Nghị định 72 của chính phủ Việt Nam vừa ban hành cho biết chủ tịch Hà Nội và Sài Gòn được sử dụng xe hơi bảng số xanh giá 1.55 tỷ đồng ($63,472).
Theo truyền thông trong nước, nghị định này cho biết, từ ngày 10 Tháng Mười Một 2023, một số chức danh cán bộ, quan chức được trang bị xe hơi công từ 1.25 đến 1.6 tỷ đồng mỗi xe, thay mức cũ từ 920 triệu đến 1.1 tỷ đồng, tăng 35-45%.
Theo Nghị định này, có bốn chức danh được sử dụng thường xuyên một xe hơi không quy định mức giá (nghĩa là bao nhiêu cũng được?) cả khi đã nghỉ công tác, là tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch Quốc hội.
Chức danh được sử dụng xe hơi trong thời gian công tác, không quy định mức giá (?), gồm: thường trực Ban Bí thư; ủy viên Bộ Chính trị; ủy viên Ban Bí thư; chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; chánh án Tòa án nhân dân tối cao; viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; phó chủ tịch nước; phó thủ tướng; phó chủ tịch Quốc hội.
Ngoài các chức danh nêu trên, một số chức danh được sử dụng xe hơi trong thời gian công tác, giá từ 1.25 đến 1.6 tỷ đồng, mức này tăng từ 330 – 500 triệu so với quy định năm 2019 (từ 920 – 1.1 tỷ đồng).
Chức danh được sử dụng xe hơi trong thời gian công tác với giá 1.6 tỷ đồng, gồm: ủy viên Trung ương Đảng chính thức; trưởng ban, cơ quan Đảng ở Trung ương; giám đốc Học viện Chính trị quốc gia HCM; tổng biên tập báo Nhân Dân, tổng biên tập Tạp chí Cộng sản; ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tổng thư ký, chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; chủ tịch Hội đồng Dân tộc, chủ nhiệm các Ủy ban; trưởng ban Công tác đại biểu, trưởng ban Dân nguyện).
Chức danh được sử dụng xe hơi giá 1.55 tỷ đồng, gồm: bộ trưởng và thủ trưởng cơ quan ngang bộ; chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; tổng Kiểm toán Nhà nước; trưởng tổ chức chính trị – xã hội trung ương được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động; phó chủ tịch – tổng thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; bí thư tỉnh – thành ủy, Đảng ủy Khối trực thuộc Trung ương; phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Riêng Hà Nội và Sài Gòn, các chức danh phó bí thư thành ủy, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND cũng được sử dụng xe hơi trị giá 1.55 tỷ đồng.
Chức danh được sử dụng xe hơi 1.5 tỷ đồng, bao gồm: chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam; chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam.
Ngoài ra, còn danh sách dài dằng dặc các chức danh được sử dụng xe hơi 1.25 – 1.4 tỷ đồng, bao gồm các loại phó, kể cả phó chủ tịch HĐND, phó chủ tịch UBND TP.Hà Nội, TP.HCM; phó bí thư chuyên trách công tác đảng ở các đảng ủy: Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Ngoại giao, Học viện Chính trị quốc gia HCM.
Nghị định 72 cũng quy định các chức danh trên được sử dụng xe hơi đưa đón từ nơi ở đến cơ quan, đi công tác với mức giá từ 1.25 đến 1.4 tỷ đồng. Nếu các chức danh này tự nguyện nhận khoán kinh phí sử dụng xe hơi (thay vì dùng xe công được cấp thì dùng xe công cộng rồi thanh toán lại) thì lãnh đạo các đơn vị sẽ quyết định.
Trường hợp tất cả các chức danh của từng bộ, cơ quan trung ương, tổng cục, tỉnh thành, tập đoàn kinh tế khoán kinh phí cho toàn bộ công đoạn (đưa đón từ nơi ở đến cơ quan, đi công tác) thì không trang bị xe.
Không có báo nào thống kê có tất cả bao nhiêu xe hơi công được phân phát cho cán bộ, quan chức sử dụng và hằng năm ngân sách nhà nước Việt Nam sẽ tiêu tốn bao nhiêu. Hình ảnh xe công đi kèm bài báo cũng rất hạn chế, thậm chí có báo còn không có hình ảnh.
