Việt Nam: Sáng-tối cuối năm

Phi trường Tân Sơn Nhất đông nghẹt người về quê ăn Tết. Ảnh Quỳnh Trần/VNExpress

Những ngày cuối năm con Trâu, trong bức tranh u ám của xã hội Việt Nam đã có vài điểm sáng le lói bên rất nhiều mảng tối, cho thấy nhà cầm quyền cộng sản hoặc đã bắt đầu biết lắng nghe tiếng nói của người dân để điều chỉnh hành vi hoặc đang tìm cách đánh bóng hình ảnh trong dân chúng vốn đã hoen ố trầm trọng suốt năm qua.

Điểm sáng đầu tiên là nhà cầm quyền đã biết điều chỉnh chính sách phòng chống COVID-19 theo hướng hợp lý hơn, thông thoáng hơn để cứu các ngành vận tải hàng không và du lịch đang ngắc ngoải, một phần vì dịch nhưng phần quan trọng hơn là vì các biện pháp “chống dịch như chống giặc” ngu xuẩn và tàn ác được thực hiện triệt để hơn nửa năm qua.

Truyền thông đưa tin hôm 28 Tháng Giêng, chính phủ Hà Nội loan báo hành khách trên các chuyến bay quốc tế đến Việt Nam sẽ không còn phải thực hiện xét nghiệm nhanh COVID-19 trước khi lên và sau khi xuống máy bay. Quy định mới được hiểu là có hiệu lực tức thời, bãi bỏ một trong những thủ tục phiền toái nhất mà khách du lịch và người Việt Nam ở ngoại quốc trở về ngán ngẩm nhất, theo đó người về phải xét nghiệm ít nhất ba lần, trong đó có một lần xét nghiệm RT-PCR không quá 72 tiếng đồng hồ, vừa tốn kém thời gian và tiền bạc, vừa không cần thiết. Đã có vô số ý kiến trên mạng xã hội phản đối cái quy định xét nghiệm quá đáng này và theo báo Tuổi Trẻ, việc bỏ yêu cầu xét nghiệm nhanh đối với hành khách bay đến Việt Nam “là một trong nội dung mà các hãng hàng không mong đợi.”

Lấy mẫu test nhanh COVID-19 cho toàn bộ người nhập cảnh tại phi trường Tân Sơn Nhất hôm 1 Tháng Giêng. (Hình: VNExpress)

***

Liên quan tới chuyện về Việt Nam ăn tết, một thông tin đáng chú ý là hôm 27 Tháng Giêng, nhà cầm quyền đã cho bắt bốn cán bộ của Bộ Ngoại giao ở Hà Nội về hành vi “nhận hối lộ” khi tổ chức những “chuyến bay giải cứu” đưa công dân về nước. Bốn người bị bắt gồm bà Nguyễn Thị Hương Lan, 48 tuổi, cục trưởng Cục Lãnh Sự, cùng ba cán bộ lãnh đạo của cục này là Đỗ Hoàng Tùng, 42 tuổi, phó cục trưởng; Lê Tuấn Anh, 40 tuổi, chánh văn phòng của cục; và Lưu Tuấn Dũng, 35 tuổi, phó Phòng Bảo Hộ Công Dân. Theo ông Trung tướng Tô Ân Xô, chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, “các bị can này bị cáo buộc có hành vi ‘trục lợi cá nhân’ khi xét duyệt cấp phép cho một số công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Hiện, sai phạm cụ thể chưa được Bộ Công An công bố.”

Theo báo Tuổi Trẻ dẫn thông tin chính thức từ Bộ Ngoại Giao cho biết, “từ khi dịch COVID-19 bùng phát đến đầu Tháng Mười Hai 2021 các cơ quan chức năng đã tổ chức hơn 800 chuyến bay, đưa gần 200,000 công dân Việt Nam từ hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ về nước an toàn.” Quả là một “thành tích” đáng kể được ca tụng là “nhân đạo”, “ngạo nghễ” (!) Nhưng thực tế những chuyến máy bay gọi là “giải cứu” này chỉ là một thủ đoạn ăn đậm trên lưng những người Việt xa quê, có nhu cầu trở về nhà trong mùa dịch. 

Chính quyền Hà Nội, một mặt cấm du khách nhập cảnh, cấm các hãng hàng không nước ngoài đưa khách đến, mặt khác giao cho các hãng hàng không nội địa kết hợp với các ngành ngoại giao, y tế khai thác những chuyến bay hồi hương với giá trên trời mà người về không thể có lựa chọn nào khác. Báo Vietnamnet dẫn lời ông Lương Hoài Nam, một chuyên gia hàng không, cho biết từ Hoa Kỳ về Việt Nam bạn ông đã phải mua một “gói combo” (gồm vé máy bay một chiều, phí xét nghiệm và phí cách ly ở Việt Nam) với giá 150 triệu đồng (hơn $6,500); trước đó có người phải bỏ ra 250 triệu đồng (hơn $11,000) để được hồi hương! “Giai đoạn tháng 3-4/2020, Vietnam Airlines mở các chuyến bay giải cứu từ châu Âu về Việt Nam có chi phí là $1,200; từ Mỹ và từ Canada là $1,600” ông Nam cho biết thêm.

