Vietnam Airlines: từ con cưng của Hà Nội đến vỡ nợ!

(Hình: Tiền Phong)

Lần đầu tiên sau 14 năm, kể từ sau sự đổ vỡ của tập đoàn Vinashin, tình hình nợ nần của một doanh nghiệp “con cưng” của nhà nước lại được đưa lên diễn đàn Quốc Hội Việt Nam.

Đó là hãng Hàng Không Quốc Gia Vietnam Airlines và khoản vay tái cấp vốn trị giá 4,000 tỷ VNĐ được chính phủ bảo lãnh. Nhà nước CSVN tiếp tục “đặc ân” phá vỡ quy chuẩn tín dụng để gia hạn nợ cho Vietnam Airlines, và chính đặc quyền này đang làm “méo mó” nền kinh tế Việt Nam cùng những hệ lụy to lớn đằng sau. 

Trước mối e ngại về nguy cơ sụp đổ của Vietnam Airlines do các khoản vay tái cấp vốn trị giá 4,000 tỷ VNĐ từ năm 2021 đang đến hạn trả nợ vào Tháng Bảy này, Quốc Hội đã phải thông qua đề xuất gia hạn thời hạn trả nợ cho Vietnam Airlines. Quyết định này cho phép hãng hàng không này được gia hạn tối đa 3 lần, kéo dài đến cuối năm 2027.

Việc gia hạn này tạo điều kiện cho Vietnam Airlines hoàn tất các nỗ lực tái cấu trúc các khoản đầu tư không cốt lõi, phát hành cổ phiếu mới và cải thiện hoạt động kinh doanh, từ đó tránh được nguy cơ vỡ nợ. Các ngân hàng cho vay, bao gồm Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank), Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), cũng cam kết tiếp tục hỗ trợ Vietnam Airlines trong thời gian này. Nhưng hệ lụy đằng sau khoản vay tái cấp vốn này và việc phải gia hạn nợ vay thì lại rất lớn.

Vietnam Airlines được đặc quyền cho vay dưới chuẩn với lãi suất thấp làm phá vỡ tiêu chuẩn tín dụng Việt Nam.

Theo Thông tư 04/2021/TT-NHNN, Ngân hàng Nhà nước đã cho SeABank, MSB và SHB vay 4,000 tỷ VNĐ với lãi suất 0% trong ba năm, tức tới Tháng Bảy năm 2024, để tái cấp vốn cho Vietnam Airlines, đồng thời đảm bảo hãng bay quốc gia này không bị nhảy nhóm nợ. Tuy nhiên, nếu Vietnam Airlines vỡ nợ, cả ba ngân hàng này sẽ phải tự chịu trách nhiệm trả nợ cho Ngân hàng Nhà nước với lãi suất lên tới 150% bằng cách tự trích tài khoản tiền gửi của Ngân hàng Thương mại tại Ngân hàng nhà nước.

Không những thế, Vietnam Airlines sẽ bị xếp vào nợ xấu nhóm 5. Điều này sẽ làm tăng tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng và ảnh hưởng đến xếp hạng tín dụng. Do đó, rủi ro về lãi suất đối với các ngân hàng thương mại còn lớn hơn cả Vietnam Airlines, nếu khoản vay này trong trường hợp hãng hàng không này vỡ nợ.

Đó cũng là lý do Hà Nội tiếp tục phải “cắn răng” gia hạn trả nợ của Vietnam Airlines nếu không muốn tình hình thị trường tài chính và nợ xấu ngân hàng ngày càng tệ thêm.

Mặc dù con số 4,000 tỷ VNĐ không là nhiều với quy mô kinh tế Việt Nam nhưng việc Vietnam Airlines vỡ nợ có thể gây ra khủng hoảng niềm tin vào kinh tế Việt Nam của người dân, nhất là sau các đại án kinh tế như FLC, Tân Hoàng Minh và Vạn Thịnh Phát của Trương Mỹ Lan.

