Xu hướng sống độc thân của giới trẻ Việt vì lương thấp, không đủ chi tiêu

Nữ giới sợ lập gia đình vì bị áp lực phải chăm sóc con cái và dọn dẹp nhà cửa nhiều hơn nam giới – Ảnh biếm họa không rõ nguồn

Giới trẻ Việt đang có xu hướng chọn sống độc thân, hơn 30 tuổi vẫn ở nhà cùng cha mẹ, không dám lập gia đình riêng. 

Dân Trí ngày 27 Tháng Hai 2023 nêu vấn đề “lương chỉ 5 triệu đồng, đi làm hay “ở nhà mẹ nuôi”?” đề cập đến tình trạng nhiều bạn trẻ đi làm không đủ sống, phải thay đổi công việc ở nhiều nơi mà vẫn không khá hơn, quyết định ở nhà mẹ nuôi một thời gian để chờ cơ hội. 

Tại thành phố có mức sinh hoạt đắt đỏ nhất, nhiều bạn trẻ học xong đại học đi làm chỉ nhận được mức lương chưa đến 10 triệu đồng/tháng (dưới $420).

Theo báo cáo về thị trường lao động năm 2022 và dự báo nhu cầu nhân lực năm 2023 tại thành phố của Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động thành phố (Falmi), hơn 50% nhu cầu tuyển dụng lao động mới trong năm 2022 của các công ty chỉ có mức lương từ 5-10 triệu đồng/tháng ($210-$420), với các vị trí như nhân viên giới thiệu dịch vụ, tư vấn tuyển sinh, quản lý lớp học, tư vấn giáo dục, công nhân may, chăm sóc khách hàng, nhân viên kỹ thuật, nhân viên kho…

Thậm chí, hơn 6% chỗ cần tuyển dụng chỉ có mức lương dưới 5 triệu đồng/tháng (dưới $210) như phục vụ, tạp vụ, bảo vệ, nhân viên bán thời gian, nhân viên bán hàng siêu thị, phụ bếp, phụ xe, cộng tác viên nhập liệu…

Ngay cả những ngành nghề đòi hỏi chất xám cao cũng có mức lương vô cùng bèo bọt. Cuối Tháng Mười Hai 2022, trong buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội về thu nhập của nhân viên y tế, Trưởng trạm y tế thị trấn Hóc Môn Trương Thị Ánh Mai cho hay, thu nhập cao nhất tại đây là 6.6 triệu đồng ($277), thấp nhất là 4.2 triệu đồng ($176) trong khi phải kiêm nhiệm đủ thứ việc. 

Theo báo cáo của Công đoàn Y tế về tình hình hơn 9,000 viên chức y tế thôi việc – từ đầu năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2022 – cho thấy, mức lương của bác sĩ được tuyển dụng vào đơn vị công lập chưa đến 5 triệu đồng ($210). Hay báo cáo của Sở giáo dục và đào tạo chỉ ra mức lương khó tin của giáo viên tiếng Anh mới ra trường, chỉ khoảng… 3 triệu đồng ($126)! 

Lao Động ngày 28 Tháng Hai 2023 thẳng thừng hơn: Lương không đủ sống, người trẻ không dám lập gia đình, nên cuộc sống của vài người trẻ dù có làm quần quật cả tháng thì lương cũng không được 10 triệu (dưới $420), chi tiêu bản thân còn không đủ, sao dám lo cho ai? 

Nam giới sợ lập gia đình vì phải đối mặt với áp lực tài chính và mặc định của xã hội là trụ cột gia đình – Ảnh: Brightside

Câu chuyện thứ nhất của Ánh, nữ nhân viên văn phòng 25 tuổi ở tỉnh Thanh Hóa, lương 7 triệu đồng ($294) một tháng, trả tiền nhà trọ và tiền sinh hoạt đã hết sạch, nên phát sinh vấn đề gì như máy tính bị hư, người bị bệnh…. là cô phải vay tiền cha mẹ hay bạn để trả vì không có khoản dự phòng. Vì thu nhập chưa bảo đảm mức sống, mỗi lần về quê thấy người lớn nói ra nói vào chuyện nên lấy chồng, cô chỉ cười hoặc né tránh sang chuyện khác. Theo Ánh, một cuộc hôn nhân mà tài chính của hai vợ chồng bấp bênh, không ổn định sẽ dễ gây ra cãi vã, tranh chấp, vì cô từng chứng kiến rất nhiều cuộc hôn nhân tan vỡ vì tiền. 