Nhưng nếu ngày xưa các cán bộ, quan chức cộng sản sử dụng xe hơi đen hiệu Volga của Nga thì hiện tại hầu như chỉ sử dụng xe hơi đen hiệu Toyota.
Với mức giá mua xe công được cấp từ 1.25 tỷ – 1.6 tỷ đồng thì các cơ quan trung ương và các tỉnh/thành có thể chọn lựa nhiều dòng xe sang ở Việt Nam như Toyota Camry, Honda Legend, kể cả BMW 2 Series.
Tất nhiên, sử dụng xe gì, giá bao nhiêu, cũng là một cách thể hiện bộ mặt của công quyền, điều này không có gì đáng nói nếu xe công ở Việt Nam cấp cho cán bộ, quan chức được sử dụng đúng mục đích và không lãng phí.
Lao Động ngày 24 Tháng Ba 2022 dẫn báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết trong giai đoạn 2016-2021, có gần 7,000 xe công sử dụng sai mục đích, tiêu chuẩn, chính xác là 6,976 chiếc (xe hơi, mô tô, xe gắn máy), còn số tiền xử lý vi phạm về sử dụng phương tiện đi lại sai chỉ là 4.8 tỷ đồng.
Số lượng tài sản công khác được trang bị, sử dụng sai mục đích, sai chính sách, phát giác được là 33,608 tài sản, với số tiền xử lý vi phạm về quản lý, sử dụng tài sản khác là 38.2 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, diện tích trụ sở sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, sai chính sách là 47,324 m2; diện tích trụ sở sử dụng sai chính sách đã xử lý là 37,317 m2; số tiền xử lý vi phạm, thanh lý trụ sở thu được là 452.7 tỷ đồng; diện tích nhà công vụ sử dụng sai mục đích, sai tiêu chuẩn, chính sách là 147,911 m2…
Thật lãng phí tiền ngân sách, tức tiền thuế (tận thu bằng mọi cách) của dân và các doanh nghiệp.
Hồi Tháng Giêng 2019, bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã phải xin lỗi vì điều động xe công bảng số xanh cấp cho ông, vào phi trường Nội Bài đón vợ của ông ta, lúc 17 giờ ngày 4 Tháng Giêng.
Trong văn bản xin lỗi gửi cho báo chí, ông Trần Tuấn Anh biện minh, thời điểm xảy ra sự việc trên, ông phải nằm điều trị tại khoa Tim Mạch, bệnh viện Bạch Mai, theo yêu cầu của Ban bảo vệ sức khoẻ Trung ương, nên bốn ngày sau mới có thể phản hồi (!)
Theo quy định hiện hành, lãnh đạo cấp bộ trưởng và người phục vụ đưa đón có thể được cấp thẻ, giấy phép kiểm soát an ninh cảng hàng không, từ đó được đón tiễn tại sân đậu phi cơ và nhà ga VIP A thay vì phải di chuyển ở nhà ga như các hành khách thông thường khác. Thế nhưng, quy định này không áp dụng cho “người trong gia đình bộ trưởng”.
Mạng xã hội Việt Nam lúc bấy giờ sôi sục vì chuyện này, đòi ông bộ trưởng thường cao rao giảng đạo đức mà chẳng giữ đúng luật – phải từ chức, nhưng tất nhiên, không bị đảng cách chức thì các quan nhà sản ngu gì từ chức!
Một bài viết trên Báo Tin Tức ngày 29 Tháng Tư 2018 cho biết “xe công đang ngốn rất nhiều ngân sách”. Theo tính toán của Bộ Tài chính, hiện cả nước có khoảng 34,000 chiếc xe hơi công phục vụ các hoạt động chung tại các cơ quan đơn vị, với kinh phí “nuôi” xe công trung bình lên tới 223 triệu đồng/xe/năm ($9,131/xe/năm).
Thử tính tròn kinh phí “nuôi” xe công là $9,000/xe x 34,000 xe thì một năm ngân sách nhà nước đã phải tiêu tốn US$306 triệu!
Với việc Nghị định 72 tăng kinh phí trang bị xe hơi công cho cán bộ, quan chức thì hẳn nhiên kinh phí “nuôi” xe công hằng năm cũng sẽ tăng!