Vĩnh biệt người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu

Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

Ông Nguyễn Hữu Cầu sinh năm 1947 (Đinh Hợi), quê quán Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang là một tù nhân lương tâm với 37 năm tù đày lâu nhất lịch sử Việt Nam kể từ sau 1975. Ông qua đời vào ngày 19 Tháng Mười Hai, 2022 tại nhà riêng ở Kiên Giang.

Ông Nguyễn Hữu Cầu vốn là cựu Đại úy Chủ Lực Quân, xuất thân khóa 6/68 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, ra trường về phục vụ tại Tiểu Khu Quảng Nam, thuộc vùng 1 chiến thuật – quân đội Việt Nam Cộng Hòa. Ông bị bắt làm tù binh sau khi Vùng 1 chiến thuật thất thủ vào đầu Tháng Tư 1975. Sau 30 Tháng Tư 1975 khi miền Nam sụp đổ, ông bị chuyển thành “học tập cải tạo” và được thả về vào cuối năm 1980, sau hơn 5 năm bị tù.

Ông Nguyễn Hữu Cầu còn được những người quen biết, đặt cho ông biệt danh là người tù thế kỷ, bởi hai lần tù dài. Lần thứ nhất là đi học tập cải tạo sau 1975, và lần thứ hai chuyển từ tử hình xuống chung thân. Sau đó do áp lực liên tục trong và ngoài nước, ông được trả tự do với sức khỏe suy kiệt, mắt lòa và nhiều chứng bệnh khác. Tổng cộng ông chịu 37 năm tù.

Lần tù thứ 2, là do ông vô tình biết được việc quan chức ở Kiên Giang lúc đó tổ chức trại giam riêng để cưỡng hiếp trẻ vị thành niên, là những người vượt biên bị bắt lại. Một bé gái tên Tuyết, 16 tuổi, nhà ở Phú Nhuận, Sài Gòn, vô tình gặp ông đi ngang tổ quỷ, đã vẫy, gọi ông nhờ cứu giúp, mà ông kể là khi chứng kiến sự đau đớn của bé gái đó, ông phẫn nộ đến mức quyết lên tiếng, bất chấp thân phận là một cựu binh VNCH đang bị làm khó dễ ở quê nhà.

Tháng Tám 1981, ông làm đơn thư tố cáo đích danh Viện trưởng VKSND Kiên Giang là Nguyễn Thế Đồng cùng nhiều quan chức khác phạm tội tham nhũng và hủ bại, với các chữ ký sẵn sàng làm chứng của các đảng viên, người dân trong vùng vì đã quá tức giận trước những điều thối nát kéo dài. Thư của ông gửi thẳng cho báo Nhân Dân, nhưng một tháng sau lại quay về Kiên Giang và đến bàn làm việc của Đồng. Những tin tức này, về sau ông dần dần thu thập được bởi trong trại giam của ông cũng xuất hiện các cán bộ, dân làm ăn với chính quyền cũng bị tù, làm bạn với ông và tiết lộ. Từ khi biết người tố cáo mình là Nguyễn Hữu Cầu, chính quyền tỉnh Kiên Giang liên kết cô lập ông, vô cớ đến mức khi ông mua vé xe đi Sài Gòn khám bệnh cũng không được.

Năm 1983, trong một vụ án chính trị, đột nhiên ông Cầu bị đưa tên vào vì cho là đã tham gia viết các nội dung chống chế độ. Ông Cầu bị kêu án tử hình.

Khi ra tòa, phiên xử 5 ngày công khai ở rạp hát Nghệ Đô, với nhiều bị cáo, bao gồm cả các chức sắc tôn giáo, tất cả đều phủ nhận không liên quan gì đến ông Cầu, thậm chí không biết ông Cầu là ai. Do không xác định được tội nên án tử hình được chuyển thành chung thân.

Điều đáng nói là Nguyễn Thế Đồng đã cho bộ hạ làm giả hồ sơ và những chứng cứ giả để tìm mọi cách cố ý hại chết ông Cầu, đến mức luật sư Nguyễn Thời Vượng của chính quyền trong phiên tòa cũng phải bất mãn, phải nhắc rằng các sự kiện bịa ra hoàn toàn sai lịch sử và ngớ ngẩn, chẳng hạn như việc kết tội ông Cầu là tay sai bí mật của Mao Trạch Đông. Lý do vì trong phiên tòa, ông Cầu đã đọc danh sách 11 thiếu nữ đi vượt biên bị bắt lại và trở thành nạn nhân dâm ô của Đồng và đồng bọn, ông yêu cầu xét đến chuyện này nhưng tòa bác bỏ lập tức.

Ông Cầu bị ép phải nhận bài hát mà ông viết về Chúa Jesus là bày tỏ ước mong Đế Quốc Mỹ quay trở lại, tên Đức Mẹ Maria trong bài hát của ông thì bị nói là mật danh của một nhân viên tình báo Mỹ. Sự ngu dốt và vô lý đến mức là công an Kiên Giang cho người phân tích kinh Chú Đại Bi của Phật giáo của mẹ ông để trong nhà, nói rằng đây là chứng cứ mật mã liên lạc với kẻ thù. Ông bị đánh và buộc phải khai hai tên Ca-Diếp và A-Nan trong sách Phật giáo là ai, đang trốn ở đâu.

Ông Nguyễn Hữu Cầu bị giam giữ tại khu tù chính trị biệt giam, phân trại K2, Z30A, Xuân Lộc, Đồng Nai. Với những năm dài tù đày và biệt giam khắc nghiệt ngoài sức tưởng tượng, đã khiến cho người cháu nội của ông, cháu Trần Phan Yến Nhi, 14 tuổi, đã phải viết thư, lên tiếng kêu cứu xin thế thân đi tù thay cho ông nội vì thấy ông quá đau yếu. Câu chuyện của ông Nguyễn Hữu Cầu đã dội ra thế giới và trở thành sự kiện được vận động liên tục của các tổ chức quốc tế. Đến Tháng Ba 2014, ông được trả về nhà.

Ông Nguyễn Hữu Cầu chỉ là một công dân bình thường ở miền Nam Việt Nam, nhưng ông không từ chối giúp đỡ người hoạn nạn, dù đó là người không quen biết, và chấp nhận những khốn khó xảy ra với đời mình vì hành động công chính. Năm 2014, khi được hỏi rằng ông có bao giờ hối tiếc về những điều mình đã làm khiến cho cuộc đời của ông chỉ là tù tội thôi? Ông nói mình không kịp nghĩ hay tính toán gì, mà chỉ biết sống với lẽ phải, bởi ông được giáo dục như vậy.

Ông ra đi trong sự thương tiếc của rất nhiều người thân quen, cũng như trong sự cảm mến của những người biết được câu chuyện đời của ông.

 

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: