Đề án “Huế – Kinh đô áo dài Việt Nam” được Ủy ban tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt ngày 29 Tháng Ba 2023 có tổng kinh phí thực hiện 535.5 tỷ đồng ($22,818,833).
Trong số đó, ngân sách địa phương sẽ chi 2%, tức 11 tỷ đồng ($468,734), còn lại là huy động… xã hội đóng góp (truyền thông trong nước gọi là “vốn xã hội hóa”). Vấn đề là mục tiêu của đề án này là… không tưởng, khi muốn biến Huế thành kinh đô áo dài của Việt Nam, nơi mọi người dân (kể cả nam giới) hình thành thói quen mặc áo dài thường nhật mỗi khi ra ngoài, dù là đi chơi, dạo phố, mua sắm, thăm viếng, làm việc….
Lao Động ngày 5 Tháng Tư 2023 đã đặt câu hỏi cho ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao tỉnh Thừa Thiên -Huế: “Huế sẽ xã hội hóa thế nào để ra con số hơn 500 tỷ đồng (hơn $21,306,100) thực hiện đề án “Huế-Kinh đô áo dài Việt Nam” với đầy vẻ nghi hoặc.
Thế nhưng ông Hải đã tự tin trả lời: Khi thực hiện đề án này, chúng tôi xác định phải hướng đến cộng đồng, để cộng đồng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản, vì vậy nguồn lực đầu tư cho đề án phần lớn cũng từ cộng đồng. Cùng với việc triển khai đề án, chúng tôi cũng sẽ tiến hành nghiên cứu và tham mưu đề xuất những chính sách phù hợp để huy động tối đa nguồn lực xã hội hóa và phát huy sức mạnh của cộng đồng. Vì vậy, con số đầu tư từ nguồn xã hội hóa từ nay đến năm 2030 khoảng hơn 500 tỷ đồng là con số hoàn toàn khả thi!
Chả hiểu ông Hải dựa vào đâu để nói rằng cộng đồng sẽ sẵn lòng đầu tư hơn $21 triệu cho những hoạt động chả mang lại lợi ích thiết thực cho đời sống của họ? Vì mục tiêu cụ thể của đề án là: Năm 2025 sẽ hoàn thành việc xây dựng bộ cơ sở dữ liệu, hình ảnh áo dài Huế qua các thời kỳ; Tổ chức định kỳ Tuần lễ áo dài cộng đồng Huế trở thành điểm nhấn quan trọng trong các kỳ Festival Huế; Xây dựng được bộ truyền thông về áo dài Huế; Tạo lập và quản lý nhãn hiệu “Huế – Kinh đô áo dài”; Hình thành một sản phẩm du lịch gắn với áo dài Huế; Năm 2030 hình thành bảo tàng, trung tâm trưng bày, trình diễn, may đo áo dài phục vụ khách du lịch; Ban hành tối thiểu một chính sách hỗ trợ phát triển áo dài Huế; Hoàn thiện hồ sơ nghề may áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại!
Hóa ra mục tiêu cuối cùng của đề án là đệ trình UNESCO xem xét, ghi danh nghề may áo dài và tập quán sử dụng áo dài truyền thống Huế là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Nghĩa là tất cả các hoạt động trước đó chỉ là hình thức, cốt đạt cho được cái bằng di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại của UNESCO. Nghĩa là ham danh mà thôi!
Dân Việt ngày 30 Tháng Ba 2023 ngay từ cái tựa đã không thèm úp mở: “Huế chi hơn 535 tỷ đồng thực hiện đề án đưa áo dài thành di sản đại diện của nhân loại”.
Báo Tin Tức hồi Tháng Bảy 2022 trong bài viết “Di sản áo dài xứ Huế” đã khẳng định áo dài xứ Huế là áo dài ngũ thân được sinh ra từ thời Chúa Nguyễn Phúc Khoát, hồi năm 1744, khi ông xây dựng lại đô thành Phú Xuân (Huế ngày nay), xưng vương hiệu và tiến hành cải cách nhiều mặt, trong đó quy định áo dài ngũ thân là thường phục của toàn dân. Áo ngũ thân chủ yếu có hai loại: Áo tay rộng (hay còn gọi là áo Tấc) thường được sử dụng trong các nghi lễ quan trọng; Áo tay hẹp (hay còn gọi là áo tay chẽn) được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày, khi thực thi công vụ hay các hoạt động khác. Năm thân áo bao gồm một thân con bên trong tượng trưng cho bản thân, bốn thân bên ngoài ở trước và sau tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu luôn bao bọc, che chở. Bên phải người mặc có năm chiếc cúc, mang ý nghĩa ngũ thường, những đức tính của một người quân tử cần có là nhân, lễ, nghĩa, trí, tín.
Từ đó, dân chúng, bất kể giới tính, đều phải dùng kiểu áo ngũ thân cổ dựng, cài khuy bên phải cùng với quần hai ống; trên đầu để tóc búi, đội khăn xếp hình chữ Nhân hoặc chữ Nhất đối với nam và khăn vành đối với nữ. Từ Hoàng cung đến các bộ, viện, phủ đường, ty, nha, quân doanh… ai ai cũng mặc như thế để thể hiện sự nghiêm túc, chỉn chu. Đến thời vua Minh Mạng, áo dài ngũ thân cổ đứng, gài năm cúc bên phải mặc kèm với quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục, phổ biến từ trong cung đình đến ngoài xã hội, từ Bắc chí Nam.
Bài báo kết luận: Như vậy, chiếc áo dài ngũ thân được sản sinh từ thời chúa Nguyễn Phúc Khoát và trở thành quốc phục dưới thời vua Minh Mạng, kéo dài trong khoảng 100 năm, đến nay bộ trang phục này đã có gần 300 năm lịch sử, và cố đô Huế xứng đáng trở thành kinh đô áo dài của Việt Nam (?)
Chuẩn bị cho việc này, từ Tháng Chín 2022, Sở Văn hóa -Thể thao Thừa Thiên Huế đã cho toàn bộ cán bộ mặc áo dài ngũ thân đến công sở làm việc trong ngày thứ hai mỗi đầu tháng, không biết giờ còn duy trì không, vì không thấy báo nào nhắc đến nữa. Cán bộ Sở Văn hóa – Thể thao mà chỉ có thể mặc áo dài làm đồng phục một ngày trong một tháng thì làm sao phổ biến loại trang phục này trong cuộc sống đời thường của dân Huế?
Áo dài là một trang phục đẹp và trang trọng, nhưng hiện biến tấu rất nhiều kiểu, tùy theo cá tính, vóc dáng và sở thích của người mặc, nên sẽ không bao giờ duy trì được một khuôn mẫu chung cho tất cả mọi người. Mặt khác, áo dài không giúp người mặc thuận tiện và thoải mái trong công việc thường nhật, kể cả đi học hay đi làm. Ngay như các trường trung học và công sở ở Sài Gòn, nhiều nơi đã chọn lựa đồng phục âu thay thế áo dài.
Nói về áo dài, thì hiện Sài Gòn có rất nhiều nhà thiết kế áo dài, chắc chắn họ không thích bó hẹp sự sáng tạo trong áo dài ngũ thân của cung đình Huế ngày xưa. Bây giờ Huế mới nghĩ đến chuyện lập bảo tàng áo dài, trong khi Sài Gòn đã có Bảo tàng Áo Dài của nhà thiết kế Sĩ Hoàng thành lập từ đầu năm 2014, nhưng đến nay cũng ít người viếng thăm, trừ những ai yêu thích việc chụp ảnh với áo dài.
Ca ngợi áo dài ngũ thân, tức yêu thích di sản văn hóa của triều Nguyễn, nhưng lại làm biến mất những tên đường Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, Duy Tân… và trong sách giáo khoa lịch sử vẫn phủ nhận công lao của nhà Nguyễn… thì rõ là chơi không đẹp.