Chưa kể, khoản vay tái cấp vốn cho Vietnam Airlines là một khoản vay rủi ro và dưới chuẩn nhưng ba ngân hàng thương mại vẫn phải giải ngân theo chỉ đạo và gánh toàn bộ rủi ro. Thậm chí “đặc ân” không để cho khoản vay của Vietnam Airlines nhảy nhóm nợ dù đã lỗ cả 3 năm nay đã làm phá vỡ cả quy chuẩn tín dụng của thị trường tài chính Việt Nam.

Vai trò của Nhà nước là đảm bảo luật chơi công bằng, không phải là can thiệp vào cuộc chơi để tạo lợi thế cho bất kỳ người chơi nào. Và đó cũng một trong những ví dụ mà phía Mỹ nhìn vào, đã do dự trong việc đánh giá Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế thị trường.

Nếu trong trường hợp các tập đoàn nhà nước độc quyền như EVN, PVN, Than Khoáng sản Việt Nam,… rơi vào nguy cơ phá sản như Vietnam Airlines hay Vinashin, các ngân hàng thương mại sẽ còn phải bị giải ngân dưới chuẩn để giải cứu bao nhiêu lần nữa. Và tất cả những khoản tiền này đều là tiền gửi tiết kiệm và tiền đóng thuế của người dân cũng như bên chịu thiệt sau cùng vẫn là họ.

Phi cơ và tiếp viên hãng Hàng Không Vietnam Airlines. (Hình: Bac Pham/picture alliance via Getty Images)

Đặc ân cho Vietnam Airlines đang gây bất bình đẳng cho ngành hàng không Việt Nam

Với vai trò là hãng hàng không quốc gia, Vietnam Airlines được hưởng nhiều đặc quyền từ Nhà nước, chủ sở hữu tới 86,34% cổ phần hãng bay, mà không bất kỳ hãng bay trong nước lẫn quốc tế nào có được. Nhưng bảo lãnh cho các khoản vay không phải là đặc ân duy nhất của Vietnam Airlines được nhận từ chính phủ.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam cũng đã được Bộ Tài Chính cho phép giảm khấu hao tài sản cố định theo hướng dẫn kế toán riêng qua đó giúp Vietnam Airlines thêm dòng tiền hàng năm để giảm chi phí và lỗ nhưng vẫn ghi nhận số lỗ lũy kế khổng lồ lên tới 41,000 tỷ VNĐ.

Ngay kể cả khoản lợi nhuận quý 1/2024 là hơn 4,300 tỷ VNĐ chỉ đến qua việc Vietnam Airlines tiếp nhận hãng hàng không giá rẻ Pacific Airlines từ Qantas Airlines, chứ không phải từ lợi nhuận kinh doanh cốt lõi. Tính đến ngày 31 Tháng Ba, Vietnam Airlines vẫn còn lỗ lũy kế 36,742 tỷ VNĐ. Điều này khiến vốn chủ sở hữu của công ty đã âm 12,556 tỷ VNĐ tính đến hết quý I năm nay.

Sự can thiệp của Chính phủ, đặc biệt là việc ưu ái dành cho Vietnam Airlines, đang tạo ra một sân chơi méo mó và bất bình đẳng trong ngành hàng không Việt Nam. Theo số liệu từ Cơ quan Quản lý Thương mại Quốc tế (ITA), Vietnam Airlines và Vietjet đang chiếm lĩnh thị phần áp đảo, lần lượt là 40% và 34%. Trong bối cảnh đó, việc Vietnam Airlines – hãng hàng không vốn đã có vị thế thống trị – còn được hưởng các đặc quyền đặc biệt từ chính phủ càng khiến tình trạng bất bình đẳng thêm trầm trọng.

Điều này không chỉ gây khó khăn cho các hãng hàng không khác trong việc cạnh tranh, mà về lâu dài, làm thiếu đi một môi trường cạnh tranh lành mạnh sẽ kìm hãm sự phát triển của ngành hàng không Việt Nam, khiến ngành này khó có thể bứt phá và hội nhập sâu rộng với thị trường quốc tế.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Lối sống con lắc
Việc liên tục theo đuổi sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là điều đáng ngưỡng mộ, nhưng rất khó khăn. May thay, có một quan điểm mới…
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: