Vụ đạp cửa lôi đi xét nghiệm: Công lý 404

Buổi tối ngày cuối tháng 9-2021, khi câu chuyện về người phụ nữ bị đủ loại lực lượng của chính quyền tấn công ngay trong căn nhà mình ở Thuận An, Bình Dương, vẫn còn đang nóng hổi trong dư luận, thì các bài báo nói tương đối đủ và đúng về sự kiện này đột nhiên mất dạng. Nhiều người hỏi nhau, và thử tìm vào báo Tuổi Trẻ điện tử, nơi có bài phát pháo đầu tiên mang tên “Phá cửa cưỡng chế dân đi xét nghiệm: Vi phạm quyền con người”, thì đã chỉ còn lại phần thông báo 404, lỗi vì không tìm thấy.

Việc những người làm kiểm duyệt ở Việt Nam cướp đi chứng tích, hay bịt miệng các ngôn luận từ giới truyền thông là điều không lạ. Thậm chí thói quen thô bỉ đó ngày càng trắng trợn đến mức trở thành chuyện cười mỉa thường ngày của đám đông dân chúng.

Nhưng điều đáng nói, sự xóa bỏ này chỉ tạm ẩn đi với người Việt Nam thôi. Hãy thử một dòng mô tả được tìm kiếm trên bing.com, đã cho thấy 3000 kết quả, thay vào lúc các trang bài ở Việt Nam bị xóa. Hình ảnh ông Võ Thanh Quan, Bí thư phường Vĩnh Phú đang hiên ngang và quyết liệt chỉ huy cuộc đột nhập tư gia có phụ nữ, trẻ em, bẻ tay rồi xô đẩy xuống sân để xét nghiệm, nay đã trở thành chuyện của cả thế giới rồi.

Những kẻ làm kiểm duyệt và quan chức ở Thuận An, Bình Dương đang muốn che giấu với ai vậy? Những hành động can thiệp rẻ tiền này, có phải đã vô hình trung biến sai lầm của một cá nhân lạm quyền và không đủ tư cách làm quan tại một thành phố nhỏ, trở thành chuyện bao che ở tầm quốc gia, mà tất cả hệ thống đều chịu vết nhơ chung?

Đừng quên, khi diễn giải và cố nói giảm nhẹ về hành động phi pháp như trộm cướp của ông Võ Thanh Quan, bà Huỳnh Thị Thanh Phương, bí thư thành phố Thuận An còn nhấn mạnh là “khi cả hệ thống chính trị căng mình chống dịch, tất cả điều luật đều không thể áp dụng bình thường”. Có nghĩa, trước sai lầm của thủ hạ, bà Phương đã đẩy cả một hệ thống chính trị Cộng sản Việt Nam án ngữ, chịu trách nhiệm thay cho hành động hồ đồ của một quan chức cấp thấp. Và hơn nữa, bà cũng không quên phủ nhận luôn giá trị luật pháp hiện hành của một quốc gia, để bao che cho tay chân của mình.

Thật khủng khiếp, chỉ là một vết thương nhỏ của “hệ thống chính trị” ở Bình Dương mà bà Huỳnh Thị Thanh Phương đã giới thiệu đủ cho người dân Việt Nam cả nước – và cả thế giới – thấy cuộc sống của nhân dân Việt Nam, bình an của một quốc gia Việt Nam, với mọi nỗ lực để dựng nên một thể chế, như đổ sông đổ biển.

Việc phủ nhận mọi giá trị luật pháp, được Quốc hội nhiều đời của Nhà nước Việt Nam xây dựng và được xác nhận bởi những người lãnh đạo cao nhất, chỉ qua một lần chọt mũi – nói theo kiểu dân gian – cũng có thể bị phế bỏ dễ dàng, để bảo vệ cho chuyện quan quyền, sai nha… để xông vào bẻ tay một phụ nữ, lôi ra khỏi nhà trước tiếng khóc thét của trẻ con, sự kinh hãi của dân cư. Nếu bỏ qua với hành động và tư duy của ông Võ Thanh Quan và bà Huỳnh Thị Thanh Phương, sớm muộn gì, cũng sẽ là tiền lệ đi đến hủy diệt mọi trật tự trên đất nước này.

Ai đã giới thiệu những người như vậy vào hệ thống cầm quyền? Và ai đã bầu cho họ? Tôi tin rằng chẳng có ai bầu cả. Những lá phiếu vô hồn được thúc hối ở các kỳ bầu cử tại Việt Nam, nay đã chỉ rõ bất cập của nó, và nhân dân đang phải chịu hậu quả trực tiếp.

Giờ thì khắp nơi, hệ thống truyền thông thuộc nhà nước đang đẩy mạnh hình ảnh ông Quan xin lỗi công khai nạn nhân là bà Hoàng Phương Lan. Nhưng việc “công khai” đó như thế nào? Mọi thứ diễn ra trong một căn phòng nhỏ khoảng 16m2, bà Lan ngồi cùng ông Quan và người hòa giải. Chung quanh thì lô nhô người phía chính quyền đang lăm lăm máy quay, máy chụp hình… chờ để bắt kịp hình ảnh vui vẻ, chân thành và tha thứ nhằm tuyên truyền.

Rất thú vị, là ngay ở buổi đầu bà Lan đã từ chối hòa giải suông. Có lẽ bà hiểu, đằng sau bà là cư dân của khu chung cư Ehome4, của những học viên lớp dạy của bà đang điếng người sự khung cảnh, và của con bà, với niềm tin rằng bà đã bị xúc phạm như thế nào.

Cuộc thương lượng hòa giải rõ là không cân sức, khi người được hỏi có đồng ý với lời xin lỗi không, lại là người đang bị thu giữ căn cước công dân, bị buộc ký các biên bản vi phạm theo quan điểm của những kẻ hành động sai quấy, nhân danh chính quyền.

Bà Hoàng Phương Lan, trong vòng vây “hòa giải”.

Nhưng quan trọng hơn, là bởi những bài báo mô tả đúng về tình cảnh của bà trên các trang báo nhà nước đang bị gỡ bỏ im lặng, cùng một hệ thống tay sai dư luận viên đang mở chiến dịch bôi nhọ bà về chuyện “ngoan cố”, “thiếu ý thức”, “bị cưỡng chế là đúng”… Hòa giải đang ở ý nghĩa nào trong bối cảnh u ám như vậy?

Không có gì mạt hạng hơn, khi mọi thứ giống như cả một “hệ thống chính trị” đang vào cuộc đế chống lại một người đàn bà. Mạt hạng tận cùng.

Bạn có đang tự hỏi với tôi không, rằng với những gì đang diễn ra, lời “xin lỗi công khai” đang được thực hiện bài bản ở Thuận An, Bình Dương, với bà Hoàng Phương Lan, có thật là sự chân thành nhận biết? Hay lại chỉ là thứ thủ đoạn thao túng dư luận, rập khuôn theo câu nói vô liêm của ông Mai Tiến Dũng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ: “Nếu ta sai, ta sẽ xin lỗi dân. Nếu dân sai thì dân phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: