Vụ suất ăn ‘lèo tèo’ vài món: Phụ huynh ‘soi’ kỹ quá nhà trường dừng bếp ăn

Theo thông báo của bà Hoàng Thị Thu Trinh, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Nghĩa, nhà trường sẽ tạm dừng bếp ăn bán trú kể từ ngày 19 Tháng Mười – Ảnh: Lao Động

Tin liên quan:

Vụ bữa cơm bán trú: Phụ huynh không chấp nhận lời xin lỗi

Hà Nội: Bữa cơm bán trú lèo tèo vài món, hiệu trưởng ‘nhận lỗi thiếu sót’

Chiều 18 Tháng Mười, bà Hoàng Thị Thu Trinh, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Nghĩa bất ngờ thông báo tới các bậc phụ huynh: “Để bảo đảm công tác chăm sóc bán trú được tốt hơn, theo chỉ đạo của cấp trên, Ban Giám hiệu Trường THCS Yên Nghĩa thông báo tới các bậc phụ huynh tạm dừng bếp ăn bán trú từ ngày 19 Tháng Mười. Thời khoá biểu học thêm của các lớp bán trú sẽ được thay đổi từ tuần 8. Rất mong phụ huynh học sinh phối hợp và thực hiện”.

Thông báo này làm phụ huynh hoàn toàn bất ngờ, vì trước đó, ngày 17 Tháng Mười, trong buổi họp chung giữa phụ huynh và Công ty TNHH Thương mại và Chế biến suất ăn Hoa Sữa, các bên đã thống nhất phương án tiếp tục giám sát bếp ăn đến hết Tháng Mười. Sau đó, dựa trên việc đánh giá hiệu quả, những thay đổi trong khẩu phần ăn của học sinh để quyết định tiếp tục hợp tác với đơn vị này hay không.

Thông báo này cho phụ huynh một cảm giác không mấy tốt đẹp về bà hiệu trưởng. “Có lẽ bà Trinh nghĩ chúng tôi ‘soi’ kỹ quá, nên giận không làm nữa. Trong khi đó, chúng tôi chỉ muốn mọi chuyện phải công khai, minh bạch, và điều quan trọng nhất là các con chúng tôi phải được ăn no, đúng giá chúng tôi trả”. Một phụ huynh giấu tên phát biểu.

UBND quận Hà Đông kiểm tra bữa ăn bán trú của học sinh Trường THCS Yên Nghĩa hôm 16 Tháng Mười – Ảnh: Lao Động

Một phụ huynh khác cho rằng cách hành xử của bà Trinh như là muốn “trả thù” phụ huynh vì “soi mói quá sâu vào bếp ăn”. Kiểu như “mấy bà tự lo cho con của mấy bà, tôi không làm nữa, xem ai khổ cho biết”.

Quả thật, nếu bà Trinh đóng cửa bếp ăn, phụ huynh có con em học bán trú sẽ phải bới cơm cho con mang theo mỗi sáng đi học, hoặc phải đi sớm, ghé một hàng quán nào đó mua phần cơm trưa cho con. Điều này có nghĩa là họ phải thêm việc vào thời gian ít ỏi của buổi sáng.

Một phụ huynh nói: “Các học sinh ăn bán trú thường có nhà ở xa, phụ huynh không có điều kiện thuận lợi để nấu ăn cho con, đưa đón con nên khi bếp dừng sẽ rất khó khăn. 500 học sinh sẽ làm gì vào thời gian trưa như vậy?” Phụ huynh này cũng kiến nghị, nếu nhà trường đóng cửa bếp ăn bán trú, thì cũng nên bỏ luôn việc dạy thêm buổi hai cho 500 học sinh này. Có nghĩa là bỏ luôn lớp bán trú cho được việc.

Lý giải việc đóng cửa bếp ăn bán trú, bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) quận Hà Đông cho biết lý do đơn giản là nhà trường không thể bố trí đủ nguồn lực, giáo viên tham gia giám sát quy trình thực hiện.

Hình ảnh suất ăn bán trú của học sinh Trường THCS Yên Nghĩa chỉ có vài món lèo tèo, không đủ no. Ảnh: PHCC

“Phụ huynh mong muốn các con được ăn bán trú nhưng quan trọng nhất, nhà trường không đủ nhân lực để giám sát, bảo đảm chất lượng bữa ăn cho các con. Mỗi ca cần ít nhất ba cô giáo giám sát mới đảm bảo nhưng trường đang thiếu giáo viên, rất khó để bố trí, sắp xếp người. Chính vì lý do này, nhà trường đã xin tạm dừng bếp ăn bán trú để tiếp tục tìm phương án phù hợp” – bà Hằng thông tin.

Phụ huynh không đồng ý cách lý giải của bà Hằng. “Đó chỉ là cách trả lời như cố tình bao che cho nhau. Nếu không đủ người thì tại sao ngay đầu năm trường đồng ý mở bếp ăn bán trú? Nói như bà Hằng có nghĩa là từ đầu năm học đến nay, do nhà trường thiếu người giám sát nên bữa ăn trưa của các học sinh mới không bảo đảm phẩm chất chăng? Nếu đã thiếu người thì tại sao nhà trường lại nhận làm? Và nếu bữa ăn kém chất lượng như thế thì phải thưa Công ty Hoa Sữa ra tòa vì đã vi phạm hợp đồng chứ tại sao lại phải đóng cửa bếp ăn?”

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: