vai trò trợ cụ đàn áp tôn giáo lâu nay cho hệ thống cộng sản quốc tế. Hà Nội phải chứng minh rằng chính quyền nước này không là tay sai đàn áp tôn giáo cho Trung Cộng.
Nhiều nguồn tin cho biết, Bắc Kinh ra lệnh cho Giáo hội Phật giáo tay sai của CSVN giúp tổ chức lễ tang của ngài Humkar Dorje tại Sài Gòn. Vào lúc này, an ninh mật vụ của CSVN và Trung Cộng phối hợp dày đặc ở nơi giữ thi hài của ngài, tại bệnh viện Đa khoa Vinmec, ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận 1.
Media error: Format(s) not supported or source(s) not found
Download File: https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2025/04/SnapTik_App_7488999014629707014-HD.mp4?_=1Phía những người vẫn theo lạt ma Humkar Dorje tu tập ở Việt Nam chuyển nhau tin nhắn riêng, rằng “tha thiết đề nghị các đạo hữu Việt Nam hãy vì sự an toàn của các Lama và tu viện, hãy giữ yên lặng và không tiếp cận đoàn tu viện, và đặc biệt là nhóm VN được giao nhiệm vụ giúp làm lễ trà tỳ của ngài Humkar Dorje.”
Lời dặn còn nói thêm là “việc giữ mọi thứ yên lặng, không chỉ giúp cho lễ tang của ngài được diễn ra trong thanh tịnh, mà còn giúp cho sự bình yên tu viện của ngài ở Tây Tạng.”
Vào ngày Ba, Tháng Tư, các vị cao tăng tại tu viện Lung Ngon ra tuyên bố công khai rằng Humkar Dorje “có biểu hiện sức khỏe không tốt,” “một mình đi đến một nơi không xác định” vào một ngày không xác định để tĩnh tâm và “đột ngột qua đời vì bệnh” tại Việt Nam vào ngày 29 Tháng Ba mà không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Vào ngày 5 Tháng Tư, thông cáo từ Ấn Độ phản bác lại những tuyên bố này và nói rằng vị lạt ma cao cấp đã ở Việt Nam sau cuộc thẩm vấn của cảnh sát Trung Quốc ở Tây Tạng vào cuối năm ngoái. Họ nói rằng cảnh sát Việt Nam, được cho là đã hành động phối hợp với các đặc vụ của Bộ An Ninh Nhà Nước Trung Quốc, bắt giữ ông vào ngày 25 Tháng Ba. Ông qua đời bốn ngày sau đó.
Các đệ tử của ngài Humkar Dorje ở Ấn Độ cho biết ông đào thoát khỏi tu viện của mình vào cuối Tháng Chín, sau khi các viên chức chính phủ và an ninh địa phương thẩm vấn ông tại Gabde. Báo cáo chính thức của phương tiện truyền thông Trung Quốc cho thấy một viên chức cấp quận đến thăm tu viện Lung Ngon vào ngày 15 Tháng Mười để “kiểm tra việc quản lý chùa.” Không giống thường lệ, báo cáo không đề cập đến Humkar Dorje.
Humkar Dorje tốt nghiệp năm 2001 từ trường cao đẳng cấp quốc gia Trung Quốc dành cho các lạt ma Phật giáo Tây Tạng và giữ một vị trí danh giá trong Đại hội đại biểu nhân dân cấp quận, nơi ông là phó chủ tịch ủy ban thường vụ quốc hội. Ông cũng là chủ tịch chi nhánh của Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc tại quận Gabde, là nhân vật tôn giáo cao cấp nhất trong quận. Tuy vậy, Humkar Dorje vẫn trung thành với tiêu chí một nhà nước Tây Tạng có văn hóa và tín ngưỡng độc lập.
Chính quyền Trung Quốc từ lâu đã tham gia vào hoạt động đàn áp xuyên quốc gia, vi phạm nhân quyền vượt ra ngoài biên giới quốc gia nhằm hạn chế sự bất đồng chính kiến , bao gồm cả đàn áp người Tây Tạng sống ở nước ngoài, nhắm vào những người chỉ trích chính phủ Trung Quốc hoặc tham gia vào các hoạt động bị coi là đe dọa chính phủ.
Các báo cáo chưa được xác nhận từ những tín đồ khác của Humkar Dorje cho biết, một số thành viên của tu viện Lung Ngon đi cùng ngài ở Việt Nam có thể đã bị bắt giữ biệt giam, hoặc có thể bị chính quyền Việt Nam trao trả cho Trung Quốc, có nguy cơ nghiêm trọng bị tra tấn và ngược đãi.
Thông cáo của nhiều tổ chức nhân quyền và tôn giáo thế giới kêu gọi Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng nguyên tắc không trục xuất của luật pháp quốc tế, nguyên tắc này cấm các quốc gia đưa bất kỳ ai trở về nơi mà họ có thể phải đối mặt với nguy cơ bị đàn áp.
Chính phủ Trung Quốc đã bắt giữ và hồi hương ít nhất hai nhà bất đồng chính kiến từ Việt Nam với sự hợp tác của chính quyền Việt Nam, đó là Đổng Quảng Bình vào năm 2022 và Vương Bỉnh Chương vào năm 2002.
Phù hợp với Nghị định thư Minnesota về điều tra cái chết có khả năng là bất hợp pháp, chính phủ Việt Nam nên tiến hành một cuộc điều tra khách quan về hoàn cảnh cái chết của Humkar Dorje, bao gồm vai trò của các cơ quan an ninh và bất kỳ sự tham gia nào của nhân viên hoặc quan chức an ninh Trung Quốc; khám nghiệm tử thi để xác định nguyên nhân tử vong, và cung cấp cho gia đình cùng với việc trả lại thi thể cho gia đình. Nghị định thư Minnesota quy định rằng “[trong] trường hợp cái chết có khả năng là bất hợp pháp, gia đình có quyền, tối thiểu, được thông tin về hoàn cảnh, địa điểm và tình trạng của hài cốt và, trong chừng mực đã xác định được, nguyên nhân và cách thức tử vong.”
“Các chính phủ nước ngoài nên gây sức ép với chính phủ Việt Nam để có câu trả lời về cái chết của Humkar Dorje Rinpoche,” Maya Wang nói. “Họ nên buộc các quan chức Việt Nam phải chịu trách nhiệm về sự thông đồng trong các hành vi lạm dụng của Trung Quốc tại Việt Nam và thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự việc tương tự tái diễn.”