Câu chuyện thứ hai của Đạt, nhân viên văn phòng 26 tuổi ở Hà Nội, luôn cảm thấy mình kém cỏi vì thu nhập chỉ 7.6 triệu đồng/tháng ($319). Đạt trải lòng: “Ở Hà Nội, dù hai vợ chồng cùng đi làm lương 10 triệu một tháng cũng không đủ. Nếu có nhà riêng hoặc ở nhà cha mẹ thì không sao. Nhưng nếu vẫn thuê phòng trọ tháng hết 5 triệu đồng, tiền điện nước khoảng 1 triệu đồng, ăn uống, xăng xe nữa thì chắc chắn không đủ”.

Với thu nhập hiện tại, chưa đủ lo cho mình và cha mẹ, Đạt không dám nghĩ tới chuyện có vợ, rồi có con. 

Trước đó, Lao Động ngày 7 Tháng Năm 2022 dẫn báo cáo của Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết: Tiền lương ảnh hưởng khá nhiều tới quyết định lập gia đình của công nhân, vì có tới 54.6% trong tổng số 269 người lao động tham gia khảo sát thừa nhận tiền lương và thu nhập hiện tại thấp nên chưa dám lập gia đình.

Bên cạnh lý do tài chính eo hẹp nên phải lựa chọn sống độc thân của nhiều người, cũng có số người trẻ tài giỏi, kiếm ra tiền, nhưng chủ động lựa chọn sống độc thân. 

Vnexpress ngày 2 Tháng Ba 2022 dẫn nghiên cứu của tổ chức quốc tế Euromonitor (London, Anh), cho biết hiện có hơn 300 triệu người sống một mình trên toàn cầu, tăng khoảng 80% so với 15 năm trước. Tại một số quốc gia châu Á như Trung Quốc, Nam Hàn, Nhật Bản thậm chí còn phát sinh khái niệm “nền kinh tế độc thân”, nơi hàng hóa, dịch vụ được thiết kế riêng để phục vụ các kiểu gia đình một người. Không ngoại lệ, tại Việt Nam, tỷ lệ người sống độc thân đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6.23% năm 2004 tăng lên 10.1% vào năm 2019, theo Tổng cục thống kê.

Thạc sĩ Võ Minh Thành, giảng viên khoa Tâm lý ĐH Sư phạm thành phố chia sẻ: “Sống độc thân đã trở thành xu hướng mới, đại diện cho sự độc lập về kinh tế và tinh thần của một số người trẻ”. Một nghiên cứu thực hiện năm 2012 bởi các nhà tâm lý học ĐH San Diego và được Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ công bố, những người sinh ra trong thập niên 80 và 90 thường tự cho mình là trung tâm hơn so với thế hệ trước. Họ trân trọng chủ nghĩa cá nhân, biểu hiện lớn nhất là khát vọng sống cho mình. Nếu hôn nhân không thể cải thiện chất lượng cuộc sống, hoặc ảnh hưởng đến giá trị bản thân, họ sẽ chọn sống độc thân. Theo ông Thành, ngoài lý do theo đuổi chủ nghĩa cá nhân, việc chưa tìm thấy đối tượng phù hợp, sợ trẻ con hay bị ám ảnh về hôn nhân không hạnh phúc cũng khiến nhiều người chọn sống độc thân.

Theo thạc sĩ Võ Minh Thành, cuộc đời có hôn nhân không phải đã là thành công và độc thân không phải là thất bại. Nếu hiện tại, những người độc thân đang hạnh phúc với sự lựa chọn của họ thì nên trân trọng, nhưng nếu nhìn vào sự phát triển lâu dài của xã hội chắc chắn sẽ có những hệ lụy.

Share:

Ý kiến độc giả
Quảng Cáo

Có thể bạn chưa đọc

Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Quảng Cáo
Share trang này:
Facebook
Twitter
Telegram
WhatsApp
LinkedIn
Email
Kênh Saigon Nhỏ: