Sau hơn một năm hoạt động, tuyến xe buýt điện D4 đầu tiên của Sài Gòn báo lỗ gần 30 tỷ đồng (?!) Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Sinh thái Vinbus (gọi tắt là Vinbus) có thể phải xin ngừng hoạt động tuyến buýt điện này vào cuối năm nay, vì không thể tiếp tục “gồng lỗ”.
Lời than đó khác hẳn lời nói khoa trương từ hơn một năm trước, ngày 8 Tháng Ba năm 2022, khi Vinbus khai trương tuyến xe buýt điện đầu tiên kết nối với hệ thống vận tải hành khách công cộng tại Sài Gòn.
Ngày đó, ông Lê Hòa Bình, Phó CT.UBND TP.HCM ca ngợi tuyến xe buýt này lắm, nào là nó hội tụ nhiều công nghệ hiện đại như hệ thống tự động kiểm soát hành vi của người lái, cảnh báo nguy cơ gây mất an toàn, chế độ tự động hạ thấp thân xe khi lên xuống phù hợp người già, trẻ em, người khuyết tật, phụ nữ mang thai… Wifi miễn phí, thanh toán không tiền mặt, màn hình giải trí, hệ thống camera an ninh, kiểm soát hành trình.
Ông Bình cũng cho rằng việc đưa xe buýt điện vào hoạt động với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính trong giao thông đồng thời góp phần thay đổi thói quen của người dân trong việc lựa chọn sử dụng phương tiện giao thông xanh cũng là mục tiêu quan trọng của chính quyền thành phố.
Còn ông Nguyễn Văn Thanh, Phó tổng giám đốc Vinbus, cho biết xe buýt điện Vinbus rất thân thiện với người khuyết tật, phương thức thanh toán hiện đại, hành khách có thể đăng ký vé điện tử qua nhiều kênh như Facebook, website, Zalo… Vinbus dùng hệ thống thanh toán không tiền mặt, và xem đó là một “đột phá” mang tính hiện đại, văn minh.
Ông Thanh nhấn mạnh rằng “mục tiêu của Vinbus sẽ mở thêm nhiều tuyến xe buýt điện phục vụ người dân, góp phần tham gia xây dựng mạng lưới giao thông công cộng xanh, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường”.
Thế mà chỉ hơn một năm, lời phát biểu mang “tính cách mạng” của hai ông Bình và Thanh chẳng còn chút giá trị nào. Đầu Tháng Mười Một, Vinbus báo lỗ gần 30 tỷ đồng sau hơn một năm hoạt đồng. Họ báo vậy thôi chứ chẳng ai biết có đúng như thế hay không.
Từ con số “lỗ chỏng gọng” đó, Vinbus e rằng phải xin ngưng hoạt động tuyến buýt điện thí điểm D4 vào cuối năm nay, thời điểm bà con nghèo rất cần phương tiện công cộng đi làm, đi chợ chuẩn bị cho cái Tết Nguyên đán sẽ đến vào Tháng Hai năm 2024.
Điều người dân thắc mắc là qua báo cáo của Sở GTVT TP.HCM, tuyến xe buýt điện này dù được đánh giá hoàn thành tốt nhiệm vụ với số điểm 100/100 điểm, nhưng lượng khách tăng trưởng không như kỳ vọng. Chẳng biết lượng khách tăng như thế nào mới vừa lòng lãnh đạo.
Còn Công ty Vinbus – đơn vị vận hành tuyến buýt điện D4 – nhận định tỷ lệ trợ giá 44.1% đang được hưởng là thấp trong điều kiện hiện nay. Điều này dẫn đến sự thua lỗ của công ty. Do đó, đơn vị này đề nghị điều chỉnh mức trợ giá để phù hợp hơn cho các tuyến buýt điện của TP.HCM.
Cuối cùng người dân mới biết chân tướng vụ việc. Ông Trần Văn Thời, cư dân Sài Gòn đánh giá:
“Tôi có cảm giác như Vinbus đang ‘tống tiền’ chính quyền thành phố. Tỷ lệ trợ giá đã được hai bên thống nhất trước khi ký hợp đồng, và Vinbus đã chấp nhận, giờ họ lật ngược lại nói rằng quá ít khiến họ bị lỗ quá nhiều, rồi đòi thêm. Nếu không thỏa mãn yêu cầu của họ, họ sẽ dẹp bỏ tuyến xe buýt này, gây khó khăn cho người dân thành phố, nhất là trong những ngày cuối năm”.
Một cư dân Sài Gòn khác, ông Lê An, người sử dụng thường xuyên tuyến xe buýt D4 cho biết:
“Tôi không cho rằng Vinbus dám ‘tống tiền’ chính quyền thành phố. Có thể đây là một kịch bản được hai bên thống nhất, để không một công ty xe buýt nào có thể ‘xung phong’ chạy với tỷ lệ trợ giá 44.1% cả, một tỷ lệ cầm chắc cái lỗ. Họ giành hợp đồng trước, rồi viện cớ lỗ quá xin chính quyền định lại tỷ lệ này, thế là họ nắm trong tay toàn bộ các tuyến đường ở Sài Gòn, tha hồ mà lời. Lỗ 30 tỷ đồng bây giờ mà sau này nhận lại 300, thậm chí 3,000 tỷ đồng thì tha hồ chia nhau!”