Không chỉ bán vé cắt cổ, ngành ngoại giao Việt Nam, thông qua mạng lưới chân rết là các đại sứ quán, lãnh sự quán khắp thế giới còn đặt ra những điều kiện hết sức quái gở như người về Việt Nam phải có sổ thông hành (passport) Việt Nam, phải có giấy chấp thuận cho về của chính quyền địa phương nơi đến, thẻ tiêm chủng COVID-19 phải được xác thực ở cơ quan ngoại giao, phải ghi danh ở lãnh sự quán, đại sứ quán và chờ sắp xếp chuyến bay v.v… 

Bao nhiêu tiếng than thở, phẫn nộ suốt mấy tháng trời, đến bây giờ chính quyền mới ra tay tóm cổ được một số quan chức dính dáng đến thủ đoạn trục lợi trắng trợn này. Đó là một điểm tốt đáng ghi nhận, dù trong sự việc này vẫn còn nhiều câu hỏi chưa có lời đáp. Nghi phạm có chức vụ cao nhất chỉ là cục trưởng Cục Lãnh Sự, liệu có phải đã là kẻ cầm đầu đường dây trục lợi liên quan tới một số ngành khác như hàng không, khách sạn, y tế… hay chỉ là những tay chân thừa hành theo kế hoạch của những người ở cấp có thẩm quyền cao hơn? Có người “nhận hối lộ” thì phải có kẻ đưa hối lộ, những kẻ đó là ai? v.v… Có người nhẩm tính, nếu chỉ “bóc lột” mỗi hành khách $1,000 thì số tiền mà đường dây trục lợi này thu được đã hơn $200 triệu. “Đại lý trả cho hãng hàng không bao nhiêu tiền? Khách sạn bao nhiêu? Tiền đi vào túi những ai?” Không biết cơ quan điều tra của Việt Nam có tìm ra câu trả lời hay không hay chỉ giơ cao đánh khẽ như bao nhiêu vụ tham nhũng khác.

Cục trưởng và cục phó Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao bị bắt vì ăn chặn các chuyến bay giải cứu đưa người Việt về nước. Ảnh công an cung cấp/báo Tuổi Trẻ

 

***

Một điểm sáng le lói khác là trong những ngày cuối năm Nhâm Dần, một số nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Việt Nam đã đến thắp hương tưởng niệm những liệt sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến đấu chống Trung Quốc xâm lược ở các tỉnh biên giới phía Bắc.

Có người sẽ thắc mắc, năm hết Tết đến, đi thắp hương nghĩa trang tử sĩ là chuyện bình thường, có gì mà gọi là “điểm sáng”. Quả là tưởng nhớ người đã khuất là chuyện bình thường, nhưng rất không bình thường ở Việt Nam khi người dân đi tưởng niệm các anh hùng nghĩa sĩ đã hy sinh ở Hoàng Sa, Trường Sa vẫn thường xuyên bị đám công an và côn đồ hành hung, bắt bớ, bị vu là “phản động” và nhiều thủ đoạn đàn áp khác.

Rạng sáng ngày 17 Tháng Hai 1979, Trung Quốc bất ngờ tung hàng chục ngàn quân tấn công và xâm lược trên toàn tuyến biên giới phía Bắc, qua sáu tỉnh. Cho đến khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ vào Tháng Mười Một 1991, cuộc chiến tranh ngắn ngủi nhưng đẫm máu này vẫn được gọi là “cuộc chiến tranh tự vệ chống quân xâm lược bành trướng Bắc Kinh”. Nhưng từ khi đảng Cộng sản Việt Nam “thần phục” đàn anh Trung Quốc tại hội nghị Thành Đô 1990, câu chuyện về cuộc chiến tranh vệ quốc đó đã bị đưa ra khỏi sách vở, báo chí cứ như nó chưa từng xảy ra; các bia tưởng niệm những người đã hy sinh bị đục bỏ và ngay đến cái tên “Trung Quốc” cũng không được nhắc đến khi nói tới sự kiện 1979.

Truyền thông trong nước đưa tin, hôm 26 Tháng Giêng, ở tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đã đến dâng hương, tưởng niệm các liệt sĩ. Báo điện tử của chính phủ Việt Nam viết: “Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng đoàn công tác của trung ương đã thành kính dâng hương, đặt vòng hoa tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”.

Cần để ý, trước đây hiếm có nhà lãnh đạo chóp bu nào của Việt Nam có hành động dâng hương, tưởng niệm như thế với những công dân đã ngã xuống trong các trận chiến đấu chống Trung Quốc. Hành động của ông Chính nên được ghi nhận là “điểm sáng” theo nghĩa đó. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính (thứ hai từ trái) cùng đoàn công tác tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ tại Pò Hèn, thành phố Hải Sơn, Móng Cái. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Tuy nhiên, điểm sáng này chỉ “le lói” vì ngay đến ông Chính cũng không dám gọi đích danh “cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược” như thời trước hội nghị Thành Đô mà tìm cách né tránh bằng một cụm từ dài dòng nhưng vô nghĩa: “cuộc Chiến tranh bảo vệ biên giới vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”. Đường đường là người đứng đầu một chính phủ mà còn sợ hãi như vậy, gan thỏ đế như vậy thì bảo sao đất nước không mất về tay ngoại bang.

Chưa kể rằng, trong chuyến đi úy lạo các đơn vị biên phòng ở biên giới phía Bắc, ông Chính còn căn dặn quân sĩ phải “hợp tác chặt chẽ, hiệu quả” với các cơ quan của phía Trung Quốc trên tinh thần “tình cảm, chân thành, tin cậy, tôn trọng, bình đẳng, hợp tác, hiệu quả, hai bên cùng có lợi, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của nhau, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển”. Dường như trong thâm tâm ông lo sợ hành động “dâng hương, tưởng niệm” của ông sẽ làm phật lòng các quan thầy ở Bắc Kinh nên phải có lời chống chế trước. Nhu nhược đến thế là cùng!

Năm hết, một năm mới lại đến nhưng xem ra chưa biết bao giờ đất nước mới thật sự “sáng trời Tự do” như câu hát cũ vẫn vang lên mỗi dịp Xuân về.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: